Sao Việt quảng cáo sai sự thật ngày càng tinh vi: Xử lý thế nào?
Hành vi quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ Việt có thể vi phạm nhiều luật, trong đó có Bộ luật Hình sự, đồng thời phụ sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ.
Nghệ sĩ quảng cáo vi phạm pháp luật
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Quốc Cường – Công ty luật TNHH Infinity Vietnam cho biết hành vi quảng cáo sai sự thật trên Internet có thể cấu thành nhiều loại vi phạm được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể là vi phạm hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.
Ngoài ra, tùy vào mức độ của hình vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như “Tội quảng cáo gian dối” quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, “Tội lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.
Tùy vào mức độ, tính chất hành vi diễn ra để xác định là hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ở mức độ vi phạm hành chính, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cho biết các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng.
Một nghệ sĩ quảng cáo sữa giúp “không lo biến chứng tiểu đường, dứt điểm tiểu đêm, hết tê chân tay, đường huyết xuống 6 chấm” bị chỉ trích gay gắt.
Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn có thể chịu hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 5 – 7 tháng, tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo 22 – 24 tháng.
Ở mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội “Quảng cáo gian dối” có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.
Người phạm tội “Lừa dối khách hàng” có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm theo quy định tại Điều 198 bộ luật này.
Người phạm tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” có thể bị phạt đến 7 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm theo quy định tại Điều 288 bộ luật này.
Video đang HOT
Người nổi tiếng có xu hướng đăng tải nội dung quảng cáo một cách tinh vi
Luật sư Cường nói thêm, hiện một số nghệ sĩ, người nổi tiếng có xu hướng đăng tải nội dung quảng cáo một cách tinh vi dưới nhiều hình thức như chia sẻ trải nghiệm cá nhân, chia sẻ kinh nghiệm/bí quyết cá nhân, chia sẻ kiến thức phổ thông,…
Với dạng thức này, theo anh, cần quay lại định nghĩa về quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.
Luật sư nhận định, quy định của pháp luật có nêu rõ về hành vi quảng cáo. Từ đó, có thể thấy đối với những nội dung quảng cáo tinh vi được thể hiện dưới các đoạn nội dung chia sẻ ngắn, nếu cơ quan chức năng xác định được nội dung thông tin mà được truyền tải đến công chúng một sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ nào đó nhằm mục đích sinh lợi hoặc không sinh lợi thì được xác định đó là hành vi quảng cáo theo quy định của Luật Quảng cáo.
Hành vi quảng cáo của người nổi tiếng ngày càng tinh vi.
“Chúng ta có thể thấy, pháp luật có quy định về vấn đề trên nhưng đang dừng lại ở mức độ chung nhất. Thực tiễn, cơ quan chức năng có thể gặp khó khăn khi xem xét, chứng minh hành vi truyền tải đến công chúng này có đúng là hành vi quảng cáo hay không.
Theo tôi, ngoài quy định chung của Luật Quảng cáo như hiện nay, Chính phủ nên có những văn bản hướng dẫn dưới luật cụ thể hơn ở dạng diễn giải hoặc liệt kê. Cần làm rõ hành vi thế nào là giới thiệu, nội dung thế nào sẽ cho thấy mục đích sinh lợi”, anh cho hay.
Từ góc độ xã hội, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng cần nhìn nhận thực trạng nghệ sĩ Việt dễ vướng scandal quảng cáo sai sự thật từ 2 phía.
Cụ thể, một số thương hiệu không trung thực, không đưa đầy đủ thông tin bao gồm một số thông tin quan trọng liên quan đến tính năng và đặc điểm sản phẩm. Chiều còn lại, một số nghệ sĩ Việt lại thiếu kiến thức hoặc chủ quan nhận hợp đồng vì tiền thù lao hấp dẫn.
