Sạt lở nghiêm trọng: An Giang phủ nhận nguyên nhân do “cát tặc”
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, Giám đốc Sở TN-MT An giang cho biết, vụ việc sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới vào ngày 22/4 hoàn toàn là do thiên tai, không liên quan đến việc khai thác cát.
Về vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao, Sở TN-MT An Giang báo cáo, sự việc xảy ra 22/4 tại khu dân cư sống tập trung thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hôi, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; làm 14 căn nhà và 2 nền nhà bị nhấn chìm; chiều dài đoạn sạt lở khoảng 70m, lấn sâu vào bờ trên 35m và cắt đứt đường giao thông liên xã. Hiện có 90 căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị nhấn chìm; thiệt hại ban đầu khoảng 9 tỷ đồng. Đã di dời 107 hộ và 1 nhà máy ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sáng ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo địa phương tỉnh An Giang đến khảo sát khu vực sản lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông.
Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang Trần Đặng Đức cho biết nguyên nhân vụ sạt lở hoàn toàn là do thiên tai bởi khu vực này không hề có việc khai thác cát. Ông Đức kiến nghị Bộ TN-MT sớm khảo sát, đánh giá, nghiên cứu sâu, tổng thể về chế độ dòng chảy của sông Tiền và sông Hậu, quy luật thủy văn… nhằm tìm nguyên nhân gây sạt lở để có biện pháp khắc phục.
Tại buổi làm việc, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ có chính sách về nhà ở để hỗ trợ di dời cho 20.000 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông trong 5 năm tới. Trước mắt kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí xử lý ngay các vấn đề khó khăn tại các nơi xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua.
Bộ trưởng Hà cho rằng giải pháp xây kè tại khu vực sạt lở là không hiệu quả.
Theo ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, trong các năm gần đây trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Cụ thể trong năm 2015 xảy ra 20 vụ; năm 2016 xảy ra 18 vụ, thiệt hại 142 căn nhà và nhiều tài sản khác; ước tính mỗi năm thiệt hại do sạt lở hơn 100 tỷ đồng.
Tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài 162km trên tổng số 400km đường bờ sông của tỉnh (chiếm 40%). Trong 162 km cảnh báo có 15 đoạn dài khoảng 30km nằm trong dạng nguy hiểm, có khả năng sạt lở cao, uy hiếp khoảng hơn 20.000 hộ dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đại diện đoàn công tác thăm hỏi và tặng quà hỗ trợ 14 hộ dân có nhà bị sạt xuống sông.
Bộ Trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh An Giang trong công tác dự báo và di dời nhanh chóng, kịp thời nhân dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người. Bộ trưởng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn với người dân vùng sạt lở, đồng thời tặng mỗi hộ dân 1 phần quà, trong đó tiền mặt là 5 triệu đồng.
Video đang HOT
Gia đình bà Nguyễn Thị Tua có 6 nhân khẩu, từ khi chính quyền địa phương buộc di dời, gia đình bà phải đến chùa Liên Hoa Tự tá túc cho đến nay
Vấn đề trước mắt, Bộ Trưởng Hà nói, chính là cuộc sống của người dân. Nhà nước, xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở sớm ổn định cuộc sống. Phía chính quyền cần sớm có nghiên cứu và hoàn thành đánh giá về hiện tượng sụt lún do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó có những giải pháp cụ thể. Riêng đối với giải pháp làm kè, Bộ trưởng cho rằng đó là giải pháp cứng, không hiệu quả trong khu vực này.
Bộ trưởng TN-MT nói, cần triển khai thực hiện các giải pháp mềm như: điều chỉnh quy hoạch tại các khu dân cư để tránh vùng nguy hiểm; hạn chế tối đa, tránh những khai thác tác động trái với quy luật tự nhiên; cân bằng lại dòng chảy hạn chế tối đá mức ảnh hưởng của tự nhiên; phân các khu vực có mức độ nguy hiểm khác nhau, nguyên nhân khác nhau từ đó đề ra giải pháp cụ thể.
Về những kiến nghị của tỉnh An Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Bộ TN-MT sẽ trình Chính phủ sớm triển khai giai đoạn 2 chương trình nhà ở vượt lũ để giải quyết nhu cầu cấp bách hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng. Đây là vấn đề cấp bách nhằm di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trên địa bàn huyện Chợ Mới hiện nay có 5 đơn vị khai thác cát. Thực tế tại khu vực sạt lở không có khai thác cát, tuy nhiên từ bến đò Chùa chạy về hạ nguồn khoảng vài kilomet có 2 chiếc xáng cạp khai thác cát đang hoạt động.
