Sao ngoại ồ ạt, sao nội đìu hiu
Lịch lưu diễn ken dày tại Việt Nam của các ngôi sao quốc tế đã át vía các sao nội?
Cuối năm là thời điểm các chương trình văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi động. Đây được coi là mùa “hốt bạc” của nghệ sĩ hoặc ít ra là dịp để họ làm live show tổng kết một năm hoạt động nghệ thuật. Thế nhưng năm nay, lịch lưu diễn ken dày tại Việt Nam của các ngôi sao quốc tế đã át vía các sao nội?
Chuyện sao ngoại đổ bộ vào Việt Nam đã xuất hiện từ nhiều năm trước với các nhóm như Backstreet Boys, ngôi sao Hàn Quốc như nhóm SNSD, Bi Rain, Super Junior… Nhưng 2015 được coi là năm của làn sóng sao ngoại đổ bộ vào Việt Nam ồ ạt, gần như tháng nào cũng có một sao. Đầu năm, có những tên tuổi như nhóm T-ara, hoa hậu Honey Lee (Hàn Quốc), ca sĩ Katy Perry, Katharine McPhee (Mỹ), Michael Learns To Rock (Đan Mạch)… Có người đến để biểu diễn nghệ thuật, có người đến chỉ để giao lưu trong một sự kiện nào đó.
Càng về cuối năm khán giả Việt càng được chiêu đãi những bữa “đại tiệc”. Vở ballet Hồ Thiên Nga của Nhà hát Talarium Et Lux làm nên cơn sốt phòng vé khi mang hiệu ứng 3D lên sân khấu đầu tháng 8. Khán giả tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia không khỏi trầm trồ trước sự lung linh, tráng lệ của cảnh trí tạo ra từ 5 màn hình điện tử lớn. Không những vậy, họ còn được tận hưởng tài năng điêu luyện, biểu cảm xuất thần của các nghệ sĩ hầu hết xuất thân từ Nhà hát Bolsoi lừng danh.
Các tên tuổi nghệ sĩ quốc tế đình đám liên tục đổ bộ đến Việt Nam trong năm 2015. Từ trái qua: Kenny G, Peabo Bryson, Psy.
Chương trình Disney show ghé Việt Nam tạo nên cơn sốt không chỉ với trẻ em mà cả người lớn. Những nhân vật cổ tích, hoạt hình quen thuộc như chuột Mickey, vịt Donal, nàng tiên cá, nàng Bạch Tuyết, Aladin… đưa người xem về thế giới trẻ thơ nhiệm màu. Các đêm diễn tại TP HCM và Hà Nội luôn chật kín khán đài.
Tháng 9, đêm nhạc của “ông hoàng tình ca” Peabo Bryson – người thể hiện những ca khúc bất hủ như By the time this night is over, Tonight I celebrate my love for you, Beauty and The Beast… – chưa hạ nhiệt thì Kenny G lại tiếp tục khuấy đảo làng giải trí Việt với tiếng kèn saxophone mê đắm vào tháng 10.
Dự kiến, cuối tháng 11, ca sĩ Psy – chủ nhân của Gangnam Style gây bão trên toàn cầu – sẽ có mặt tại Việt Nam. Ban tổ chức Super X Festival cho biết Psy sẽ góp mặt tại hai chương trình diễn ra ở Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội và Trung tâm triển lãm SECC, TP HCM.
Tất nhiên, chương trình của sao ngoại luôn có giá vé khá đắt đỏ. Một cặp vé VIP của Hồ Thiên Nga lên tới 9 triệu đồng. Đêm diễn của Kenny G có giá rẻ nhất là 600 nghìn đồng. Giá vé đêm nhạc Peabo Bryson dao động từ 500 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/vé. Dù có giá vé cao nhưng thu không đủ bù chi phí lên tới hàng triệu đô la mà các nhà tổ chức mời sao về. Ở các chương trình này, nhà sản xuất đều sẵn sàng bù lỗ, hòa vốn đã là may. Không ít các show buộc phải hủy vì không bán được vé. Đêm diễn của Peabo Bryson dự kiến diễn ra tại cả Hà Nội và TP HCM nhưng cuối cùng nam danh ca này chỉ hát một đêm duy nhất vào ngày 12/9 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.
Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc công ty Mỹ Thanh, đại diện đơn vị tổ chức thú thật: “Dù chúng tôi đã tính toán từ đầu năm và hy vọng rằng khán giả hai thành phố lớn sẽ đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là khán giả TP HCM, nhưng không ngờ số người mua vé tại TP HCM quá ít nên chúng tôi buộc phải hủy show”.
Năm 2013, mỹ nam điện ảnh Hàn Quốc Lee Min Ho hứa hẹn gây nên cơn bão khi nhà tổ chức vung 12 tỷ đồng để rước anh về. Nhưng gần sát giờ G, show hủy đột ngột. Giá vé quá cao khiến fan của Lee Min Ho – đa phần là học sinh, sinh viên – dù “cuồng” đến mấy cũng không thể kham nổi. Show diễn hoàng tráng của Bi Rain năm 2007 cũng khiến ban tổ chức lao đao vì lỗ 1 triệu đô la.
Mời được sao đã lắm trần ai, đáp ứng đòi hỏi của sao khi chuẩn bị chương trình còn gian nan bộn phần. Đại diện đơn vị tổ chức cho biết họ phải mất hai năm thương thuyết, Kenny G mới nhận lời. Cùng với đó là bản hợp đồng dày hơn 60 trang với rất nhiều yêu cầu tỉ mỉ đến từng chi tiết về kỹ thuật, ánh sáng. Kenny G khiến nhà sản xuất chạy mướt mồ hôi ở các nước trong khu vực để tìm bằng được các thiết bị mà ông yêu cầu đích danh chỉ số kỹ thuật, nhãn hiệu.
Trong đó, nhiều thiết bị âm thanh đã ngưng sản xuất như bàn mixer (hệ thống điều chỉnh âm thanh) và bàn cho hệ thống monitor (hệ thống âm thanh kiểm tra) thuộc loại Yamaha PM5DRH version 2.25. Ban tổ chức phải lặn lội sang Nhật và thuê với giá 30.000 đô la. Chưa kể, vị trí của các nghệ sĩ và bục bệ trên sân khấu… đều được Kenny G tính toán kỹ lưỡng.
Video đang HOT
Nhiều khán giả biết chuyện phàn nàn rằng mời sao ngoại về không khác nào tự hành xác mình. Có người lại bảo sao ngoại quá chảnh. Nhưng nói như ca sĩ Bằng Kiều: “Nghệ sĩ yêu cầu như vậy thì chỉ khán giả được lợi, chứ bản thân nghệ sĩ không được thêm lợi lộc gì”. Mọi thứ phải đúng chuẩn họ mới có thể mang đến cho khán giả một đêm nhạc đỉnh cao, chất lượng nhất. Đó là tôn trọng khán giả, thể hiện sự chuyên nghiệp của người nghệ sĩ.
Không phải tự dưng mà nhiều đơn vị chịu đủ mọi yêu sách và đứng trước nguy cơ thua lỗ để mời bằng được những tên tuổi đình đám về Việt Nam. Đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước đã quá bội thực các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình mà chiêu trò nhiều hơn chuyên môn, các đêm nhạc chất lượng của các sao nội đình đám lại ít ỏi thì sao ngoại được coi như làn gió mới mẻ. Nhà tổ chức cũng được an ủi phần nào bởi tiếng vang mạnh mẽ của chương trình. Tiếng vang này không chỉ dừng lại trong nước mà còn được thế giới chú ý. Có người từng ví đây là cuộc chơi của những đại gia. Nếu không “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” và tâm huyết vì khán giả thì những show ngoại khó có cơ hội ở Việt Nam.
Gần sát ngày biểu diễn, vé đêm nhạc Vũ Thành An – Tình khúc không tên của Lệ Quyên mới được bán hết.
Trong khi đó, vài năm trở lại đây, tình hình show riêng mang đậm dấu ấn của nghệ sĩ Việt ngày càng ế ẩm. Nếu tổ chức, ban tổ chức và nghệ sĩ phải nơm nớp đếm từng tấm vé bán được. Từ đầu năm đến nay, đáng chú ý nhất chỉ có tour diễn xuyên Việt của Hồ Ngọc Hà, live show của Mỹ Tâm, live show Cẩm Ly, đêm nhạc Vũ Thành An – Tình khúc không tên của ca sĩ Lệ Quyên, đêm nhạc của Trần gia (gồm NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Trần Thu Hà)… Trong đó, show của Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm đều là show diễn miễn phí để trả nợ nhà tài trợ. Mặc dù lần đầu tiên có một đêm nhạc về các nhạc phẩm của Vũ Thành An và thu hút sự tham gia của ca sĩ khách mời tên tuổi như Tuấn Ngọc, Quang Dũng, Hồ Trung Dũng… nhưng đến giờ G, Lệ Quyên mới dám thở phào khi vé kịp bán hết.
Dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới, live show đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của ca sĩ Noo Phước Thịnh đành phải hoãn vì không tìm được nhà tài trợ, sợ không có khán giả. Live show của Hồ Quỳnh Hương ở Quảng Ninh cũng phải dừng lại. Đêm nhạc riêng của ca sĩ Hồ Trung Dũng dự định diễn ra trong năm nay thì chưa hề rục rịch. Chỉ mỗi live show của Sơn Tùng M-TP vào tháng 12 tới tại Hà Nội lẫn TP HCM là nóng lên từng ngày.
Trước đây, dịp cuối năm, dù biết lỗ nhưng các nghệ sĩ Việt vẫn quyết tâm tổ chức live show cho bằng chị bằng em. Những năm đó, con số lỗ lãi vẫn dễ thở hoặc ít ra còn có khán giả. Bây giờ, nhiều chương trình có giá vé rẻ hều, thậm chí miễn phí nhưng lượng khán giả đến tận nơi xem biểu diễn không như mong đợi.
Các đêm diễn đỉnh cao của sao ngoại không chỉ cùng truyền hình lấy bớt khán giả của nghệ sĩ Việt mà còn ít nhiều giúp cho công chúng ngầm so sánh với các show nghệ thuật trong nước để có những đòi hỏi cao hơn. Cách thức làm việc chuyên nghiệp, coi chất lượng chuyên môn là trên hết của sao ngoại là điều mà các nghệ sĩ Việt cần học hỏi. Nhìn lại các show nội, nhất là các live show dịp cuối năm của ca sĩ, khâu đầu tư phần nhiều tập trung vào chiêu trò, vào phần nhìn chứ chưa chú trọng nhiều vào phần nghe.
Theo nhạc sĩ Quang Huy – ông bầu của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, chuyện khán giả thờ ơ với show nội phần nhiều lỗi thuộc về người tổ chức. Nếu biết đánh đúng nhu cầu của công chúng, chọn đúng giai đoạn thăng hoa nghệ sĩ chứ không theo kiểu “đến hẹn lại lên”, “trả nợ khán giả hoặc nhà tài trợ”; chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu và không dễ dãi về chuyên môn thì khán giả sẽ khó quay lưng. Live show của Sơn Tùng tạo nên cơn sốt cũng dễ hiểu. Nó khởi động ngay khi các sản phẩm của anh được công chúng hưởng ứng nồng nhiệt và tên tuổi đang “làm mưa, làm gió” trên các bảng xếp hạng, giải thưởng trong và ngoài nước.
Theo Phan Thi Uyên/ Văn Nghệ Công An
Show nghệ sĩ quốc tế: Không có chống lưng đừng mong thoát lỗ
Chưa có thời điểm nào các nghệ sĩ nổi tiếng sang Việt Nam biểu diễn nhiều như năm nay. Nhưng phía sau sự khởi sắc vẫn là nỗi thấp thỏm của nhà tổ chức.
Nhớ lại cách đây hơn một tuần, cùng trong buổi sáng 3/9, dư luận chưa kịp vui vì tin Kenny G xác nhận tới Việt Nam biểu diễn đã phải hụt hẫng vì show diễn của Peabo Bryson tại TP HCM bị huỷ.
Không cần úp mở, nhà tổ chức show diễn của nam danh ca người Mỹ khi đó giải thích ngay lý do là không bán được vé. Nói vậy để thấy người buồn không hẳn là khán giả mà có lẽ chính giới tổ chức chương trình, những đơn vị đã và đang theo đuổi "cuộc chơi rủi ro" mời nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam mới phải thở dài.
Những cú "ngã ngựa" liên tục
Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu các nhà tổ chức phải "chào thua" thị trường nội địa khi đưa nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế về biểu diễn.
