Sau 2 năm thực thi, tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội giờ ra sao?
“ Nhận diện thương hiệu của cửa hàng thời trang thì phải khác quán bún đậu mắm tôm chứ”, chị Nguyễn Thanh Mai nói và kể lại không ít câu chuyện bi hài khi thời gian đầu tuyến phố nơi chị kinh doanh được lên “ kiểu mẫu”.
3 cửa hàng thời trang trên phố Lê Trọng Tấn phục vụ 3 đối tượng khách hàng khác nhau buộc phải làm biển hiệu với màu sắc và nhận diện khác nhau.
Sau khi trùng tu vỉa hè, mở rộng lòng đường và trồng thêm nhiều cây xanh, phố Lê Trọng Tấn ( Thanh Xuân, Hà Nội) được chọn là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của TP.Hà Nội, bắt đầu từ tháng 5.2016.
Để đúng chuẩn “kiểu mẫu”, TP.Hà Nội đề ra quy định, toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo của các hàng quán, công ty, trường học… trên con phố này phải được thiết kế với kích thước, màu sắc, cỡ chữ… đồng loạt giống nhau, với 2 màu sắc cơ bản là đỏ và xanh.
Với quyết định này, nhà chức trách kỳ vọng sẽ nhân rộng thêm nhiều tuyến phố kiểu mẫu nữa, qua đó, chỉnh trang bộ mặt đô thị sạch đẹp, khang trang hơn.
Thương hiệu bánh kẹo Hữu Nghị đưa biển quảng cáo trở về 2 màu vàng – đỏ quen thuộc.
Chị Nguyễn Thanh Mai (28 tuổi, Hà Nội) chủ một thương hiệu thời trang có cửa hàng trên tuyến phố này cho biết, tới nay, chị buộc phải thay đổi màu sắc biển quảng cáo cửa hàng để khác với rất nhiều nhà hàng, quán ăn kế bên.
“Nhận diện thương hiệu của cửa hàng thời trang thì phải khác quán bún đậu mắm tôm chứ”, chị Mai nói và khẳng định, trong thời điểm kinh doanh, đặc biệt là mảng bán lẻ, ngày càng cạnh tranh khốc liệt thì việc hạn chế sáng tạo trong biển hiệu, quảng cáo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách hàng và doanh thu.
Video đang HOT
Đồng tình với chị Mai, Nguyễn Văn Thanh (26 tuổi, Hà Nội) nhân viên của một Cty trên phố Lê Trọng Tấn cho biết, Cty của anh làm thương hiệu (bao gồm logo, biển hiệu quảng cáo) trên cả website và các mạng xã hội với hình ảnh nhận diện thương hiệu là màu xanh lá cây.
“Vào fanpage của Cty trên facebook, sau đó đến trụ sở chính lại thấy hình ảnh biển hiệu và logo hoàn toàn khác thì bạn có chọn dịch vụ đó nữa không?”, nam nhân viên đặt ra câu hỏi để nêu bật sự bất hợp lý trong quyết định trước đó của TP.Hà Nội.
Nhiều cửa hàng ăn phải ken thêm các biển phụ ngang, dọc để tăng tính nhận diện.
Sau 2 năm, tại tuyến phố Lê Trọng Tấn, PV Báo Lao Động ghi nhận tình trạng nhiều cửa hàng đã thay đổi màu sắc biển quảng cáo để trở về với bộ nhận diện thương hiệu quen thuộc.
Trao đổi với PV, một số chủ nhà hàng, quán ăn trên tuyến phố này cho biết, thời gian đầu – khi mặc “đồng phục” biển hiệu, lượng khách và doanh thu giảm, sau đó, họ buộc phải ken thêm một số biển phụ ngang, dọc để khách hàng dễ dàng nhận biết.
Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, quận Thanh Xuân đã ký Quy định quản lý tạm thời tuyến đường Lê Trọng Tấn, qua đó “nới” một số điều kiện về biển hiệu.
Theo đó, hiện chỉ quản lý về cao độ nền biển hiệu từ 3 – 3,2m, điều này giúp biển hiệu đồng đều, thẳng hàng, ngăn nắp. Về màu sắc, cho phép màu sắc theo logo đã đăng ký, yêu cầu không dùng màu sắc phản cảm và vật liệu có độ phản quang lớn hơn 70%.
Tuy vậy, không thể phủ nhận, phố Lê Trọng Tấn đã khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều sau 2 năm được chọn làm “kiểu mẫu”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, ý tưởng “may đồng phục” cho biển hiệu là tốt về mặt quản lý đô thị nhưng về mặt quảng cáo thì lại hạn chế sự sáng tạo và gây nhầm lẫn về thương hiệu.
“Sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân, lãnh đạo TP.Hà Nội đã nới lỏng quy định biển hiệu để phù hợp với thực tiễn là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Điều đó thể hiện sự cầu thị, lắng nghe dân của nhà chức trách”, PGS.TS Bùi Thị An nói và cho biết, bà kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tuyến phố khác ở Hà Nội được chỉnh trang gọn gàng, sạch đẹp nhưng vẫn đảm bảo sự thuận lợi trong kinh doanh cho người dân.
VÂN TRƯỜNG
Theo Laodong
Tố cáo nặc danh có chứng cứ cụ thể vẫn tiếp nhận để thanh, kiểm tra
Luật Tố cáo vừa được Quốc hội ban hành quy định, với tố cáo nặc danh, mạo danh, trong trường hợp có thông tin rõ ràng về người có vi phạm, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan chức năng tiếp nhận, tiến hành thanh, kiểm tra theo thẩm quyền...
Sáng 28/6, tại cuộc họp báo công bố luật Tố cáo do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nêu nhiều điểm đáng chú ý trong luật.
Để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người tố cáo, Luật Tố cáo mới vẫn tiếp tục quy định chỉ có hai hình thức tố cáo chính thức là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, luật quy định cụ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Luật cũng quy định trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; xử lý hành vi bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh giới thiệu những quy định mới của luật Tố cáo
Trong việc xử lý đối với thông tin tố cáo, luật cũng có nhiều điểm mới.
Cụ thể, đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, Khoản 3 Điều 24 Luật Tố cáo quy định: trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.
"Quy định này nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền" - ông Thanh nói.
Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh, điều 25 của luật quy định khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Luật cũng bổ sung quy định về rút tố cáo. Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
Điều 33 của Luật cũng quy định cụ thể về việc xử lý trường hợp người tố cáo bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo.
Về bảo vệ người tố cáo, Điều 47 của Luật quy định cụ thể: Người được bảo vệ bao gồm: người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Phạm vi bảo vệ, Luật quy định bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo về vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Luật giao trách nhiệm bảo vệ trước hết thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan khác, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và những người thân thích của họ, đó là cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo; cơ quan công an; cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động; Ủy ban nhân dân các cấp, công đoàn các cấp...
P.Thảo
Theo Dantri
Đặc khu kinh tế thế giới thành công không nhiều, 99,6 % người dân Vân Đồn đồng ý thành lập Trước băn khoăn của TS. Trần Đình Thiên về việc mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới thành công không nhiều, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết có nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ đã tìm hiểu và 99,6% người dân Vân Đồn đồng thuận với việc thành lập Đặc khu Vân Đồn...