Sau 2 phút mổ, bé gái đầu tiên tại Việt Nam chào đời nhờ mang thai hộ
7 giờ 30 phút sáng nay (22.1), bé gái 3,6 kg sinh từ bà “mẹ” mang hộ 46 tuổi ở Hà Nam đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.
Mổ lấy bé gái từ mang thai hộ trong vòng 2 phút – Ảnh: Thúy Anh
Vợ chồng anh Đ.D.H và chị T.T.D (38 tuổi, Ninh Bình) lấy nhau đã 16 năm. Sau 3 năm không có con, anh chị đi khám, phát hiện vợ bị tử cung nhỏ bẩm sinh không thể có con. Dù vậy, anh chị vẫn cố gắng chạy chữa, hy vọng có con nhưng không thành.
“Ngay khi biết có luật cho phép mang thai hộ, chúng tôi đã “chạy như bay” đến Bệnh viện Phụ sản T.Ư tìm hiểu”, vợ chồng anh tâm sự. Đầu tháng 3.2015, anh chị bắt đầu quá trình làm hồ sơ. Người mang thai hộ (46 tuổi) là họ hàng của vợ chồng anh chị.
Video đang HOT
Ca phẫu thuật cho bà mẹ mang thai hộ do Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia thực hiện. Ông cũng là người thực hiện đặt phôi cho bà mẹ mang thai hộ. Sau 2 phút, bé gái kháu khỉnh nặng 3,6 kg chào đời.
“Chúng tôi rất vui và cảm nhận được niềm hạnh phúc của hai vợ chồng cũng như niềm vui của người “mẹ” mang thai hộ đã giúp sinh em bé khỏe mạnh. Tới đây sẽ còn đón nhận các bé được ra đời từ mang thai hộ”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
Thứ trưởng cũng bày tỏ: “Cho phép mang thai hộ là nhân đạo bởi nhiều cặp vợ chồng, vợ có noãn, chồng có tinh trùng bình thường nhưng vợ không thể mang thai do dị tật tử cung, do bệnh lý gây sảy thai liên tục. Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý khi thực hiện mang thai hộ phải rất chặt chẽ, hoàn toàn tự nguyện”.
Liên Châu
Theo Thanhnien
"17 tuổi 1 tháng đã kết hôn, được vài tháng lại đòi li dị"
"Trước đây, luật quy định nữ 18 tuổi là có thể kết hôn. Tức là mới 17 tuổi 1 tháng là kết hôn được rồi. Sống với nhau được vài tháng thì đòi ly dị, ra tòa nộp đơn thì tòa không thụ lý đơn vì người yêu cầu xử ly hôn chưa đủ 18 tuổi".
Ngày 28/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại khu vực phía Nam. Hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt đến cán bộ Sở Tư pháp và sở ngành liên quan ở các tỉnh phía Nam về những điểm mới sửa đổi trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 vừa có hiệu lực từ đầu năm 2015. Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), luật Hôn nhân gia đình 2014 có nhiều điểm mới mang tính đột phá, giải quyết các vướng mắc tồn tại trong thời gian qua.
Đặc biệt là trong lĩnh vực hôn nhân vốn tồn tại nhiều bất cập có sự sửa đổi rất triệt để. Ông Hải cho biết: "Trước đây, luật quy định nữ 18 tuổi là có thể kết hôn. Tức là mới 17 tuổi 1 tháng là kết hôn được rồi. Sống với nhau được vài tháng thì đòi ly dị, ra tòa nộp đơn thì tòa không thụ lý đơn vì người yêu cầu xử ly hôn chưa đủ 18 tuổi, chưa đủ điều kiện độc lập tư pháp. Nay luật Hôn nhân và gia đình mới quy định nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi mới được kết hôn, giải quyết được vướng mắc này".
Hội nghị tập trung đại biểu là cán bộ tư pháp và các sở ngành liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình tại các tỉnh phía Nam
Một điểm đột phá khác là luật mới không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng cũng không cấm. Luật mới cũng bổ sung quy định về giải quyết hậu quả của việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn rất rõ ràng, cụ thể để có thể giải quyết các vướng mắc pháp lý có thể xảy ra. Ông Hải nhận định: "Nói chung là các quy định hôn nhân mới có cái nhìn thoáng hơn rất nhiều đối với hôn nhân đồng tính, tình trạng nam nữ sống chung như vợ chồng, mang thai hộ...".
Quan hệ chi phối lớn nhất trong mối quan hệ hôn nhân là chế độ tài sản của vợ chồng cũng được quy định chi tiết hơn trong luật mới. Ông Hải nói: "Quy định mới có điểm đột phá rất lớn là cho phép vợ chồng chọn lựa chế độ tài sản, hướng tới mục tiêu bảo vệ tối đa lợi ích các thành viên trong gia đình. Việc xác định lỗi trong giải quyết ly hôn cũng được quy định chặt chẽ để xác định quyền lợi của các bên khi ly hôn. Đây là điểm mới tích cực vì trước đây lỗi trong hôn nhân chỉ được xác định để làm căn cứ giải quyết ly hôn, nay nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên khi ly hôn".
Về quy định cho phép lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng, TS Nguyễn Văn Cừ, Chủ nhiệm khoa Luật dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá là "quá mở". Cụ thể, theo quy định mới, vợ chồng khi cưới nhau có thể lựa chọn chế độ tài sản là chỉ có tài sản chung, không có tài sản riêng; hoặc có tài sản chung lẫn tài sản riêng; hoặc chỉ có tài sản riêng. TS Cừ cho rằng: "Nếu vợ chồng mà chỉ có tài sản riêng, tiền ai nấy xài thì còn gì là vợ chồng? Nó làm mất đi tính ổn định của chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, nó lại phù hợp với những đại gia nhiều tài sản nên cần phân định rạch ròi khi bắt đầu quan hệ hôn nhân".
Tại hội nghị, thạc sĩ Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) có bài tham luận về các nội dung quản lý nhà nước về công tác gia đình trong luật mới này. Trong tham luận, ông Hoa Hữu Vân đánh giá rất cao các nội dung mới, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong lĩnh vực gia đình. Ông nói: "Luật mới làm rõ khái niệm thành viên gia đình, làm cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình ở địa phương thực hiện việc xác định vụ việc bạo lực gia đình, xử lý đối với người có hành vi bạo lực gia đình; thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình...".
Tham gia hội nghị, đại biểu đến từ sở Tư pháp các tỉnh thành phía Nam đặt nhiều câu hỏi làm rõ những quy định mới khi ứng dụng vào đời sống, giải quyết các vướng mắc tư pháp khi tòa án địa phương xử lý các vụ án hôn nhân gia đình. Hầu hết các đại biểu đánh giá luật mới có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những bất cập đã làm khó ngành tư pháp trong thời gian qua và bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các thành viên gia đình trong mối quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, luật mới còn chưa được đông đảo nhân dân biết đến, cần có thời gian để phổ biến sâu rộng hơn trong quảng đại quần chúng.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Em gái mang thai hộ cho anh trai, có loạn luân? Từ 15.3, những phụ nữ có chồng nhưng vì nhiều lý do không thể sinh con sẽ được phép nhờ người mang thai hộ. Các quy định về pháp lý, y tế... đã có, song các cặp vợ chồng cần người mang thai hộ sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối về quan niệm xã hội. Chỉ nên nhờ người thân bên...