(Theo Dân Trí)
Bà con vùng sạt lở thoát nạn nhờ một người tắm sông
Câu chuyện 16 nhà dân bị sụp xuống sông nhưng không một người dân nào bị ảnh hưởng tính mạng cũng bắt đầu từ một người dân phát hiện có sự bất thường và lên báo với công an xã.
Khu vực bờ sông Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang) bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Nguyễn Trường
Tối 25-4, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - môi trường đã có buổi làm việc đột xuất với Thường trực Tỉnh ủy An Giang về vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở đoạn sông Vàm Nao hôm 22-4, nhấn chìm hoàn toàn 16 căn nhà.
Trước khi 16 căn nhà bị sông nuốt trọn, ở đây là một khu thị tứ trù phú, người dân từng có một cuộc sống yên bình...
20.000 hộ dân trong vùng nguy hiểm
Ông Trần Đặng Đức, giám đốc Sở TN-MT An Giang, cho biết vụ sạt lở diễn ra vào lúc 9h20 tại khu vực sông Vàm Nao thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, dài khoảng 70m, lấn sâu vào bờ trên 35m và cắt đứt đường giao thông liên xã.
Đến ngày 23-4, khu vực sạt lở tiếp tục lấn sâu vào đất liền. 90 ngôi nhà có nguy cơ tiếp tục bị nhấn chìm. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 9 tỉ đồng.
Kết luận buổi làm việc với lãnh đạo An Giang tối 25-4, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, biểu dương những nỗ lực của tỉnh An Giang trong việc di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm.
Bộ trưởng Hồng Hà cho biết sẽ chỉ đạo Viện Khoa học địa chất phối hợp với nhà khoa học các nước nghiên cứu, đánh giá cụ thể về hiện trạng sạt lở ở hai dòng sông Tiền, sông Hậu.
Từ đó, đề xuất giải pháp giúp các tỉnh đưa ra hướng xử lý căn cơ, ổn định dòng chảy những nơi nguy hiểm được cảnh báo. Riêng vấn đề nạo vét luồng lạch và khai thác cát phải gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Phải quản lý chặt hơn trong thời gian tới và phải có trách nhiệm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, hai năm qua tỉnh An Giang đã xảy ra 38 vụ sạt lở bờ sông, làm mất 142 căn nhà và nhiều tài sản khác, ước tính thiệt hại mỗi năm trên 100 tỉ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 51 đoạn có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài trên 162km. Trong đó có 15 đoạn có chiều dài 30km nằm trong dạng nguy hiểm có khả năng sạt lở cao, uy hiếp gần 20.000 hộ dân trong khu vực. Do đó, tỉnh kiến nghị di dời 20.000 hộ dân này ra khỏi khu vực cảnh báo.
Khu vực bờ sông Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang) bị sạt lở - Ảnh: Duyên Phan
Lệnh sơ tán khẩn cấp!
Ông Nguyễn Thanh Phong, bí thư Huyện ủy Chợ Mới, mấy ngày nay hay rảo qua điểm sạt lở coi tình hình bà con, giọng trầm buồn: "Dân gian người ta nói cháy nhà là mất hết. Nhưng cháy nhà ít ra còn cái nền nhà. Còn dân ở đây nhà cửa chuồi xuống sông, mất sạch rồi". Nhưng ông cũng nói "quan trọng nhất là giữ được tánh mạng của dân, may mà không ai bị làm sao là mừng".
Câu chuyện 16 nhà dân bị sụp xuống sông nhưng không một người dân nào bị ảnh hưởng tính mạng cũng bắt đầu từ một người dân phát hiện có sự bất thường và lên báo với công an xã.
Buổi chiều trước khi xảy ra sự cố, ông Nguyễn Văn Bé (67 tuổi) xuống mé sông tắm như thường lệ. Thế nhưng, khi ông bước xuống nước thì bỗng chới với bởi hằng ngày mé sông chỉ sâu đến lưng quần, giờ lặn với tay cũng không chạm đến đất. Ông vội leo lên bờ thì phát hiện bờ sông có vết nứt bằng lóng tay, kéo dài về phía lộ.
