Sao Hỏa bị hàng trăm thiên thạch oanh tạc mỗi năm
Đài CNN dẫn một nghiên cứu mới cho biết mỗi năm có hàng trăm thiên thạch to bằng trái bóng rổ đâm vào sao Hỏa, gây ra tiếng động lớn và tạo thành miệng hố trên bề mặt hành tinh đỏ.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trên sao Hỏa, robot thăm dò InSight của Cơ quan Hàng không – Vũ trụ Mỹ (NASA) dựa vào máy đo ghi nhận hơn 1.300 địa chấn xảy ra khi phần dưới bề mặt hành tinh bị nứt do áp suất cùng nhiệt độ. Đặc biệt, thiết bị cũng thu thập được bằng chứng thiên thạch oanh tạc sao Hỏa.
Sao Hỏa nằm cạnh vành đai tiểu hành tinh chính của hệ mặt trời, nơi có rất nhiều thiên thạch. Khí quyển sao Hỏa chỉ dày bằng 1% khí quyển Trái đất nên không ít thiên thạch sẽ dễ dàng bay qua mà không bị cháy mất. Thế nhưng hành tinh đỏ lại ít bị tác động – điều mà giới khoa học chưa thể lý giải.
2 va chạm lớn
Ngày 5.9.2021, một thiên thạch bay vào khí quyển rồi phát nổ thành ít nhất 3 mảnh tạo thành miệng hố trên bề mặt sao Hỏa. Kể từ đó nhóm nghiên cứu do giáo sư khoa học môi trường Ingrid Daubar (Đại học Brown) bắt đầu xem xét dữ liệu InSight gửi về và kết luận rằng thiên thạch oanh tạc hành tinh đỏ nhiều hơn ước tính trước đây.
“Có thể sao Hỏa hoạt động địa chất mạnh hơn chúng ta nghĩ, tác động lớn đến tuổi tác cùng quá trình tiến hóa của bề mặt hành tinh. Kết luận chúng tôi đưa ra dựa trên số ít ví dụ sẵn có, nhưng ước tính về tỷ lệ va chạm hiện tại cho thấy hành tinh đang bị oanh tạc thường xuyên hơn những gì chúng ta nhìn qua hình ảnh”, theo ông Daubar.
Từ dữ liệu InSight gửi về, nhóm xác định được 8 miệng hố mới hình thành, trong đó 6 miệng hố nằm gần địa điểm robot thăm dò hạ cánh, 2 miệng hố ở xa do va chạm lớn gây ra. 2 va chạm lớn xảy ra cách nhau 97 ngày và tạo thành miệng hố kích thước bằng sân bóng đá.
Ông Daubar cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng va chạm quy mô như vậy xảy ra vài thập kỷ một lần hay thậm chí chỉ xảy ra đúng một lần. Nhưng ở đây ta lại có 2 lần cách nhau hơn 90 ngày. Đây có thể là ngẫu nhiên, tuy nhiên khả năng thực sự rất thấp”.
Video đang HOT
Nhóm muốn so sánh những gì xảy ra trên sao Hỏa với loạt sự kiện ở Trái đất, qua đó hiểu rõ hơn về hệ mặt trời cùng mối đe dọa thiên thạch mà Trái đất luôn phải đối mặt.
Hàng trăm va chạm nhỏ
Sự kiện địa chấn thu thập bởi InSight cũng chỉ ra thiên thạch to bằng trái bóng rổ đâm vào sao Hỏa gần như hàng ngày. Mỗi năm khoảng 280 – 360 thiên thạch oanh tạc tạo thành miệng hố đường kính lớn hơn 8 mét. Mỗi tháng có 1 thiên thạch tạo thành đường kính lớn hơn 30 mét.
“Tỷ lệ này cao hơn khoảng 5 lần so với con số ước tính”, tiến sĩ Géraldine Zenhäusern (Viện nghiên cứu ETH Zürich) – đồng tác giả nghiên cứu – cho biết.
Bí mật phát lộ sau cú va thiên thạch mạnh 4 độ richter trên sao Hỏa
Cú va chạm của thiên thạch trên sao Hỏa đã hất tung vật chất dưới bề mặt, tạo ra một miệng hố lớn, làm phát lộ những vật chất bị vùi lấp bên dưới lớp bụi.
Tháng 12 năm ngoái, tàu đổ bộ thăm dò sao Hỏa InSight của NASA đã ghi nhận một chấn động trên sao Hỏa tương đương trận động đất mạnh 4 độ richter.
Từ các bức ảnh chụp từ trên cao trước và sau thời điểm xảy ra cơn địa chấn, do Tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa (MRO) vốn đã quay quanh sao Hỏa từ năm 2006 chụp, giờ đây, các nhà khoa học đã biết nguyên nhân khiến Hành tinh đỏ rung chuyển.
