Sau cổ phần hóa, Cienco 1 kinh doanh ra sao?
Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) được ví như cánh chim đầu đàn trong các tổng công ty công trình giao thông của Bộ Giao thông vận tải. Sau cổ phần hóa, mặc dù vẫn góp mặt tại các dự án giao thông lớn nhưng kết quả kinh doanh của cánh chim đầu đàn này đang dần đi xuống.
Dù trúng nhiều gói thầu quy mô lớn nhưng kết quả kinh doanh của Cienco 1 đang đi xuống rõ rệt. Ảnh: Quang Tuấn
Ai sở hữu Cienco 1?
Năm 2014, đơn vị xây lắp có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cầu đường này đã chính thức cổ phần hóa. Quá trình thoái phần vốn còn lại của Nhà nước ở Cienco 1 sau đó diễn ra nhanh chóng và triệt để. Chỉ một năm sau, Cienco 1 đã được sở hữu 100% bởi các ông chủ dân doanh.
Quá trình sở hữu của các ông chủ dân doanh ở đây cũng có nhiều xê dịch. Các cổ đông lớn liên tục đến rồi đi tại Cienco 1, từ Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà, Công ty CP Máy xây dựng Hassyu, Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon, Công ty CP Hạ tầng Fecon, đến Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)… Duy chỉ có Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh – cổ đông chiến lược – thể hiện sự gắn bó lâu dài.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét năm 2017 của Cienco 1 thì tính đến cuối năm này, Cienco 1 có 4 cổ đông lớn là: Công ty CP An Hiền (24,5%); Công ty CP Đầu tư Cái Mép (16,8%); Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An (19,1%); Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (28,5%). Riêng 4 cổ đông này đã sở hữu gần 90% cổ phần Cienco 1.
Nhóm cổ đông này, về hình thức là những pháp nhân độc lập, nhưng không loại trừ khả năng đều xuất phát từ một gốc.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh được thành lập năm 2005, một thời gian dài do bà Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985) – Chủ tịch HĐQT – làm đại diện theo pháp luật. Bà Hoan cũng là cổ đông lớn nhất tham gia nắm giữ số vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng của Yên Khánh, với tỷ lệ 69,5%, bên cạnh hai cổ đông họ Đinh là: Đinh Thị Hiên (30%) và Đinh Ngọc Liên (0,5%).
Video đang HOT
Đáng chú ý, bà Hoan là cháu ruột của cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (xuất thân từ huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Công ty CP An Hiền thành lập năm 2006, do ông Đoàn Minh Toàn – Tổng giám đốc – làm đại diện. Ông Toàn (sinh năm 1982) là chồng bà Vũ Thị Hoa (sinh năm 1984) – chị gái của bà Vũ Thị Hoan.
Công ty CP Đầu tư Cái Mép thành lập năm 2006, từng có giai đoạn do bà Vũ Thị Hoa – chị gái bà Vũ Thị Hoan và là vợ ông Đoàn Minh Toàn – là người đại diện theo pháp luật.
Còn Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An tuy đăng ký trụ sở tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh nhưng cũng được thành lập bởi 2/3 cổ đông sáng lập là người xã Khánh An – huyện Yên Khánh – Ninh Bình, là: ông Đinh Ngọc Hùng (20%) và bà Lê Thị Hoa (15%).
Cuối tháng 11/2018, bà chủ của Yên Khánh là Vũ Thị Hoan đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Đơn vị tính: tỷ đồng
Kinh doanh lao dốc
Những tưởng với sự thay đổi cổ đông một cách căn bản và không còn vốn nhà nước, Cienco 1 sẽ có điều kiện đi lên. Nhưng hoạt động kinh doanh của Công ty đi xuống rõ rệt.
Nếu như doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2013 lần lượt đạt 5.980 tỷ đồng và 45,5 tỷ đồng, thì sang năm 2014 – thời điểm cổ phần hóa, doanh thu giảm nhẹ 2,6% xuống còn 5.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 100,7 tỷ đồng, tăng 121%.
Các năm sau đó, doanh thu và lãi ròng đều sụt giảm. Đặc biệt, năm 2017, doanh thu còn chưa chạm nổi 2.000 tỷ đồng, lãi ròng chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng. Hiện Công ty chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018.
Những dự án nghìn tỷ
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Công ty CP An Hiền, Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An hay Công ty CP Đầu tư Cái Mép không chỉ có khoản đầu tư vào Cienco 1, mà nhóm này cũng đồng hành cùng Cienco 1 tại các dự án giao thông lớn.
Một trong những dự án đáng chú ý nhất là Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới (hay còn gọi là cầu Hạc Trì) với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, Liên danh Cienco 1 – Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh – Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P đã lập ra Công ty CP BOT cầu Việt Trì với vốn điều lệ 265 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của các thành viên Liên danh nhà đầu tư lần lượt là Cienco 1 20% (53 tỷ đồng), Yên Khánh 40% (106 tỷ đồng) và Thái Sơn Bộ Q.P 40% (106 tỷ đồng).
