Sạt lở núi, hàng chục hộ dân thấp thỏm lo bị vùi lấp
Kết cấu địa chất yếu, gặp mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng sạt lở núi, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của 13 hộ dân với 57 nhân khẩu dưới chân núi Rậm (Hưng Yên Nam, Hưng Nguyên, Nghệ An). Một lượng lớn đất đá tràn xuống buộc chính quyền xã phải di dời người, tài sản và đục tường mở lối cho bùn đất thoát ra…
Ảnh hưởng của đợt mưa lũ hồi giữa tháng 10/2016 chưa khắc phục xong thì từ ngày 7/11, trên địa bàn xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có mưa lớn. Khu vực núi Rậm (thuộc xóm 5, xã Hưng Yên Nam) bị sạt lở, đe dọa trực tiếp đến an toàn về tài sản và tính mạng của 13 hộ dân với 57 nhân khẩu dưới chân núi.
Một phần mái núi bị sạt lở, đe dọa trực tiếp đến 13 hộ dân dưới chân núi.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam thì khu vực sạt lở dài khoảng 700m, cao khoảng 100m, cách khu vực nhà dân từ 15-20m.
Bà Phạm Thị Hiên (SN 1949, trú xóm 5, xã Hưng Yên Nam) cho biết: “Rạng sáng ngày 8/11, khi đang ngủ thì vợ chồng tôi tỉnh giấc bởi tiếng ào ào ở sau nhà. Chạy ra thì phát hiện núi bị sạt lở, đất đá tràn vào khu vực chuồng trại chăn nuôi, kéo theo cả những cây bạch đàn cao 4-5m. Từ đó đến sáng chúng tôi không ngủ được vì lo đất đá tràn vào nhà”.
Ngay trong đêm, chính quyền xã Hưng Yên Nam đã huy động gần 70 người thuộc lực lượng công an xã, dân quân, Đoàn thanh niên, Mặt trận và cán sự các xóm ứng trực tại khu vực có sạt lở núi để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu bất ngờ xảy ra. Các lực lượng cơ động của xã đã đến từng nhà dân, vận động bà con di dời tài sản, người già, trẻ em, phụ nữ đến nơi an toàn.
Hàng nghìn khối đất đá tràn xuống, vùi lấp vườn tược và ảnh hưởng trực tiếp đến 1 số công trình của các hộ dân dưới chân núi.
Một khối lượng đất đá rất lớn tràn xuống, nếu không kịp thời tạo lối thoát, sẽ tác động trực tiếp đến nhà cửa, chuồng trại của các hộ dân. Trước tình thế đó, chính quyền địa phương vận động người dân phá dỡ 1 số bờ tường công trình phụ, công trình không kiên cố để giảm áp lực lên nhà cửa. Đến sáng ngày 9/11, các tài sản quan trọng, trâu bò, lúa… của các hộ dân cơ bản đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Thời điểm chúng tôi có mặt, tình trạng sạt lở đã ngừng, tuy nhiên, nước từ trên đỉnh núi và trong lòng đất vẫn rỉ ra, chảy thành dòng xuống chân núi. Đất đá kèm theo cây cấy cối từ trên núi bị sạt lở tràn vào vườn, công trình phụ, sân nhà dân.
Video đang HOT
Bà Phạm Thị Hiên vẫn chưa hết hoảng hốt khi đất đá trên núi bị sạt lở, tràn xuống vườn nhà lúc rạng sáng ngày 8/11.
Anh Nguyễn Văn Phượng (SN 1977, trú xóm 5) vẫn chưa hết lo lắng: “Sống ở đây hơn 40 năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy núi sạt lở nghiêm trọng thế này. Toàn bộ vườn tược phía sau nhà tôi bị vùi lấp đến hơn 1m, bùn theo dòng chảy tràn ra khu vực trước nhà. Với sự hỗ trợ của công an, dân quân xã… chúng tôi đã di dời toàn bộ lúa, trâu bò đến nơi khác. Vợ và hai con của tôi cũng chuyển đến tá túc nhà anh em trong xóm.
Khối bùn đất quá lớn, nếu núi tiếp tục sạt lở nữa sợ tường nhà không trụ nổi. Hôm qua xã đã cho máy múc đến để dọn bớt đất đá đi nhưng bùn nhão quá, máy không vào được”.
Nhiều gốc chanh – cây trồng chủ lực của người dân nơi đây bị đất đá vùi lấp.
Sau khi đưa vợ con đi sơ tán, anh Phượng ở lại, cùng các lực lượng tại chỗ của xã Hưng Yên Nam theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời có phương án bảo vệ tài sản của mình.
“UBND xã Hưng Yên Nam đã có tờ trình và được UBND huyện Hưng Nguyên đồng ý về phương án bảo vệ tài sản, tính mạng người dân dưới khu vực núi Rậm. Theo đó, xã đang xây dựng kế hoạch dự toán để xây kè tại khu vực bị sạt lở nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở đất tiếp tục xảy ra. Theo tính toán thì sẽ cần khoảng 7,5 tỷ đồng để thực hiện công trình này”, ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho hay.
Mặc dù trời không còn mưa nhưng với kết cấu địa chất yếu, lại là kiểu đất sỏi cốm bị ngấm nước nên nguy cơ núi Rậm tiếp tục sạt lở vẫn đang hiện hữu.
Có mặt chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các hộ dân dưới chân núi Rậm, ông Hoàng Đức Ân – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho hay: “Với tình hình thực tế hiện nay thì có mưa hay không có mưa, nguy cơ sạt lở núi vẫn xảy ra bất kỳ lúc nào. Trước mắt huyện chỉ đạo xã tập trung lực lượng ứng trực 24/24h nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho người dân.
