Sáng mai, vệ tinh “made in Vietnam” F-1 sẽ lên quỹ đạo
Vào 9h06 ngày 21/7/2012 (11h06 giờ Nhật Bản), Vệ tinh F-1 do phòng Nghiên cứu không gian Fspace thuộc ĐH FPT nghiên cứu chế tạo sẽ được đưa lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản.
Tham gia “hành trình” lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS lần này cùng với vệ tinh F-1 của Việt Nam còn có 4 vệ tinh nhỏ khác của Nhật Bản và Mỹ gồm: RAIKO, FITSAT-1, WE WISH và TechEdSat. Các vệ tinh cùng được đặt vào ống phóng J-SSOD trên tàu vận tải HTV-3.
Theo kế hoạch, 6 ngày sau khi phóng, tàu HTV-3 sẽ tiếp cận và lắp ghép với trạm ISS. Các phi hành gia trên trạm sẽ vận chuyển các vệ tinh nhỏ sang module Kibo.
Dự kiến, đến khoảng tháng 9/2012, các vệ tinh nhỏ được đưa vào khoang điều áp (airlock). Phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide sẽ điều khiển cánh tay robot của module Kibo nắm lấy ống phóng có chứa 5 vệ tinh đưa ra bên ngoài, hướng xuống phía dưới và thả các vệ tinh nhỏ ra khỏi trạm ISS để bắt đầu nhiệm vụ của mình. Đây là lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi trạm ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho những vệ tinh nhỏ.
Hình minh họa quá trình phóng vệ tinh F-1
Ông Vũ Trọng Thư – Trưởng phòng Nghiên cứu không gian Fspace, Viện nghiên cứu ĐH FPT chia sẻ, việc phóng vệ tinh là một mốc quan trọng. Tuy nhiên, dự án vệ tinh F-1 chỉ thật sự được coi là thành công khi F-1 được thả ra ngoài không gian trong tháng 9 và thu phát được tín hiệu với trung tâm điều khiển tại trạm mặt đất. “Dù vậy, lúc này tất cả thành viên FSpace và những người ủng hộ dự án đều rất vui mừng bởi ước mơ, công sức và những nỗ lực của chúng tôi trong 4 năm qua đã bước đầu được biến thành hiện thực”, ông Thư nói.
Sự kiện F-1 được phóng lên vũ trụ sẽ ghi thêm một dấu mốc cho ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ của Việt Nam, góp phần ứng dụng những thành tựu công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Video đang HOT
Ngoài ra, khi được phóng lên vũ trụ vào ngày 21/7, F-1 còn mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ và thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7.500 người tham gia chương trình “Gửi tên và lời nhắn lên vũ trụ trên vệ tinh F-1″. Đây là việc làm mang ý nghĩa biểu tượng với thông điệp “Không gian vũ trụ không còn quá xa xôi, chúng ta có thể làm được những điều tưởng như không thể nếu như có quyết tâm!”.
Buổi phóng vệ tinh ngày 21/7 tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản sẽ được truyền hình trực tiếp trên mạng Internet từ 8h15 sáng giờ Việt Nam và kéo dài trong khoảng 90 phút. Những người quan tâm có thể theo dõi trên trang web của NASA tại các địa chỉ: http://www.ustream.tv/nasahdtv, http://www.nasa.gov/multimedia/nasatv/index.html hoặc qua webcam từ bãi phóng Tanegashima: http://space.jaxa.jp/tnsc/webcam/index_e.shtml.
Vệ tinh nhỏ F-1 của Việt nam có kích thước 10×10x10 cm và nặng 1 kg. Vệ tinh do FSpace nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640×480) của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Trên thế giới việc chế tạo vệ tinh rất phát triển, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, xu hướng nghiên cứu chế tạo những vệ tinh cỡ nhỏ (dưới 50kg) đang có những bước tiến mạnh mẽ. Ưu điểm của vệ tinh cỡ nhỏ là thời gian chế tạo ngắn, chi phí thấp và càng phát huy năng lực khi sử dụng cả một chùm vệ tinh. Ngoài ra, các vệ tinh nhỏ loại này có thể được thiết kế, chế tạo bởi chính các kỹ sư Việt Nam, ngay trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, để đáp ứng những nhu cầu của đất nước.
Theo vietbao
Đề án kết nối đất liền biển đảo giành học bổng 80.000 USD
Trải qua 4 vòng tuyển chọn vô cùng gắt gao, Tạ Đức Tùng - Tân cử nhân ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT đã xuất sắc giành được suất học bổng thạc sỹ toàn phần Panasonic danh giá của Nhật Bản trị giá 80.000 USD.
Đề án dự thi của Tùng được đánh giá cao về tính thực tế và thời sự.
Tạ Đức Tùng - Tân chủ nhân học bổng Panasonic 2013.
Dự án gắn kết đất liền - biển đảo
Theo quy định của BGK, mỗi thí sinh sẽ phải nộp một đề tài dự định nghiên cứu ở bậc Thạc sĩ kèm theo hồ sơ xin học bổng. Tùng đã không đắn đo suy nghĩ quyết định lựa chọn đề tài mang tính cộng đồng cao và ý nghĩa nhân văn sâu sắc liên quan đến biển đảo của Tổ quốc.
