Sao cứ phải “anh-em”?
Quanh đi quẩn lại, vợ chồng mình đã ở bên nhau hơn 10 năm, có 2 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. Ngẫm lại suốt 5 năm yêu nhau, cộng thêm 10 năm chung sống, chúng ta chưa bao giờ xưng hô với nhau là “anh” và “em” cả.
Thời mới quen nhau, “bố” hay đùa gọi “mẹ” bằng chị dù hơn “mẹ” tới 7 tuổi. Rồi khi yêu nhau, “bố” xưng tên với “mẹ”, còn “mẹ” thì bắt chước kiểu xưng hô thân mật ở quê chồng tương lai gọi “ông” xưng “mình”. Khi cưới rồi, chúng ta ngọt ngào hơn một chút, gọi nhau là “chồng” và “vợ”. Kiểu ngọt này ở nhà thì ổn nhưng mỗi khi “bố” qua nhà hàng xóm chơi, “mẹ” phải sang tận nơi khều về, chứ không thể gọi với sang là “chồng ơi” được. Ngày nhóc tì đầu tiên của chúng ta ra đời, chẳng ai bảo ai, mình hạnh phúc gọi nhau là “bố – mẹ” cho đến tận bây giờ.
Vợ chồng mình sống cùng ông bà ngoại tụi nhỏ nên cách xưng hô ấy nhiều khi cũng gây ra cảnh dở khóc dở cười. Mỗi khi “bố” kêu “mẹ ơi” thì cả vợ và mẹ vợ đều “ơi”. Khi “bố” nhờ “mẹ” hay bà ngoại làm việc gì thì có khi chẳng ai làm vì người này cứ tưởng người kia. Sau này, để tránh sự cố, “bố” chuyển sang gọi mẹ vợ bằng “bà”. Cũng may, “bố” gọi “ nhạc phụ đại nhân” bằng “cha”, chứ không lại thêm hiểu lầm giữa hai ông bố.
Có những lúc nghe chúng bạn xưng hô “anh – em” hay gọi nhau “mình ơi” thật tình cảm, tự dưng “mẹ” cũng muốn đổi cách xưng hô. Ấy vậy mà mỗi lần mở miệng thì cứ ngại ngùng. Thôi thì chúng ta cứ gọi nhau như cũ “bố” nhé. Gọi thế thì có sao đâu nhỉ, bởi có ai dám chắc rằng thay đổi cách xưng hô là làm cho gia đình hạnh phúc hơn?
Không biết “bố” có từng thắc mắc chuyện này không nhỉ? Nếu có thì “bố” mở điện thoại ra nhé, “mẹ” vừa lưu lại số điện thoại của mình với tên mới là “bà xã” đó.
Theo VNE
Video đang HOT
Người mất mạng, kẻ vào tù chỉ vì chuyện... xưng hô
Có hai tấm bằng cao đẳng sư phạm và y tế, tưởng như tương lai tươi sáng đang đón chờ Bùi Thanh Thủy (SN 1987, ngụ xóm Yên Bình, xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình). Nào ngờ, chỉ vì chuyện xưng hô trong quán nhậu giữa những người cùng "lai rai", Thủy đã tước đoạt mạng sống của người khác để rồi đánh mất tất cả và gieo rắc nỗi đau cho cha mẹ già và con thơ...
Đối mặt án phạt của TAND tỉnh Hòa Bình với mình về tội "Giết người", xử ngày 29/1, Thủy cúi gằm, vò tay vào nhau tỏ vẻ ân hận và hối lỗi. Cách đó không xa, mẹ của bị cáo là bà Bùi Thị Vựng, một phụ nữ mang dáng vẻ tiều tụy, khắc khổ liên tục khóc than.
Bị cáo Thủy tại phiên xử
Trong khi đó, phía ngoài khán phòng xét xử là một phụ nữ khác trẻ hơn, trên đầu quấn khăn tang, tay ôm đứa trẻ 2 tuổi. Chị là vợ của anh Bùi Văn Hưng (SN 1989, ngụ xóm Cửa Lũy, xã Đoàn Kết), nạn nhân trong vụ án này.