Quảng cáo sai sự thật vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng
“Đa phần nghệ sĩ không có nhân sự kiểm tra các điều khoản hợp tác, chất lượng sản phẩm một cách chuyên nghiệp mà nhận lời theo thói quen, kinh nghiệm. Một số người nhận quảng cáo sản phẩm chỉ vì bạn bè, đồng nghiệp của họ đã quảng cáo trước đó mà không hề quan tâm hay tìm hiểu thêm”, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nói.
Anh Minh nhấn mạnh việc quảng cáo sai sự thật vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng. Trước hết, hành vi của nghệ sĩ đã phụ sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ.
Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể từng trường hợp, đơn cử chất lượng sản phẩm/dịch vụ có thể thay đổi tiêu cực, không còn tốt như thời điểm các nghệ sĩ ký hợp đồng.
Trường hợp này, theo anh nghệ sĩ quốc tế thường nhanh chóng đưa ra những tuyên bố trách nhiệm rõ ràng về tên tuổi của họ liên quan đến sản phẩm. “Tất nhiên, điều này chưa hoặc hiếm xảy ra ở showbiz Việt”, anh nói.
Theo anh Minh, dù hiện chưa có trường hợp đáng tiếc cụ thể nào, cơ quan chức năng vẫn nên sớm vào cuộc để ngăn chặn sự phát tán của những quảng cáo sai sự thật, trước hết là môi trường mạng xã hội. “Bởi lẽ, việc các nghệ sĩ lặp đi lặp lại những nội dung quảng cáo sai sự thật cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của người dùng mạng rồi”, anh nói.
Chuyên gia truyền thông kiến nghị, nghệ sĩ Việt nên có nhân sự có chuyên môn hỗ trợ hoạt động quảng cáo. Bởi ngoài kiểm tra giấy kiểm định chất lượng sản phẩm, giấy phép quảng cáo sản phẩm, khía cạnh quảng cáo còn có những lưu ý liên quan đến thương hiệu, hình ảnh.
“Nếu không chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ Việt hoặc dễ vướng scandal hoặc có thể bỏ qua một số cơ hội hợp tác tiềm năng chỉ vì từng dính lùm xùm tương tự trong quá khứ”, anh nói.
'Cùng một diễn viên mà hôm nay yếu sinh lý mai viêm khớp, thận hư'
"Nhìn sâu xa hơn, những vi phạm về quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ Việt góp phần làm đảo lộn các giá trị và chuẩn mực cuộc sống", chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn.
Nghệ sĩ và những người nổi tiếng có thể được gọi là những người có ảnh hưởng (KOLs). Những KOLs này thường có nhiều người mến mộ (fan/follower), do vậy họ cũng là các đối tượng được các nhãn hàng tìm đến để quảng bá.
Những nghệ sĩ nổi tiếng sẽ có nhiều đơn hàng quảng cáo, tất nhiên là thu nhập sẽ tốt. Đây là lý do giải thích vì sao các nghệ sĩ nổi tiếng thường tham gia quảng cáo cho các sản phẩm nổi tiếng.
Tuy nhiên, với thu nhập hấp dẫn từ việc quảng cáo, nhiều nghệ sĩ bất chấp để quảng cáo cho các sản phẩm rởm, không đạt chất lượng...
Do vậy, thật ngạc nhiên khi ta xem quảng cáo, thấy có những nghệ sĩ "mắc quá nhiều bệnh" từ nhẹ đến nặng. Cũng một ông diễn viên mà khi thì yếu sinh lý, khi thì mất ngủ, khi thì ăn không ngon, khi khác lại đau đại tràng, thận hư, viêm khớp, hôm thì mắc bệnh ung thư này, hôm khác thì lại mắc bênh ung thư khác,...
Nhiều nghệ sĩ bị lên án vì quảng cáo "lố", sai sự thật về các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng.
Tôi cho rằng việc quảng cáo sai sự thật này của các KOLs trong lĩnh vực nghệ thuật đã vi phạm cả các chuẩn mực đạo đức lẫn pháp luật.
Về mặt đạo đức nghề nghiệp, chính việc các KOLs này quảng cáo sai sự thật đã góp phần làm hại người tiêu dùng, trong đó có cả những người hâm mộ (fan/follower) của những nghệ sĩ này. Họ đang trục lợi và làm hại cả những người yêu mến, hâm mộ mình từ việc quảng cáo sai sự thật.
Về mặt pháp luật, những KOLs này đang có dấu hiệu vi phạm nhiều luật hiện hành, chẳng hạn Luật Quảng cáo 2012, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Bộ luật Hình sự 2015.
Khi khởi sinh các rắc rối pháp lý, tuỳ tính chất và mức độ của các vi phạm, những KOLs này có thể bị khởi kiện và đối mặt với các mức phạt tiền khác nhau, thậm chí là phạt cải tạo không giam giữ.
Nhìn sâu xa hơn, những vi phạm về quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ Việt góp phần làm đảo lộn các giá trị và chuẩn mực cuộc sống.
Những giá trị thật mà không bỏ tiền ra để quảng cáo, PR thì bị hạ thấp và lãng quên; trong khi những giá trị ảo, những sản phẩm không có chất lượng, thậm chí làm hại sức khoẻ con người... lại được nâng lên tận mây xanh do được bỏ tiền ra để các KOLs thổi phồng.
Những điều này đi ngược lại với các chuẩn mực xã hội và các giá trị đạo đức. Do vậy, cần tăng các chế tài pháp luật để nắn chỉnh những KOLs chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân mà gián tiếp hay đồng loã làm hại lợi ích của cộng đồng.
Nghệ sĩ hay những người nổi tiếng cần ý thức rõ trách nhiệm xã hội của bản thân đối với cộng đồng. Mỗi hành vi của họ có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, do đó trước hết họ phải ý thức được "quyền lực mềm" của mình và sống có trách nhiệm khi sử dụng những "quyền lực mềm" đó.
Nghệ sĩ Việt "hồn nhiên" quảng cáo "thầy" xem bói toán, tử vi, phong thủy,... đến khán giả của mình.
Về mặt quản trị rủi ro, điều này tốt cho các nghệ sĩ. Bởi hơn ai hết, khi họ ý thức được rằng nếu họ cổ vũ cho cái xấu thì những hậu quả sẽ đến với họ. Họ nghiêm khắc với bản thân cũng là cách để quản trị các rủi ro cho chính mình.
Tuy nhiên, khi không thể trông chờ vào sự tự giác và tự ý thức, pháp luật cần lên tiếng. Về mặt pháp luật, cần có chế tài thật nghiêm và nặng hơn nữa cho những hành vi quảng cáo sai sự thật, để các nghệ sĩ lấy đó làm gương.
Đồng thời, người hâm mộ cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trước khi lan truyền bất cứ thông tin nào từ các "thần tượng" của mình và hiểu về các quyền mình có thể có.
Ở một góc độ khác, về bản chất, người hâm mộ cũng có các "quyền lực mềm" của mình. Họ cần sử dụng quyền tẩy chay nếu phát hiện ra các nghệ sĩ vô lương, trục lợi trên sự thiếu hiểu biết của đám đông, làm hại sức khoẻ cộng đồng.
Khi người hâm mộ biết dùng đến quyền của mình, chắc chắn hành vi của những nghệ sĩ/người nổi tiếng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Trấn Thành, Thủy Tiên gặp 'biến căng' khi bị phát hiện Pr cho nhãn hàng dính phốt Trấn Thành, Thủy Tiên cùng 1 loạt người nổi tiếng bị gọi tên sau khi liên quan đến 1 nhãn hàng đang 'dính phốt' Mới đây, 1 hãng nước hoa được nhiều nghệ sĩ Pr và khá đắt hàng ở Việt Nam có tên Ch**** Perfume đã bị phóng viên Báo Công Thương đăng tải loạt bài viết bao gồm hình ảnh cơ...