Sau 10 năm, người thân nạn nhân thảm kịch Sewol vẫn đấu tranh tìm câu trả lời
Một thập kỷ đã trôi qua, gia đình nạn nhân đã ra đi trong vụ chìm phà Sewol ngày 16/4/2014 vẫn sống trong nỗi đau và muốn nhận được câu trả lời từ chính phủ.
Phà Sewol được trục vớt sau khi bị chìm vào tháng 4/2014, vẫn đang neo đậu tại một cảng ở Mokpo, Hàn Quốc. Ảnh: EPA-EFE
Tháng Tư hàng năm, khi nhìn đường phố Hàn Quốc ngập cánh hoa đào rơi, bà Kim Soon-sil nhớ đến 10 năm trước thường đón cô con gái 17 tuổi Jin Yun-hee tan học và cùng chuyện trò trên đường về nhà. Nhưng cũng một ngày xuân như thế này, ngày 16/4/2014, bà Kim đã mãi mãi mất đi con gái trong thảm kịch chìm phà Sewol.
Vụ chìm phà khiến 304 trong số 476 hành khách và thủy thủ đoàn thiệt mạng khi nó bị lật úp ngoài khơi đảo Jindo ở phía tây nam Hàn Quốc.
Hầu hết nạn nhân là những học sinh đang trong chuyến đi học đến đảo nghỉ mát Jeju, bạn học của Yun-hee ở trường trung học Danwon ở thành phố Ansan. Các học sinh đã được yêu cầu ở lại trong cabin của mình khi chiếc phà đang chìm và cuối cùng thiệt mạng thương tâm trong khi chờ đợi cuộc giải cứu không bao giờ đến.
Mười năm trôi qua, những người thân trong gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol như bà Kim vẫn đau buồn vì những đứa con đã mất. Họ muốn có câu trả lời và không ngừng hối thúc chính phủ đưa ra lời xin lỗi chính thức trước khi mọi chuyện phai dần theo thời gian.
Ông Kim Jong-gi, người có cô con gái 18 tuổi nằm trong số các nạn nhân, nói với truyền thông nước ngoài trong cuộc họp báo ngày 15/4: “Chúng tôi lo lắng về việc ký ức về vụ phà Sewol sẽ bị xóa trước khi sự thật được tiết lộ”. Ông cho biết, con gái ông – Kim Soo-jin là con út trong gia đình.
“Tôi rất tiếc cho con gái mình vì chỉ sống được 18 năm ngắn ngủi. Mười năm sau thảm kịch, đôi khi tôi thấy những đứa trẻ khác hoặc bạn bè của con sống trọn vẹn những năm tháng tuổi trẻ, có những lúc tôi cảm thấy ghen tị với điều đó”.
Theo kết quả điều tra được công bố vào năm 2018 đã không xác định được nguyên nhân gây ra thảm kịch; mặc dù các yếu tố như sửa đổi tàu trái phép, chở hàng quá tải gấp ba lần giới hạn và lỗi của con người có thể đã góp phần gây ra vụ chìm phà.
Thuyền trưởng, người đã bỏ rơi phà và các nạn nhân đang thụ án tù chung thân trong khi 14 thành viên thủy thủ đoàn khác nhận mức án lên tới 12 năm tù.
Sự phẫn nộ của công chúng khi việc giải cứu thất bại cũng khiến các sĩ quan bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bị buộc tội sai sót trong xử lý việc giải cứu. Cho đến nay chỉ có một chỉ huy bị kết án trong khi cựu giám đốc lực lượng bảo vệ bờ biển Kim Suk-kyoon được tuyên trắng án vào tháng 11/2023.
Được biết vào thời điểm xảy ra vụ việc, khi tin tức về thảm nổ ra đã không thể liên lạc với Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Park Geun-hye và bà vẫn không lên tiếng suốt 7 giờ sau đó.
Video đang HOT
Nhiều cáo buộc cho rằng các mốc thời gian của thảm kịch đã được sửa đổi để góp phần che đậy cho sự vắng mặt kéo dài hàng giờ của bà Park Geun-hye. Bi kịch được coi là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến việc bà bị luận tội vào năm 2017.
Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc ban đầu dự kiến phát sóng một bộ phim tài liệu kỷ niệm 10 năm Sewol để nhìn lại thảm kịch và cuộc đấu tranh của những người sống sót với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) vào ngày 18/4, nhưng đã hủy bỏ kế hoạch vì sợ rằng nó “có thể ảnh hưởng đến tổng tuyển cử” đang diễn ra ở nước này.
Sau đó, họ nói rằng bộ phim tài liệu sẽ được làm lại thành một loạt phim kể về các trường hợp PTSD của nhiều bi kịch khác nhau và sẽ được phát sóng vào nửa cuối năm nay.
Mặc dù ban đầu có những lo ngại rằng thảm họa dẫm đạp ở Itaewon vào ngày 29/10/2022 có thể làm mọi người không còn chú ý về thảm kịch Sewol, nhưng trên thực tế, nó đã mang lại cho các gia đình Sewol nguồn năng lượng mới trong hành trình tìm kiếm sự thật.
Ông Lee Tae-ho, chủ tịch Liên minh thảm họa chìm phà Sewol 16/4 nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã nghĩ rằng có lẽ tiếng nói của chúng tôi và toàn bộ thảm kịch chìm phà sẽ bị gác lại sau sự chống động của vụ Itaewon. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, chúng tôi sớm nhận ra rằng cũng giống như chúng tôi, những gia đình có người thân ra đi trong thảm kịch Itaewon có cùng mục tiêu là tìm ra sự thật và tìm cách tạo ra một xã hội an toàn cho tất cả mọi người”.
Ông Kim Jong-gi thừa nhận rằng việc cố gắng lưu giữ ký ức của công chúng về sự việc sau một thập kỷ đã trôi qua là một thách thức. Ông ước tính chỉ có 25% thành viên gia đình nạn nhân chìm phà Sewol còn hoạt động trong nhóm tìm kiếm sự thật. Hầu hết họ rời đi vì kiệt sức về thể chất, tinh thần, khó khăn tài chính và các vấn đề gia đình khác.
“Nhưng ngay cả khi chỉ còn một người trong nhóm, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để tiết lộ sự thật và xây dựng một xã hội an toàn hơn cho mọi người”, ông nói.
Tranh cãi việc công khai tên tuổi 156 nạn nhân trong thảm kịch Itaewon
Nhiều chuyên gia cho rằng việc quyết định tiết lộ tên tuổi, hình ảnh của nạn nhân hay không là tùy thuộc vào gia đình của họ và cần đảm bảo quyền riêng tư cho các tang quyến.
Một bức ảnh của Yuliana Pak, một trong bốn nạn nhân người Nga của thảm kịch Itaewon, được đặt tại con hẻm ở Itaewon. Ảnh: Korea JoongAng Daily.
Cuộc tranh cãi nổ ra sau khi đảng Dân chủ Hàn Quốc thúc đẩy công bố danh tính của các nạn nhân trong thảm kịch chen lấn Halloween ở Itaewon, Seoul.
Trong khi đảng Dân chủ cho rằng các nạn nhân cần được tưởng nhớ công khai, nhiều nhà phê bình nhận định việc tôn trọng quyền riêng tư nên được ưu tiên trước quyền được biết của công chúng, theo Korea Herald.
Tranh cãi
Trong một cuộc trò chuyện bằng tin nhắn bị rò rỉ với báo chí, phó trưởng ban tư vấn do đảng Dân chủ điều hành đã nói với Hạ nghị sĩ Moon Jin-seok: "Hãy liên lạc với các gia đình hoặc làm điều gì đó. Làm bất cứ điều gì cần thiết để có được danh sách đầy đủ các nạn nhân, ảnh và thông tin chi tiết về hồ sơ của họ".
Các tin nhắn đã được báo chí phát hiện và đăng tải khi nhà lập pháp đảng Dân chủ kiểm tra điện thoại di động của mình trong buổi họp hôm 7/11 của thị trưởng Seoul và cảnh sát trưởng về ứng phó trong vụ việc Itaewon.
"Chúng tôi vẫn chưa có những câu chuyện về các nạn nhân. Tên và hình ảnh của họ nên được công khai", nội dung đoạn tin nhắn viết.
Moon, người đứng đầu ủy ban hoạch định chiến lược của đảng Dân chủ, nói với các phóng viên vào ngày hôm sau rằng các tin nhắn bị rò rỉ thuộc về một "cuộc trò chuyện riêng tư" và ông "chỉ đơn thuần đọc" các tin nhắn được gửi cho mình.
