Sáng nay bắt đầu tiêm vaccine Covid-19
Sáng 8/3, những lọ vaccine đầu tiên được VNVC bàn giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Hải Dương, chuẩn bị tiêm.
Ba thùng vaccine đã được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp nhận, đưa ngay vào kho lạnh, khoa Dược, để đảm bảo bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết dự kiến 100 nhân viên là bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhiễm D, Hồi sức cấp cứu người lớn, khoa cấp cứu, được tiêm vaccine hôm nay. Đầu tiên họ được khám sàng lọc, sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử để quản lý từng quá trình tiêm chủng cá nhân, đồng bộ với hệ thống của Bộ. Sau khi tiêm, ở lại viện để theo dõi 30 phút, sau đó một số nhân viên tiếp tục quay lại làm việc theo lịch.
Khu tiêm chủng của bệnh viện đặt tại khoa Khám bệnh, gồm phòng khám sàng lọc, phòng tiêm và phòng chờ sau tiêm chủng. 900 nhân viên y tế sẽ được tiêm, trong vòng một tuần. Đây là những nhân viên y tế đầu tiên của khu vực phía Nam được tiêm vaccine AstraZeneca. 7 nhóm đối tượng được lựa chọn tiêm vaccine lần này gồm có nhân viên y tế của khoa Nhiễm D, khoa Cấp cứu, khoa Khám bệnh, phòng Công tác xã hội, phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng ban giám đốc bệnh viện.
Cùng lúc, ở Hà Nội, xe chuyên dụng cũng đưa vaccine đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, để chuẩn bị tiêm. Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch và tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết cả đợt này bệnh viện có 420 nhân viên y tế tiêm, kế hoạch là tiêm hết trong thời gian sớm nhất.
“Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ tiêm hết cho toàn bộ nhân viên bệnh viện, nhưng vì nguồn cung cấp vaccine còn phải phân bố nhiều tỉnh thành khác nên chúng tôi ưu tiên cho những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở Kim Chung, và một số nhân viên y tế làm nhiệm vụ khám sàng lọc cho bệnh nhân tại cơ sở Giải Phóng”, bác sĩ Điền nói.
Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng, khoa Ngoại – Sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là một trong những người đầu tiên sẽ được tiêm vaccine.
“Là một trong những người sẽ được tiêm đầu tiên tôi rất vui, nhất là được ưu tiên nhân ngày 8/3 – Ngày Quốc tế phụ nữ. Rất cảm ơn”, chị Hằng chia sẻ.
Video đang HOT
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, giám sát viên quốc tế đang bàn giao và kiểm tra điều kiện tiêm chủng bên trong phòng tiêm trước giờ chính thức tiêm, sáng 8/3. Ảnh: Giang Huy.
Hải Dương là địa phương đứng đầu trong danh sách ưu tiên tiêm chủng. Bộ Y tế phân phối cho tỉnh này 33.000 liều vaccine, nhiều nhất trong các tỉnh thành nhận vaccine đợt này. Công tác tiêm chủng sẽ diễn ra cùng lúc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh.
Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị, sẵn sàng cấp cứu khi xảy ra phản ứng tiêm chủng. Mỗi đơn vị cử ít nhất một tổ cấp cứu lưu động gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và xe cứu thương, thuốc, phương tiện để cấp cứu, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi cần.
Ở Hà Nội , ngoài 450 liều vaccine được Bộ Y tế cấp trực tiếp cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Hà Nội còn nhận 8.000 liều đưa về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố.
Vaccine AstraZeneca được đưa ra khỏi kho lạnh, lên xe đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sáng 8/3. Ảnh: Hữu Khoa.
Những người được tiêm chủng đợt này là nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở điều trị Covid-19. Họ trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 hoặc có nguy cơ cao nhiễm. Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người tiêm đủ hai liều vaccine AstraZeneca. Mũi tiêm thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần.
Trong Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 , ngày 6/3, Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, mỗi địa điểm sẽ tiêm không quá 100 người trong một buổi tiêm, để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Địa điểm tiêm phải được bố trí theo quy tắc một chiều. Khoảng cách giữa các ghế ngồi chờ tiêm, các bàn tiêm, giữa các đối tượng và giường theo dõi sau tiêm phải tối thiểu hai mét.
Người được tiêm vaccine phải được khám sàng lọc. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ phải hoãn tiêm. Khi khám sàng lọc, người được tiêm phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử bệnh tật, các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mạn tính phải điều trị, điều trị hóa trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ.
Nhân viên y tế phải tư vấn kỹ lưỡng cho người tiêm về phản ứng có thể xảy ra sau tiêm, như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, sốt… hoặc nặng hơn là phản ứng phản vệ, dị ứng. Khi họ đồng ý, kí vào giấy đồng thuận tiêm vaccine Covid-19, quá trình tiêm mới được tiến hành. Sau đó, người tiêm sẽ được giữ lại theo dõi 30 phút và tự theo dõi tại nhà trong vòng vài ngày.
