Sau chuỗi ngày từ lúc con ho nhẹ, suy hô hấp đưa đi chụp X-quang trắng xóa, người mẹ trẻ lên tiếng cảnh báo nghiêm cấm người lớn làm điều này
Tưởng chừng như chỉ là một cơn ho bình thường, nhưng bé Diệp Anh lại phải trải qua một hành trình chiến đấu kinh khủng với vi khuẩn kháng thuốc. Nguyên nhân có thể từ một nụ hôn.
“ Nụ hôn tử thần” vốn được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng ít ai biết là nó dễ gặp và có thể tước đi mạng sống của con mình bất kỳ khi nào. Chị Trà My (31 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) sau chuỗi ngày kinh khủng cùng con chiến đấu lại với loại vi khuẩn Haemophilus Influenzae (hay còn gọi là HI) đã phải lên tiếng cảnh báo các mẹ về điều này. Bởi chỉ từ một vài cơn ho nhẹ, bé Diệp Anh trải qua bao nhiêu liệu trình điều trị vẫn không đỡ, cuối cùng bị suy hô hấp, phim chụp phổi X-quang trắng xóa và may mắn là phát hiện ra bị nhiễm loại vi khuẩn kháng thuốc nên mới kịp thời điều trị được.
Khi nghe bác sĩ giải thích về nguyên nhân, chị Trà My mới ngã ngửa ra. “Mình có thắc mắc với bác sĩ tại sao bản thân con chưa hề dùng liều kháng sinh nào mà con lại bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Bác sĩ giải thích rằng không phải con uống nhiều kháng sinh nên mới bị kháng thuốc, mà do tác động từ môi trường bên ngoài, môi trường có khói thuốc, khói bụi và HI luôn có trong tay chân, hầu họng của người lớn. Đối với người lớn thì nó chỉ là con vi khuẩn vô hại, nhưng sang một đứa trẻ có đề kháng kém, ngay lập tức nó bùng lên gây hại cho đứa trẻ”.
Bé Diệp Anh phải đối diện với một loại vi khuẩn kháng thuốc, mạnh mẽ chiến đấu để có thể trở lại bình thường.
Con ngày càng ho nặng, bao nhiêu đợt điều trị vẫn không đỡ
Chị Trà My cho biết, bé Diệp Anh vốn sinh non nên sức đề kháng kém. Trong quá trình chăm sóc, cả nhà đều cẩn thận giữ gìn. Bắt đầu từ lúc con ăn dặm, sữa mẹ dường như giảm nhiều phần kháng thể, chính xác từ ngày 10 tháng 3, bé bắt đầu ho và sổ mũi. Ban đầu, chị vẫn nghĩ đó là triệu chứng bình thường, tiến hành rửa mũi và cho con uống thuốc ho. Nếu trước đây chỉ vài lần là bé khỏi, thì lần này bé lại ho nặng tiếng hơn. Chị cho bé đi khám, bác sĩ kết luận bé bị viêm hô hấp trên và kê thuốc về uống, không có kháng sinh.
Sau khi từ viện về, mặc dù bé được uống đúng đơn thuốc nhưng vẫn ho dai dẳng cho đến tận cuối tháng mà không khỏi. Thấy lo lắng, chị Trà My lại đưa con đi khám và kết luận bé bị viêm phế quản co thắt. Bé Diệp Anh được kê đơn thuốc gồm kháng sinh và khí dung. Từ đây cũng bắt đầu chuỗi ngày kinh khủng với bé.
“Con ho thắt ruột gan, ho ngày ho đêm. Con uống thuốc 1 tuần không khỏi, thậm chí sốt cao 39 độ. Mình lập tức cho con vào bệnh viện Thanh Nhàn gần nhà, xin làm các xét nghiệm và có nói tình trạng những ngày qua của con. Con được chụp chiếu và kết luận bị viêm phổi cần nhập viện. Và con nhập viện gần 1 tuần trời, chỉ đỡ khò khè nhưng vẫn ho và mũi không dứt. Con được cho về và cho thêm 5 ngày thuốc uống”, chị Trà My chia sẻ.
Trộm vía bé rất ngoan, chỉ quấy khi ho và mệt.
Video đang HOT
Những giấc ngủ chập chờn và thường bị đánh thức bởi những tràng dài ho nặng, nôn trớ.
Sau 5 ngày uống thuốc, tình trạng ho nặng của bé Diệp Anh vẫn không hề thuyên giảm. Thậm chí bé còn ho nặng hơn. Đưa con đi khám, chị Trà My lại cay đắng đón nhận tin con đã bị viêm tai giữa ứ mủ 2 bên và phổi vẫn chưa khỏi hẳn. 8 ngày thuốc lại tiếp tục. Đến lúc này, chị thật sự hoang mang vì tại sao được tiêm ở viện rồi mà bé còn không khỏi, còn lan sang cả tai. Khi 8 ngày thuốc mà con vẫn không hề khỏi, chị Trà My bế tắc không biết phải làm thế nào. Chị chưa hề nghĩ đến vi khuẩn kháng thuốc vì cho rằng con chưa dùng nhiều loại kháng sinh, chưa đến mức bị lờn thuốc.
