“Sao lại phải hỏi dân?” và chuyện “miệng nhà quan”
“Cái gì cũng phải hỏi ý kiến (dân) hay sao?”, “bây giờ động đến cái gì cũng đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì”, “không phải hỏi gì cả”.
Những câu nói về dân của ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đã tạo nên một không khí nóng bỏng không chỉ trong cuộc họp báo chiều qua, mà còn cả trên mạng xã hội.
Ông Long cũng không quên nhấn mạnh vài lần “vai trò chỉ là người dân” của ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó TGĐ Đài THVN, Phó Chủ tịch AVG), người đã gửi thư ngỏ đến Chủ tịch Hà Nội rằng, nên hỏi ý kiến dân về việc chặt hạ 6.700 cây xanh.
“Ông Trần Đăng Tuấn cũng là một người dân”, “còn anh không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi” – ông Long nói.
Nhiều người dân sẽ giật mình khi nghe những tuyên bố này, vì từ trước đến giờ, họ vẫn nghĩ mặc nhiên mình là “ông chủ”. Và thực tế cuộc sống, chả “ông chủ” nào lại thích “công bộc” của mình dạy dỗ, chỉ bảo.
Tuy nhiên, những ai lợn cợn với phát ngôn của ông Long, thì cũng nên xem lại khẩu khí của nhiều quan chức khác.
Cách đây ít lâu, ông Dương Đình Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) đã nói với báo chí thế này:
“Dân ở đây kém hiểu biết lắm…Mới nói được vài câu là chúng nó (chỉ người dân – PV) đã hò reo nhau lên phá bĩnh. Lạc hậu đến mức độ như thế thì bảo tôi phải làm thế nào được. Nhố nhăng, dở nọ dở kia, ngu và bố láo thế chứ…!”.
Phát ngôn này đã khiến bà Nguyễn Thị Khá – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sửng sốt.
Bà Khá hiến kế: “Dân ta vẫn có câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” nhưng có lẽ, với những vị cán bộ phát biểu trước công luận và dân chúng thì nên uốn lưỡi nhiều hơn 7 lần trước khi nói”.
Vì mới chỉ uốn lưỡi chưa nổi một lần, nên một “công bộc” ở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước đã lập tức vỗ mặt “bà chủ dân”: “Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó” khi “bà chủ” e ấp hỏi nhẹ như gió thoảng: “Em làm gì ở đây và em tên gì?”.
Quan chức ngân hàng châm biếm dân ta quen “hưởng gió biển và hít khí trời” khi phản đối việc thu phí ATM, đã phải xin lỗi dân.
Video đang HOT
Quan chức lỡ miệng nói phóng viên thiểu năng, cũng đã xin được lượng thứ.
Trong đoạn video, ông Liang Wenyong, Bí thư thị trấn Gushanzi, thuộc tỉnh Hà Bắc đang thưởng thức các món ăn và rượu đắt tiền, vừa miệt thị người dân Trung Quốc.
Quan Lương Văn Dũng, Bí thư thành phố Cô Sơn Tử, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bị bay chức vì chửi dân vô ơn trong khi ăn tôm hùm, uống rượu ngoại:
“Chúng có gạo trong tay, thịt lợn trong mồm rồi mà vẫn chửi rủa mình được. Dân ở đây là như vậy. Chúng vô liêm sỉ và anh chẳng thể bắt chúng trở nên tự trọng hơn”.
Quay trở lại chuyện những phát ngôn của ông Phan Đăng Long chiều hôm qua.
Chưa cần ông Long nhắc, ông Tuấn đã ghi rất rõ “chức phận dân thường” của mình khi gửi thư ngỏ cho ông Nguyễn Thế Thảo: Trần Đăng Tuấn (Mỹ Đình – Từ Liêm).
Và sau khi được ông Long nhắc nhở về vai trò dân thường, ông Tuấn đã nói về điều này một cách hàm súc:”Ông Long tuyệt đối đúng. Tôi là một người dân, và tôi tự hào về điều đó”.
Là một người “từ quan”, ông Trần Đăng Tuấn có những lý do riêng để tự hào là một người dân.
Nhưng những người dân thường, hàng ngày đến cửa công quyền, vẫn phải gặp cảnh như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo: “Dân chưa nói, ông đã sa sả là không được”, thì họ phải suy nghĩ tiếp về sự có tự hào hay không.
