Sáu chiến lược giúp ghi chú hiệu quả
Để đạt điểm cao, học sinh nên tối ưu kỹ năng ghi chú bằng cách sử dụng phương pháp Cornell, đầu tư thời gian để viết bằng tay thay vì đánh máy.
Trong sự nghiệp giảng dạy, các giáo sư thường chú ý tới sự khác biệt về cách ghi chú của học sinh. Những em hay được điểm cao thường ghi chú sáng tạo hơn, tóm tắt bài giảng theo cách hiểu của riêng họ, trong khi học sinh yếu thường chỉ chép từng chữ vào trong sổ.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng, học sinh ghi chú sáng tạo có khả năng kích hoạt nhận thức sâu và khả năng tự chủ hành động cao hơn. Đây là những yếu tố quyết định thành công của các em trong nhiều khóa học. Trang Edutopia giới thiệu 6 chiến lược hiệu quả giúp học sinh tự cải thiện khả năng ghi chú.
1. Phương pháp Cornell
Nhiều nghiên cứu đã cố tìm hiểu cách học sinh tương tác với ghi chú trong quá trình ôn tập sau giờ học. Hai kết quả quan trọng chỉ ra rằng, điều hiệu quả nhất học sinh có thể làm là đưa ra tiêu đề tổng quát với từng mục ghi chú và đặt câu hỏi về những nội dung vừa học.
Phương pháp Cornell chia sổ ghi chú của học sinh ra làm 3 phần: tiêu đề ở cột nhỏ bên trái, nội dung chính ở cột to bên phải, và tổng kết hoặc câu hỏi ở cuối trang.
Phương pháp Cornell. Ảnh: Oxford Learning.
Học sinh có thể ghi chú nội dung bài giảng ở cột bên phải, và khi kết thúc buổi học thì tổng kết nội dung vào các đề mục ở cột bên trái. Bằng cách này, khi ôn tập lại, học sinh theo dõi nội dung chính của toàn bộ ghi chú hiệu quả hơn. Đồng thời, các em có thể tổng hợp nội dung chính của cả trang ghi chú và đặt câu hỏi để giúp quá trình ôn tập về sau dễ dàng hơn.
Những câu hỏi được đặt ra không nên tập trung vào các chi tiết nhỏ trong nội dung bài học mà nên tương tác giữa nội dung bài học và kiến thức khác. Bằng cách này, câu hỏi có thể tương tác não bộ và kiến thức sẵn có của học sinh, dẫn đến khả năng hiểu bài và nhớ bài tốt hơn.
2. Đầu tư thời gian
Sau khi ghi chú ở trên lớp, yếu tố quyết định học sinh giỏi hay yếu nằm ở thời gian em đó dành ra ôn tập lại ghi chú sau giờ học. Không ai có thể bắt học sinh làm điều này, tuy nhiên việc dành thời gian đọc lại ghi chú, tổng kết lại bài học, và trả lời câu hỏi đã đặt ra nhằm ôn tập từ trước sẽ giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn rất nhiều. Đây là nền tảng quan trọng để thành công trong học tập.
3. Viết tay hiệu quả hơn đánh máy
Theo một nghiên cứu của Pam Mueller và Daniel Oppenheimer trên tạp chí Psychological Science danh tiếng, việc ghi chú bằng tay kích thích quá trình tư duy sâu hơn so với việc đánh máy trên thiết bị điện tử.
Nghiên cứu này chỉ ra khi đánh máy, học sinh thường chỉ chép lại y nguyên nội dung bài học, trong khi ghi chú bằng tay yêu cầu tự tóm tắt và tư duy bài học liên tục ngay tại lớp học.
4. Viết vào lề
Khi học sinh có những nhận xét hay câu hỏi gì về bài học, các em nên viết những ghi chú hay nhận xét đó ra lề của sổ. Bằng cách này, học sinh vừa không quên nhận xét của mình, đồng thời không bị lẫn chúng vào nội dung chính của bài học. Điều này có thể giảm thiểu sai sót trong quá trình ôn tập từ ghi chú.