Rồi chị vô tình đọc được bài viết của bác sĩ Nguyễn Tiến Hải nói về vi khuẩn kháng thuốc, chị quyết định đưa con tìm đến vị bác sĩ này. Và nút thắt quan trọng như được cởi bỏ từ đây. “Ngay từ đầu khi khám và nghe qua về quá trình mắc bệnh của con, bác sĩ đã nghi ngờ con bị nhiễm 1 trong 2 loại vi khuẩn kháng thuốc là Micoplasma hoặc HI. Nhưng bác vẫn mong là không phải. Bác cho con uống thêm 5 ngày thuốc với hy vọng con sẽ khỏi và không phải nằm viện”.
Nhập viện ngay lập tức và những ngày chiến đấu với vi khuẩn kháng thuốc HI
Chỉ đến ngày thứ 3 uống đơn thuốc mới, chị Trà My đã thực sự thấy không ổn khi con ho không đỡ, thở rít và mệt hơn rất nhiều. Chị vội vàng đưa con sang gặp bác sĩ Hải.
Nút thắt được cởi bỏ khi sau các xét nghiệm, bé Diệp Anh được phát hiện nhiễm vi khuẩn kháng thuốc HI.
“Bác lập tức nói mẹ dừng các loại thuốc ngay và cho con lên bệnh viện Nhi Trung ương mà không đi đến bất cứ viện nào khác nữa, nếu không nhanh là con suy hô hấp. Mình hồn vía lên mây, tất tưởi về chuẩn bị quần áo, đồ dùng cho con lên bệnh viện Nhi ngay lập tức. Việc đầu tiên, mình xin bác sĩ cho con test tất cả các xét nghiệm, từ ho gà, RSV và nhất là cấy vi khuẩn, làm xét nghiệm đắt nhất là PCR để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho con. Có thể nói con là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất phải làm nhiều xét nghiệm đến thế. Và đúng như dự đoán, con dương tính với HI. Hóa ra nguyên nhân gây bệnh cho con là do vi khuẩn kháng thuốc HI”, chị kể lại.
Lúc biết được nguyên nhân gây bệnh của con, chị Trà My vô cùng hối hận, vì giá như chị mang bé đến bệnh viện Nhi Trung ương và gặp được vị bác sĩ có tâm sớm hơn. Nhưng dù sao, đến được đoạn này là cũng cảm thấy vô cùng may mắn. Và chuỗi ngày điều trị sau đó trở nên khả quan hơn nhiều.
“Trong 9 ngày nhập viện ở bệnh viện Nhi Trung ương, con có phác đồ điều trị với mỗi ngày 2 mũi kháng sinh liều cao và 3 lần khí dung, cả những lần lấy ven đau đớn. Những ngày đầu, phổi con có tiếng rít rất nặng và có lúc còn suýt phải vào cấp cứu vì bị suy hô hấp. Tuy nhiên sau 5 ngày, cơn ho của con đã giãn ra và đêm thứ 5 là đêm đầu tiên trong từng ấy ngày trời con được ngủ ngon giấc, không bị hành hạ bởi những cơn ho. Những ngày sau đó, bé tiếp tục tiến triển tốt, đáp ứng với thuốc nên đã hết khò khè, ho ít hơn. Chủ yếu bé vẫn chỉ còn ho kích ứng. Đến ngày thứ 9, bé được xuất viện”, chị Trà My kể lại.
Mỗi ngày trong bệnh viện, bé đều được khí dung và tiêm thuốc kháng sinh nặng theo phác đồ điều trị.
Bé hoạt bát, khỏe mạnh trở lại sau khi về nhà.
Hiện tại, bé Diệp Anh khi được khám lại, bác sĩ cho biết tình hình bé vẫn còn tý dịch trong mũi với tai, chưa hỏi hẳn. Tạm thời, tuy vi khuẩn đã được khống chế nhưng không biết được khi có cơ hội sẽ bùng lên bất cứ lúc nào, nên mẹ phải hết sức giữ gìn cẩn thận cho con.