Show diễn của Bi Rain tại TP HCM năm 2007 được coi là một sự kiện hoành tráng nhưng... lỗ 1 triệu USD.
Năm 2007, show diễn của Bi Rain tại TP HCM được coi là sự kiện hoành tráng nhất làng giải trí Việt. Nhưng cuối cùng nhà tổ chức thừa nhận lỗ không ít. Tiếp theo tới show của Backstreet Boys năm 2011. Mặc dù phải giảm giá vé hết mức nhưng lượng khán giả cũng không đủ bù khoản lỗ quá lớn của chương trình.
Gần nhất là năm 2013, sự kiện nam ca sĩ/ diễn viên Lee Min Hoo sang Việt Nam được quảng bá rầm rộ, thậm chí tổ chức họp báo mời đông đảo giới truyền thông. Nhưng đúng 4 ngày trước sự kiện, nhà tổ chức tuyên bố huỷ show và hoàn tiền vé trong sự ngỡ ngàng của cả báo giới và fan hâm mộ.
Đó chỉ là vài sự việc nổi bật trong không ít cú "ngã ngựa" của các nhà tổ chức trên sân nhà trong việc mời nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam biểu diễn.
Giới tổ chức biểu diễn vẫn thường nói với nhau rằng không có tài trợ "chống lưng" thì đừng có mời nghệ sĩ quốc tế. Thực tế là các chương trình có thể diễn ra suôn sẻ luôn có một danh sách đơn vị tài trợ dài hoặc một đơn vị cỡ ngân hàng, hãng hàng không hay tập đoàn khách sạn lớn "đồng hành". Thậm chí nghệ sĩ càng sang trọng, đẳng cấp thì càng phải có tài trợ "khủng" mới làm được.
"Nghệ sĩ càng đẳng cấp thì chi phí tổ chức càng tốn kém. Như vậy khả năng có lợi nhuận của nhà tổ chức càng thấp đến mức... không tưởng. Vì thế nếu không có đơn vị tài trợ để đảm bảo chi phí sản xuất thì rất khó mà "gánh" được," đạo diễn Việt Tú, người cũng rất ấp ủ việc đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam, lý giải.
Thử so sánh hai sự kiện của 2 nghệ sĩ là Kenny G và Peabo Bryson sẽ thấy. Show của Kenny G gắn với thương hiệu của một ngân hàng và chính ê-kíp sản xuất cũng thừa nhận" Một bên có khả năng tổ chức còn bên kia có nguồn lực tài chính. Sự cộng hưởng này đảm bảo thành công của show diễn".
Chưa biết đêm diễn vào tối 13/10 của nghệ sĩ saxophone nổi tiếng này có thành công như mong đợi của nhà tổ chức không. Nhưng nếu nhìn vào mức giá vé từ 600 ngàn đồng tới 3,5 triệu đồng cũng thấy đơn vị sản xuất phải khá "thoải mái" về chi phí đầu tư mới có thể có một biên độ giá vé hợp lý như vậy.
Đạt chất lượng nghệ thuật cao nhưng buổi diễn của Peabo Bryson ở Hà Nội không quá đông khán giả và buổi diễn ở TP HCM đã phải huỷ vì không bán được vé.
Nhìn sang show diễn của Peabo Bryson. Hoàn toàn không có logo của một thương hiệu nào trên sân khấu ngoài biểu tượng In the spotlight. Điều này nói lên nỗ lực độc lập trong tổ chức chương trình của nhà sản xuất. Nhưng ngược lại, rủi ro thua lỗ sẽ càng cao hơn. Và thực tế là so sánh giữa khối lượng chi phí có thể khẳng định ở mức tiền tỷ đầu tư tổ chức với khoản thu bán vé sẽ thấy một chữ lỗ không hề nhỏ.
Hay như với buổi diễn vở Hồ thiên nga của nhà hát ballet lừng danh Nga hồi đầu tháng 8 ở Hà Nội, trả lời báo chí, nhà tổ chức cũng khẳng định không một nhà sản xuất nào dù là điên rồ cỡ mấy gánh được chi phí và khoản lỗ khi tổ chức sự kiện.
Nếu việc tổ chức vẫn quá dựa dẫm vào nguồn kinh phí tài trợ, rõ ràng bài toán kinh tế của việc đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn là chưa có lời giải.
