Sập bẫy nợ “Vành đai và Con đường”
Nhiều nước châu Âu chỉ trích BRI cản trở thương mại tự do và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Người đứng đầu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 3-5 cảnh báo các khoản vay thiếu bền vững cho các dự án hạ tầng thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc có thể khiến nhiều quốc gia mắc kẹt trong bẫy nợ.
Nợ chồng nợ
Đánh giá BRI của Bắc Kinh là một chương trình mấu chốt để kết nối các khu vực và mở rộng hội nhập cũng như hợp tác xuyên suốt châu Á, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết tổ chức này sẽ hợp tác với nền kinh tế số hai thế giới khi thích hợp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự cẩn trọng đối với việc vay nợ quá đà để khỏa lấp những khoảng trống hạ tầng. “Nếu các nước vay mượn quá nhiều để phát triển hạ tầng mà không xem xét nghiêm túc tính khả thi và khả năng sinh lợi thì vấn đề trả nợ sẽ vấp phải nhiều rắc rối hơn” – ông Nakao nói trong cuộc họp báo nhân cuộc họp thường niên lần thứ 51 của ADB tại trụ sở ở thủ đô Manila – Philippines.
Lời cảnh báo của lãnh đạo ADB cũng đồng điệu với những lo ngại của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde về các chính sách tài chính rủi ro. Hồi tháng 4, người đứng đầu của IMF nói tại một hội nghị ở Trung Quốc rằng BRI có thể mang lại gánh nặng nợ nần lớn hơn cho những quốc gia đang bị nợ công bủa vây. “Những nước có mức nợ công cao cần thận trọng với điều khoản vay tiền. Điều đó sẽ bảo vệ cả Trung Quốc và các nước đối tác khỏi những thỏa thuận có thể gây ra khó khăn tài chính trong tương lai” – bà Lagarde khuyên.
BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013 nhằm phát triển các cơ sở hạ tầng trị giá 8.000 tỉ USD dọc các tuyến đường thương mại giữa châu Á và châu Âu. Theo báo cáo hồi tháng 3 của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD, trụ sở ở thủ đô Washington – Mỹ), 23 nước đối mặt nguy cơ cao về nợ nần xuất phát từ BRI. Trong số này, 8 quốc gia thuộc diện đáng lo ngại gồm Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Video đang HOT
Cảng Hambantota ở Sri Lanka – được xây dựng bằng tiền vay Bắc Kinh – đã phải chuyển giao quyền kiểm soát cho một công ty quốc doanh của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Châu Âu lo ngại
Theo báo cáo của CGD, nguy cơ nợ cao một phần là do các vấn đề trong cách Trung Quốc giải quyết nợ trong quá khứ. “Không như các nước chủ nợ hàng đầu khác trên thế giới, Trung Quốc đã không ký kết một bộ luật ràng buộc để tránh cho vay không bền vững và giải quyết các vấn đề nợ phát sinh” – CGD nhấn mạnh.
Giới chuyên gia đã không ít lần cảnh báo các nước nhỏ láng giềng về cơn ác mộng nợ nần mà họ phải đối mặt từ giấc mộng toàn cầu của Trung Quốc. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển của châu Âu cũng phản ứng BRI, vốn bị cáo buộc là bất công. Báo Handelsblatt của Đức hôm 20-4 đưa tin 27/28 đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh, trừ Hungary, đã ký vào văn kiện chỉ trích BRI cản trở thương mại tự do và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Quan ngại của châu Âu về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại lục địa này có thể phủ bóng hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU, dự kiến diễn ra vào tháng 7. Dù hai bên có quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ nhưng EU không ngại chỉ trích vai trò của Trung Quốc tại các nước thành viên như Hy Lạp, Hungary và CH Czech cũng như thái độ của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ.