Nhìn lại hành trình chiến đấu với những cơn ho của con, gần 2 tháng ròng rã, chị Trà My vẫn chưa hết được sự hoảng sợ. Chị muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình, để các bố mẹ khác luôn cẩn thận, đề phòng bảo vệ con mình, xin đừng để sau mỗi nụ hôn là cánh cổng bệnh viện, khiến con phải chịu đau đớn. Hãy yêu con theo cách khác, bởi vi khuẩn HI ẩn chứa trong nụ hôn có thể khiến phổi trẻ bị ăn trắng, gây suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm mũi dai dẳng. Qua đây, chị cũng muốn gửi lời cảm ơn bác sĩ Nguyễn Tiến Hải, người đã đồng hành cùng 2 mẹ con, giúp chị Trà My biết được loại vi khuẩn HI để đưa con đi kiểm tra, tìm ra nguyên nhân bệnh. Và các bác sĩ, y tá trong khoa hô hấp chống độc của bệnh viện Nhi Trung ương đã tận tình điều trị để bé Diệp Anh có thể nhanh khỏe trở lại.
Theo helino
Bé trai sinh non nặng chưa đầy 1kg sống sót thần kỳ
Bé chào đời khi thai kỳ mới bước vào tuần 28 nên bị suy hô hấp nặng, mọi phản xạ tự nhiên gần như không có. Lúc này, bé chỉ nặng 900 gr.
ThS.BS Hà Sơn Tùng - Phó trưởng khoa Nhi Sơ sinh, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ - vừa cho biết sau một tháng điều trị, bé trai sinh non chỉ nặng 900 gr đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, hiện tăng lên 1,7 kg. Bé có thể xuất viện trong thời gian tới.
Trước đó, Trung tâm Sản Nhi tiếp nhận bé trai này do Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn chuyển lên. Bé chào đời khi tuần thai mới bước vào tuần 28 nên bị suy hô hấp nặng, mọi phản xạ tự nhiên gần như không có.
Mẹ của bé - chị Nguyễn Thị Tâm (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ đây là lần mang thai thứ 3 của chị đồng thời là song thai.
Mẹ của bé - chị Nguyễn Thị Tâm (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ đây là lần mang thai thứ 3 của chị đồng thời là song thai. Tuy nhiên đến tuần thứ 28, chị đã có dấu hiệu đau bụng và được người nhà đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn.
Chị Tâm nhanh chóng chuyển dạ và sinh được hai bé trai, cân nặng của mỗi cháu là 900 gr. Tuy vậy, chỉ sau sinh một thời gian ngắn, một bé đã không thể qua khỏi, bé còn lại bị suy hô hấp nặng, mọi phản xạ tự nhiên đều rất kém. Bé được các bác sĩ chuyển lên tuyến trên và được chăm sóc trực tiếp tại khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Ngày 21/3, Trung tâm Sản Nhi đi vào hoạt động, bé con sản phụ Tâm là một trong những người bệnh đầu tiên được chuyển sang Trung tâm tiếp tục điều trị.
"Thật sự em đã từng buông hy vọng rất nhiều lần rồi. Nghĩ con sinh non, lại chỉ có 9 lạng, cộng thêm suy nghĩ về bé kia đã không thể qua khỏi, nên em cũng không dám đặt niềm tin quá nhiều", chị Tâm nói.
ThS.BS Hà Sơn Tùng cho biết đây là trẻ sinh non khi tuần thai còn thấp, cân nặng quá bé chỉ 900 gr. Xác định đây là một trường hợp đặc biệt phức tạp, khoa Nhi Sơ sinh đã họp bàn và đưa ra các phác đồ điều trị tốt nhất cho bé.
Bé trai sinh non chỉ nặng 900 gr đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, hiện tăng lên 1,7 kg.
Sau hơn một tháng nỗ lực và chiến đấu không ngừng của tập thể cán bộ nhân viên khoa Nhi Sơ sinh - Trung tâm Sản Nhi, sức khỏe của cháu bé đã tiến triển tốt hơn rất nhiều. Cân nặng của bé đến nay đã được 1.7kg
Theo BS Tùng, cháu bé đã cai được máy thở, đã có thể tự bú bình, mọi phản xạ tự nhiên đều rất tích cực. Cháu có thể được về nhà sau 1,2 tuần nữa.
"Mỗi ngày vào thăm con, em lại thấy con tiến bộ hơn rất nhiều. Có lẽ chỉ trong giấc mơ em mới dám mơ đến những điều như vậy. Nhìn thấy con được như bây giờ lòng em đã an tâm nhiều. Em mong con điều trị tốt và sớm được về nhà với bố mẹ và hai chị"- chị Tâm chia sẻ.
Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ sơ sinh cân nặng thấp dưới 1kg và dưới 28 tuần thai ngày càng gia tăng. Trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh bởi mọi cơ quan của trẻ đều chưa trưởng thành, đòi hỏi các cháu bé cần được chăm sóc đặc biệt mới giúp bé đuổi kịp những trẻ cùng tuổi sơ sinh đủ tháng.
Theo Helino
Viêm tiểu phế quản không chữa kịp thời dễ gây suy hô hấp, trẻ tử vong Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Phó Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương, viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến bệnh tình nặng lên, gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong. Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính các...