Sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Điều công nhân mỏ từ Quảng Ninh vào hỗ trợ
Hiện tại, mực nước trong đường hầm dâng cao khoảng hơn 1m. Lực lượng ứng cứu đang nỗ lực rút bớt nước ra ngoài.
14 giờ 40: Theo đại tá Lê Tn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, ông vừa nhận được lệnh điều lực lượng lên tham gia cứu hộ cứu nạn các nạn nhân vụ sập hầm thủy điện ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Hiện công tác chuẩn bị đang tiến hành khẩn trương để các chiến sĩ được chọn tham gia có thể lên đường trong thời gian sớm nhất.
14 giờ 5: Đầu giờ chiều nay, một nhóm công nhân mỏ có kinh nghiệm đã bay cấp tốc từ Quảng Ninh đến hiện trường, tham gia công tác cứu hộ. Trong bối cảnh việc cứu nạn cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn, vẫn chưa định hình được phương án tối ưu thì sự góp mặt của các công nhân từng làm việc nhiều năm trong lòng đất tham gia vào công tác cứu nạn hy vọng sẽ đưa ra được phương án cứu hộ tốt hơn, sớm tiếp cận và đưa các nạn nhân ra ngoài.
Vừa vào đến nơi, nhóm công nhân, cán bộ kỹ thuật khai thác mỏ ở Quảng Ninh lập tức vào đường hầm khảo sát, tìm ra phương án cứu nạn tốt nhất
Quan sát của CTV tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng trưa nay cũng đã đến hiện trường để cùng bàn phương án cứu hộ khả thi nhất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại hiện trường
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết đã đình chỉ thi công đối với công trình hầm thủy điện Đạ Dâng. Đến khi nào hai Bộ Công Thương và Xây dựng đồng ý mới được làm trở lại.
Trong khi đó Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đã bàn đến 3 phương án, từ 3 hướng, là từ hai đầu hầm và từ đỉnh đồi xuống để cứu các nạn nhân.
Các lực lượng bên ngoài hỗ trợ nhân viên cứu hộ tác nghiệp trong hầm
12 giờ 25: Trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường sáng nay, sau cuộc hội ý nhanh với các lực lượng cứu hộ, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết, do nước ngày càng dâng cao, gây khó khăn và nguy hiểm khi đào hầm vào cứu các nạn nhân, đồng thời có thể uy hiếp đến an toàn của các công nhân mắc kẹt bên trong. Do vậy, trước mắt cần tập trung tạo đường ống để dẫn nước từ trong hầm ra ngoài, cả ở đoạn hầm bị đất đá sạt lở bịt kín – nơi các nạn nhân đang kẹt bên trong. Theo đó, một mũi khoan dài được điều tới hiện trường, khoan xuyên qua bức tường đất đá (dày khoảng 30 mét) vào trong để tạo đường thoát nước. Song song đó, công tác bơm hút nước phía ngoài và đào hâm chữ A vẫn được tiến hành khẩn trương.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến chỉ đạo công tác cứu nạn tại hiện trường. Ảnh: Dân Trí
Ông Tiến cũng cho biết thêm, ngay khi nhận báo cáo xảy ra sự cố, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng cùng các Bộ, ngành chức năng phải sớm tìm ra phương án tốt nhất để nhanh chóng cứu các nạn nhân, cũng như rút kinh nghiệm công tác cứu nạn, cứu hộ.
Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng có Công điện số 2583/CĐ-TTg về việc tổ chức cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân còn bị mắc kẹt trong hầm.
Video đang HOT
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 7, các đơn vị đóng quân trên địa bàn và các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Chuẩn bị bữa trưa cho lực lượng cứu hộ trong hầm bằng thực phẩm ăn nhanh nhất
Nhanh chóng cắt gỗ thông theo quy cách để làm dàn chống đỡ
Hình ảnh đồ họa vị trí hầm bị sập và khoảng cách các nạn nhân với miệng hầm
Trong khi đó ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng nói: “Cấu tạo của hầm dẫn nước thủy điện này có các ngách trên cao, được khoét rộng ra hai bên để công nhân cất dụng cụ và các vật dụng khi vào thi công đường hầm. Liên lạc với bên trong thì được biết các anh chị em công nhân bị mắc kẹt trong hầm hiện đang trú ẩn trên đó. Lương thực (cháo gà, xúc xích, sữa, nước uống…) đã được chuyển vào và các nạn nhân đã nhận được nên phần nào yên tâm. Họ đang chờ đợi từng giây để được giải cứu nên Ban chỉ huy cứu nạn cũng đang dốc toàn tâm toàn lực với công việc.
10 giờ 50: Tại hiện trường, xe ô tô liên tục chở gỗ tròn đến để cắt ra làm mái chống đỡ khi đào hầm chữ A. Quan sát của chúng tôi cho thấy, khu vực xung quanh miệng hầm lực lượng y tế, cơ động đang căng lều bạt dã chiến, sẵn sàng phục vụ công tác tiếp nhận các nạn nhân được đưa ra khỏi hầm để sơ cứu trước khi chuyển vào bệnh viện. Đã có khoảng 30 chiến sĩ công binh và nhân viên cứu hộ được chở vào hầm để thay ca nhau đào đất đá.
Thời tiết khu vực không mưa nhưng âm mu, nhiều mây và rất lạnh, khả năng chiều nay sẽ có mưa lớn.
Thông tin cho biết, nước trong hầm vẫn ngập sâu, máy bơm đang tích cực hút nước ra để bảo đảm không uy hiếp tính mạng các nạn nhân.
9 giờ 45: Tại hiện trường, ông Phan Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng – Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng cho biết, công tác đào hầm để cứu 12 nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn vì lượng đất đá, bùn nhão rất lớn.
Bộ đội công binh sẽ kết hợp với các lực lượng khác vừa đào lấy đất đá ra khỏi hầm vừa gia cố mái chống sạt lở. Công tác cứu hộ thủ công như thế này rất tốn thời gian, chưa thể xác định được khi nào sẽ thông hầm để cứu 12 người bị nạn bên trong. Hiện toàn bộ lực lượng đã được huy động để đẩy nhanh tiến độ nhất có thể.
Ngoài ra, thông tin từ các nạn nhân truyền ra ngoài cho biết, nước trong hầm đã dâng cao khoảng 1 mét và tiếp tục dâng thêm, hiện họ đang phải dồn nhau lên dàn giáo. Vì vậy công tác cứu hộ càng phải khẩn trương.
Chuyển cây, dụng cụ đến hiện trường để đào hầm chữ A và kè mái
Trao đổi, căn dặn với các nhân viên cứu hộ trước khi vào hầm
Nhóm nhân viên vào trong đào đường hầm chữ A
8 giờ 45: Thay đổi phương án cứu hộ, đào đường hầm hình chữ A: Sáng nay, 29 chiến sĩ công binh của Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) đã được điều động từ Đồng Nai đến hiện trường tham gia công tác cứu nạn. Đây là lực lượng tinh nhuệ, được tập huấn cũng như có nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu hộ cứu nạn.
Cưa cây để kè mái khi đào đường hầm hình chữ A. Ảnh: TTO
Phương án cứu hộ đã được tính toán lại để đảm bảo an toàn. Theo đó, thay vì dùng máy khoan công suất lớn để khoan rồi đặt ống sắt cứng như ngày hôm qua, hiện được chuyển thành đào đất theo hình chữ A, đào đến đâu kè mái đến đó. Khoảng cách đào dự kiến khoảng 27 mét. Nguyên do không khoan đặt ống là sợ khoan sẽ gây chấn động lớn, đất đá sập xuống thêm sẽ càng làm khó khăn cho công tác cứu hộ. Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực này địa chất rất phức tạp. Việc dùng cuốc xẻng đào cũng không thể nhanh chóng bởi đào đường hầm nhỏ, chỉ có số lượng ít nhân công đào (thậm chí chỉ 1 người), quá trình đào đất có thể sạt lở thêm, tăng khối lượng đất đá phải chuyển ra ngoài.
Hiện công tác tiếp tế lương thực, nước uống, thuốc men chống lạnh, tăng sức đề kháng cho các nạn nhân vẫn được tiến hành thường xuyên. Đáng lo ngại là các nạn nhân ngâm chân trong nước suốt cả ngày đêm hôm qua, rất lạnh.
8 giờ 15: 24 giờ sau sự cố, 12 công nhân vẫn an toàn, công tác cứu hộ vào nước rút: Thông tin của CTV Báo Công an TP.HCM từ hiện trường cho biết, hàng trăm người của lực lượng cứu hộ đã luân phiên làm việc xuyên đêm với nỗ lực cao nhất để nhanh chóng tiếp cận, đưa các nạn nhân ra ngoài.
Công tác cứu hộ đang gấp rút được tiến hành trong đường hầm vào sáng nay (17-12). Ảnh: TTO
Điện thoại chuyên dùng đã được đưa vào cho các công nhân trước đó, việc liên lạc được thông suốt. Tình hình sức khỏe, môi trường trong hầm tối và diễn biến tâm lý các nạn nhân được cập nhật thường xuyên. Các đồng chí lãnh đạo chỉ huy công tác cứu hộ tại hiện trường liên tục động viên, khích lệ các nạn nhân, bởi công tác cứu hộ đang đi vào nước rút.
