Sang tận Đức tìm Hitler nói chuyện phải quấy, Winston Churchill gặp hậu quả thế nào?
Vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh đã có lần tức tốc sang nước Đức, đòi “phân phải trái” với Hitler, nhưng cái kết không như ông mong đợi.
Vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh đã có một thời kỳ đầy khó khăn (ảnh minh họa)
Sau khi bị “đá” khỏi chiếc ghế yêu quý nhất đời là Bộ trưởng Hải quân, cuộc đời của Winston Churchill trải qua nhiều thăng trầm. Ông không ngừng cố gắng hoạt động trở lại trên chính trường và tiếp tục được giao nhiều chức vụ khác nhau.
Tuy nhiên, đến năm 1929, Churchill chỉ còn giữ lại được một ghế dân biểu trong Quốc hội Anh. Tương lai chính trị của ông lúc này rất tăm tối.
Từ những năm 1930, trước cả khi Hiler lên nắm quyền nước Đức, Churchill đã đưa ra lời cảnh báo về cuộc chiến tranh sắp tới. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, sau thất bại trong Thế chiến I, nước Đức vẫn chưa từ bỏ tham vọng.
Churchill đã có nhiều bài phát biểu trước Quốc hội, chủ yếu tập trung vào phân tích ưu thế của máy bay Đức và sự yếu kém của không quân Anh. Ngày 30.7.1934, trong bài diễn văn tại Hạ viện Anh, Churchill đã phải gắt lên rằng:
“London là mục tiêu dễ bị tấn công nhất trên thế giới. Nó giống như một con bò béo tốt với bốn chân đã bị trói chặt, được đặt nằm dưới miệng con thú săn mồi.”
Churchill đã yêu cầu chính phủ nhanh chóng gia tăng sức mạnh của không quân Anh, vì “cần có sự tin chắc vào khả năng giáng trả kẻ thù, sao cho có thể gây ra cho chúng sự thiệt hại chẳng kém gì thiệt hại chúng gây cho ta.”
Tuy nhiên, những lời cảnh báo của Churchill chẳng mấy khi được xem trọng. Nhiều người còn chế giễu ông với biệt danh “nhà tiên tri của sách Khải Huyền”.
Churchill là một trong những người sớm nhất thế giới, cảnh báo về cuộc Thế chiến II (ảnh minh họa)
Theo cuốn “Thủ tướng Anh Winston Churchill, cuộc đời và sự nghiệp”, khi đảng Quốc xã của Hitler ngày càng nổi lên như một thế lực tại nước Đức, tháng 9.1932, Churchill đã quyết định sang Đức để tìm gặp Hitler.
Churchill là một trong số ít người hiểu được khuynh hướng độc tài, trong những bài phát biểu tranh cử của Hitler lúc bấy giờ. Ông đến Đức và liên hệ với Putzi, một nhà xuất bản khá thân thiết với Hitler. Churchill sau đó, được mời tham dự một bữa tiệc tại khách sạn nơi Hitler thường lui tới.
“Anh ta (Putzi) nói rằng tôi phải gặp Hitler và việc dàn xếp cho cuộc gặp chỉ là chuyện nhỏ. Hàng ngày, Hitler đến khách sạn này vào khoảng 5 giờ chiều, và hẳn sẽ rất vui nếu gặp tôi…
Tôi ngưỡng mộ những người bảo vệ quốc gia bại trận của họ, cho dù là tôi thuộc phe bên kia. Nếu ông ta (Hitler) chọn, ông ta hoàn toàn có thể là một người Đức yêu nước”, Churchill viết trong hồi ký của mình.
Tuy nhiên, khi Putzi bày tỏ tư tưởng bài trừ người Do Thái của Hitler, Churchill đã không khỏi bất ngờ và thốt lên:
- Tại sao lại đi chống đối một người chỉ vì huyết thống của anh ta?
Churchill vì vậy, lại càng quyết tâm gặp Hitler hơn. Ông muốn đối mặt và thuyết phục Hitler bỏ cái thứ “suy nghĩ điên rồ” đó ra khỏi đầu óc.
