Sắp cắt giảm, đơn giản hóa 117 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính
Theo thông tin của Báo Hải quan, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính, theo đó, 117 điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa.
Lĩnh vực chứng khoán cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện. Ảnh: internet.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung 14 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán, xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, casino, đặt cược, dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm, thẩm định giá, chứng khoán.
Cụ thể, trong lĩnh vực kế toán, cắt giảm 3 điều kiện đối với việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Điều 30 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, bao gồm: điều kiện không vi phạm về hoạt động kinh doanh kế toán tại nơi doanh nghiệp nước ngoài đóng trụ sở chính; điều kiện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; điều kiện không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với kinh doanh dịch vụ kiểm toán, cắt giảm 10 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện, trong đó, đã bỏ điều kiện người đại diện phần vốn góp của tổ chức tại Công ty TNHH kiểm toán phải là kiểm toán viên hành nghề khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; cắt giảm một số điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tương tự như đối với lĩnh vực kế toán.
Đối với điều kiện để tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, giảm điều kiện về thời gian hoạt động kiểm toán, bỏ điều kiện yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm toán được tối thiểu 20 đơn vị có lợi ích công chúng hàng năm, bỏ các quy định về hệ thống kiểm soát chất lượng, thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khi cấp phép.
Trong lĩnh vực kinh doanh xổ số, cắt giảm 4 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện, trong đó đã bãi bỏ các quy định về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức quản lý, tiêu chuẩn của người quản lý doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, cắt giảm 4 điều kiện về an ninh, trật tự, thời gian lưu trữ hình ảnh, điều kiện về người quản lý điều hành, điều kiện về phương án kinh doanh.
Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, cắt giảm 2 điều kiện, đơn giản hóa 5 điều kiện, theo đó bãi bỏ điều kiện, thủ tục có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có văn bản cam kết thực hiện các quy trình nghiệp vụ; bỏ yêu cầu về kế hoạch kinh doanh, kế hoạch nhân sự; cắt giảm điều kiện, tiêu chuẩn trở thành Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng xếp hạng tín nhiệm, chuyên viên phân tích.
Trong lĩnh vực kinh doanh casino, cắt giảm 1 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện, trong đó bỏ quy định trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh casino, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, đơn giản điều kiện về người quản lý, điều hành.
Đối với kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, cắt giảm 2 điều kiện, đơn giản hóa 4 điều kiện về phương án đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh, cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, cam kết về việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện, Nghị định đơn giản hóa 2 điều kiện, gồm điều kiện doanh nghiệp không bị kiểm soát đặc biệt và điều kiện doanh nghiệp có dự kiến doanh thu, chi phí trong phương án kinh doanh.
Về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cắt giảm 19 điều kiện, đơn giản hóa 7 điều kiện. Đối với tổ chức Việt Nam thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, bãi bỏ điều kiện là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bãi bỏ điều kiện ban đầu mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng (như được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đóng trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động).
Một số điều kiện đối với đại lý bán sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thủy sản cũng được bãi bỏ bên cạnh việc giảm yêu cầu về thời gian hoạt động đối với tổ chức nước ngoài, đơn giản hoá điều kiện đối với công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập chỉ cần tối thiểu 2 cổ đông.
Về lĩnh vực thẩm định giá, đơn giản hóa 2 điều kiện về tỷ lệ vốn góp của tổ chức trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá.
Video đang HOT
Đối với lĩnh vực chứng khoán, cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện liên quan đến việc thành lập và hoạt động công ty chứng khoán; điều kiện bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán; điều kiện công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày; điều kiện công ty chứng khoán thành lập chi nhánh, bổ sung nghiệp vụ tại chi nhánh, thành lập phòng giao dịch; điều kiện liên quan đến cấp, điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ; điều kiện công ty quản lý quỹ được hợp nhất, sáp nhập với công ty quản lý quỹ khác;
Điều kiện để tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài có nghiệp vụ quản lý quỹ được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam; điều kiện hợp nhất, sáp nhập công ty đầu tư chứng khoán; điều kiện đăng ký làm ngân hàng giám sát; điều kiện thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán; điều kiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Trong đó, đặc biệt đơn giản hóa điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán (từ 100 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng); giảm điều kiện về Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức kinh doanh chứng khoán; bãi bỏ điều kiện tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán không có lỗ lũy kế; bãi bỏ điều kiện tài chính để công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ gồm điều kiện không có lỗ lũy kế bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ và điều kiện tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần.
Đồng thời, cùng với việc đề xuất Chính phủ cắt, giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện rà soát các quy định về hồ sơ, thủ tục có liên quan để sửa đổi, bãi bỏ ngay tại Nghị định, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện ngay khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành.