Bao lâu nay người dân vẫn biết, vẫn nghe khẩu hiệu “Dân là gốc”. Nhưng với kiểu tư duy lệch lạc của một số quan chức cụ thể nêu trên, cái “gốc” ấy giống như “gốc cây” – người ta muốn đốn hạ lúc nào cũng được.
Theo Trí Thức Trẻ
Hà Nội đốn hạ 6.700 cây xanh để làm gì?
"Phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm chúng ta mới có được những hàng cây đẹp như thế. Có những hàng cây đã thành biểu tượng, là dấu ấn của Hà Nội. Giờ chặt hết, Hà Nội còn lại gì ngoài bê tông? Khẩu hiệu &'vì sự nghiệp 10 năm trồng cây' từ nay có lẽ cũng sẽ không còn nữa", bạn Hoàng Phú đặt câu hỏi đầy tiếc nuối.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố khiến hàng triệu người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Lãng phí, vội vàng là những cụm từ người dân nói về kế hoạch này.
Sẽ có 6.700 cây xanh trên tổng số gần 30.000 cây xanh tại 10 quận nội thành của Hà Nội bị đốn hạ, thay thế từ tháng 3/2015.
Ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, một trang fanpage phản đối đã được lập ra, thu hút hơn 5.000 lượt like chỉ trong vòng 15 tiếng đồng hồ.
Trồng chục năm, phá 1 giờ
Trên khắp các diễn đàn, người dân đều không giấu khỏi sự bàng hoàng, tiếc nuối trước quyết định sẽ chặt hàng ngàn cây xanh của TP.Hà Nội.
Họ không khỏi băn khoăn rằng, tại sao lại phải chặt bỏ, thay thế cả những phượng, bằng lăng, liễu, bàng... còn đang sung sức, không ảnh hưởng đến giao thông như trên phố Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Trần Duy Hưng... để trồng đồng bộ cây vàng tâm... bằng nguồn xã hội hóa.
Hàng loạt cây xanh trên phố Hà Nội bị đốn hạ khiến người dân không khỏi tiếc nuối - Ảnh: Nhị Tiến
"Đau lắm khi đứng đón con trước cổng trường trên phố Quang Trung nhìn những gốc cây 3-4 trẻ mới ôm hết gốc giờ chỉ còn là cái hố sâu hoắm. Rồi đây các con sẽ là những người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả của việc không còn tán cây xanh trước cổng trường" - chị Hoàng Minh Phượng đã phải thốt lên.
"Mình đi học ngay Nguyễn Thái Học, mấy cái cây ấy giờ đã trở thành một phần tuổi thơ mình rồi. Nếu cứ như thế này thì Hà Nội sẽ không còn cây xanh mất. Đừng chặt cây!", bạn Trang Lê khẩn thiết.
Cây xanh bị đốn hạ, đồng nghĩa lá phổi xanh của thành phố bị đe dọa. Nhiều người không khỏi lo ngại về tình trạng ô nhiễm, nóng bức tại thủ đô sẽ gia tăng trong mùa hè tới khi nhiều tuyến phố bị "trọc đầu".
"Phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm chúng ta mới có được những hàng cây đẹp như thế. Có những hàng cây đã thành biểu tượng, là dấu ấn của Hà Nội. Giờ chặt hết, Hà Nội còn lại gì ngoài bê tông? Khẩu hiệu &'vì sự nghiệp 10 năm trồng cây' từ nay có lẽ cũng sẽ không còn nữa", bạn Hoàng Phú đặt câu hỏi đầy tiếc nuối.
Từng cây, từng cây... gục xuống nhưng không có người dân nào được hỏi ý kiến. Câu hỏi lớn nhất là tại sao phải thay thế đồng loạt và tại sao phải là "đồng phục" vàng tâm vẫn chưa được trả lời có trách nhiệm.
"Có cần thiết phải "đồng phục" hóa cây xanh không, những loại cây nào sẽ bị thay thế và tại sao cần phải thay thế? Loại cây mới được trồng có những ưu nhược điểm gì, có phù hợp với môi trường Hà Nội không?", admin fanpage &'6.700 người vì 6.700 cây xanh' đặt hàng loạt câu hỏi.