Hồ sơ vụ án thể hiện: Khoảng 15h ngày 26/10/2011, Bùi Thanh Thủy đi xe máy đến tiệm tạp hóa của gia đình chị Bùi Thị Yến (ngụ xóm Đồng Bai) để mua đồ dùng sinh hoạt. Lúc này, trong quán có anh Bùi Văn Hưng và anh Bùi Văn Nghĩa (SN 1988, cùng ngụ xóm Cửa Lũy) đang ngồi uống bia. Do quen biết từ trước nên anh Nghĩa mời Thủy uống bia cùng.
Trong lúc nhậu, anh Hưng cho rằng anh kém tuổi Thủy nhưng Thủy phải gọi anh Hưng là anh vì hai người có quan hệ họ hàng xa. Đáp lại, Thủy chuyển từ ngồi đối diện sang ngồi cạnh Hưng rồi lấy tay xoa đầu Hưng mà bảo: "Chờ đấy nhé!". Bị xoa đầu, Hưng túm cổ áo Thủy đẩy ngã xuống đất. Sau đó, hai chàng trai lao vào nhau ẩu đả.
Nghĩa can ngăn và đẩy Hưng, Thủy mỗi người về một phía rồi giục Thủy về trước. Những tưởng câu chuyện kết thúc ở đây. Nào ngờ, khi Nghĩa bê két bia mua của chị Yến định buộc lên yên xe thì bất thình lình, Hưng và Thủy lại lao vào đánh nhau dữ dội hơn. Hưng nhặt chiếc điếu hút thuốc lào dưới bàn đánh tới tấp Thủy. Thủy tránh đòn rồi chộp lấy con dao để trên bàn rồi quay lại. Đúng lúc này, Hưng cũng cầm ống điếu chạy đến liền bị Thủy đâm một nhát dao vào bụng.
Hưng ôm bụng bỏ chạy sang Trạm y tế xã Đoàn Kết nhờ sự can thiệp. Tuy nhiên, Thủy vẫn hung hăng cầm dao truy sát, chém nạn nhân thêm nhiều nhát nữa. Hưng vẫn cố lấy hết sức bình sinh chạy vào đến vườn hoa Trạm y tế thì bị vấp ngã. Thủy đuổi kịp, tiếp tục dùng dao chém thêm vào người nạn nhân rồi bỏ chạy. Sau đó, nạn nhân được đưa đi cấp cứu, còn hung thủ bị người dân xung quanh bao vây bắt giữ tại chỗ.
Anh Hưng được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thủy với nhiều vết thương chí mạng ở khắp người, trong đó có nhiều chỗ hiểm như thủng ruột, nứt xương sọ, chấn thương vùng mặt, cổ và bả vai... Các bác sĩ đã cố gắng cầm cự và nhanh chóng chuyển nạn nhân lên tuyến trên. Trải qua liên tiếp 5 ca phẫu thuật, anh Hưng tạm thời được cứu từ tay thần chết nhưng bị tổn hại 93% sức khỏe (tại thời điểm ngày 9/12/2011). Đến ngày 12/12/2011, anh Hưng tử vong.
Tại phiên tòa, Thủy cúi đầu thú nhận toàn bộ hành vi của mình. Bị cáo nhí khai: "Do bị cáo đã uống bia và thấy bị xúc phạm nên trong lúc giận dữ đã không làm chủ được mình mà gây chuyện. Bị cáo đã biết lỗi của mình, bị cáo xin tòa lượng hình cho bị cáo có cơ hội được làm lại".
Trước câu hỏi tại sao người bị hại đã bỏ chạy nhưng Thủy vẫn truy sát đến cùng, thậm chí là tuyệt đường sống của đối phương, Thủy cúi đầu im lặng một hồi rồi bật khóc vì ăn năn. Những giọt nước mắt muộn màng càng khiến người nhà gia đìnhhai bên thấy chua xót.
