Sau bạo loạn sẽ là ’siêu lây nhiễm’ COVID-19 tại Quốc hội Mỹ?
Một số nhà khoa học lo ngại, vụ người biểu tình đột nhập Điện Capitol có thể sẽ là thảm họa siêu lây nhiễm COVID-19 cho các nghị sĩ.
Đám đông người biểu tình không đeo khẩu trang ngay trước thời điểm chuẩn bị tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: NYT
Vụ chiếm trụ sở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 không chỉ đe dọa sự kiêu hãnh của nền dân chủ Mỹ. Với những nhà khoa học tận mắt theo dõi cảnh tượng được phát trực tiếp trên truyền hình, đám đông người đột nhập không đeo khẩu trang, đi lại tự do ở hành lang và nhiều phòng làm việc riêng tại Quốc hội có thể còn là sự kiện siêu lây nhiễm đại dịch COVID-19.
Virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh trong không gian kín, đặc biệt là ở những địa điểm tập trung đông người. Virus tồn tại, lơ lửng trong không khí trong thời gian dài. Nên ngay cả khi chỉ một vài người biểu tình cực đoan nhiễm COVID-19, virus sẽ có được cơ hội tuyệt vời để xâm lấn những nạn nhân mới.
“Vụ việc này có đủ tất cả những nhân tố mà giới khoa học cảnh báo. Mọi người hò hét, hô hào, gào thét – đều là những thứ tạo điều kiện để virus lây lan qua giọt bắn và virus sẽ không bỏ qua những cơ hội này”, Anne Rimoin, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học California ở Los Angeles nhìn nhận.
Tổng thống Trump có thiên hướng xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của đại dịch. Rất nhiều người biểu tình ủng hộ ông đột nhập vào trụ sở Quốc hội không đeo khẩu trang, không có ý thức thực hiện giãn cách xã hội.
Dưới điều kiện như vậy, tụ tập đông người trong không gian kín có thể đã dẫn đến một ổ dịch lây lan nhanh. Khó khăn nằm ở chỗ, rất khó để truy vết nguồn gốc lây nhiễm một khi ổ dịch xuất hiện tại điện Capitol. Đám đông biểu tình đến ở nhiều bang khác nhau, xa thủ đô Washington D.C, trong khi Mỹ vẫn chưa có được phương pháp truy vết hiệu quả.
Hạ nghị sĩ Mỹ Paul Gosar (giữa) phát biểu phản đối kết quả bầu cử bang Arizona tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở Washington D.C, ngày 6/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Những cuộc biểu tình ủng hộ phong trào “The Black Lives Matter” (BLM) diễn ra hồi mùa hè năm nay tại Mỹ cũng từng gây quan ngại tương tự. Nhưng nguy cơ lây nhiễm tại thời điểm được hạn chế một phần, bởi người biểu tình tập trung trên đường phố, trong không gian mở và đa số đeo khẩu trang. Còn vụ người biểu tình tràn vào Quốc hội Mỹ lại khác, kéo theo nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo Tiến sĩ Joshua Barocas, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, trong biến cố vừa qua, đã có ba nhóm lưu lại trong không gian kín với quãng thời gian dài mà không thực hiện được quy định giãn cách, gồm cảnh sát Quốc hội (USCP), người biểu tình và các nghị sĩ Quốc hội. Rất có thể đây sẽ là sự kiện siêu lây nhiễm, nhất là trong bối cảnh tại Mỹ đã xuất hiện biến thể chủng virus lây lan nhanh có nguồn gốc từ Anh.
Một số nhà khoa học đặc biệt lo ngại viễn cảnh nhiều nghị sĩ Quốc hội có thể đã phơi nhiễm với virus. Bởi họ hay những nhân viên thực thi pháp luật có nguy cơ lây sang những người khác khi cùng nhau sơ tán khỏi phòng họp Quốc hội, lánh sang những địa điểm khác trong cùng tòa nhà. Hạ nghị sĩ Cộng hòa LaTurner sáng ngày 7/1 đăng thông báo cho biết có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ông đã ở cùng nhiều nghị sĩ khác gần như cả ngày 6/1.
Theo Hạ nghị sĩ Susan Wild, đã có hàng chục nghị sĩ trong số 400 thành viên và nhân viên Quốc hội chạy sang một phòng họp ủy ban nhưng không đeo khẩu trang ngay cả khi được đề nghị, hoặc là đeo không đúng cách. Họ tụ tập trong căn phòng này, với số người tăng lên nhanh chóng, khiến không thể bảo đảm giãn cách. Một số thậm chí còn nói to, la lớn khi bình luận về hành động của người biểu tình.
