Sáng nay toà tuyên án ông Đinh La Thăng
9h ngày 22/12, TAND TP HCM đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng và 19 người khác về cáo buộc sai phạm trong bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương.
Thiệt hại của Nhà nước trong vụ án này được cho là 725 tỷ đồng. Đây là vụ án kinh tế thứ 4 cựu bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng bị buộc trách nhiệm.
Cơ quan công tố cáo buộc, tháng 2/2012, do quen biết Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”, Phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), ông Thăng đã chỉ đạo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng Công ty Cửu Long, quản lý cao tốc Trung Lương) tạo điều kiện để công ty của thượng tá quân đội mua được quyền thu phí. Do Công ty Yên Khánh của mình không có năng lực tài chính, đang kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện tham gia đấu giá, Hệ chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ giả và mua được quyền thu phí cao tốc Trung Lương với giá 2.004 tỷ đồng.
Cáo trạng cho rằng, nhờ sự giúp đỡ của ông Thăng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và nhiều người khác, Hệ và đồng phạm có cơ hội sử dụng phần mềm giấu doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Ông Đinh La Thăng tại toà. Ảnh: Hữu Khoa.
Trong 7 ngày xét xử, nhiều lần ông Thăng phủ nhận có quen biết Hệ trước khi Bộ GTVT cho đấu giá quyền thu phí cao tốc; không gọi điện tác động cấp dưới để doanh nghiệp của ông này trúng đấu giá; đã giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Hồng Trường thực hiện xuyên suốt đề án.
Cựu bộ trưởng nói cả quá trình thực hiện đề án chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng, một văn bản thành lập Hội đồng đấu giá và một bút phê vào tờ trình của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (hiện là Bộ trưởng GTVT) khi Công ty Yên Khánh vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền – tức là lúc việc chuyển giao quyền thu phí cho doanh nghiệp đã hoàn tất.
Theo đó, ông Thăng cho rằng không thể bị cáo buộc “chịu trách nhiệm chính” về vụ án. Ông chỉ nhìn nhận có trách nhiệm hành chính – chính trị vì là người đứng đầu Bộ GTVT, không chịu trách nhiệm hình sự.
Video đang HOT
Nguyên thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thừa nhận là người chịu trách nhiệm xuyên suốt quá trình xây dựng đề án bán quyền thu phí. Trong một năm rưỡi đó ông không bị ai tác động, không biết hồ sơ của Công ty Yên Khánh bị làm giả vì có dấu đỏ, chữ ký xanh, bảo lãnh của ngân hàng.
Ông Đinh Ngọc Hệ khai không quen biết Bộ trưởng Đinh La Thăng trước khi tham gia đấu giá và không nhờ vả ông này. Bị cáo cũng cho rằng Nhà nước không bị thiệt hại, bởi số tiền thu phí 725 tỷ đồng, nếu có, thuộc về Công ty Yên Khánh.
Cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bị đưa về trại giam, chiều 21/12. Ảnh: Hữu Khoa.
VKS khẳng định truy tố các bị cáo đúng pháp luật . Hồ sơ vụ án có rất nhiều tài liệu chứng minh ông Thăng biết rõ quá trình thực hiện đề án mua bán quyền thu phí; có mối quan hệ giữa hành vi cố ý làm trái của các bị cáo thuộc Bộ GTVT với hành vi chiếm đoạt tài sản của Hệ. Từ hành vi của ông Thăng và các bị cáo này, Hệ mới có cơ hội chiếm đoạt được tài sản của Nhà nước.
Từ đó VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Thăng mức án 10-11 năm tù; nguyên thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường 5-6 năm tù cùng về tội Vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Với vai trò đồng phạm, bị cáo Nguyễn Chí Thành (quyền vụ trưởng Tài chính, Bộ GTVT) và Lê Trung Cường (chuyên viên) bị đề nghị 3-4 năm tù; Dương Tuấn Minh và Dương Thị Trâm Anh 5-6 năm tù; Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu – Tổng công ty Cửu Long) 3-4 năm.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; buộc bồi thường toàn bộ 725 tỷ đồng chiếm đoạt của nhà nước và 3 tỷ đồng trong vụ mua căn biệt thự Công ty Licogi 13.
12 người bị cáo buộc đồng phạm của Hệ về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị đề nghị mức án 2-8 năm tù.
Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ. Ảnh: Hữu Khoa.
Năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt có thời hạn) trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.
Ngoài vụ án này, Đinh Ngọc Hệ đang phải thi hành 30 năm tù cho hai bản án của Tòa án quân sự Trung ương và Tòa án Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Út 'Trọc' tự bào chữa, không nhận cáo buộc của Viện kiểm sát
Tại tòa, Út "Trọc" tiếp tục khẳng định lại không trao đổi gì với ông Đinh La Thăng về việc tạo điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương.
Sáng 18/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và 19 bị cáo trong vụ đấu thầu thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tại tòa, tự bào chữa cho mình, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") tiếp tục bác bỏ cả hai tội danh mà Viện kiểm sát (VKS) đã truy tố. Hệ khẳng định không lợi dụng ảnh hưởng với người khác để trục lợi như cáo buộc của VKS.
Đinh Ngọc Hệ tự bào chữa tại tòa.
Cáo trạng nêu Hệ thỏa thuận để ông Phạm Văn Thăng (Tổng giám đốc Công ty CP Licogi 13) thi công hạng mục gói thầu XL.01-3. Đổi lại, ông Phạm Văn Thăng sẽ bán rẻ cho Út "Trọc" căn biệt thự BT01, qua đó giúp bị cáo trục lợi hơn 3,4 tỷ đồng.
Theo Hệ, bị cáo mua căn biệt thực này từ đầu năm 2013 và đến đầu năm 2014, Licogi 13 mới làm hồ sơ làm gói thầu BOT cầu Việt Trì. Khi Phạm Văn Thăng bán nhà cho Hệ, ông ta không hề biết công ty của mình sẽ được tham gia thi công dự án. Do đó, Út "Trọc" cho rằng không thể quy buộc bị cáo dùng ảnh hưởng để trục lợi 3,4 tỷ đồng.
Bị cáo Hệ tiếp tục khẳng định lại không hề trao đổi gì với ông Đinh La Thăng về việc tạo điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Sau này qua lời giới thiệu của một người khác, bị cáo mới biết Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long).
"Mong HĐXX điều tra xem tiền gian dối đi về đâu vì tôi không hề biết nên rất bức xúc" , Hệ nói.
Về số tiền 725 tỷ đồng cáo buộc chiếm đoạt, Hệ cho rằng đó là tiền của mình. Bị cáo mua quyền thu phí trả đủ 2.004 tỷ đồng và theo hợp đồng có quyền bán, chuyển nhượng cho các tổ chức khác. Như vậy tiền vượt 2.004 tỷ đồng sẽ được toàn quyền tài sản của công ty Yên Khánh.
"Tôi mua quyền thu phí xong những người trên cả nước Việt Nam đều nói tôi ngu nhất vì mua giá quá cao" , bị cáo Hệ trình bày.
Trước đó, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang bào chữa cho Đinh Ngọc Hệ cho rằng kết quả điều tra và qua phần thẩm vấn công khai cho thấy, Hệ không có bất kỳ hành vi gian dối nào trong việc lập Hội đồng đấu giá, thực hiện quy trình đấu giá quyền thu phí. Công ty Yên Khánh luôn theo dõi sát sao và được thông báo nộp tiền đấu giá thì thực hiện và tham gia đấu giá theo quy trình của hội đồng đấu giá.
Luật sư Trang cũng cho rằng phải làm rõ tài sản bị chiếm đoạt thuộc sở hữu của ai, bị chiếm đoạt từ khi nào. Bộ GTVT được xác định bị hại trong vụ án nhưng chưa được cơ quan điều tra hay VKS mời lên để chứng minh quyền sở hữu tài sản của họ bị Hệ chiếm đoạt.
"Quá trình luật sư thẩm vấn Bộ Tài chính, cơ quan này nói 2.004 tỷ đồng là giá trị quyền thu phí, do hội đồng định giá tự định chứ Hệ không thể nào can thiệp vào giá này được" , luật sư nói.
Chiều nay, đại diện VKS đối đáp lại quan điểm của các luật sư.
Đinh Ngọc Hệ: 'Bị cáo không nhờ vả ông Thăng' Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ phản đối cáo trạng, cho biết "hoàn toàn không nhờ Đinh La Thăng giới thiệu đấu giá thu phí cao tốc Trung Lương". Chiều 15/12, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", 49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); cựu bộ trưởng...