Chọn nghệ sĩ để bán vé
Nhưng trên một phương diện khác, người ta vẫn có thể đặt ra câu hỏi: có phải nghệ sĩ được mời về cũng quyết định câu chuyện bán vé?
Một sự kiện khác được tổ chức trong năm nay là đêm diễn của nhóm Michael Learns To Rock (MLTR) tại Hà Nội hồi tháng 7. Đây cũng là show diễn không có đơn vị tài trợ. Mặc dù nhà tổ chức không công bố những con số chi phí hay lợi nhuận nhưng khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội chật khán giả cũng đủ chứng minh show diễn bán được vé và tạo được sức hút đại chúng.
Rõ ràng, so sánh giữa MLTR, Kenny G hay Peabo Bryson, sẽ thấy những sự khác biệt về sự phổ cập của họ ở thị trường Việt Nam.
Peabo Bryson dù là giọng ca huyền thoại thế giới nhưng cũng không thể có quá 3 ca khúc quen thuộc với khán giả Việt. Trong khi đó âm nhạc của MLTR hay Kenny G thì đã quá thân thuộc với người Việt. Các sản phẩm âm nhạc của họ không chỉ được nghe theo cách thông thường mà thực sự sống cùng nhiều thế hệ người Việt Nam ở các không gian công cộng, từ chiếc cân điện tử dạo cho tới... đoạn clip quảng cáo trên truyền hinh!
Hẳn là với đại đa số người Việt ta, cốc trà đá vỉa hè dễ rút ví hơn rất nhiều ly rượu vang phòng máy lạnh.
Có buffet cũng cần đặt món
Sự kiện âm nhạc được mong chờ trong tháng 10 ở Hà Nội là liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa. Quy tụ của hàng chục nghệ sĩ trong và ngoài nước, đặc biệt là những cái tên đẳng cấp như nhóm Bond hay nữ ca sĩ Joss Stone, nhưng giá vé của sự kiện này cao nhất cũng chỉ 1,5 triệu đồng cho cả 4 ngày và ở khu vực VIP.
Giá vé hợp lý cộng hưởng với cơ hội thưởng thức nhiều nghệ sĩ trong không gian mở ngoài trời khiến Monsoon gần như trở thành "mốt" của giới trẻ Hà Nội 2 năm nay.
Mô hình liên hoan âm nhạc quốc tế như Monsoon có sức hút với khán giả trẻ Việt Nam.
Giống như thế, nhiều nhà tổ chức trong nước đang theo đuổi mời các DJ quốc tế sang Việt Nam hơn là mời các ca sĩ hay nhóm nhạc. "Mời DJ vừa hợp lý về chi phí dù là người nổi tiếng như Hardwell hay Zedd, thể loại âm nhạc bắt sóng đúng thị hiếu số đông khán giả trẻ và giá vé không cần quá cao vì tổ chức ở không gian lớn như sân vận động. Tất cả các yếu tố đó đảm bảo lợi nhuận cho nhà tổ chức dù có cần tài trợ hay không," đại diện một đơn vị chuyên mời các DJ ở Hà Nội cho biết.
"Mọi cuộc mở đường sẽ đều phải chấp nhận... hy sinh. Nhưng tôi tin rằng điều mà công chúng cần ghi nhận là những nỗ lực của giới tổ chức biểu diễn ở Việt Nam khi muốn đưa về nước những món ăn văn hoá ngon miệng và mang đẳng cấp quốc tế," ông Thuỳ Dương, đại diện một đơn vị tổ chức biểu diễn có uy tín ở Hà Nội chia sẻ. "Khán giả như thực khách, có thể ăn buffet và cũng có thể ăn chọn món theo kiểu à la carte. Cách nào cũng có cái hay riêng. Và điều quan trọng là hãy mang cho họ nhiều lựa chọn có chất lượng".
Theo Zing
Sao đẹp hơn nhờ trang điểm đơn giản Nicki Minaj, Angelina Jolie, Gwen Stefani... là những sao Hollywood đã tìm thấy vẻ đẹp thật sự của mình khi áp dụng lối trang điểm tự nhiên, nhẹ nhàng. Nicki Minaj: Sau vài năm lựa chọn những phong cách trang điểm "quái", Nicki thừa nhận rằng cô đẹp hơn khi trang điểm nhẹ kết hợp với màu tóc tự nhiên. Emilia Clark: Khi...