Một thiên thạch đã lao vào sao Hỏa ở vị trí cách xa tàu đổ bộ InSight 3.500 km và tạo ra một hố va chạm mới trên bề mặt Hành tinh đỏ.
Các bức ảnh trước và sau khi được chụp bởi Tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa MRO cho thấy nơi một thiên thạch lao vào sao Hỏa vào ngày 24/12/2021. Nguồn: NASA / JPL-Caltech / MSSS.
MRO đã phát hiện ra một miệng hố va chạm mới vào tháng Hai.
Khi các nhà khoa học kết nối dữ liệu từ cả hai sứ mệnh, họ nhận ra đây là một trong những cuộc tấn công thiên thạch lớn nhất trên sao Hỏa kể từ khi NASA bắt đầu nghiên cứu Hành tinh đỏ.
Đáng chú ý, cú va của thiên thạch cũng làm phát lộ những tảng băng vốn bị chôn vùi dưới lớp bề mặt sao Hỏa.
Nghiên cứu lớp băng lộ ra sau vụ va chạm sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về điều kiện khí hậu trước đây trên sao Hỏa, cũng như cách thức và thời gian băng hình thành và chôn vùi.
Băng (màu trắng) phát lộ quanh miệng hố sau cú va chạm của thiên thạch trên bề mặt sao Hỏa. Nguồn: NASA / JPL-Caltech / Đại học Arizona.
Các nhà nghiên cứu ước tính thiên thạch va vào sao Hỏa có kích thước khoảng 5-12m. Khi thiên thạch đâm vào vùng Amazonis Planitia trên sao Hỏa, nó tạo ra một miệng hố rộng 150 m và sâu 21 m.
Một số vật chất bắn ra từ vụ va chạm xa tới 37 km. Các nhóm tại NASA cũng ghi lại âm thanh từ vụ va chạm.
Những hình ảnh do tàu quỹ đạo ghi lại MRO, cùng với dữ liệu địa chấn do tàu InSight ghi lại, khiến vụ va chạm trở thành một trong những miệng hố lớn nhất trong Hệ Mặt trời từng được quan sát khi nó được tạo ra.
Một cơn bão bụi do Tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa MRO chụp ngày 29/9 cùng vị trí của các tàu thăm dò trên Hành tinh đỏ. Nguồn: NASA / JPL-Caltech / MSSS.
Sao Hỏa rải rác với các miệng núi lửa lớn, nhưng chúng lâu đời hơn nhiều so với bất kỳ sứ mệnh khám phá nào trên Hành tinh đỏ.
Băng bên dưới bề mặt sao Hỏa có thể được sử dụng để làm nước uống, chất phóng tên lửa và thậm chí phục vụ việc trồng trọt của các phi hành gia trong tương lai. Với thực tế băng được tìm thấy rất gần đường xích đạo, khu vực ấm nhất trên sao Hỏa, có thể khiến nó trở thành một nơi lý tưởng để hạ cánh các sứ mệnh của phi hành đoàn lên Hành tinh đỏ.
Trước đây, sứ mệnh InSight đã ghi nhận và phát hiện đá không gian va vào sao Hỏa, nhưng vụ va chạm vào tháng 12/2021 là lớn nhất.
Kể từ khi hạ cánh vào năm 2018, sứ mệnh đã tiết lộ những chi tiết mới về lớp vỏ, lớp phủ và lõi của sao Hỏa và phát hiện 1.318 cơn địa chấn.
Hiên nay, sứ mệnh InSight đang gặp những trở ngại do những cơn bão đã cuốn bụi phủ lấp các tấm pin mặt trời của tàu đổ bộ khiến năng lượng cung cấp cho tàu tiếp tục giảm, trong khi bão cũng phát tán nhiều bụi lên bầu khí quyển làm giảm cường độ ánh sáng chiếu xuống bề mặt.
Các nhà khoa học của sứ mệnh ước tính InSight có thể sẽ đóng cửa trong sáu tuần tới, kết thúc một sứ mệnh đầy hứa hẹn để khám phá bên dưới bề mặt sao Hỏa.
Sao Hỏa xuất hiện 2 tỉ 'hố tử thần' vì kẻ tấn công bí ẩn Một nghiên cứu mới về về bề mặt Sao Hỏa đã cho thấy một kẻ tấn công ngoài hành tinh có thể gây ra tác động khủng khiếp. Theo Universe Today, nhóm nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học John Hopkins (JHU APL - Mỹ) đã tìm hiểu sâu về miệng hố va chạm mang tên Corinto...