Lịch sử tiêm chủng sẽ được cập nhật và theo dõi trên hồ sơ sức khỏe điện tử. Cả cơ sở y tế và người bệnh đều có thể truy cập vào hồ sơ này.
Bộ Y tế yêu cầu các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng cũng phải trang bị hộp chống sốc, phòng trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm.
Vaccine được bàn giao cho khoa Dược Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sáng 8/3, chuẩn bị đưa vào bảo quản lạnh trước khi tiêm. Ảnh: Hữu Khoa.
Việt Nam hiện có 117.500 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine trước cho 13 tỉnh đang có dịch, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19. Ngoài ra, có 600 liều được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định.
Dự kiến, tháng 3 sẽ có thêm 1,3 triệu liều vaccine nữa về trong chương trình Covax Facility. Các tháng tiếp theo sẽ tăng dần lên, đảm bảo đủ 100 triệu liều cho đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử.
Sáng kiến chống lây nhiễm trên máy bay chở 120 người nCoV
7h sáng 28/7, máy bay chở 4 bác sĩ sẽ cất cánh sang Guinea đón 219 công dân, với thiết kế chưa từng có: lắp buồng áp lực dương.
Buồng áp lực dương là sáng kiến của nhóm bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phối hợp với các chuyên gia trường Đại học Bách Khoa. Nhiệm vụ của nhóm y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng, là tháp tùng đoàn công tác sang Guinea Xích Đạo đưa công dân, trong đó có 120 người dương tính với nCoV, về nước an toàn.
Điểm đặc biệt của chuyến bay này, là biết trước có hơn trăm người nhiễm nCoV, trong đó có cả bệnh nhân nặng. Do đó nguy cơ lây nhiễm nCoV trên máy bay rất cao. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa họ về nước an toàn, vừa đảm bảo sức khỏe của họ, vừa đảm bảo không lây nhiễm cho những người lành khác và các thành viên đoàn công tác đi đón lẫn phi hành đoàn.
Các phương án chống lây nhiễm trên máy bay được nhóm bác sĩ tính toán đến từng chi tiết. Trong đó đặc biệt là họ nghĩ ra sáng kiến lắp buồng áp lực dương trên máy bay. Đây là điều chưa từng có trên một máy bay nào.
"Buồng áp lực dương được sáng tạo để đáp ứng nhu cầu cá nhân của phi hành đoàn và giảm thiểu lây nhiễm trong suốt chuyến bay", bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trưởng nhóm bác sĩ đến Guinea Xích Đạo, cho biết.
Ngày 27/7, máy bay đã hoàn tất việc lắp đặt 4 buồng áp lực dương. Buồng được làm từ khung nhựa, nilon và máy lọc khí, trọng lượng 7-8 kg. Thao tác tháo, lắp buồng áp lực dương đơn giản, chỉ trong 5-7 phút. Buồng hoạt động theo nguyên lý được thổi không khí từ bên ngoài vào qua một hệ thống máy lọc, giúp làm sạch không khí, cản 99% virus, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Hệ thống máy lọc dành cho buồng áp lực dương cũng được sáng tạo theo yêu cầu của bác sĩ.
Theo bác sĩ Hùng, trước hết họ phân máy bay đón đoàn thành 4 khu vực, lần lượt dành cho bệnh nhân dương tính, người chưa có kết quả xét nghiệm, nhân viên y tế và tổ bay. 4 buồng áp lực dương được lắp cho 4 khu này. Như vậy, tổ bay và nhân viên y tế, người không mang nCoV, có thể thực hiện các hành động có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ tháo khẩu trang ra ăn.
Ngoài 4 buồng áp lực dương, nhóm bác sĩ mang theo hai máy thở, hai máy khí dung, monitor theo dõi và một số dụng cụ nội khí quản để cấp cứu khi cần thiết.
219 công dân làm việc cho các công ty Việt Nam tại Guinea Xích Đạo, chủ yếu là nam, tương đối trẻ, một số người 50-52 tuổi. Trong số 120 người dương tính với nCoV, có hai bệnh nhân nặng đến chiều nay đã tiến triển tốt hơn, hiện không cần thở oxy nữa. 11 người âm tính nCoV sức khỏe tương đối ổn định.
Dự kiến họ sẽ về đến Việt Nam ngày 29/7.
Buồng áp lực dương lắp trên máy bay đưa 219 công dân về nước. Ảnh: Mạnh Hùng.
Bộ Y tế cử bác sĩ đi cùng chuyến bay đón 116 công nhân mắc COVID-19 ở Guinea Xích đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, đã sẵn sàng cử nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu lên đường sang Guinea Xích đạo đón công dân về nước. Ngày 16/7 Bộ Y tế cho biết, đang chuẩn bị cho chuyến bay đặc biệt sang Guinea Xích đạo đón 219 công dân, trong đó có 116 người...