5. Ôn luyện thật nhiều
Việc đọc lại ghi chú rất cần thiết. Khi đọc lại, học sinh nên thêm thông tin để giải thích nội dung bài học hiệu quả hơn và bổ sung kiến thức. Việc đối chứng giữa các nguồn kiến thức cũng rất hiệu quả trong quá trình này. Nhìn chung, học sinh càng hiểu rõ các vấn đề và nội dung chính của khóa học, càng dễ hoàn thành bài kiểm tra với kết quả tốt.
Trong một nghiên cứu của William Balch trên tạp chí Teaching of Psychology, hai nhóm học sinh cùng một khóa học được nhận thông báo khác nhau về cách thức kiểm tra cuối kỳ. Một nhóm được báo sẽ kiểm tra trắc nghiệm, còn một nhóm được báo rằng sẽ kiểm tra tự luận. Cuối cùng, tất cả học sinh đều được làm bài trắc nghiệm, tuy nhiên những em đã ôn tập để thi tự luận đều có kết quả tốt hơn nhóm còn lại. Nguyên nhân của kết quả này là để thi tự luận, học sinh cần nắm vững kiến thức hơn rất nhiều so với thi trắc nghiệm.
6. Viết tắt để tăng tốc độ
Hãy dành thời gian ngồi tư duy và tìm các cụm từ có thể viết tắt trong khi ghi chú sẽ giúp quá trình này nhanh hơn, giúp việc tóm tắt, ôn luyện bài cũ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, học sinh nên nhớ ghi lại ý nghĩa của các cụm từ mình thường sử dụng, đề phòng việc quên nghĩa của chúng khi rất lâu sau mới đọc lại các từ viết tắt.
Google Lens có thể "cắt dán" ghi chú viết tay sang máy tính, không dành cho người chữ xấu
Google vừa bổ sung một tính năng hữu ích cho công cụ nhận diện vật thể Google Lens, đó là sao chép ghi chú viết tay từ điện thoại sang máy tính.
Để sử dụng tính năng mới, bạn cần cài đặt Google Chrome và ứng dụng Google Lens phiên bản mới nhất trên Android hoặc Google trên iOS. Bạn cũng cần phải đăng nhập một tài khoản Google trên cả hai thiết bị.
Sau khi cài xong, hướng camera vào bất kỳ ký tự viết tay nào, bôi đậm trên màn hình rồi chọn "sao chép" (copy). Tiếp đến, bạn mở tài liệu trong Google Docs, bấm "chỉnh sửa" (edit) rồi chọn "dán" (paste) để dán đoạn ghi chú vừa rồi. Lưu ý, chữ viết của bạn phải dễ nhìn.
Theo thử nghiệm của The Verge, tính năng mới của Google Lens không phải lúc nào cũng có tác dụng. Nếu chữ của bạn quá xấu hay khó nhìn, nó sẽ có lỗi. Tuy nhiên, đây vẫn là một chức năng khá hay và đặc biệt hữu ích khi nhiều người làm việc ở nhà và dựa vào danh sách dài dằng dặc để hoàn thành các công việc trong ngày.
Ngoài tính năng "cắt dán", Google còn giới thiệu công cụ phát âm mới. Bôi đậm một từ trong Lens, bấm vào "lắng nghe" (listen) để nghe phát âm. Công cụ mới đã có trên Android, tuy nhiên phiên bản iOS vẫn chưa được giới thiệu.
iPad Pro sẽ "hoá rồng" nhờ 2 vũ khí mới này Với sự hỗ trợ của bút Apple Pencil và hệ điều hành iPadOS 14, iPad Pro đang thể hiện được sức mạnh ưu việt của mình. Scribble là tính năng biến chữ viết tay thành chữ đánh máy. Tính năng này đã thực hiện "bước nhảy" từ Apple Watch sang iPad với iPadOS 14. Bản cập nhật lớn này cho phép người dùng...