Sắp đến Trung thu, xem lại Gia Hảo Nguyệt Viên của TVB là chuẩn không cần chỉnh
Nếu phải tìm một phim để “cày” vào mùa Trung thu thì chắc chắn không có phim nào phù hợp hơn Gia Hảo Nguyệt Viên – Sức Mạnh Tình Thân, nhất là khi năm nay là dịp kỉ niệm 10 năm phim ra mắt.
Trung thu là một lễ hội lớn trong năm nhưng lại không có quá nhiều phim ảnh lấy đó làm đề tài. Nhắc đến Trung thu, người ta thường nghĩ đến chú Cuội, chị Hằng hay bầy thỏ, cung trăng…. Nhưng thực chất giá trị của Trung thu chính là sự đoàn viên. Và, không có bộ phim nào nên “cày” trong mùa Trung thu hợp lý và ý nghĩa hơn Gia Hảo Nguyệt Viên của TVB. Một bộ phim tuyệt vời có thể cùng coi với gia đình suốt mùa Trung thu và coi đi coi lại bao nhiêu lần vẫn không thấy chán.
Gia Hảo Nguyệt Viên xoay quanh gia đình bán bánh trung thu
Gia Hảo Nguyệt Viên tên đầy đủ là Đường Tâm Phong Bạo chi Gia Hảo Nguyệt Viên, được biết đến ở Việt Nam với tên Sức Mạnh Tình Thân, phần II của Sóng Gió Gia Tộc. Bộ phim từng tạo nên cơn sốt khi phát sóng năm 2008 không chỉ ở Hong Kong mà nhiều nước khu vực, trong đó có Việt Nam. Bản thân bộ phim và các diễn viên cũng nhận được nhiều giải thưởng giá trị khắp châu Á Thái Bình Dương, là một trong những tác phẩm thành công nhất về rating (tỉ suất bạn xem đài) của TVB, đặc biệt là tập cuối cùng.
Quay lại quá khứ thêm chút nữa vào năm 2007, TVB trình làng Đường Tâm Phong Bạo (Sóng Gió Gia Tộc) và ngay lập tức tạo “hit”. Nội dung hấp dẫn vì cuộc đấu giành gia sản của hai người vợ trong một gia đình bán bào ngư cùng thực lực của dàn diễn viên ba thế hệ như Lý Tư Kỳ, Mễ Tuyết, Hạ Vũ, Quan Cúc Anh, Trần Hào, Lâm Phong, Dương Di, Huỳnh Tông Trạch, Chung Gia Hân, Trần Pháp Lai… đã khiến bộ phim danh dự được trao giải Phim hay nhất năm của đài; Trần Hào và Lý Tư Kỳ cũng giành giải Nam – Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Đường Tâm Phong Bạo khai thác gia đình bán bào ngư
Tiếp nối thành tựu đó cũng như đáp lại lòng yêu mến của khán giả, giám chế Lưu Gia Hào đã bê nguyên xi dàn diễn viên sang phần II, cùng nội dung đấu đá giành gia sản nhưng tuyến nhân vật và câu chuyện khác biệt, với tên Gia Hảo Nguyệt Viên (Sức Mạnh Tình Thân). Và như đã nói bên trên, bộ phim đã vượt qua “tiền bối” để đạt điểm rating 50, tiếp tục trở thành phim hay nhất năm 2008 cùng loạt danh hiệu đình đám.
Gia Hảo Nguyệt Viên nằm trong câu nói “Gia hảo nguyệt viên khánh trung Thu” (Cả gia đình đoàn tụ đêm trung thu), là tên tiệm bánh Trung thu trong phim và cũng là tên của những người con trong gia đình bà Chung Tiếu Hà (Lý Tư Kỳ) và ông Cam Thái Tổ (Hạ Vũ). Đi lên từ hai bàn tay trắng, Cam Thái Tổ được vợ và cha vợ truyền lại cho bí quyết làm bánh Trung thu, nối nghiệp thương hiệu lâu đời Gia Hảo Nguyệt Viên, một tiệm bánh gia truyền nổi tiếng ở Hong Kong. Họ có với nhau 5 người con và 1 đứa con nuôi, lần lượt đặt tên là Gia (Trần Hào), Hảo (Lâm Phong), Nguyệt (con nuôi – Dương Di), Viên (Lê Nặc Ý), Khánh (Trần Pháp Lai) và Trung (Ôn Gia Hằng).