Joseph Allen, chuyên gia về chất lượng xây dựng tại Đại học Y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan tại Boston nhận định, nguy cơ nhiễm bệnh đối với các nghị sĩ phụ thuộc vào độ thông khí trong những phòng mà họ lánh sang. Nếu phòng được thiết kế để bảo đảm an toàn, sẽ có lưu thông không khí. Nhưng nếu chỉ là nơi nghị sĩ, nhân viên tòa nhà quốc hội chạy tới với suy nghĩ tìm bất cứ điểm nào có thể trú ẩn được, không được thiết kế thông hơi, sẽ chưa thể biết chuyện gì có thể xảy ra.
Nhiều nghị sĩ trở lại phòng hợp kiểm đếm phiếu đại cử tri sau khi cảnh sát kiểm soát được tình hình, đẩy được người biểu tình ra khỏi khuôn viên tòa nhà Quốc hội. Một số bỏ khẩu trang trước khi phát biểu, một hành động được coi là không chuẩn mực, bởi đây đúng thời điểm mà họ cần phải đeo. Nói với âm lượng lớn có thể phát tán mạnh lượng giọt bắn, khí rung có khả năng mang mầm bệnh.
Video đang HOT
Tại thời điểm người biểu tình tràn vào nhà Quốc hội, đại dịch cũng đã tạo ra một cột mốc tổn thất mới: COVID-19 đã cướp đi mạng sống của gần 4.000 người Mỹ trong ngày 6/1. Con số này được cho là sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Tu chính án thứ 25 có thể tước quyền của ông Trump hay không?
Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, nghị sĩ và thành viên nội các Mỹ được cho là đang lên kế hoạch viện dẫn Tu chính án 25 để tước quyền lực tổng thống của ông Trump.
Ngày 6/1, tòa nhà Quốc hội Mỹ bị một nhóm người ủng hộ ông Trump chiếm đóng. Đám đông biểu tình muốn các nghị sĩ hoãn chứng nhận chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden.
Điện Capitol chìm vào cảnh hỗn loạn trong nhiều giờ liền. Năm người đã thiệt mạng, bao gồm một cảnh sát bảo vệ quốc hội. Đám đông chỉ được giải tán khi Vệ binh Quốc gia ập đến.
Sau khi những người biểu tình quá khích bị trấn áp và quốc hội nối lại phiên họp, ông Trump bị nhiều nghị sĩ, cựu tổng thống và quan chức Mỹ cáo buộc kích động bạo lực.
Nhiều lãnh đạo đảng Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa đề xuất phế truất ông Trump trước ngày 20/1 - thời điểm nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc, theo CNN.
Ít nhất 6 nghị sĩ kêu gọi kích hoạt Tu chính án thứ 25 của hiến pháp Mỹ để tước quyền lực của Tổng thống Trump. Trong viễn cảnh đó, Phó tổng thống Mike Pence sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò chủ nhân Nhà Trắng.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump đã truyền tải thông điệp gây hấn thụ động, gián tiếp kích động bạo lực ở Điện Capitol. (Ảnh: Reuters)
Ngoài Tu chính án thứ 25, Tổng thống Trump cũng có thể bị phế truất thông quá trình luận tội ở Hạ viện và xét xử ở Thượng viện.
Tuy nhiên, các nhân vật cấp cao trong chính phủ và Quốc hội Mỹ chọn Tu chính án thứ 25 vì có thể tước quyền lực của ông Trump nhanh hơn.
Tu chính án thứ 25 là gì?
Tu chính án thứ 25 được Thượng nghị sĩ Birch Bayh đề xuất năm 1963, sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Tu chính án này chính thức được phê chuẩn vào năm 1967.
Nội dung Tu chính án thứ 25 gồm 4 phần, xoay quanh quá trình chuyển giao quyền lực từ tổng thống sang phó tổng thống khi người đứng đầu Nhà Trắng không thể tiếp tục nhiệm vụ.
Phó Tổng thống Pence bày tỏ lập trường chống lại áp lực từ người đứng đầu Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)
Phần 1 quy định rằng khi tổng thống đương nhiệm qua đời, từ chức hoặc bị phế truất, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống tạm quyền.
Phần 2 đề cập đến việc tổng thống được phép chọn người kế nhiệm tạm thời thay vì mặc định là phó tổng thống tiếp nhận quyền lực. Ứng viên mà tổng thống đề xuất cần được quốc hội phê chuẩn.