Những câu nói tưởng như vô hại của Churchill đã đến tai Hitler khi nào chẳng hay. Hôm sau và những hôm sau nữa Hitler không hề đến cuộc hẹn.
Churchill quyết tâm sang Đức để đối mặt với Hitler (ảnh minh họa)
Sau khi trở về Anh, Churchill là người nhanh hơn bất cứ ai khác lên tiếng về mối hiểm họa từ Hitler. Ông gọi đảng Quốc xã của Hiler là “cái hoàn cảnh đáng ghét đang chi phối nước Đức và nó đang thách thức những quyền lợi của Anh”. Như thường lệ, những phát biểu của Churchill lại bị chế giễu và phản đối.
Video đang HOT
Năm 1934, Hitler chính thức nắm quyền nước Đức và thiết lập chế độ độc tài, tăng cường sức mạnh quân sự. Đối với mối nguy này, chính quyền Anh lại thực hiện chính sách xoa dịu.
Anh đề nghị các quốc gia châu Âu cùng giảm trừ quân bị. Thậm chí, Thủ Tướng Anh khi đó là MacDonald còn ra lệnh cắt giảm binh lực Anh để thể hiện sự gương mẫu.
Churchill đã tỏ ra vô cùng bất mãn với những chính sách này của chính phủ. Ông ngày càng có nhiều bài phát biểu chống đối. Thậm chí, có lần Churchill còn chấp nhận bị phạt 400 bảng Anh (tương đương 12.000 bảng Anh hiện nay) vì hủy hợp đồng diễn thuyết tại Mỹ, để ở lại đọc các bài phát biểu lên án chính quyền.
Đáp lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của Churchill, vẫn chỉ là sự thờ ơ và khinh miệt. Tháng 10.1938, một bức thư được gửi đến cho James Hawkey – Chủ tịch đảng Bảo thủ, viết:
“Thật đáng tiếc khi ông ta (Churchill) gây ra sự bất hòa trong Hạ viện vì những bài diễn văn đã đọc… Tôi nghĩ là sẽ tốt hơn nhiều nếu ông ta giữ im lặng và đừng đọc thêm bài diễn văn nào nữa.
Nhiều cử tri từ những khu vực hành chính khác, như Harlow, rất giận dữ với Churchill. Tôi nghe được rằng đã có cuộc biểu tình ở Epping (nơi Churchill sắp ra tranh cử) chống lại ông ta và tất cả như một mớ bòng bong.”
Vào thời điểm bấy giờ, người Anh có xu hướng chán ghét chiến tranh và sợ hãi trước sự hiếu chiến của nước Đức.
Những lời phát biểu của Churchill về mối nguy từ chế độ độc tài của nước Đức thường bị chế nhạo (ảnh minh họa)
Tháng 9.1938, Thủ Tướng mới của nước Anh là Chamberlain đã bay qua Munich để gặp mặt Hitler. Tại đây, Anh đã công nhận nhiều yêu sách của Hitler về vấn đề chủ quyền của nước Tiệp Khắc.
Hiệp ước Munich đã cho phép Đức sáp nhập những vùng đất có đa số dân Đức sống ở Tiệp Khắc. Tiệp Khắc đã mất cho Đức gần 30.000 km vuông lãnh thổ.
Khi Thủ Tướng Chamberlain về tới phi trường London, ông đã vẫy chào đám đông bằng bản hiệp ước Munich đã ký với nhà độc tài Quốc xã và hô lớn: “Hòa bình trong thời đại của chúng ta”.
Trái lại, Churchill đã coi hiệp ước này là một biên bản đầu hàng nhục nhã. Trước Quốc hội Anh, ông nói thẳng với Thủ tướng Chamberlain:
“Ngài được chọn lựa giữa chiến tranh và sự mất danh dự. Ngài đã chọn sự mất danh dự và ngài sẽ gặp chiến tranh”.