Thế nhưng cuộc sống viên mãn của gia đình họ bắt đầu sụp đổ khi hai vợ chồng Ân Hồng (Mễ Tuyết) xuất hiện và được cưu mang, cho làm thợ bánh. Cô con gái của Hồng là Vu Tố Tâm (Chung Gia Hân) cũng được đặt thêm biệt danh là Thu, hoàn thành câu “Gia hảo nguyệt viên bánh trung thu”. Nhưng rồi chồng của Ân Hồng có vợ bé khiến cô bất mãn, muốn tự tử và sau đó quyến rũ luôn cả Cam Thái Tổ, khiến Thái Tổ phụ bạc Tiếu Hà. Họ quyết định ly hôn, chia đôi số con cái, mỗi người nuôi 3 đứa.
Vì ra đi tay trắng nên cha con Tiếu Hà chấp nhận cho Thái Tổ và Ân Hồng mượn bảng hiệu Gia Hảo Nguyệt Viên để làm ăn. Nhưng đến khi thương hiệu ăn nên làm ra, trở thành một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất Hong Kong thì Ân Hồng bắt đầu nổi máu ích kỉ. Trong lòng bà chưa một ngày nào thôi lo sợ lúc nào đó Thái Tổ sẽ quay lại với Tiếu Hà, vì mình chỉ là phận người đến sau. Thế nên bà ta luôn cảnh giác, dùng đủ mọi chiêu trò để giữ chồng, giữ con, thậm chí là không tiếc thủ đoạn để chiều hư con chồng.
Mà cuộc đời thì thường tréo ngoe, con gái của Ân Hồng là Tâm lại rất thân với Hảo bên nhà họ Chung. Dù Ân Hồng đã cho con bé ra nước ngoài ăn học nhưng khi Tâm trở về và trưởng thành thì quan hệ giữa cô và Hảo lại phát triển thành tình yêu, khiến Hồng lo sợ. Bà ép Thái Tổ dùng tài chính, quyền lực kinh doanh để kiện nhà họ Chung ăn cắp bảng hiệu, khiến hai gia đình phải ra tòa. Chính từ đỉnh điểm tráo trở đó, những đứa con tan đàn xẻ nghé của má Hà (tên thân mật mọi người gọi Chung Tiếu Hà) bắt đầu thay đổi, cùng nhau liên kết để “tiêu diệt” Ân Hồng.
40 tập phim là một tổ hợp rất nhiều những câu chuyện, mâu thuẫn trong gia đình của anh chị em, của cha mẹ với con cái, của con cháu với ông bà, của con chồng với mẹ ghẻ, của cháu và dì… khiến khán giả bị cuốn theo mạch phim kịch tính nhưng cũng rất nhiều cảm động, xót xa. Đúng như tên gọi, càng xem những đấu đá thì khán giả lại càng thấm thía cái sức mạnh của tình thân, của sự sum vầy. Ngồi bên nhau tên bình ăn một bữa cơm đã là rất hạnh phúc, được đoàn tụ với nhau trong đêm sum vầy đã là mãn nguyện.
Bên cạnh những tranh đấu thì tuyến tình yêu trong phim cũng là những điểm nhấn. Cuộc tình tay ba giữa Vu Tố Tâm – Cam Vĩnh Hảo và bác sĩ Trương Trí Tín (Huỳnh Tông Trạch) hay mối quan hệ đẫm nước mắt và uất ức của Hạo Nguyệt với Cam Vĩnh Gia khi có sự xuất hiện của Lộ Gia Mỹ (Từ Tử San) đều đưa người xem đi qua nhiều cảm xúc.
10 năm trôi qua, khi nhắc lại hẳn những khán giả ngày nào vẫn còn nhớ đến “công chúa Athena và chiến binh Xayda” mà Tố Tâm và Vĩnh Hảo hay gọi nhau; cũng như làm sao quên được những giọt nước mắt khi Hạo Nguyệt bị cả gia đình mắng chửi vì mẹ con dì Sa (Quan Cúc Anh); càng khắc cốt ghi tâm lúc Khánh đi lấy chồng, dùng thủ ngữ để phát biểu khiến cả hội trường rơm rớm.
Gần 2 tháng phát sóng, bộ phim liên tục trở thành tâm điểm để khán giả bàn tán qua từng tập, từng tình tiết. Những phân đoạn cãi nhau trong phim vừa mang tính “đặc sản” của phim Hong Kong, vừa là thứ kích thích khẩu vị của khán giả nội trợ, để phim cứ thế “lên top”.
Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mà thời điểm năm 2008, bạn đi khắp các tiệm cho thuê băng đĩa đều thấy mọi người chọn thuê phim này. Trên các diễn đàn điện ảnh, cộng đồng mọt phim Hoa ngữ, TVB hay những người thích xem phim truyền hình đều xem và bàn tán Gia Hảo Nguyệt Viên. Các diễn viên trong phim theo đó cũng trở thành những gương mặt quen thuộc với khán giả Việt Nam. Và cũng nhờ series Đường Tâm Phong Bạo này mà Lưu Gia Hào trở thành giám chế quyền lực ở đài, bên cạnh người vợ Mai Tiểu Thanh (các series Bằng Chứng Thép, Cung Tâm Kế…)
Ca khúc chủ đề nhạc phim Vô Tâm Hại Anh do Quan Cúc Anh sáng tác cũng từng được Phạm Quỳnh Anh yêu mến và hát lại bản tiếng Việt với tên Hạnh Phúc Một Quân Cờ (lời Việt: Hamlet Trương).
Ca khúc “Vô Tâm Hại Anh” – Quan Cúc Anh
Đời người có bao nhiêu cái 10 năm, chớp mắt một cái thì bộ phim yêu thích ngày nào đã có 10 năm tuổi, chắc hẳn những người từng say mê phim hồi đó cũng thoáng giật mình. Còn gì ý nghĩa hơn để chúng ta cùng xem lại với nhau bộ phim này sau một thập kỉ, nhất là khi chỉ còn một tuần nữa là đến Trung thu. Những ai chưa xem qua thì cũng hãy một lần xem thử, chắc chắn bạn sẽ bị cuốn vào từ tập đầu tiên.
Theo Trí Thức Trẻ
Series 'Sóng gió gia tộc': Bi kịch nhân sinh của những người phụ nữ làm kẻ thứ ba
Từ khi lên sóng phần phim đầu tiên, series "Sóng gió gia tộc" đã trở thành chuẩn mực cho dòng tình cảm - gia đình của TVB sau này. Chuyện phim gây ấn tượng với khán giả bởi những mâu thuẫn rất "đời" nhưng cũng gieo lại trong lòng người xem hình ảnh của các "tiểu tam" và bi kịch cuộc đời họ.
Sóng gió gia tộc hay Đường tâm phong bạo là series phim tình cảm gia đình gây tiếng vang lớn của nhà đài xứ Cảng. Qua ba phần phim, những kẻ thứ ba hiện lên trong lòng khán giả với hình ảnh không mấy tốt đẹp, thậm chí khiến người ta "ghét cay ghét đắng". Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao họ lại chọn con đường khó đi như vậy cho bản thân hay chưa?
Khi "tiểu tam" là những người làm mẹ
Quan Cúc Anh vai Vương Tú Cầm
Mễ Tuyết vai Ân Hồng
Ở phần một và hai của Sóng gió gia tộc, khán giả khó lòng quên được Vương Tú Cầm ( Quan Cúc Anh) và Ân Hồng ( Mễ Tuyết). Có thể nói, chỉ cần nhắc đến hai cái tên này, người ta sẵn sàng thốt ra không biết bao nhiêu lời lẽ cay độc dành cho họ - những người phụ nữ làm kẻ thứ ba. Đương nhiên, chúng ta là khán giả, chúng ta có quyền yêu - ghét bất kì nhân vật nào. Nhưng đã bao giờ ta đặt mình vào guồng quay cuộc đời họ, đứng ở góc độ khác để có cách nhìn nhận nhân văn hơn đối với những người phụ nữ này?
Sự tranh giành làm gia đình dậy sóng
Xung đột xảy ra vô cùng gay gắt bắt nguồn từ sự nham hiểm của Ân Hồng
Xuất thân từ một y tá, mặc cảm quá khứ khiến Tú Cầm luôn nghĩ bản thân mình bị xem thường vì thân phận nghèo hèn. Cho đến khi bà gặp Đường Nhân Giai ( Hạ Vũ) - người đàn ông thành đạt, phúc hậu, khao khát bấu víu lấy chiếc phao cứu sinh đổi đời trỗi dậy trong tâm người phụ nữ trẻ, âu cũng là lẽ thường. Cái sai duy nhất của Tú Cầm chính là đã chọn một người có vợ, có con, có một gia đình êm ấm. Ân Hồng cũng thế. Từng là một phụ nữ bị chồng ép đến phải ôm con tự vẫn, mất hết niềm tin vào cuộc sống, bà nuôi dưỡng cho mình ước mơ về một bến đỗ bình yên trong đời. Và thế là Ân Hồng nên duyên với Cam Thái Tổ ( Hạ Vũ) - ông chủ tiệm bánh mình làm công. Từ một nhân viên thấp bé phút chốc hóa bà chủ hào môn, "một bước lên mây" khiến Ân Hồng luôn sống trong nỗi thấp thỏm, lo sợ những gì mình có sẽ biến mất.
