Sáng tỏ thị trường vàng Việt Nam
Là một phần sứ mệnh và nội dung thảo luận thường xuyên với Chính phủ VN, các đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trao đổi với các cơ quan chức năng của VN, kể cả NHNN, về các vấn đề ổn định khu vực tài chính và kinh tế vĩ mô.
Các nội dung này bao gồm cả thảo luận về thị trường ngoại hối, vàng, và các tài sản khác. Bài viết này đưa ra tổng quan vắn tắt về các nội dung thảo luận gần đây của cán bộ IMF, bao gồm cả các đợt công tác làm việc của cán bộ IMF và Đoàn tham khảo Điều IV năm 2013, liên quan đến thị trường vàng Việt Nam trong bối cảnh rộng hơn là diễn biến trên thị trường vàng thế giới và các thị trường tài sản khác ở Việt Nam.
Biểu đồ giá vàng thế giới (đỏ) và giá vàng trên thị trường VN (xanh) từ năm 2008 đến nay, đơn vị tính là USD/oz
Cán bộ IMF cho rằng việc Chính phủ yêu cầu các ngân hàng ngừng huy động và cho vay bằng vàng là có hiệu quả trong việc thúc đẩy hơn nữa ổn định khu vực tài chính. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã tăng sau năm 2012, nhưng mức độ biến động của giá vàng trong nước đã giảm đáng kể.
Từ Quí 4/2008, “việc đổ xô đi tìm nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đã góp phần làm giá vàng thế giới tăng mạnh. Đồng thời, mức độ biến động giá vàng thế giới cũng tăng. Giá thế giới tăng và mức biến động cao hơn của thị trường thế giới đã được truyền tải vào thị trường vàng Việt Nam. Tiếp đó, biến động cao hơn của thị trường vàng trong nước lại được truyền tải vào thị trường ngoại hối do mối quan hệ giữa hai thị trường tài sản này vì vai trò của vàng là tài sản tiền tệ trong nền kinh tế Việt Nam.
Sự biến động của ngoại hối và vàng đã đặt bảng cân đối của các ngân hàng Việt Nam vào tình trạng rủi ro thông qua một vài kênh, bao gồm cả rủi ro tín dụng và thanh khoản. Bên cạnh đó, bảng cân đối tài sản của ngân hàng cũng bị mất cân đối về kỳ hạn và đồng tiền. Đồng thời, việc nhập khẩu lượng vàng lớn đã làm giảm dự trữ quốc tế năm 2009. Trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu ổn định hơn, giá vàng thế giới cuối cùng đã bắt đầu giảm dần vào Quí 3/2012.
Trong suốt giai đoạn 2011-2013, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp liên quan đến thị trường vàng. Các biện pháp này bắt đầu từ tháng 4/2011 bằng việc chấm dứt cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Tháng 4/2012, Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nội dung của Nghị định này bao gồm cả việc hạn chế và ủy quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chính phủ cũng yêu cầu các ngân hàng tất toán các khoản tiền gửi bằng vàng của mình. NHNN bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng từ ngày 28/3 để giảm bớt mất cân đối cung cầu.
Các biện pháp đã thực hiện của Chính phủ Việt Nam được thúc đẩy bởi một số yếu tố nhằm nâng cao khả năng vận hành của thị trường.
Thứ nhất là tăng cường ổn định tài chính bằng cách giảm mức độ rủi ro của các ngân hàng liên quan đến tài sản nợ và có bằng vàng trên bảng cân đối tài sản của mình. Thứ hai, giảm mức độ biến động trên thị trường ngoại hối và vàng và qua đó nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ. Thứ ba, cuối cùng là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thứ tư, về lâu dài, kỳ vọng là thị trường vàng và ngoại hối ổn định hơn, và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung sẽ góp phần giảm mức độ nắm giữ vàng, cải thiện cán cân vãng lai và chuyển đổi từ vàng sang các tài sản “phục vụ sản xuất”.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã tăng sau năm 2012. Mức chênh lệch hiện nay có thể một phần phản ánh việc các ngân hàng sẽ phải hoàn tất xử lý các nghĩa vụ nợ bằng vàng của mình, đây là nguồn cầu bổ sung trên thị trường so với các giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, mức độ biến động giá trong nước và thế giới (đo bằng hệ số biến động) đã giảm trong giai đoạn này.
Theo Dantri