Sáng sớm nay, một số phương tiện chuyên dùng, nhân lực cũng được bổ sung thêm cho lực lượng cứu hộ…
Theo NTD
Giây phút sập hầm qua lời kể của người thoát nạn
"Tôi đang đi sau chiếc xe máy đào thì bất ngờ nghe tiếng đất đá đổ ầm ập xuống. Ngay lập tức tôi quay đầu chạy thục mạng ra ngoài và gọi mọi người đến cứu".
"Khi chúng tôi chạy ra, hầm chưa bị lấp hẳn"
Là người chạy thoát khỏi hầm ngay khi đất đá bất đầu dổ xuống, anh Nguyễn Văn Tuấn (công nhân Công ty Cổ phần Sông Đà 505) vẫn chưa hết xúc động khi kể lại vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
"Tôi đang đi sau chiếc xe máy đào thì bất ngờ nghe tiếng đất đá đổ ầm ập xuống. Ngay lập tức tôi quay đầu chạy thục mạng ra ngoài và gọi mọi người đến cứu"- anh Tuấn kể lại.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một trong số 3 người may mắn thoát nạn
Thông tin từ anh Tuấn, trên thực tế kíp làm việc có 15 người nhưng lúc đó chỉ mới có 12 người vào trong, anh và 2 người nữa đi phía sau nên chạy ra được.
"Lúc đó, trên công trường, ngoài 3 người chạy ra được thì chỉ có hai người khác đang đau chân nằm trong lán. Chúng tôi đã rất hoảng loạn. Khi chúng tôi chạy ra kêu cứu, rồi chạy vào, hầm vẫn chưa bị lấp hẳn, nhìn từ ngoài vẫn còn có thể thấy được bên trong. Tuy nhiên sau đó, đất đá tiếp tục đổ xuống và lấp hẳn. Khoảng 1 giờ sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng cứu hộ mới đến được hiện trường" - anh Tuấn kể tiếp.
Theo công nhân này, sự cố trên xảy ra vào khoảng 6 rưỡi ngày 16/11.
Rồi anh xúc động nói: "Từ hôm qua, tôi chưa chợp mắt được phút nào. Đêm qua, khi nghe các đồng nghiệp còn sống tôi đã mừng như phát điên lên. Cầu trời cho họ sớm được đưa ra!"
Nước dâng cao, cứu hộ gặp khó khăn
Sáng nay, công tác cứu hộ vẫn đang được gắp rút triển khai. Ngoài lực lượng có mặt từ suốt hơn 1 ngày qua, hơn 30 chiến sĩ công binh của Quân khu 7 cũng đã đến hiện trường để phối hợp cứu hộ.
Sáng sớm, trời đổ mưa nhỏ, nhưng đến thời điểm này, nắng đã hửng lên khiến công tác cứu hộ bên ngoài được suôn sẻ hơn.
Tuy nhiên phía bên trong, theo thượng tá Phạm Quý Tỵ, Phó trưởng công an huyện Lạc Dương, do lượng đất đá sạt lở rất lớn, cùng với đó nước đang mỗi ngày một dâng lên nên công tác cứu hộ trong hầm gặp khó khăn.
Các dụng cụ, thuốc men cần thiết được chuẩn bị đầy đủ và luôn trong tình trạng sẵn sàng
Hiện tại, phương án đào hầm cóc để tiếp cận các nạn nhân vẫn tiếp tục được triển khai. Theo đó, phía bên trong vẫn tiếp tục đào hầm và chuyển đất đá ra ngoài. Phía bên ngoài, một tổ khác đang cưa gỗ đóng khung để gia cố các đoạn hầm vừa đào xong.
Bên cạnh đó, các lực lượng khác như y tế, cứu hỏa...cũng đang túc trực 24/24 với đầy đủ các dụng cụ, thuốc men cần thiết để vừa hỗ trợ lực lượng cứu hộ vừa sẵn sàng ứng cứu khi các nạn nhân được giải thoát.
Về phía các nạn nhân, Phó trưởng công an huyện Lạc Dương cho hay lực lượng cứu hộ vẫn liên tục liên lạc với 12 công nhân bị mắc kẹt. Hiện, sức khỏe của các nạn nhân đều ổn định.
Phía bên trên, hàng trăm người dân vẫn đang theo dõi công tác cứu hộ. "Khi nghe các công nhân vẫn an toàn, chúng tôi đã hết sức vui mừng. Hi vọng họ sẽ được đưa ra trong sáng nay" - một người nói.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)
Hình ảnh 24 giờ tiếp cận, cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt trong hầm 24 giờ sau khi xảy ra vụ sập hầm tại công trình đang thi công thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được với các nạn nhân. Phương án cứu hộ tối ưu nhất đang được nghiên cứu tiến hành. Công tác cứu hộ cứu...