Chính vì lẽ đó, mà người ta luôn thấy một Vương Tú Cầm đanh đá đến chua ngoa, một Ân Hồng mưu mô, đầy thủ đoạn trên màn ảnh. Khi còn trẻ thì tranh "sủng hạnh" của chồng, lúc về già lại không từ bất kỳ thủ đoạn độc ác, nham hiểm nào để giành tiền, giành của cho con. Họ bị người đời khinh khi, ghét bỏ cũng từ đó mà ra. Nhưng chúng ta quên rằng "có tóc không ai muốn trọc đầu". Nếu không trót dại "nhắm mắt đưa chân" vào kiếp đời vợ lẽ, chắc họ cũng chẳng tự biến mình thành những người đàn bà tâm địa thâm sâu.
Khi con cái là điểm đích cuối cùng của cuộc đời người mẹ
Nhưng rồi đến cuối cùng, những "tiểu tam" như Tú Cầm và Ân Hồng đều "chào thua" trước con cái của mình. Khi Đường Chí Hoan ( Lê Nặc Ý) nói lên ước mơ muốn Lăng Xảo ( Lý Tư Kỳ) làm mẹ ruột của anh chứ không phải Tú Cầm; khi Thường Tại Tâm ( Chung Gia Hân) ngoảnh mặt quay lưng về "phe" "má lớn" Chung Tiếu Hà ( Lý Tư Kỳ), cũng là giây phút hai người làm mẹ thức tỉnh bản thân. Những người phụ nữ đó bắt đầu kiên trì trên hành trình tìm lại cái nguyên sơ khởi thủy của tâm hồn, để mong một ngày hai đứa con sẽ trở về bên họ.
Mưu mô, đầy thủ đoạn, nhưng Vương Tú Cầm, Ân Hồng lại chính là nạn nhân trong chính trò chơi quyền lực mình sắp bày. Thật sự rất nhẫn tâm, hai người đàn bà ấy nhẫn tâm đến độ cứa dao vào mình rồi mới mang nó đâm vào người khác. Người ta nào có biết rằng chính qua lưỡi dao tươm máu ấy, họ chỉ muốn người khác chảy cùng dòng máu với mình đôi chút, để hiểu và để thương cho cuộc đời truân chuyên của họ. Mà nào có ai thấu...
Có một mối tình dày vò kẻ thứ ba...
Sang đến phần ba của Sóng gió gia tộc, khán giả "yên tâm" hơn khi anh Chính ( Hạ Vũ) và chị Hỏa ( Lý Tư Kỳ) nhất mực thương yêu nhau. Không còn cảnh tượng "một vua hai hậu", những tưởng sau gần chục năm qua đi, biên kịch đã phá bỏ "cái khuôn" về những "tiểu tam" trong series. Nhưng không, vấn đề này lại được khai thác ở Huỳnh Dĩ Ái ( Trần Mẫn Chi) - con gái của "ba Chính", "má Chính".
Trần Mẫn Chi và Đường Văn Long
Vốn là cô gái mang nhiều tổn thương và ám ảnh tuổi thơ, Dĩ Ái thu mình trong chiếc vỏ ốc để tự bảo vệ bản thân trước mọi tác động từ bên ngoài. Sống khép kín và trầm lặng, cô con gái nhà họ Huỳnh đè nén mọi cảm xúc như một loại bản năng sinh tồn được trang bị từ bé. Cho đến khi gặp gỡ Trịnh Lập An ( Đường Văn Long), người đàn ông này đã "phá vỡ" mọi giới hạn của cô gái có tâm hồn mong manh, giúp cô giải phóng mọi cảm xúc bị giam cầm. Dĩ Ái dần mở lòng ra với cuộc sống, nhưng lại sa vào cuộc tình không lối thoát với Lập An. Anh đã có gia đình.
