Sạt lở đê biển, Kiên Giang công bố tình trạng khẩn cấp
Sáng 3-8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, những ngày qua mưa to, gió lớn đã làm sạt lở nhiều đoạn đê biển trên địa bàn huyện An Minh.
UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng cần khắc phục khẩn cấp tại khu vực Vàm Tiểu Dừa, thuộc địa bàn xã Vân Khánh Tây.
Nhiều đoạn đê ở Vàm Tiểu Dừa bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo thông tin, ngày 29-7, sau nhiều ngày mưa lớn, kéo dài, sóng biển dâng cao đã làm vỡ một đoạn đê biển dài khoảng 20m tại Vàm Tiểu Dừa (thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, giáp ranh với tỉnh Cà Mau).
Đê bị vỡ, nước biển đã tràn vào trong, ảnh hưởng trực tiếp sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng. Ngoài ra, tại khu vực này, có một đoạn đê biển gần 700m cũng bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Nhiều điểm khác cũng có nguy cơ bị vỡ nếu mưa lớn và sóng mạnh vẫn tiếp tục.
Video đang HOT
Để chống đỡ tình trạng sạt lở đê biển, UBND huyện An Minh đã cử lực lượng và phương tiện đến hiện trường triển khai biện pháp gia cố, khắc phục bằng cách đóng cừ tràm hai bên đê, lót bạt cao-su và đắp đất phục hồi tạm thời thân đê, nhằm chống nước biển tràn vào nội đồng, hạn chế tình trạng sạt lở tiếp diễn.
Tuy nhiên, tình trang sạt lở nặng đã làm một số nền nhà của người dân mất hoàn toàn, số hộ này phải di dời khẩn cấp đến nơi khác sinh sống.
Cũng trong sáng 3-8, tin từ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Kiên Giang thông tin, có hai đoạn đê bị sạt lở: đoạn đê thứ nhất bị sạt lở dài khoảng 20m, rộng 10m, toàn bộ bờ đê đã bị nước biển cuốn trôi; đoạn đê thứ hai bị sạt lở dài khoảng 50m, rông 9m, đất đã không còn.
Sau khi đê vỡ, thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang đã trực tiếp đến hiện trường nắm tình hình và chỉ đạo gần 100 cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên của xã Vân Khánh Tây phối hợp các lực lượng tại chỗ và bà con nhân dân địa phương khẩn trương khắc phục.
Các lực lượng đã sử dụng hai máy cuốc chuyên dụng, cùng với cây tràm, cây dừa, đá hộc, đất để gia cố đoạn đê vỡ.
Được biết, đoạn đê biển đang sạt lở nằm trong dự án kè chống sạt lở bờ biển Tiểu Dừa – Chủ Vàng (huyện An Minh).
Theo đó, giải pháp thi công kè bê-tông trụ rỗng, tạo bồi gây bãi, từ nguồn vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới, dự kiến triển khai vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, tại đoạn đê này đã mất hết rừng phòng hộ, sạt lở đã vào đến chân đê. Nhiều đoạn đê biển bị đứt, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay đang trong mùa mưa bão, nếu không sớm xử lý khắc phục, tình hình đứt thân đê biển sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn.
Trước tình hình cấp thiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã ký tờ trình đề nghị Thường trực Tỉnh ủy xem xét cho phép sử dụng dự phòng ngân sách tỉnh, thực hiện dự án xử lý khẩn cấp tạm thời điểm đê biển bị sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân trong khu vực. Tổng kinh phí đề xuất để thực hiện gần 10 tỷ đồng.
Hiện nay, tại Kiên Giang, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và áp thấp nhiệt đới, mưa tiếp tục nặng hạt, gió mạnh, sóng biển đang hung hăng, nhiều tuyến đê biển tiếp tục bị đe dọa.
Các lực lượng khẩn trương gia cố đê.
Một người chết, nhiều công trình dân sinh hư hỏng do bão số 2
Do ảnh hưởng của bão số 2, tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, kèm dông, lốc. Đến sáng nay (3/8), cả nước ghi nhận nhiều thiệt hại do cơn bão gây ra.
Sự việc nghiêm trọng nhất xảy ra tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh), khi có 1 người bị chết do bão số 2. Đó là trường hợp ông Đỗ Văn Mạnh, sinh năm 1979, bị thiệt mạng do kè đổ vào lán trại ở công trường.
Mưa lớn cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản và sản xuất nông nghiệp của người dân các địa phương. Cụ thể tại Đắk Lắk, ít nhất 931 nhà dân đã bị ngập; 183ha lúa, 4.208ha cây trồng bị thiệt hại; 17.070 con gia cầm, 61 con gia súc bị trôi; 28ha ao cá bị thiệt hại; sạt lở 200m đường giao thông.
Ngập úng khiến nhiều khu vực tại Đắk Lắk bị ngập úng. Ảnh: Thúy Diễm.
Tại Lâm Đồng, mưa lớn ngày 2/8 đã làm 1 người bị thương, ngã đổ 10 cây xanh và sạt lở 1 bờ taluy đất. Tại Cà Mau, 3 nhà dân bị sập đổ và 13 ngôi nhà bị tốc mái. Trong khi đó tại Hà Tĩnh, trên 2.500ha lúa và hoa màu cũng bị ảnh hưởng năng suất do ngập úng...
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2 kết hợp với rãnh thấp đi qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão Hagupit ở phía Đông đảo Đài Loan, từ nay đến ngày 5/8, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến 100 - 250mm/đợt; khu vực Việt Bắc và Đông Bắc có mưa to đến rất to 200 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Từ ngày 5 - 8/8, hội tụ gió trên cao có khả năng thiết lập ở vùng núi Bắc Bộ nên mưa lớn ở trung du và vùng núi Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 8/8.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão số 2, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để lên phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm.
Cùng với đó, kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Rà soát, kiểm tra phương án vận hành đảm bảo an toàn công trình, hạ du, tránh xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho hạ du...
Sóc Trăng: Sạt lở bờ sông trong đêm tối, nhiều hộ dân phải sơ tán Khoảng 20 giờ 40 phút ngày 1/8, tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (huyện Long Phú) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông, làm ảnh hưởng đến 6 hộ dân sinh sống tại khu vực, trong đó có 3 hộ phải di dời. Hiện trường vụ sạt lở tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (huyện Long Phú). (Ảnh...