Công an xã Hưng Yên Nam giúp người dân thu dọn số bùn đất tràn vào trong sân.
Ngoài 13 hộ dân bị đe dọa trực tiếp, khu vực sạt lở cũng ảnh hưởng tới 40 hộ dân khác. Bởi vậy về lâu dài thì huyện đang trình tỉnh cũng như các cấp, các ngành hỗ trợ lập dự án để xử lý khu vực sạt lở này và có phương án di dời, tái định cư đối với các hộ trong diện phải di dời khỏi khu vực sạt lở”.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Núi cao 100m sạt xuống đe dọa cuộc sống của 50 hộ dân
Mưa lớn khiến dãy núi dài 700 m ở Nghệ An bị sạt, hàng trăm khối đất đá đổ xuống những nhà dân sống xung quanh.
Hàng trăm khối đất đá tại núi Rậm, xã Hưng Yên Nam, đổ xuống dưới chân núi. Ảnh: Hải Bình.
Sáng 9/11, hàng chục công an, dân quân tự vệ của xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên, Nghệ An) túc trực tại núi Rậm thuộc xóm 5 để ngăn không cho người dân qua lại do đất đá sạt lở, hỗ trợ các gia đình dọn bùn bị tràn vào nhà.
Trước đó khoảng 5h ngày 8/11, vợ chồng bà Phạm Thị Hiên (67 tuổi ở xóm 5 xã Hưng Yên Nam, Hưng Nguyên, Nghệ An) đang ngủ thì nghe tiếng ào ào như thác đổ. Vội mở cửa, bà thấy đất đá từ ngọn núi Rậm cách tường nhà chừng 40 m đang đổ xuống, vài phút sau đã tràn tới sân. Vợ chồng bà vội đóng sập cửa để ngăn đất tràn vào nhà.
"Sống ở đây hàng chục năm, nhưng chưa khi nào tôi chứng kiến cảnh sợ hãi như thế. Đêm qua tôi phải tới nhà người thân tá túc vì sợ đất lại tràn vào nhà không chạy kịp", bà Hiên nói.
Hôm nay, hàng chục cán bộ, dân quân tự vệ của xã được điều động tới giúp dân thu dọn đất đá bị tràn vào khuôn viên nhà. Ảnh: Hải Bình.
Cách nhà bà Hiên vài chục mét, gia đình anh Nguyễn Văn Phượng (39 tuổi) cũng chưa hết sợ hãi sau vụ sạt núi. Sáng hôm qua sau cơn mưa lớn, anh nhìn lên núi thì thấy cây cối nghiêng ngả. Đất bắt đầu nứt toác rồi cuồn cuộn theo dòng nước mưa ùa thẳng vào nhà.
"Tôi gọi vợ đóng cửa rồi lấy giẻ lau nhà bít hết các khe cửa, vách tường để đất đá và nước khỏi tràn vào. Cũng may là tường nhà vững chãi nên chưa bị xô đổ. Được chính quyền khuyến cáo nên vợ chồng đã bắt hết lợn, gà đưa tới nhà người thân. Hai con nhỏ được đưa đi gửi", anh Phượng nói.
Ông Nguyên Văn Hiếu, Chủ tịch xã Hưng Yên Nam cho biết, từ ngày 7/11 địa bàn có mưa to, dãy núi Rậm dài chừng 700 m chủ yếu được giao khoán cho người dân trồng bạch đàn và tràm, độ cao 100 m so với nhà dân, bắt đầu bị nứt rồi sập từng mảng lớn xuống nhà dân. Đến cuối ngày hôm qua, việc sạt lở chỉ rải rác vì mưa đã giảm.
Dọc theo chân núi có 50 hộ dân với gần 400 nhân khẩu sinh sống, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là 13 hộ. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều vườn cây ăn quả, rau màu của người dân bị đất đá vùi lấp.
"Từ hôm qua, chính quyền đã huy động gần 100 cán bộ, dân quân tự vệ tới các nhà dân để vận động bà con di dời tài sản quý, cùng người già và trẻ em tới nơi an toàn. Mỗi gia đình chỉ cắt cử một người trụ lại phối hợp với cán bộ trông coi vật dụng vào đêm tối, đề phòng có diễn biến xấu", ông Hiếu nói và cho biết đợt mưa giữa tháng 10 dãy núi Rậm đã có dấu hiệu sạt lở.
Nhiều vườn chanh của các hộ dân bị bùn tấp sâu nửa mét. Ảnh: Hải Bình.
Để khắc phục tình trạng này, ông Hoàng Đức Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, cho biết sẽ có báo cáo lên tỉnh để lập dự án xử lý tình trạng sạt lở. "Có thể sẽ phải cắt ngọn núi này thành hình bậc thang, xây móng để chống sạt lở về lâu dài. Một mặt huyện sẽ rà soát xem những hộ cần di dời thì sẽ tìm nơi định cư mới cho họ", ông Ân nói.
Hiện tại Nghệ An có mưa, chính quyền địa phương vẫn túc trực cùng những hộ dân quanh chân núi để xử lý nếu núi tiếp tục sạt.
Hải Bình
Theo VNE
Sập hầm vàng ở Lào Cai: 9 người đã chết, số nạn nhân tăng từng giờ Tính đến thời điểm rạng sáng 23/8, đã có ít nhất 9 người chết và mất tích trong vụ sập hầm khai thác vàng ở Mà Sà Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn (Lào Cai). Đêm 19/8, do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều hầm vàng tại khu khai thác trên địa bàn thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây đã...