Sáng 28/7 : Thêm 2.861 ca mắc COVID-19 , trong đó TP Hà Nội có 69 ca
Bản tin dịch COVID-19 sáng 28/7 của Bộ Y tế cho biết có 2.861 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất với 2.115 ca; TP Hà Nội 69 ca.
Đến nay cả nước ghi nhận 117.121 bệnh nhân. Hơn 5 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng tại Việt Nam .
Thông tin các ca mắc mới:
- Tính từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7 có 2.861 ca mắc mới, trong đó 03 ca nhập cảnh và 2.858 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.115), Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa – Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1) trong đó có 403 ca trong cộng đồng.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Tính đến sáng ngày 28/7, Việt Nam có tổng 117.121 mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 06/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
- Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương.
Tình hình điều trị
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca.
Video đang HOT
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
Số ca mắc COVID-19 trên thế giới tính đến 6h ngày 28/7
- Cả thế giới có 195.903.787 ca mắc, trong đó 177.547.380 khỏi bệnh; 4.192.040 tử vong và 14.164.367 đang điều trị (85.712 ca diễn biến nặng).
- Trong ngày số ca mắc của thế giới tăng 545.929 ca, tử vong tăng 9.125 ca.
- Châu Âu tăng 124.864 ca; Bắc Mỹ tăng 66.782 ca; Nam Mỹ tăng 71.098 ca; châu Á tăng 252.222 ca; châu Phi tăng 30.059 ca; châu Đại Dương tăng 901 ca.
- Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 88.613 ca, trong đó: Indonesia tăng 45.203 ca, Malaysia tăng 16.117 ca, Thái Lan tăng 14.150 ca, Philippines tăng 7.186 ca, Myanmar tăng 4.964 ca, Campuchia tăng 685 ca, Singapore tăng 139 ca, Lào tăng 169 ca.
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.472.418 mẫu cho 15.848.029 lượt người.
Tình hình tiêm chủng
Trong ngày có 258.077 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.
Những hoạt động của ngành y tế trong ngày
- Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 4 tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre.
- Bộ Y tế có Quyết định số 3588/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.
- Ngày 26/7, Bộ Y tế có công văn hoả tốc gửi Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố về việc sử dụng test nhanh kháng nguyên COVID-19 với người vận chuyển hàng hoá.
- Bệnh viện Thu dung điều trị COVID-19 số 16 (Bệnh viện Dã chiến số 16) tại Quận 7, TP. Hồ Chí Minh với quy mô 2.800 giường dự kiến sẽ nhận bệnh nhân từ ngày 28/7.
- Nhiều bệnh viện tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đăng ký tham gia một phần (theo mô hình bệnh viện tách đôi) hoặc chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19, tham gia ở tầng 3 trong hệ thống 5 tầng của Thành phố như Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Nam Sài Gòn.
- Tỉnh Nghệ An phong tỏa tạm thời Bệnh viện Đa khoa Minh An, huyện Quỳnh Lưu sau khi phát hiện hiện 2 nhân viên nhiễm COVID-19.
- Tỉnh Quảng Bình kích hoạt Bệnh viện dã chiến Quảng Bình (thành lập tại Bệnh viện Y – Dược cổ truyền tỉnh Quảng Bình) tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
- Ngày 26/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định thành lập 9 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 1.790 giường bệnh trên địa bàn tỉnh. Những bệnh viện này chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh. Trước đó, trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 4 bệnh viện điều trị COVID-19 với tổng số giường bệnh là 740 giường.
- Từ ngày 27/7, TP. Biên Hòa, Đồng Nai chính thức bắt đầu thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn chăm lo, ổn định đời sống cho người lao động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn không quên trách nhiệm cộng đồng xã hội, lan tỏa hình ảnh đẹp về sự đoàn kết, chung tay cùng TP Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh.
Sẵn sàng 'hiến' nhà làm bệnh viện dã chiến
Trước tình hình TP Hồ Chí Minh có nhiều ca mắc COVID-19 khiến cho việc bố trí các giường bệnh, bệnh viện gặp khó khăn, nhiều đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã góp sức chống dịch bằng việc trưng dụng sơ sở làm việc, khu chung cư mới xây dựng... làm nơi khám, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Một doanh nghiệp sẵn sàng hiến 2 khu nhà làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh COVID-19.
Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc trưng dụng quỹ nhà ở chưa bàn giao để thành lập bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 và khu cách ly y tế tập trung là Tập đoàn Novaland. Theo đó, Novaland đã hoàn tất bàn giao khu căn hộ tái định cư phường An Khánh, Quận 2, công trình do Tập đoàn quản lý, để lập bệnh viện dã chiến số 10 nhằm tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất cho ngành y tế TP Hồ Chí Minh phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện dã chiến số 10 đã được đi vào sử dụng với công suất khoảng 3.500 giường bệnh. Trước đó, Novaland cũng đã bàn giao 170 căn hộ tái định cư trên địa bàn Quận 1 để làm khu cách ly tập trung.
Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, sau khi đẩy lùi dịch COVID-19, toàn bộ chung cư sẽ được tiến hành khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ các sảnh, phòng, khu vực công cộng để đảm bảo và an toàn vệ sinh tuyệt đối theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh nhận bảng ủng hộ tượng trưng của các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp.
Không chỉ hiến 2 khu nhà làm bệnh viện đã chiến, Tập đoàn Novaland cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm chung tay cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, trong đó đóng góp 100 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19; hỗ trợ trang thiết bị y tế cấp thiết, hiện đại phòng, chống dịch COVID-19 đến TP Hồ Chí Minh, Phú Yên; trao tặng trực tiếp máy lọc máu liên tục, máy trợ thở, phòng cách ly áp lực âm đến Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh; trao tặng 2 xe cấp cứu đến Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh; trao 500 giường bệnh đến Bệnh viện dã chiến thu dung số 6... Tổng số tiền góp sức cho các hoạt động này là 140 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngày 20/7, VinaCapital Foundation (VCF) cũng triển khai chương trình "Help Vietnam Breathe - Vì Nhịp thở Việt Nam" nhằm gây quỹ để mua và cung cấp các thiết bị y tế cấp thiết y tế cho các bệnh viện điều trị COVID-19 tại Việt Nam. VCF đặt mục tiêu gây quỹ để có thể hỗ trợ ít nhất 15 máy trợ thở cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 và trang phục bảo hộ cho ít nhất 9.000 nhân viên y tế tuyến đầu tại TP Hồ Chí Minh.
Trong ngày 26/7, VCF đã trao tặng 12 máy thở và đồ bảo hộ y tế sử dụng trong vòng 1 tháng cho Sở Y tế tỉnh Long An. Các thiết bị y tế thiết yếu sẽ được Sở Y tế tỉnh phân phối đến các cơ sở điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 và góp phần bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu khỏi nguy cơ lây lan dịch bệnh. Riêng trong năm 2020, VCF đã trao tặng nhiều thiết bị y tế hỗ trợ phòng chống dịch với tổng giá trị gần 3,5 tỷ đồng cho các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh.
Tặng 30.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19
Cũng là doanh nghiệp đang nỗ lực vì cộng đồng, công ty Lazada đã đóng góp kinh phí mua 30.000 kit xét nghiệm COVID-19 với tổng giá trị 3 tỷ đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP Hồ Chí Minh để chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng trong việc phòng chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Các máy thở đã được UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh phân bổ đến các bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết, ưu tiên quan trọng nhất của công ty là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giúp lưu thông hàng hóa an toàn và cùng chia sẻ những khó khăn chung với cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, đơn vị đã ủng hộ kinh phí để mua 30.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 cho TP Hồ Chí Minh. "Chúng tôi hy vọng những đóng góp này sẽ góp phần giúp cộng đồng sớm vượt qua làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 và khôi phục lại nhịp sống sôi động trước đây", ông James Dong nói.
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra khá phức tạp, việc tầm soát và khoanh vùng dịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tìm ra F0. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh rất cảm kích trước sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp như Lazada nhằm cùng thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Những bộ kit test COVID-19 được doanh nghiệp ủng hộ đã góp phần không nhỏ cho công tác chống dịch trong việc truy vết F0 trên địa bàn.
Ngoài việc tặng các trang thiết bị y tế, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia bán hàng bình ổn giá cho người dân. Mới đây, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post đã triển khai 34 xe bán hàng lưu động trên toàn Thành phố nhằm bảo đảm nguồn cung, giúp người dân bớt nỗi lo khan hiếm hàng hóa và giúp bình ổn thị trường. Chỉ trong 4 ngày qua, Vỏ Sò đã tiêu thụ gần 100 tấn rau củ quả thông qua kênh bán hàng trực tuyến và trực tiếp tới hàng chục ngàn hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng khi chính các doanh nghiệp, cá nhân tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất ủng hộ kinh phí mua các bộ test COVID-19, máy thở, ủng hộ cho quỹ vaccine để hỗ trợ công cuộc phòng, chống dịch và qua đó lan tỏa đến mọi nhà. Mỗi người, mỗi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng tùy theo năng lực mà dùng tài lực, vật lực hoặc chính công sức của bản thân để cùng chung tay cùng TP Hồ Chí Minh chống lại dịch bệnh.
Trân trọng những tấm lòng của các doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân thành phố, bà Tô Thị Bích Châu cho biết, nhiệm vụ của Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh là phải sử dụng các vật phẩm, quà tặng mà các doanh nghiệp, cá nhân gửi tặng các đơn vị lực lượng tuyến đầu chống dịch thật hiệu quả; phải công khai, minh bạch mọi nguồn - thu chi cho nhân dân nắm bắt và giám sát. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục vận động kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ cho công tác chống dịch của thành phố.
Bắc Ninh tấn công dịch COVID-19, giữ vững thành quả, bảo vệ sản xuất thế nào? Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tỉnh Bắc Ninh đã khống chế được dịch COVID-19, duy trì sản xuất bằng những biện pháp chưa có tiền lệ để tiếp tục đạt "mục tiêu kép". Cách đây hơn 2 tháng, tỉnh Bắc Ninh bước vào đợt dịch thứ 4 khi tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng...