Sao nhí được Oscar vinh danh: Người thành công, kẻ sớm lụn bại
Nhiều diễn viên nhí từng được Oscar ghi nhận bằng đề cử hay thậm chí tượng vàng từ khi còn rất nhỏ. Song, số phận của họ sau khoảnh khắc vinh quang sớm là rất khác nhau.
Justin Henry – đề cử với Kramer vs. Kramer (1979) khi 8 tuổi: Justin Henry đến nay vẫn nắm kỷ lục là người nhỏ tuổi nhất từng nhận đề cử Oscar khi vào vai cậu con trai của một đôi vợ chồng đang đứng trước bờ vực ly hôn do Meryl Streep và Dustin Hoffman thủ vai. Sau đó, Henry có cơ hội tham gia một số bộ phim khác, nhưng sớm giải nghệ từ cuối thế kỷ XX. Anh hiện là chuyên gia truyền thông kỹ thuật số, và nắm giữ một chức vụ quan trọng tại tập đoàn AOL.
Jackie Cooper – nhận đề cử với Skippy (1931) khi 9 tuổi: Trong những năm tháng đầu tiên của giải thưởng Oscar, Skippy bất ngờ giúp ngôi sao nhí Jackie Cooper có đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc khi mới 9 tuổi 20 ngày. Tuy nhiên, đó có lẽ cũng là điểm sáng lớn nhất trong sự nghiệp của người nghệ sĩ. Cooper sau này xuất hiện trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình khác nhau, nhưng không bao giờ vượt được ra khỏi cái bóng ấy. Một vai diễn đáng nhớ khác của Jackie Cooper là khi ông vào vai chủ biên Perry White trong bom tấn siêu anh hùng Superman (1978). Sinh năm 1922, Jackier Cooper đã qua đời vì tuổi già vào năm 2011, hưởng thọ 88 tuổi.
Quvenzhané Wallis – đề cử với Beasts of the Southern Wild (2012) khi 9 tuổi: Cô bé da màu chính là người nhỏ tuổi nhất từng nhận đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc trong lịch sử Oscar nhờ bộ phim đáng nhớ Beasts of the Southern Wild của đạo diễn Benh Zeitlin. Tác phẩm vốn được ghi hình từ khi Wallis mới chỉ 6 tuổi. Tuy để thua trước Jennifer Lawrence, nhưng Quvenzhané Wallis vẫn là cái tên được nhiều người nhớ tới sau Oscar 2013. Sau thành công ấy, cô bé tiếp tục nhận đề cử Quả cầu vàng về diễn xuất khi tham gia bản remake của bộ phim ca vũ nhạc Annie, cũng như góp một vai nhỏ trong 12 Years a Slave. Wallis vẫn đóng phim, nhưng nay còn viết sách cho cả độc giả cùng trang lứa. Gia tài văn học của nhà văn nhí đến nay là 4 tác phẩm.
Quinn Cummings – đề cử với The Goodbye Girl (1977) khi 10 tuổi: Sau khi nhận đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhờ The Goodbye Girl tại Oscar 1978, Quinn Cummings chỉ xuất hiện thêm trong đúng một bộ phim điện ảnh duy nhất nữa là Listen to Me (1989). Sau vài vai diễn truyền hình không mấy nổi bật, Cummings chuyển hướng sang làm nhà văn, và đây xem ra mới là sự nghiệp phù hợp dành cho minh tinh thuở nào. Nữ văn sĩ đã xuất bản hai cuốn sách mang đề tài nuôi dạy trẻ, cũng như trở thành cây bút cho nhiều tờ báo lớn như People, Time và The Wall Street Journal.
Tatum O’Neal – chiến thắng với Paper Moon (1973) khi 10 tuổi: Tatum O’Neal đến nay vẫn là người chiến thắng nhỏ tuổi nhất ở mọi hạng mục tranh tài của Oscar khi chị có cơ hội mang tượng vàng về nhà khi chỉ mới 10 tuổi nhờ vai diễn cô bé tomboy Addie Loggins trong Paper Moon. O’Neal tiếp tục có thêm một vài vai diễn hay, nhưng tên tuổi chị rốt cuộc bị phủ bóng bởi đời tư gây quá nhiều tranh cãi. Nữ diễn viên có mối quan hệ tình cảm phức tạp với Michael Jackson, nhưng rồi trải qua cuộc hôn nhân tốn nhiều giấy mực với ngôi sao tennis John McEnroe. Tatum O’Neal cũng nổi tiếng là có mối quan hệ bất hạnh với cha (cũng chính là bạn diễn ở Paper Moon) là ngài Ryan O’Neal. Cảnh sát từng bắt quả tang cô sử dụng chất kích thích, và ngôi sao đã tốn không ít thời gian để chống lại chứng nghiện ngập của bản thân.
Video đang HOT
Haley Joel Osment – đề cử với The Sixth Sense (1999) khi 11 tuổi: Câu chuyện về cậu bé nhìn thấy người cõi âm mang tên Giác quan thứ sáu tạo ra cơn sốt khủng khiếp trên toàn cầu hồi 1999. Trước đó, tài năng của Haley Joel Osment đã được phát hiện khi anh vào vai con trai của Tom Hanks trong tác phẩm kinh điển Forrest Gump (1994). Còn có một bộ phim đáng nhớ nữa là AI: Artificial Intelligence (2001) của Steven Spielberg, và thậm chí nhận sự ủng hộ từ chính nhà làm phim cho vai diễn Harry Potter, nhưng sự nghiệp của Osment chững lại sau khi anh không được loạt phim phù thủy lựa chọn. Trong khoảng 10 năm qua, Haley Joel Osment chủ yếu xuất hiện trong các bộ phim nhỏ và sân khấu kịch Broadway. Bên ngoài trường quay, anh có một lần bị bắt vì tội lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Anna Paquin – chiến thắng với The Piano (1993) khi 11 tuổi: Đây chính là diễn viên nhỏ tuổi thứ hai từng nhận tượng vàng trong lịch sử giải thưởng Oscar sau Tatum O’Neal. Anna Paquin là diễn viên có thực lực. Khi lớn lên, cô tiếp tục thể hiện tài năng qua những bộ phim nổi tiếng như Jane Eyre, Fly Away, Almost Famous, và nhất là loạt phim dị nhân X-Men. Paquin cũng chính là linh hồn của loạt phim truyền hình ma cà rồng nổi tiếng True Blood với vai diễn Sookie Stackhouse. Năm nay, cô chuẩn bị góp mặt trong series Flack.
Keisha Castle-Hughes – đề cử với Whale Rider (2002) khi 13 tuổi: Trước Quvenzhané Wallis, kỷ lục nhỏ tuổi nhất tại hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Oscar vốn thuộc về Keisha Castle-Hughes của bộ phim Whale Rider. Sau thành công sớm ấy, nữ diễn viên người New Zealand có cơ hội góp mặt trong bom tấn Star Wars: Revenge of the Sith với vai Apailana. Gần đây, Castle-Hughes xuất hiện ở series đình đám Game of Thrones khi thể hiện nhân vật Obara Sand.
Jodie Foster – đề cử với Taxi Driver (1976) khi 13 tuổi: Jodie Foster là người hiếm hoi từng nhận đề cử Oscar từ khi còn nhỏ, nhưng vẫn giữ được ánh hào quang cho tới tận ngày hôm nay. Sau vai diễn đáng nhớ ở Taxi Driver (1976) nhưng không đoạt giải, Foster có hai lần ẵm giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của Oscar nhờ The Accused (1988) và The Silence of the Lambs (1989). Trong khoảng hơn một thập kỷ qua, chị xuất hiện trước ống kính ít hơn. Thay vào đó, công chúng bắt đầu dần quen hơn với Jodie Foster trên cương vị đạo diễn, qua các tác phẩm như The Beaver (2011), Money Monster (2016), mini-series Black Mirror…
Theo zing.vn
"Mùng Một Tết Cha" cả gia đình cùng nhau xem lại 5 bộ phim cảm động về tình phụ tử!
Để có một cái Tết "ấm trọn tình thân", bên dưới là 5 bộ phim cảm động mà cả gia đình nên cùng xem với nhau trong dịp Tết, nhất là với người cha của mình.
Ông bà ta từ xưa đã có câu: "Mùng một Tết cha, Mùng hai Tết mẹ, Mùng ba Tết thầy", ngụ nói trong ba ngày Tết, mỗi người con trong gia đình Việt cần nhớ về nguồn cội. Trong đó, tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi người, tuy vậy, khác với các bà mẹ, những ông bố thường ít bộc lộ tình cảm một cách trực tiếp đối với con cái hơn. Tại sao không nhân dịp tết Kỷ Hợi này cùng đấng sinh thành xem qua các phim về tình cha con dưới đây, vừa để thắt chặt hơn tình cảm gia đình, vừa để thư giãn sau một năm làm việc miệt mài và chuẩn bị cho một năm mới thật hạnh phúc.
1. Boyz n The Hood (Đường đời - 1991)
"Thằng nhãi nào cũng có thể có con, nhưng chỉ người đàn ông thực thụ mới có thể nuôi con mình khôn lớn".
Trong vai diễn Jason "Furious" Styles, nam tài tử Laurence Fishburne đã hoàn thành xuất sắc vai diễn một người cha nghèo khó. Trong phim, nhân vật người cha không có trong tay điều kiện sống tốt nhất, nhưng vẫn cố gắng mang đến hạnh phúc cho con trai mình.
Đặt bối cảnh tại nam trung tâm Los Angeles, khu vực thường xảy ra bạo lực và gia đình thì lại thiếu vắng hình bóng người cha. Furious là một ngoại lệ, ông là người hết mực bảo vệ Tre, dạy cậu phải luôn tin tưởng vào bản thân mình. Trong khi những đứa con trai xung quanh mắc vào vòng lặp bi kịch của bạo lực và thuốc phiện, riêng Tre lại nhận được sự quan tâm và tận tụy của cha mình, dù trong một môi trường đầy cám dỗ, Tre vẫn nên người.
2. Sleepless in Seattle (Đêm trắng ở Seattle - 1993)
Dù đang đau buồn vì nỗi đau mất vợ, Sam Baldwin (Tom Hanks) vẫn quyết tâm làm một người cha mẫu mực để chăm sóc cho con trai Jonah. Diễn xuất tài tình của Hanks đã cho khán giả thấy được sự giằng xé trong nội tâm Sam, tình yêu dành cho con trai là động lực để khiến anh tiếp tục bước đi, hưng cũng là lý do khiến anh nhớ vợ mình da diết hơn. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, anh lại ước giá như cô còn sống để cùng anh chia sẻ nỗi niềm này.
Nếu để ý kĩ, khán giả sẽ nhận ra sự giằng xé này ở biểu cảm của Sam lúc anh đến Tòa nhà Quốc hội để tìm Jonah. Trước đó, Jonah đã bay từ Seattle đến New York để tìm kiếm người phụ nữ mà cậu nghĩ là phù hợp với cha mình. Sau khi tìm thấy con, gương mặt Sam vừa có vẻ nhẹ nhõm lại vừa khắc khoải, đây là một điều mà mọi người cha thương con đều có thể đồng cảm.