Xuất phát từ sự đồng cảm với những khó khăn của ngư dân trong việc tiếp nhận thông tin khi đánh bắt xa bờ, cùng những thiệt hại về người và của trong các trận bão biển, Tùng ấp ủ trong đầu ước muốn tạo ra một cầu nối giúp gắn kết chặt chẽ đất liền với các vùng biển đảo của đất nước. Từ những băn khoăn trăn trở đó, Tùng đã cùng các bạn bắt tay thực hiện đề tài xây dựng hệ thống truyền tin từ các trạm đất liền ra các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trên biển Đông.
Nếu như ở các hệ thống hiện hành, việc truyền tin hoàn toàn dựa trên bộ đàm, dẫn đến khả năng bị nhiễu thông tin rất cao và không thể truyền ra xa bờ được, thì hệ thống mới trong đề án Tùng thực hiện đã ứng dụng công nghệ mã hóa tín hiệu số thành âm thanh và ngược lại để tin tức có thể được truyền đi thông suốt, ổn định.
Với đề tài lớn này, trước khi hoàn thiện thêm để nộp cùng hồ sơ học bổng Panasonic, Tùng đã cùng nhóm bạn của mình thực hiện và giành giải Nhì của cuộc thi Imagine Cup 2012 do Microsoft tổ chức, cũng như bảo vệ xuất sắc đồ án tốt nghiệp của mình. Cũng nhờ vậy, nộp hồ sơ thi học bổng, Tùng có thêm nhiều phần tự tin.
Dù đề án xây dựng hệ thống truyền tin trên biển không phải là một đề tài dễ dàng để thuyết phục Hội đồng xét duyệt học bổng, nhưng với lợi thế của một sinh viên được trang bị nền tảng kiến thức tốt cùng khả năng ngoại ngữ cũng như vốn hiểu biết về văn hóa, con người Nhật Bản, sự tự tin, niềm đam mê theo đuổi đến cùng dự án, Tùng đã xuất sắc bảo vệ thành công đề tài và thuyết phục được các thành viên hội đồng cấp học bổng cho mình sang Nhật tiếp tục học tập, nghiên cứu.
Cơ hội học từ những chuyến đi
Trong suốt bốn năm theo học tại ĐH FPT, Tùng chưa bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để mở rộng vốn hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm và làm dày thêm CV của mình. Chính điều này đã trở thành "vũ khí" lợi hại giúp Tùng chiến thắng trong vòng phỏng vấn quyết định cuối cùng và ghi điểm cộng để giành học bổng.
Trong 2 lần đặt chân sang Nhật Bản để học tập theo chương trình hợp tác quốc tế của ĐH FPT, Tùng đã tận dụng để học và trải nghiệm tác phong làm việc nghiêm túc của người Nhật từ trang phục khi phỏng vấn đến vị trí ngồi trong phòng họp... Tùng cũng trực tiếp đi tham quan các nhà máy và tận mắt kiểm chứng những nguyên tắc làm việc khoa học mà cậu từng biết đến thông qua lớp học về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng mà Nhật Bản áp dụng.
Tùng cũng tận dụng hết sức kỳ thực tập bắt buộc theo yêu cầu dành cho mọi sinh viên năm thứ ba của ĐH FPT tại FPT Software để trau dồi thêm chuyên môn. Những công cụ lập kế hoạch, quản trị dự án học được ở trường và trong quá trình thực tập ở công ty FPT Software được cậu sử dụng để lập bản định hướng chi tiết, tỉ mỉ nộp cùng hồ sơ, nhằm chứng minh cho Hội đồng xét duyệt học bổng thấy sự quyết tâm và sự chuẩn bị chu đáo - điều người Nhật thật sự coi trọng.
Ngay cả khi còn chưa kịp nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học hay ăn mừng chiến thắng suất học bổng 80.000 USD, Tùng vẫn cần mẫn hàng ngày đi làm tại một công ty lập trình nước ngoài để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Bí quyết giúp Tùng luôn có nguồn năng lượng dồi dào để làm việc không biết mệt mỏi đơn giản chỉ là luôn tập trung cao độ vào những thứ mình thấy thích và học tập thật chăm chỉ.
Tùng cho biết, sau hai năm theo học Thạc sĩ tại Nhật, Tùng nhất định sẽ quay trở về Việt Nam để mang sức trẻ, trí tuệ trẻ đóng góp vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Trước mắt, gần nhất là Tùng trông đợi vào việc đề án của cậu trở thành hiện thực, để thông tin trên mọi vùng biển đảo của Tổ quốc được nối liền thông suốt.
Theo dân trí
Trung Quốc vượt Nga trong việc phóng tên lửa vũ trụ Lần đầu tiên trong lịch sử khám phá vũ trụ, Trung Quốc đã vượt qua Nga trong số lần phóng tên lửa vào không gian tính trong một khoảng thời gian nhất định, RIA Novosti dẫn thông tin từ một nhà sản xuất động cơ tên lửa cho biết hôm 4.7. Theo đó, trong sáu tháng đầu năm 2012, Trung Quốc đã thực...