Cienco 1 cũng bắt tay với Yên Khánh để đầu tư xây dựng Dự án BOT cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cienco 1 cũng góp mặt tại Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cùng với Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Đây là một dự án BOT với tổng mức đầu tư ban đầu là 6.731 tỷ đồng.
Thời gian qua, Cienco 1 và các công ty thành viên đã được công khai trúng hàng trăm gói thầu quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, nếu không tính các gói thầu do công ty thành viên đảm nhận, từ tháng 11/2015 trở lại đây, Cienco 1 đã được công khai trúng 13 gói thầu quy mô lớn, có những gói quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, Cienco 1 đang trong thời gian thi công 2 gói thầu “khủng”.
Cụ thể, vào tháng 1/2018, với tư cách là nhà thầu đứng đầu liên danh, Cienco 1 đã được công bố trúng Gói thầu số 6 Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và toàn bộ phần thi công xây dựng (gói thầu EC) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành (cầu vượt sông Đuống nối hai huyện Tiên Du – Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) với giá trúng thầu 1.348 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng).
Vào tháng 9/2017, Cienco 1 cũng đã liên danh với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trúng Gói thầu số 15 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang với giá trúng thầu gần 699 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng).
Tuấn Anh
Theo baodauthau.vn
Minh bạch với thu phí không dừng
Tối hậu thư của Tổng cục Đường bộ sẽ dừng thu phí trước 16 giờ ngày 10.7 đối với 3 trạm BOT không ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí không dừng là điều cần thiết để chấm dứt sự chây ì gây bức xúc dư luận của các chủ đầu tư BOT trong hơn 3 năm qua.
Thực ra từ đầu tháng 4, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã có tối hậu thư về chuyện này. Thời điểm đó Bộ trưởng Thể yêu cầu các đơn vị phải cam kết mốc thời gian áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC), nếu chậm sẽ cắt hợp đồng hoặc dừng thu phí. Bộ GTVT cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại để bàn giải pháp kết nối tài khoản cá nhân với tài khoản giao thông cũng như các vấn đề liên quan. Sở dĩ có chuyện này là suốt thời gian qua, nhiều chủ đầu tư BOT viện dẫn lý do "ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý" để trì hoãn việc áp dụng ETC. Nói thẳng ra thì ai cũng biết việc viện dẫn lý do này kia cũng chỉ là cái cớ, còn mục đích thực sự là hòng mập mờ doanh thu, trốn thuế mà thôi. Bởi áp dụng ETC không chỉ giúp người sử dụng biết mình phải đóng bao nhiêu tiền, mà cơ quan quản lý có thể giám sát được số thu, lượng xe tại các trạm BOT, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân sự cho các chủ đầu tư. Hệ thống cũng có thể ghi nhận thông tin để phát hiện biển số giả, xe hết hạn đăng kiểm, xe vi phạm giao thông...; nói tóm lại là mang lại lợi ích thiết thực cho các bên có liên quan. Thế thì ngoài việc muốn làm điều mờ ám, chẳng có lý do gì để trì hoãn một việc ích nước lợi nhà thế này! Chẳng nói đâu xa, vụ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị cướp tiền thu phí hồi đầu năm nay gây ra những nghi vấn về số tiền thu phí thực sự mỗi ngày của trạm này là một minh chứng điển hình cho sự thiếu minh bạch nếu vẫn còn duy trì thu phí tiền mặt như hiện nay. Cơ quan quản lý nhà nước không quyết liệt cũng phải đặt vấn đề về động cơ. Với những gì diễn ra trên thực tế, việc bây giờ mới ra tối hậu thư thực ra là quá muộn.
Không chỉ thu phí ETC, liên quan đến BOT còn rất nhiều vấn đề. Chuyện nhà đầu tư đòi trả lại dự án BOT vì lỗ; chủ đầu tư đề xuất Chính phủ hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng vì thu phí không đạt doanh số như kế hoạch... Những đề xuất, kiến nghị phi thị trường thế này cũng cần một thái độ kiên quyết, dứt khoát từ phía cơ quan có thẩm quyền để không tạo ra tiền lệ xấu. Những hợp đồng hợp tác công - tư như BOT, BT hay BO, nhà đầu tư tất nhiên đã điều nghiên kỹ càng, tính toán thiệt hơn đầy đủ trước khi đầu tư. Trừ những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa thì nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách nào đó. Đâu thể lời thì bỏ túi, nhắm thấy lỗ thì ăn vạ trả lại được.
Trong bối cảnh ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng như hiện nay, các hình thức hợp tác công - tư vẫn là giải pháp huy động vốn quan trọng, tất yếu. Vì thế, minh bạch để người dân ủng hộ, để có vốn làm đường, làm cầu... là hết sức cần thiết trong thời gian tới.
Theo thanhnien.vn
Siết tín dụng cho dự án BOT, BT: Liều lượng thế nào là hợp lý? Động thái "siết tín dụng" của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông đã và đang làm "vắng bóng" các dự án đầu tư theo các hình thức này. Hiện đang tồn tại những ý kiến khác nhau về việc siết chặt cho vay đối với...