Bùi Thanh Thủy sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo. Gia đình bị cáo có 4 anh em, Thủy là con thứ ba, trên có hai anh và dưới còn một em gái. Bà Vựng kể: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả nhà chỉ quanh năm cày cấy và chăn nuôi nên dồn sức cho thằng Thủy và cái út đi học. Hai anh nó cũng bỏ ngang khi mới học hết cấp hai, rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ.
Thằng Thủy học xong Cao đẳng sư phạm nhưng xin việc khó quá nên nó lại đi học thêm nghề y. Nó lấy bằng xong rồi và có chỗ đã gọi đi làm, chỉ chờ vài ngày nữa là mọi việc ổn định như mong muốn của hai vợ chồng tôi. Có ai ngờ là chỉ một phút nông nổi mà thành ra đại họa như thế này".
Theo bà Vựng, Thủy ở nhà rất thẳng tính. Biết tính con nên ông Bùi Văn Dư (bố đẻ Thủy) và vợ thường xuyên dặn con phải biết kiềm chế nhưng cuối cùng vẫn gây ra chuyện như vậy. "Nó ăn học hơn người và va chạm xã hội thì đáng ra nó phải không dính vào chuyện này mới đúng", ông Bùi Văn Dư nói thêm.
Nhìn những giọt nước mắt vì xót thương của cha mẹ, có lẽ Thủy chỉ có thể tự trách mình khi phụ niềm tin và hy vọng của cha mẹ. Bị cáo cũng tự vứt đi tương lai tươi sáng của mình khi gây ra lỗi lầm không thể tha thứ. Thủy còn dự định cưới vợ là một cô gái cùng xã nhưng tất cả dự định đó đã tan thành mây khói.
Ban đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình truy tố Bùi Thanh Thủy về hành vi "Cố ý gây thương tích", quy định tại Khoản 3, Điều 104 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, sau đó cơ quan này đã chuyển tội danh sang "Giết người".
Trước giờ nghị án, bà Vựng lại gần con trò chuyện trong nước mắt. Ông Dư đứng sau lưng phải đỡ vợ vì bà Vựng xúc động mạnh. Thủy cũng khóc và dặn dò em gái: "Em và gia đình giữ gìn sức khỏe. Anh bất hiếu, em cùng các anh chăm sóc bố mẹ cho tốt. Anh làm anh chịu". Bị cáo chìa tay nắm lấy tay bố mẹ trong tiếng khóc nấc vang một góc khán phòng xét xử...
Sau giờ nghị án, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Bùi Thanh Thủy 14 năm tù giam về tội "Giết người", buộc bị cáo bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại là hơn 155 triệu đồng và tiền cấp dưỡng nuôi con nhỏ của Hưng cho đế khi 18 tuổi là 600.000 đồng/tháng.
Một vụ án đau lòng nữa đã xảy ra chỉ vì một nguyên nhân cỏn con giữa hai thanh niên, đây là lời cảnh tỉnh cho những người thích xử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Giá như các thanh niên trong vụ án biết cách nhẫn nhịn thì có lẽ hai gia đình này đã không phải chịu nỗi đau và cảnh chia ly như thế này. Đây chắc chắn là một bài học đắt giá và sâu sắc cho mỗi người trong cách giải quyết va chạm trong cuộc sống thường ngày.
Theo vietbao
Án mạng vì chuyện xưng hô Hưng bảo tuy mình kém tuổi hơn nhưng xét về quan hệ họ hàng thì Thủy phải gọi là anh. Đáp lại, Thủy lấy tay xoa đầu Hưng bảo "chờ đấy nhé". Đối mặt án phạt của TAND tỉnh Hòa Bình với mình về tội Giết người, Bùi Thanh Thủy (25 tuổi, ở huyện Yên Thủy) cúi gằm, vò tay vào nhau tỏ...