Phần 3 cho phép tổng thống đương nhiệm tạm thời chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống. Quá trình này có thể được thực hiện bằng cách thông báo cho chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện tạm quyền.
Sau đó, tổng thống có thể lấy lại quyền lực bằng cách thuyết phục các quan chức và nhà lập pháp rằng mình có thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ.
Phần 4 đề cập đến những tình huống tổng thống không thể tiếp tục nhiệm vụ nhưng không tự nguyện từ chức.
Thượng nghị sĩ Birch Bayh, "cha đẻ" của Tu chính án thứ 25. (Ảnh: AP)
Ông Trump có thể bị phế truất dựa trên Tu chính án thứ 25 không? Về mặt lý thuyết, việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 có thể tước quyền tổng thống của ông Trump đúng theo quy định của hiến pháp.
Nhiều thành viên nội các được cho là đang thảo luận về việc áp dụng phần 4 trong Tu chính án thứ 25 để phế truất ông Trump, theo Reuters .
Trong kịch bản đó, ông Pence và các quan chức Mỹ cần chứng minh được ông Trump không còn đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Khi đó, ông Pence sẽ trở thành tổng thống tạm quyền.
Ông Adam Kinzinger là nghị sĩ Cộng hòa đầu tiên đề xuất phế truất Tổng thống Trump sau vụ biểu tình ở Điện Capitol. (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, khả năng ông Pence và các đồng minh có thể phế truất ông Trump dựa vào Tu chính án thứ 25 là khá mong manh, Wall Street Journal nhận định.
Ông Trump có thể tuyên bố bản thân vẫn đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Nếu ông Pence và đa số nội các không phản đối tuyên bố này, tổng thống vẫn bảo toàn quyền lực.
Trong trường hợp ngược lại, vấn đề sẽ do quốc hội quyết định. Khi đó, cần ít nhất 2/3 ý kiến tán thành tại lưỡng viện để phế truất ông Trump.
Trong cả hai kịch bản trên, lợi thế đều thuộc về tổng thống đương nhiệm. Bởi lẽ tất cả thành viên nội các đều do ông Trump đề cử. Họ sẽ không dễ dàng chấp thuận đề xuất viện dẫn điều 4 trong Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump, theo Wall Street Journal.
Thêm vào đó, về mặt lý thuyết, đảng Cộng hòa có đủ số ghế ở quốc hội để phản đối quyết định tước bỏ quyền lực của tổng thống đương nhiệm.
Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, đảng viên Dân chủ, đã đề xuất thành lập một ủy ban xem xét khả năng tiếp tục nhiệm vụ của Tổng thống Trump, đồng thời đơn phương phế truất ông mà không thông qua nội các. Tuy nhiên, nỗ lực này không đi đến đâu.
Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, đảng viên Dân chủ. (Ảnh: AP)
Cuốn sách One Heartbeat Away: Presidential Disability and Succession viết bởi "cha đẻ" của Tu chính án thứ 25 - Thượng nghị sĩ Birch Bayh - đề cập đến vấn đề phế truất tổng thống.
Trong đó, Thượng nghị sĩ Bayh viết rằng việc xác định liệu tổng thống có thể tiếp tục nhiệm vụ hay không là trở ngại lớn nhất trong việc thực thi Tu chính án thứ 25.
" Một khi tổng thống đương nhiệm tuyên bố: 'Tôi khỏe và có thể tiếp tục nhiệm vụ', phó tổng thống và nội các chỉ có thể phản đối khi tổng thống bị tâm thần ", ông Bayh viết.
" Bệnh tâm thần là lý do khả dĩ nhất để viện dẫn điều 4 trong Tu chính án thứ 25 ", vị nghị sĩ nói.
Do đó, dù Tu chính án thứ 25, về lý thuyết, là phương án giúp phế truất ông Trump nhanh nhất, khả năng áp dụng điều này trong tình hình hiện tại vẫn là một dấu hỏi lớn.
Mỹ hỗn loạn chuyển giao quyền lực, Trung Quốc đẩy mạnh tăng cường ảnh hưởng Khi thế giới vật lộn với COVID-19 còn Mỹ rơi vào hỗn loạn chuyển giao quyền lực, Trung Quốc tranh thủ thúc đẩy kinh tế và theo đuổi các mục tiêu địa chính trị. Bối cảnh hỗn loạn tại Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển. Quá trình chuyển giao chính quyền tại Mỹ vốn đã tiềm ẩn nguy cơ...