Sản xuất tôm – lúa: 50 năm vẫn… thiếu đủ thứ
Cần xây dựng một quy trình chuẩn trong quy hoạch và phát triển mô hình tôm – lúa vùng ĐBSCL là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa – tôm vùng ĐBSCL.
Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 22.7.
Phát triển chưa xứng tiềm năng
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sau gần 50 năm hình thành và phát triển, mô hình canh tác lúa – tôm đang phát triển mạnh do có nhiều lợi thế: Đầu tư thấp, hiệu quả cao, lợi nhuận cao hơn 15-30% so với độc canh cây lúa hay tôm; giúp cải tạo môi trường theo hướng bền vững; ít dùng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm gạo và tôm sạch, được thị trường ưa chuộng… Tổng cục Thủy sản thông tin, năng suất bình quân của mô hình khoảng 300-500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30-35 triệu đồng/ha, lãi 35-50 triệu đồng/năm (tính cả tôm và lúa).
Thu hoạch tôm trong mô hình lúa- tôm ở Cà Mau. Ảnh: T.L
Thực tế cho thấy, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” trong quá trình sản xuất, là mô hình “thông minh”. Sản xuất lúa – tôm được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác và được xem như mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, mô hình canh tác tôm – lúa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tại diễn đàn, các đại biểu nêu thực trạng như- hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho công tác sản xuất và kiểm soát dịch bệnh trong thực hiện mô hình; sản xuất phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ, năng suất còn thấp, chưa ổn định; nguồn giống phục vụ sản xuất chưa chủ động, chưa đảm bảo chất lượng; vật tư đầu vào phục vụ sản xuất khó kiểm soát; biến đổi khí hậu cũng gây khó khăn cho sản xuất…
Video đang HOT
Ông Trần Tân Khoa – Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hưng Phú, cho biết: Do lợi nhuận từ tôm cao hơn lúa nên người dân có xu hướng giữ nước mặn nhằm kéo dài vụ tôm, rút ngắn thời gian vụ lúa. Đây là nguyên nhân làm mất đi những ưu điểm về cân bằng sinh thái từ mô hình tôm – lúa mang lại. Đồng thời, vấn đề đặt ra là năng suất tôm – lúa trong vùng sản xuất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Mặt khác, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng mới chỉ được quan tâm tại một vài nơi. Do vậy, dù có nhiều ưu thế về sản xuất nông sản chất lượng cao nhưng tiềm năng của vùng sản xuất này chưa được khai thác hiệu quả.
Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, với những dự báo về biến đổi khí hậu và mực nước dâng cao, xâm nhập mặn sẽ có nhiều nguy cơ tăng về cường độ, nồng độ lẫn chiều sâu. Như vậy, vùng ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa luân canh tôm nói riêng ở ĐBSCL có thể lớn hơn.
Cần xây dựng quy trình canh tác lúa, tôm
Theo ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích tôm – lúa dự kiến đạt khoảng 160.000ha năm 2015, đến năm 2020 ổn định diện tích khoảng 200.000ha. Vùng sản xuất tôm – lúa cần nhanh chóng xây dựng các thương hiệu gạo theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP và các loại GAP khác, gạo hữu cơ. Thương hiệu gạo không chỉ xây dựng với thị trường trong nước mà cần phải mở rộng với thị trường xuất khẩu phù hợp.
“Cần quy hoạch xác định vùng có khả năng phát triển lúa – tôm, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đánh giá các tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững. Đồng thời, bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng vùng và từng tiểu vùng trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn ở thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa; xây dựng quy trình canh tác lúa, tôm trong mô hình và tổ chức tập huấn, huấn luyện nông dân” – ông Hòa nêu ý kiến.