Hồng Vân
Theo baohaiquan.vn
Tái cơ cấu thị trường tài chính chưa như kỳ vọng
Tuy nhìn nhận nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng bước đầu đạt kết quả tích cực, nhưng đa số ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đánh giá, việc tái cơ cấu thị trường tài chính chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Bước đầu tích cực
Liên quan đến tái cơ cấu thị trường tài chính, Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã giao Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cơ cấu lại, xây dựng chiến lược phát triển thị trường tài chính ổn định, lành mạnh;
Cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu;
Giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu huy động vốn trung dài hạn của nền kinh tế; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán phái sinh và tín dụng tiêu dùng.
Cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Quan tâm bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính...
Soi chiếu lại kết quả thực hiện những yêu cầu trên của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết 24/2016/QH14.
Theo đánh giá của Chính phủ, trong số 8 mục tiêu đề ra, đến nay sơ bộ có 4 mục tiêu đã hoàn thành và 4 mục tiêu có khả năng hoàn thành.
Quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng...
Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu về cơ cấu lại nền kinh tế đến nay cho thấy nhiều kết quả tích cực.
Về việc thực hiện cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất về kết quả đạt được và những bất cập được nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Theo đó, từ năm 2016, quá trình cơ cấu lại 3 lĩnh vực này đã có những chuyển biến mang tính căn cơ so với giai đoạn trước.
Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai trên nguyên tắc thận trọng và đạt được một số kết quả.
Các khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu cơ bản hoàn chỉnh, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của thị trường tài chính đang đặt ra một số vấn đề trong quản lý rủi ro.
Việc cấp vốn trung và dài hạn vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng. Công tác theo dõi, ứng phó biến động trên thị trường còn một số hạn chế...
Trong khi đó, dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội, kết quả tái cơ cấu thị trường tài chính chưa đạt như mong đợi. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn quá phụ thuộc vốn vào ngân hàng như hiện tại đã kéo dài và gây nên nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Thế nhưng, đến nay quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ chưa khắc phục được rõ nét tình trạng này.
Với kết quả tái cơ cấu thị trường tài chính đến thời điểm này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tư nhân để tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém. Còn một số vướng mắc trong công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành để triển khai hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội...
Tiếp tục nỗ lực tái cơ cấu
Liên quan đến giải pháp tái cơ cấu thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Cùng với đó là giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng đến mức phù hợp so với tăng trưởng GDP (tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14 - 16% vào năm 2020).
Trên cơ sở kết quả thẩm tra kế hoạch của Chính phủ về tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra những định hướng lớn trong giai đoạn 2019 - 2020.
Theo đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ tập trung bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng.
Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình tổ chức triển khai.
Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời tăng cường tính trách nhiệm và giải trình của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, đặc biệt là nhóm nhiệm vụ về hình thành đồng bộ và phát triển các thị trường yếu tố sản xuất...
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ở mức sơ khai
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Qua quá trình tái cơ cấu, đến nay thị trường tài chính từng bước chuyển dịch lên cấp độ phát triển cao hơn với những thành tựu trong phát triển thị trường vốn, giảm sức ép cho thị trường tiền tệ. Tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn tăng từ mức 28% năm 2016 lên mức dự kiến đạt 36,4% năm 2018. Tuy nhiên, các thị trường yếu tố sản xuất còn lại nhìn chung vẫn chậm phát triển. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ở mức sơ khai, quy mô nhỏ.
Để tiếp tục tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng, cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24 và theo dõi, bám sát tình hình thực hiện để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch, lộ trình triển khai trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thúc đẩy doanh nghiệp huy động vốn từ thị trường vốn
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tại nhiều quốc gia, nếu doanh nghiệp cần 10 đồng để khởi nghiệp, thì họ chỉ cần có 6 đồng, còn lại đi vay 4 đồng. Để có nguồn vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thường huy động qua thị trường vốn, chỉ lượng vốn lưu động nhỏ mới vay ngân hàng.
Còn ở ta, hễ bắt đầu kinh doanh là người dân nghĩ ngay đến việc vay vốn ngân hàng, trong khi tỷ lệ vốn tự có rất thấp.
Tình trạng doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng không chỉ gây nên những rủi ro cho chính họ, mà cả hệ thống ngân hàng. Điều này đã được thể hiện trong thời gian qua.
Để khắc phục hiện trạng trên, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính cần được thúc đẩy theo hướng đảm bảo cân bằng hơn tỷ lệ vốn mà thị trường tiền tệ và thị trường vốn tài trợ cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần có các hình thức tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường vốn. Về phần mình, để huy động được vốn qua thị trường vốn, ngoài việc nâng cao tính minh bạch, các doanh nghiệp cần có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, khả thi để tạo được sức hấp dẫn trong quá trình huy động các nguồn vốn trong xã hội.
Nguyễn Hữu
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Ủy ban chứng khoán yêu cầu công ty chứng khoán đảm bảo hệ thống giao dịch Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn yêu cầu các công ty chứng khoán phải đảm bảo hệ thống công nghệ thông suốt trong giao dịch. Tại Hội nghị thành viên thường niên 2018 do hai Sở Giao dịch chứng khoán tổ chức ngày 26/10, vấn đề lỗi hệ thống giao dịch của một số công ty chứng...