“Tất cả những gì mà ngài Thủ tướng làm được, là buộc kẻ độc tài người Đức (Hitler) thay vì ngốn một lúc tất cả những món được dọn trên bàn ăn, giờ lại phải tạm hài lòng với việc được phục vụ từng món một…
Mọi chuyện thế là hết. Im lặng thê lương, bị bỏ mặc, bị tan rã, Tiệp Khắc chìm vào bóng tối”, Churchill phát biểu.
Churchill kịch liệt phản đối thủ tướng Anh vì ký hiệp ước Munich với Hitler (ảnh minh họa)
Những lời phát biểu của Churchill đã gây ra một làn sóng phản đối giận dữ từ các dãy ghế trong Quốc hội Anh. Thậm chí, có người còn la ó, gọi bài nói của ông là vô nghĩa, xuất phát từ miệng lưỡi của một kẻ đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chiến tranh.
Ngày 15.3.1939, quân Đức tràn vào Tiệp Khắc mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào. Trước khi rời Berlin tới Tiệp Khắc thị sát tình hình, Hitler tuyên bố một cách hãnh diện: “Tiệp Khắc đã bị xóa sổ.”
Sự việc Tiệp Khắc bị Đức chiếm đã trở thành một cú sốc đối với người Anh. Làn sóng ủng hộ Churchill và phản đối chính quyền lan rộng khắp cả nước. Tại hơn 600 địa điểm London, những tờ áp phích được dán kín trên những bức tường với dòng chữ “Đâu là cái giá để Churchill tham chính?”.
Cuộc chiến của Churchill lại tiếp tục bắt đầu, nhưng liệu tất cả đã quá muộn, bởi sự chủ quan trước đó của nước Anh?
___________
Chính vì phớt lờ những lời cảnh báo của Churchill về mối nguy từ Hitler và Đức Quốc xã, trong giai đoạn đầu của cuộc Thế chiến II, nước Anh và cả châu Âu đã phải trả giá đắt. Vào những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc chiến, Churchill đã đứng lên trở thành người hùng của cả châu Âu như thế nào? Mời các bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau.
Theo danviet.vn
Trận thảm bại đau đớn nhất trong cuộc đời vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh
Vai trò của nước Anh thể hiện trong cuộc Thế chiến I, thể hiện rõ nét nhất ở sức mạnh hải quân, mà Winson Churchill trực tiếp lãnh đạo. Tuy nhiên, đáng buồn là ông đã phải hứng chịu trận thua đau đớn nhất trong sự nghiệp của mình.
Winston Churchill giữ chức Bộ trưởng Hải quân (ảnh minh họa)
Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Churchill đã tỏ ra rất yêu thích quân sự. Có lần, cha của ông đã bắt gặp con trai đang dàn trận với hàng trăm chú lính chì. Churchill vốn rất thần tượng Napoleon Bonaparte, vị hoàng đế từng có thời giúp nước Pháp thống trị cả châu Âu.
Dù xuất thân trong gia đình danh giá, Churchill lại theo học tại trường Học viện quân sự Hoàng gia. Đây là ngôi trường mà thời bấy giờ, có rất ít con em quý tộc lựa chọn. Ông đã cùng quân đội Anh đến tận Ấn Độ, Nam Phi để chiến đấu.
Khi đã trở thành Bộ trưởng Nội vụ, Churchill vẫn cố gắng tháp tùng hoàng đế Anh trong nhiều chiến dịch. Ông thậm chí, còn tìm cách tham gia vào cuộc duyệt binh của trung đoàn Oxfordshire Hussars kéo dài đến cả tuần lễ, cho dù đang vô cùng bận rộn ở cương vị mới.
Có thể nói, khi bị giáng chức từ bộ Nội vụ sang công tác ở bộ Hải quân, Churchill cảm thấy thích thú hơn là khó chịu.
Theo cuốn "Thủ tướng Anh Winston Churchill, cuộc đời và sự nghiệp", với vai trò là Bộ trưởng Hải quân, Churchill bước đầu đã thành công một cách ngoạn mục khi thuyết phục chính phủ tăng mức chi phí cho hải quân Anh từ 39 lên 50 triệu bảng.