3. Finding Nemo (Đi tìm Nemo - 2003)
Ai nói người lớn thì không được xem phim hoạt hình? Finding Nemo là một bộ phim đã mang lại nhiều tiếng cười cũng như lấy đi không ít nước mắt của khán giả, dù là người lớn hay trẻ em. Bộ phim do Albert Brooks lồng tiếng, chú cá hề Marlin là một người cha rất mực yêu thương con nhưng lại bảo vệ con thái quá, vì Nemo có một bên vây bị khuyết tật. Điều này khiến Nemo cảm thấy khó chịu và cãi nhau với cha của mình, mâu thuẫn giữa hai người đã khiến chú cá nhỏ bị bắt mất.
Cả bộ phim là một cuộc hành trình rất hoành tráng nhưng cũng đầy những cung bậc cảm xúc. Sau khi trải qua biết bao gian lao, cả hai cha con đều học được những bài học quý giá. Ra mắt hơn một thập kỷ, nhiều độc giả của Nemo ngày đó đã đủ tuổi làm cha mẹ, vậy tại sao không cùng con cái của bạn xem lại một bộ phim kinh điển về tình cảm cha con này. Phim đang giữ mức điểm 8.1 rất cao trên IMDb và được 99% các nhà phê bình đánh giá tích cực trên trang Rotten Tomatoes.
4. Kramer vs Kramer (Gà trống nuôi con - 1979)
Trong phim, Dustin Hoffman vào vai người cha Ted Kramer vô tâm, thậm chí còn không biết con trai mình đang học lớp mấy. Kể từ lúc người vợ (Meryl Streep) dứt áo ra đi, anh đã phải chập chững tập làm một người cha đúng nghĩa. Ted nhận ra đứa con trai của mình quan trọng như thế nào khi người mẹ quay lại giành quyền nuôi con. Đây là một vai diễn đã làm nên tên tuổi cho Hoffman khi giúp ông giành tượng vàng Oscar ở hạng mục Nam chính xuất sắc nhất.
Diễn xuất ấn tượng của ông được thể hiện ở ba phân đoạn bữa sáng ở đầu, giữa, và cuối phim. Ban đầu, người cha khó chịu Ted không biết làm sao để chăm sóc cũng như trò chuyện với con trai mình. Giữa phim, hai cha con ngồi ăn trong im lặng, họ đã quá quen với sự thân thuộc của người kia trong cuộc sống. Ở cảnh cuối, tưởng chừng như người cha đã mất quyền nuôi con, thì tình cảm giữa hai cha con lại xúc động đến đau lòng.
5. The Pursuit of Happyness (Mưu cầu hạnh phúc - 2006)
Có một sự thật thú vị là hai cha con trong phim lại là cha con thật ngoài đời, điều đó khiến tình cảm cha con giữa hai người được truyền tải rất thật trên màn ảnh. Chuyện phim xoay quanh Chris Gardner (Will Smith), một người cha kém may mắn, bị vợ bỏ rơi và lâm vào cảnh vô gia cư.
Tuy vậy anh vẫn không bỏ cuộc, động lực để anh cố gắng mỗi ngày là vì đứa con trai Christopher (Jaden Smith) của mình. Chris quyết tâm làm bất cứ điều gì để đem lại một cuộc sống ấm no đủ đầy cho hai cha con. Tác phẩm dựa trên một câu chuyện có thật và đã đem về cho Will Smith hai đề cử Oscar và Quả cầu vàng cho giải Nam chính xuất sắc nhất. Với diễn xuất chân thật của Will cùng một kịch bản cảm động, The Pursuit of Happiness chắc chắn là một phim đáng để thưởng thức dịp năm mới này.
Theo helino.vn
Willem Dafoe, Paul Greengrass được bổ sung vào danh sách nhận giải danh dự tại Gotham Awards 2018 Họ sẽ tham gia cùng Rachel Weisz và Jon Kamen đã được công bố nhận vinh dự này trước đó. Diễn viên lão làng Willem Dafoe và nhà làm phim Paul Greengrass từng nhận được nhiều đề cử Oscar trong sự nghiệp điện ảnh của mình, nay họ có tên trong danh sách nhận giải danh dự tại Liên hoan Phim độc lập...