Cần nghiên cứu
Cụm từ "thí điểm" tưởng như được quán triệt sâu rộng nay bỗng thành ngoại lệ. Hà Nội ra quyết định thần tốc và quyết liệt - không cần thí điểm.
Đánh giá về quyết định chặt cây, bạn Bùi Diệp Thủy cho rằng: "Quá lãng phí !Hãy dùng kinh phí thay thế cây cho việc khác hữu ích hơn! Hãy để cho những hàng cây giữ nguyên vị trí của nó!".
"Có những hàng cây đã thành biểu tượng, là dấu ấn của Hà Nội. Giờ chặt hết, Hà Nội còn lại gì ngoài bê tông? Khẩu hiệu &'vì sự nghiệp 10 năm trồng cây' từ nay có lẽ cũng sẽ không còn nữa", bạn đọc Hoàng Phú đặt câu hỏi đầy tiếc nuối - Ảnh: Nhị Tiến
Cho rằng việc trồng rồi lại phá đơn giản, nhưng trồng để có tầm nhìn mãi mãi thì bạn đọc Hoàng Nam cho rằng cần phải có nghiên cứu khoa học thực sự. Tại sao lại phải chặt những loại kia và tại sao phải trồng loại mới?
Có chung thắc mắc, anh Huy Đức nêu câu hỏi: "Hà Nội có 4 mùa, nóng có, lạnh có, nắng có, mưa bão có. Mỗi con đường đều có nhiều loại cây đẹp nổi bật khi thi nhau thay áo cho phố xá từng mùa, bây giờ thay vàng tâm sẽ đẹp cả 4 mùa ư? Nó tạo ra hiệu ứng đặc biệt gì chăng?".
Nhìn ở khía cạnh quy hoạch, anh Hoàng Hữu Tài nêu ý kiến "Cần phải có giải pháp hợp lý, không thể nói chặt là chặt được. Ví dụ đã nghiên cứu ra cây mới thì phải chỉ ra nó ổn chỗ nào? Nếu ổn thì đáng ra phải trồng từ 5 năm trước rồi hãy chặt cây cũ. Những cái này lẽ ra phải đưa ra công khai để dân và các chuyên gia phản biện đã".
Việc thay thế một loại cây mới khi chưa được nghiên cứu cụ thể, anh Nguyễn Dương lo ngại khó tránh khỏi tình trạng trồng lại chặt, thêm nữa việc trồng đồng bộ duy nhất 1 loài cây có thể gây những hậu quả môi trường sinh thái.
Anh Dương đề nghị cần trồng thí điểm một thời gian. Nếu không, khi nảy sinh vấn đề sẽ lại phải chặt hạ tất cả các cây mới, khi đó sẽ là tổn thất vô cùng to lớn.
Liên hệ thực tế với Singapore, chị Nguyễn Mai cho biết, ở bên đó cây xanh rất được quý trọng. Nếu làm nhà hay đường mà vướng nơi có cây, cần phải xin ý kiến thành phố hoặc thiết kế thế nào để bảo toàn được cây.
Nếu không thay đổi được thì phải chịu phạt 6.000$/ cây nhỏ, cây càng lâu càng nhiều tiền. Và khi đền tiền xong, thành phố không chặt mà họ mang máy xúc, máy đào đến, khoanh vùng đất cây trồng, dời cây đến một nơi khác.
Sinh sống tại Đức, chị Ngọc Thúy cũng cho biết, tại quốc gia này, người dân không được tùy tiện chặt, phá cây kể cả cây trồng trong vườn nhà mình nếu đường kính của cây đó trên 50cm.
Nếu chủ nhà có cây to trước cửa vì lý do nào đó muốn chặt cũng phải xin phép nhà chức trách và lấy chữ ký của những người sống quanh khu nhà. Còn với cây trồng ở nơi công cộng và cây rừng do Nhà nước quản lý thì dù khu cây xanh ở đâu được chính quyền "quyết phá" nếu như dân chúng không đồng ý thì cũng khó thực hiện.
Theo Vietnamnet
Hà Nội chặt 6.700 cây xanh: Vì sao không hỏi ý kiến dân? Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng thay thế cây xanh trên đường phố chưa đáng phải trưng cầu ý kiến người dân. Hiện nay, Hà Nội đang thay thế cây xanh không đúng chủng loại đô thị, cây cong nghiêng, sâu mục... trên một số tuyến phố nội thành. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội chặt hạ,...