Churchill đã có nhiều cải cách mang tính cách mạng, nhằm phát triển hải quân Anh (ảnh minh họa)
Với số tiền có được, ông đã thực hiện một cuộc cách mạng khí tài. Churchill đã cho chuyển đổi toàn bộ tàu chiến từ động cơ chạy than, sang chạy bằng dầu, nâng cao tốc độ di chuyển. Churchill còn đưa vào sử dụng loại hải pháo lớn, với nòng rộng 15 inch thay cho loại 13,5 inch cũ.
Ông còn tỏ ra rất quan tâm việc trả lương và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho những sĩ quan hải quân, nhiều hơn bất kì vị bộ trưởng nào trước đó.
Ban đầu, sự chuẩn bị của Churchill bị nhiều người coi là thừa thãi và chế nhạo. Lloyd George - Bộ trưởng Tài chính Anh khi đó, thậm chí còn gọi Churchill là "sinh vật biển", ông ta nói:
"Churchill nghĩ rằng tất cả chúng ta sống trên đại dương và mọi việc làm của ông ta đều xoay quanh cuộc sống dưới biển, các loài cá và những sinh vật biển khác. Ông ta quên rằng phần lớn chúng ta sống ở đất liền."
Tuy nhiên, sự chuẩn bị này không phải là thừa. Ngay từ những năm 1911, khi mới giữ chức Bộ trưởng Hải quân, Churchill đã có những dự báo về mưu đồ chiến tranh của nước Đức. Ông luôn có sự cảnh giác cao độ với nước Đức từ Thế chiến I đến Thế chiến II.
Tháng 7.1914, cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất chính thức bùng nổ. Dù đã có nhiều chuẩn bị trước đó, nhưng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, hải quân Anh vẫn luôn bị thất thế trước quân Đức. Churchill vẫn như thường lệ, là tâm điểm cho mọi sự chỉ trích.
Churchill là một trong những cá nhân giữ vai trò then chốt của quân Anh trong Thế chiến I (ảnh minh họa)
Cấp phó của Churchill, đô đốc Fisher thậm chí còn đòi bỏ việc. Trong bức thư đáp lại yêu cầu quay lại chức vụ của Thủ tướng, Fisher viết:
"Nếu những điều kiện sau đây được đáp ứng, tôi có thể bảo đảm cho sự thành công của việc kết thúc cuộc chiến:
- Phải loại bỏ ngay Winston Churchill ra khỏi nội các để tránh việc ông ta luôn phá hỏng các kế hoạch của tôi..."
Đáng nói, ban đầu chính Churchill là người đã đề bạt Fisher làm cấp phó cho mình. Phải mất một thời gian khá dài sau đó, Fisher mới quay trở lại bàn làm việc.
Đỉnh điểm cho những thất bại của Churchill là tại chiến dịch Gallipoli kéo dài từ tháng 4 tới tháng 12 năm 1915, do liên quân Anh - Pháp phát động.
Lực lượng Anh - Pháp, do gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp viện cho đồng minh Nga, đã quyết định đưa ra một kế hoạch táo bạo là tấn công Thổ Nhĩ Kỳ.
Mục tiêu của chiến dịch này là giải phóng eo biển Dardanelles đang nằm trong tầm kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra con đường thông thoáng sang Nga. Trước hết, phải đổ bộ quân lên bán đảo Gallipoli, chiếm thủ đô của Đế chế Ottoman (nay là Istanbul), để làm bàn đạp đánh sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây được xem là chiến dịch đổ bộ lớn nhất, tham vọng nhất và cũng hứng chịu thất bại nặng nề nhất trong cuộc Thế chiến lần thứ nhất. Ở nội các Anh, hai nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch này là Churchill và Bộ trưởng Chiến tranh Kitchener.
Chiến dịch Gallipoli là thất bại đau đớn nhất trong cuộc đời của vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh (ảnh minh họa)
Dựa vào các báo cáo sơ sài và chủ quan, coi thường tiềm năng của Đế chế Ottoman trong cuộc chiến, đặc biệt, do hải quân Đế chế Ottoman hầu như không tồn tại, chính phủ Anh đã phê chuẩn kế hoạch này.