Ông Phan Thanh Lâm (Viện Nuôi trồng thủy sản 2) cho rằng: Mô hình canh tác tôm – lúa tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, hầu hết điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng. Để giảm những rủi ro về xâm nhập mặn và giúp mô hình duy trì đạt hiệu quả cao cần phải quan tâm đồng bộ các yếu tố như tuyên truyền duy trì thực hiện mô hình, theo dõi và bám sát lịch mùa vụ, cải tiến lại hệ thống đồng ruộng, chủ động hệ thống bơm nước và phát triển theo hướng cộng đồng.
“Kiến nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, bổ sung các giống lúa có khả năng chịu mặn khi đưa vào sản xuất, cấp độ chịu mặn phải đạt thấp nhất từ 4%o trở lên để hạn chế rủi ro cho nông dân khi canh tác lúa trên đất nuôi tôm” – ông Huỳnh Quốc Khởi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đề xuất.
Về khắc phục hạn chế của mô hình tôm – lúa, ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: Cần làm quyết liệt hơn việc quy hoạch vùng sản xuất tôm – lúa, cần thiết xây dựng một vùng chuyên sản xuất tôm – lúa. Trong vùng đó, chúng ta mới quy hoạch lâu dài về hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, chuyển giao xây dựng mô hình, tập huấn cho nông dân, đồng thời thành lập hợp tác xã. Từ đó mới có vùng sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp và nông dân sẽ dễ dàng liên kết với nhau, tiến tới xây dựng thương hiệu.
“Nông dân nên tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, chỉ nên nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm. Các tỉnh cần tăng cường tập huấn kỹ thuật, tổ chức các điểm trình diễn mô hình tôm – lúa cho nông dân tham quan, học hỏi. Hiện nay mô hình sản xuất tôm – lúa cũng là một hình thức chuyển đổi đất lúa, chúng ta cũng nên đề xuất chính sách để có sự hỗ trợ cho nông dân” – ông Trần Văn Khởi nhấn mạnh.
Theo Danviet
Xuất khẩu tôm khởi sắc, người Mỹ sẽ ăn nhiều tôm của Việt Nam hơn
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2016 dự kiến sẽ khởi sắc nhờ những tín hiệu tích cực từ kết quả rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 dự kiến sẽ khởi sắc (Ảnh: PD)
Theo VASEP, ngày 7.9.2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1.2.2013 đến 31.1.2014.
Cụ thể, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3.2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8. Đây là một tín hiệu đáng mừng với xuất khẩu tôm của Việt Nam. Mức thuế POR9 giảm mạnh so với POR8 phần nào giúp tháo gỡ gánh nặng về thuế xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Việt Nam. Do đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 dự kiến sẽ khởi sắc.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kể từ tháng 7 đến tháng 10.2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng đều so với các tháng trước đó do Mỹ tăng nhu cầu nhập khẩu tôm phục vụ các lễ hội cuối năm. Đặc biệt, xuất khẩu trong tháng 10 đạt giá trị cao nhất trong năm với trên 85 triệu USD, chỉ giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm số một của Việt Nam, tuy nhiên trong cơ cấu thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này đã giảm so với năm 2014.
VASEP cho rằng nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2015 giảm là do giá xuất khẩu giảm, nhu cầu yếu và bị cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ.
Tính tới tháng 11.2015, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 531.444 tấn tôm từ các nước, trị giá gần 5 tỉ USD, tăng 2% về khối lượng nhưng giảm 19% về giá trị. Tính tới tháng 10.2015, giá trung bình nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2014 từ 11,82 USD xuống 9,39 USD/kg.
Không những vậy, giá thành sản xuất tôm cao đang là nguyên nhân chính dẫn tới giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ.
Đồng nội tệ của các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc... phá giá mạnh 15- 30%, trong khi VND chỉ giảm giá nhẹ. Việc này cũng được đánh giá là những nguyên nhân chính khiến tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khó cạnh tranh với các quốc gia nói trên.
Theo Một thế giới
Thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ còn 0,91% Mức thuế chống bán phá giá đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, ngày 7/9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9)...