Theo chuyên gia Jan Weidenfeld của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức), nhiều nước đã tỉnh ngộ sau những hy vọng ban đầu rằng BRI có thể đổ tiền vào những dự án hạ tầng mới. Thế nhưng, Bắc Kinh thực ra chỉ dán nhãn lại một số dự án hiện tại thành một phần của BRI. “Có rất nhiều hứa hẹn đầu tư và cấp vốn và rất ít trong số đó thực sự mang đến kết quả” – ông Weidenfeld chỉ rõ.
Theo Thu Hằng
Người lao động
Đằng sau dự án tỉ USD của Trung Quốc
Mỗi năm có khoảng 60.000 chuyến tàu hàng đi qua cảng Hambantota do Trung Quốc quản lý ở mũi phía Nam Sri Lanka nhưng hầu như không có chiếc nào dừng lại dỡ hàng hóa.
Cảng Hambantota 8 năm tuổi là ví dụ điển hình cho những quyết định có thể trở thành sai lầm đối với các nước tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Theo trang Bloomberg (Mỹ), Sri Lanka đã vay một khoản tiền lớn để xây cảng nhìn ra Ấn Độ Dương này và mất khả năng chi trả nên đồng ý cho Trung Quốc thuê trong 99 năm để trừ khoản nợ 1,1 tỉ USD.
China Merchants Group - tập đoàn Trung Quốc đang quản lý cảng Hambantota - đang chật vật để thu lợi nhuận cho cảng. Tuy giám đốc điều hành cảng Hambantota, ông Tissa Wickramasinghe, nói với trang Bloomberg rằng lượng tàu ghé cảng đã tăng gần gấp đôi gần đây, song còn lâu Hambantota mới có thể khiến các đối thủ cạnh tranh ở Singapore, Malaysia và Trung Đông lo ngại. Ngay cả khi có nhiều tàu ghé hơn trước, hiện Hambantota chỉ đón... 1 tàu mỗi ngày.
Cảng Hambantota hoành tráng nhưng hiện chỉ đón 1 tàu mỗi ngày Ảnh: BLOOMBERG
Hoạt động èo uột của Hambantota càng khiến người ta nghi ngờ cảng này chỉ nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược của Trung Quốc, bao gồm bảo đảm các tuyến thương mại quan trọng và chuỗi cung ứng quốc tế.
Càng đáng lo ngại hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây công bố kế hoạch tài trợ hơn 500 tỉ USD cho các dự án có thể giúp Trung Quốc kiểm soát các cơ sở hạ tầng chiến lược có thể sử dụng cho quân sự.
Để dập tắt những nghi ngờ trên, China Merchants Group dự định chi khoảng 500 triệu USD để đầu tư giàn cẩu giúp bốc dỡ hàng hóa.
Tập đoàn này còn có kế hoạch xây thêm một khu logistics và khu công nghiệp ngay cạnh cảng - nơi có diện tích rộng 11,5 km2 với hầu hết là đất rừng. Ý định này khiến nhiều nông dân sống gần đó lo ngại mất đất. "Tất cả lợi nhuận sẽ chảy ngược về tay Trung Quốc", Dharmasena Hettiarchchi - một nông dân 52 tuổi, nói.
Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ ý đồ quân sự của sáng kiến "Vành đai và Con đường", Sri Lanka vẫn phải chuyển bộ chỉ huy hải quân phía Nam của mình tới Hambantota để xoa dịu lo ngại của Ấn Độ và Nhật Bản, theo trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ruwan Wijewardene.
Thế nhưng, ông Amit Bhandari, nhà phân tích tại Viện Gateway House (Ấn Độ), tiếp tục nghi ngờ: "Chính phủ Sri Lanka hiện nay nói rằng không cho phép sử dụng Hambantota vì mục đích quân sự nhưng điều đó có thể thay đổi. 99 năm là một thời gian dài".
Theo Xuân Mai
Người lao động
Chuyên gia: Sức ép từ bẫy nợ của Trung Quốc Những nước vay nợ dễ dàng rơi vào vòng ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc, đánh mất chủ quyền về kinh tế và đối ngoại. Câu chuyện Sri Lanka Gần đây ngày càng có nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, vì không trả được nợ mà phải nhượng đất nhượng...