Tháng 2.1915, hải quân Anh - Pháp mở màn chiến dịch và bước đầu áp đảo bằng các cuộc pháo kích vào các đồn tiền tiêu của quân Thổ - Ottoman dọc eo biển Dardanelles. Tuy nhiên, càng tiến vào sâu, sức kháng cự của quân Thổ - Ottoman càng cao, quân Anh - Pháp không thể tiến vào sâu trong nội địa.
Tháng 3.1915, một lực lượng khổng lồ gồm 16 chiến hạm Anh - Pháp được huy động, mở cuộc tấn công tổng lực, nhưng bị thiệt hại nặng nề.
Cuộc chiến ác liệt diễn ra, đến khi đạn dược của quân Thổ - Ottoman đã gần như cạn kiệt thì quân Anh - Pháp lại thiếu kiên nhẫn và rút lui. Churchill đã phát hiện điều này và đề nghị mở thêm một cuộc tấn công nữa, nhưng bị gạt bỏ.
Bốn ngày sau đó, chính phủ Anh lại có một quyết định sai lầm khác khi cho bộ binh đổ bộ, tấn công thẳng vào Otoman. Năm sư đoàn quân Anh và 4 tiểu đoàn Pháp đã tỏ ra bất lực trước sức phòng ngự của 84.000 quân Otoman và chịu thương vong lớn.
Sai lầm tối quan trọng của người Anh trong chiến dịch Gallipoli là coi thường kẻ địch. Họ đã không phối hợp cả hải quân và bộ binh cùng tấn công, mà chỉ tổ chức những cuộc đổ bộ rời rạc và chậm chạp.
Churchill bị bãi chức Bộ trưởng Hải quân (ảnh minh họa)
Theo History, tổng cộng trong chiến dịch Gallipoli, quân Anh - Pháp đã huy động 489 nghìn quân và chịu thất bại với hơn 300 nghìn quân thương vong, không chiếm được bất cứ mục tiêu nào.
Churchill là một trong những người chịu trách nhiệm chính trong thất bại khủng khiếp này của quân Anh. Dư luận Anh đã lên án và gọi ông với biệt danh "gã đồ tể Gallipoli". Thậm chí, còn có người đòi đưa Churchill ra tòa án binh.
Churchill đã bị ám ảnh bởi thất bại của chiến dịch Gallipoli đến nỗi không thể làm việc những ngày sau đó. Ngay cả đô đốc Fisher, người cấp phó luôn chống lại những quyết định của Churchill, cũng phải tỏ ra ái ngại. Ngày 5.4.1915, trong một bức thư gửi cho Churchill, Fisher viết:
"Ngài đã bị Dardanelles chiếm hết tâm trí nên không thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Tôi nguyền rủa Dardanelles. Nó sẽ là mồ chôn của chúng ta."
Tháng 5.1915, Churchill chính thức bị bãi chức Bộ trưởng Hải quân. Ông bị điều đi làm quan chưởng ấn lãnh địa công tước Lancaster, một chức vị hữu danh vô thực. Bà Clementine - vợ Churchill, đã nói về tâm trạng của ông sau khi bị bãi chức: "Tôi nghĩ ông ấy sẽ chết vì tuyệt vọng".
_____________
Winston Churchill là người luôn có sự cảnh giác trước nước Đức và đặc biệt với cá nhân Hitler. Trước khi Hitler lên nắm quyền nước Đức, Churchill đã quyết tâm đến tìm gặp và đòi phân phải trái với kẻ độc tài này. Cuộc gặp gỡ liệu sẽ có kết cục như thế nào? Mời các bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau.
Theo danviet.vn
Vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh từng bị phụ nữ tấn công bằng roi đánh chó? Ít ai ngờ rằng, Winston Churchill - vị thủ tướng nổi tiếng hào hoa của nước Anh, từng có thời trở thành cái gai trong mắt phái đẹp. Thậm chí, có lần ông còn suýt mất mạng vì bị phụ nữ tấn công. Winston Churchill - vị thủ tướng vĩ đại nhất lịch sử nước Anh (ảnh minh họa) Winston Churchill được biết...