Có những nhân duyên được an bài rất oan trái
Khát khao yêu và được yêu, tự trói buộc đời mình với người đàn ông mở khóa trái tim mình, nhưng Dĩ Ái quên rằng cô đang trao cho anh ta cái quyền làm mình tổn thương. Không muốn phá hoại hạnh phúc người khác, nhưng suy cho cùng Dĩ Ái không cách nào thoát khỏi mối quan hệ này. Khác với Tú Cầm hay Ân Hồng, điều duy nhất Dĩ Ái kiếm tìm ở Lập An duy chỉ có tình yêu, chứ không phải vật chất hay danh phận.
Có những thứ đã sai ngay từ khi bắt đầu
Bất luận ra sao, chúng ta phải thừa nhận rằng cô gái này đã sai ngay từ khi bắt đầu. Cô sai vì trót mang cả chân tâm yêu người đàn ông có vợ; sai vì tin tưởng họ sẽ vì mình mà quay lưng với cả thế giới; sai vì tự huyễn hoặc vị trí của mình trong lòng người khác. Và sai nhất, chính là đã để cảm xúc lấn át lý trí, làm việc bất chấp hậu quả, không màng đến cảm xúc của người nhà. Dĩ Ái xem tình cảm kia là cả bầu trời, nhưng với Lập An nó chỉ là chút cảm xúc nhất thời thoáng qua. Anh không từ chối, thậm chí chấp nhận "lên giường" cùng cô nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ có ý định buông bỏ những gì đang có để đuổi theo người gái đã dốc lòng yêu anh đến kiệt cùng.
Trở thành nạn nhân của tình yêu, cô gái yếu đuối ấy dồn mình vào ngõ cụt không lối thoát của cảm xúc. Bầu trời của Huỳnh Dĩ Ái vì người đàn ông Trịnh Lập An phút chốc đổ sầm xuống ngay trước mắt. Nhưng vẫn có một người đàn ông luôn ở sau lưng, "đội đá vá trời" cho cuộc đời cô - Huỳnh Vĩnh Chính. Cô gái trẻ sau phút giây lầm lỡ đã vì nước mắt của cha mình mà thức tỉnh, làm lại cuộc đời, làm lại bản thân. Suy cho cùng, chỉ có cha mẹ là không bao giờ bỏ rơi con gái dù chúng có ra sao.
Tạm kết
Họ - những "tiểu tam" vừa đáng thương lại vừa đáng trách của series Sóng gió gia tộc hẳn đã mang đến rất nhiều cảm xúc cho khán giả. Chúng ta không cổ xúy cho việc có nỗi khổ riêng thì tự cho mình cái quyền chen chân vào hạnh phúc của người khác. Nhưng sinh ra là phận nữ nhi, có ai lại không muốn đường đường chính chính cùng người mình yêu xây dựng tổ ấm? Từ đầu chí cuối, những người phụ nữ chịu kiếp chồng chung dù làm lớn hay nhỏ cũng đều tội nghiệp như nhau cả. Vấn đề cốt lõi nằm ở người đàn ông, người ta nói "một tay vỗ không kêu" cũng vì vậy.
Cả Tú Cầm, Ân Hồng hay Dĩ Ái đều không khác nhau. Vì là con người, nên họ đã sống đúng với bản năng một con người. Tôi gọi cách phản ứng của ba "tiểu tam" này là phản ứng rất-đàn-bà của những người phụ nữ. Đương nhiên, chẳng ai có thể dõng dạc khẳng định rằng họ vô can vô tội sau mọi chuyện đã xảy ra. Song thay vì trách móc, tại sao khán giả không một lần nhìn nhận ba con người này với ánh nhìn bao dung hơn, khi bi kịch trầm luân mà đời họ từng nếm trải là quá lớn? Nếu làm được điều này, một lúc nào đó, ta sẽ thấy những người đàn ông mới đáng trách biết nhường nào. Sao cứ phải đổ mọi điều tiếng lên đầu người phụ nữ và mãi dày vò, làm tình làm tội họ với những lời lẽ nặng nề?
Theo Saostar
50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2006 - 2008 Sau những biến chuyển nhất định ở giai đoạn 2003 - 2006, TVB khởi đầu khoảng thời gian sau đó với không ít khó khăn. Tuy nhiên, dù biết bao kẻ đi, người ở, nhà đài vẫn luôn trung thành với sứ mệnh phục vụ khán giả. Dẫu có lúc chông chênh, nhưng họ vẫn luôn nỗ lực không ngừng cho đến hôm...