Ông Bé hớt hải chạy đến báo vụ việc với công an xã. Xã báo lên huyện. Huyện báo về tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cùng đoàn cán bộ của tỉnh nhanh chóng đến hiện trường.
Thấy hiện tượng bất thường, ông Thi đã lệnh cho kiểm tra lòng sông. Lúc này, vẫn có ý kiến bàn ra, không vội quan trắc lòng sông. Ông Thi nhắc lại mệnh lệnh.
Kết quả khiến ai cũng bàng hoàng: một hố sâu 42m, dài 380m, rộng 120m tạo ra nơi dòng xoáy tại điểm giao nhau giữa sông Hậu và sông Vàm Nao, có biểu hiện tiến về khu vực dân cư trung tâm xã Mỹ Hội Đông. Lệnh khẩn cấp sơ tán dân lập tức được ban ra.
Ông Vũ Minh Thao, phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, nói đã có 150 người của tỉnh, huyện, xã được huy động để lập tức giúp dân di dời. Lúc này nhiều hộ dân còn dùng dằng.
Một vài gia đình có nhà kiên cố cho rằng nền móng của nhà mình rất vững nên sẽ không sao, buộc các lực lượng phải vừa yêu cầu sơ tán vừa khuân vác tài sản của họ ra khỏi nhà.
Chỉ hơn 20 phút sau khi người dân cuối cùng trong vùng cảnh báo rời khỏi nhà thì dải nhà đã đánh ùm xuống sông...
Chiều 25-4, chúng tôi đi ghe đến gần nơi sạt lở. Từ ngã ba sông nhìn vào, thị trấn với nhà lầu, cửa hiệu san sát giờ đây bị vỡ ra bởi vết chém trí mạng của dòng sông.
Nhìn xuống mặt nước phẳng lặng một cách giả tạo, nhiều người rùng mình: "Mười mấy căn nhà đang nằm dưới đó. Giờ còn gì đâu...". Một nỗi hoang mang len lỏi trong mỗi người dân sống gần vùng sạt lở. Bao đời sống bên vùng nước trù phú này, chưa khi nào họ thấy bất an với dòng sông vốn mang lại nhiều cá tôm này.
Cần vẽ ngay bản đồ vùng có nguy cơ sạt lở
PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) cho rằng khai thác cát là nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở ở ĐBSCL, trong đó có vụ sạt lở ở Vàm Nao.
Khai thác cát, theo ông, làm xói lở hai bên bờ và lòng sông, cộng với các yếu tố dòng chảy mạnh, xiết và các nhà cửa, công trình xây cất bên trên gây ra sạt lở.
Theo ông Tuấn, để một bãi cát hình thành dưới lòng sông phải mất hàng chục năm, trong khi khai thác thì rất nhanh, cát hình thành tự nhiên không đủ bù đắp lại và việc này gây xói lở đã được các nhà khoa học trong, ngoài nước cảnh báo từ lâu nhưng không được lắng nghe.
Ông Lê Anh Tuấn cho rằng việc cần làm nhất hiện nay là chính quyền phải kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát.
Trước mắt các địa phương ở ĐBSCL cần làm ngay bản đồ vùng có nguy cơ sạt lở, tuyệt đối không cho khai thác cát và xây dựng các công trình dân cư ở nơi này.
Nơi nào trồng cây giữ đất được thì trồng, nơi nào làm kè được thì làm kè, tuy nhiên việc làm kè chỉ hạn chế chứ không thể kiểm soát sạt lở hoàn toàn.
"Người ta thường nói dòng sông bên lở bên bồi, nhưng bây giờ thì lở nhiều hơn bồi do khai thác cát quá mức và do các đập thủy điện từ thượng nguồn làm mất lượng phù sa đáng kể về ĐBSCL. Đây là nguy cơ tan rã của đồng bằng mà cần có sự cảnh báo cho Ủy ban sông Mekong", ông Tuấn nói.
(Theo Tuổi Trẻ)
Nhà ở cho giáo viên Quảng Ngãi bị đất đá chôn vùi Hàng tấn đất đá trên núi đổ xuống, đè sập 6 căn phòng dành cho giáo viên trong trường tiểu học ở huyện Sơn Hà. Phòng ở của giáo viên bị nhiều tấn đất đá trên núi đổ xuống, chôn vùi. Ảnh: Long Vương Sáng 16/12, Quảng Ngãi mưa lớn làm khu vực núi xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà bị sạt lở....