"Đó chỉ là ý kiến của một người và tôi muốn nói rõ rằng tôi không tán thành ý kiến này", ông nói.
Đám tang của một trong những nạn nhân trong thảm kịch Itaewon. Ảnh: Yonhap.
Tuy vậy, ban lãnh đạo đảng Dân chủ lại có ý kiến khác khi kêu gọi chính quyền đăng tên và ảnh của tất cả nạn nhân.
"Có nơi nào trên thế giới mà mọi người đau buồn mà lại không biết mình đang đau buồn vì ai? Tôi đã nghe các bậc cha mẹ yêu cầu không được giấu tên và khuôn mặt của con cái họ", Chủ tịch đảng Lee Jae-myung nói.
Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ sẽ "sẵn sàng đấu tranh để hạ bệ chính quyền nếu đó là điều cần thiết nhằm tìm lại công lý cho các nạn nhân", kêu gọi thành lập một tổ chức "độc lập, thăm dò phi đảng phái" để điều tra những gì đã xảy ra ở Itaewon.
Đáp lại, đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền cho biết: "Chúng tôi đang nghe rất nhiều về những gì đảng Dân chủ nghĩ phải làm, chứ không phải các tang quyến. Không biết liệu có sự đồng tình nào ở đây hay không".
Đảng cầm quyền cũng phản bác cáo buộc rằng chính quyền đang cố tình giấu tên và thông tin của các nạn nhân.
Không giống vụ chìm phà Sewol
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia của Chủ tịch Song Doo-hwan nói rằng khi thảm họa đã trở nên "rất trực quan đối với công chúng", mọi người "có quyền được biết ở mức độ nhất định".
"Nhưng quyền riêng tư phải được đặt lên hàng đầu", ông nói.
Thành viên Hội đồng Thủ đô Seoul Lee Jong-bae đã đệ đơn lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, yêu cầu cơ quan giám sát nhân quyền khuyến nghị các nhà lập pháp không công bố tên hoặc các chi tiết cá nhân khác của nạn nhân.
Lee cáo buộc "một số người trong đảng Dân chủ" là "thiếu nhạy cảm" và thể hiện "sự coi thường đáng kinh ngạc đối với các gia đình đau buồn".
Hoa tưởng niệm được đặt bên ngoài lối ra ga tàu điện ngầm gần Itaewon. Ảnh: The New York Times.
Lee Tae-ho, giám đốc điều hành của một nhóm hoạt động dân sự tiến bộ, cho rằng việc quyết định tiết lộ thông tin về những người thân yêu đã qua đời là "tùy thuộc vào các gia đình".
Lee, người từng làm việc với các nạn nhân của những thảm kịch gây thương vong hàng loạt, bao gồm vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người mất tích hoặc thiệt mạng, cho biết: "Đó không phải là lời kêu gọi của một đảng chính trị".
Ông nói rằng nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp một kênh liên lạc giữa các nạn nhân và gia đình, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.
"Với vụ chìm phà Sewol, đã có một cộng đồng (gồm các gia đình nạn nhân) vì họ là cha mẹ của những đứa trẻ học cùng trường. Nhưng đó không phải là trường hợp của Itaewon. Thật khó để gia đình của 156 nạn nhân ở Itaewon kết nối với nhau".
Luật sư Yang Hong-seok, người đại diện cho một số tang quyến trong vụ Itaewon, nói rằng gia đình của các nạn nhân dự định gặp nhau lần đầu tiên. "Tuy nhiên, trừ khi các gia đình tự quyết định tiến tới, tôi nghĩ tốt nhất nên tôn trọng quyền riêng tư và không để họ bị công chúng chú ý một cách không mong muốn".
Người cha đi tìm công lý cho con gái qua đời trong thảm kịch giẫm đạp Itaewon Một tháng sau khi cô con gái duy nhất của ông Cho Gi-Dong qua đời trong thảm kịch Halloween ở Itaewon (Seoul, Hàn Quốc), ông nói rằng ông cảm thấy rất bất lực. Nhưng nỗi buồn của ông giờ đây đã chuyển thành sự tức giận vì ông cho rằng chính phủ đã không nỗ lực để giúp đỡ những gia đình nạn...