Sản xuất phân bón vẫn ‘lao đao’ vì thuế VAT
Với những bất cập trong chính sách thuế VAT đối với sản xuất phân bón, không chỉ có doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam “lao đao” mà sản xuất nông nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng.
Nhân viên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra sản phẩm phân bón tại kho hàng của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hữu Hảo, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Trả lời phóng viên TTXVN, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV) Phùng Hà cho biết, hiện nay, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định tại Luật 71/2014/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, vào giá thành sản phẩm.
Tính toán của VNFAV cho thấy, từ năm 2015-2019, tổng số thuế VAT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Tương tự như vậy, tùy theo tình hình giá nguyên liệu đầu vào mà tổng số chi phí tăng lên của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất D-ầu khí (PVFCCo) do không được khấu trừ thuế VAT là 300 – 370 tỷ đồng/năm. Theo đó, tổng số tiền thuế không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh từ 2015-2019 của doanh nghiệp này là 1.637 tỷ đồng.
Đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – Đạm Cà Mau) cũng cho biết, mỗi năm Đạm Cà Mau không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế, buộc phải đưa vào giá bán, khiến khách hàng là người nông dân chịu thiệt.
Không chỉ có doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, các doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy sản xuất phân bón tại Việt Nam cũng đang “méo mặt”. Công ty Phân bón Baconco cho biết, mỗi năm công ty bị thiệt hại khoảng 1 triệu USD do không được khấu trừ thuế.
Đây không chỉ là gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp mà còn kéo theo việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước Việt Nam bị giảm sút mạnh, từ mức 5,3 triệu USD/năm (thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 có hiệu lực) xuống còn 2,4 triệu USD/năm như hiện nay.
Thực tế từ khi Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đến nay, hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất VAT 5% đã được chuyển sang đối tượng không chịu thuế VAT. Sự thay đổi này dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 – 8%. Theo đó, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng tăng lên đáng kể, do phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40 – 50% tổng chi phí đầu tư.
Trong khi đó, với chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp lại được hưởng lợi thế về thuế nhập khẩu bằng 0% và những cam kết trong FTA, phân bón nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga và Trung Đông đang “đổ bộ” vào Việt Nam, tạo ra cạnh tranh khốc liệt cho sản phẩm phân bón Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017 con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng gần 2,5 lần.
Tổng Thư ký VNFAV Phùng Hà cũng chỉ rõ, quy định thuế VAT với phân bón vô hình chung đang khiến sản phẩm phân bón Việt Nam giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại do doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới.
Bất cập này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước không “mặn mà” đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, với các tính năng ưu việt hơn như phân bón tan chậm, phân bón điều khiển tan, phân bón nhiều tính năng, ông Phùng Hà cảnh báo.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có kiến nghị gửi tới các bộ ngành và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đến mức 5%.
Vì vậy, trong hoàn cảnh nền nông nghiệp và nông dân cả nước đang lâm vào khó khăn do dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn mặn… kéo dài như hiện nay, doanh nghiệp phân bón mong sớm được xem xét, sửa đổi những bất cập về trong chính sách thuế VAT với sản xuất phân bón.
Anh Nguyễn
Video đang HOT
Việt Nam tăng nhập khẩu từ Nhật, giảm mạnh với Trung Quốc
Quý I/2020, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Nhật Bản tăng 15,8% trong khi giảm 18% với thị trường Trung Quốc.
Báo cáo về hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3.
Theo đó tháng 3, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng 7% so với cùng kỳ 2019, nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 2,3%.
Quý I/2020 giá trị nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc giảm 18%. (Ảnh: Moit)
Tuy nhiên tính chung quý I, trong khi giá trị nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản tăng 15,8% thì nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc lại giảm 18%.
Đáng chú ý, đối với thị trường ASEAN, nhập khẩu 3 tháng đầu năm ước giảm 8,3% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ tăng 6,3%.
Cũng theo báo cáo, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,3 tỷ USD, tăng 1%.
Xuất khẩu chậm lại kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong quý I giảm 1,9%, ước đạt 56,26 tỷ USD.
Trong quý đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm lần lượt là 3,4% và 0,8%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy chiếm 87,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 49,47 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, trong tháng 3, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này có sự tăng trưởng trở lại khi tăng 3,5% so với tháng 2/2020.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, đạt 13,19 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 14,1% so với quý I/2019, dầu thô tăng mạnh 67,9%...
Trong khi đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với năm trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,6%, vải các loại giảm 17,7%, chất dẻo nguyên liệu giảm 6,2%, sắt thép các loại giảm 16%, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 14,5%, xăng dầu các loại giảm 17,6%....
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm 8,2% trong quý, đạt 3,72 tỷ USD. Đáng chú ý, trong nhóm này nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ đã giảm 43,8% về lượng và 46,6% về trị giá so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 3 có kim ngạch giảm so với tháng trước. Cụ thể, dầu thô giảm 20,8%, sắt thép giảm 20,3%, hàng dệt may giảm 19,4%, giày dép giảm 19,1%...
Tính chung kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%).
Tăng trưởng xuất khẩu trong quý I đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực bởi trong 2 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hồng Kông giảm 12%, Đài Loan giảm 6,3%...
Trong đó, khu vực khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
HOÀ BÌNH
Căn hộ giá rẻ 'biến mất' khỏi thị trường, có tiền tỷ vẫn khó mua nhà Nếu như 3 năm trước, người dân cầm 1 tỷ đồng có thể mua nhà ở ngoại thành Sài Gòn thì nay có trong tài khoản 1,5 tỷ đồng vẫn không biết mua nhà ở đâu. Căn hộ giá rẻ "vắng bóng" khỏi thị trường Rời Quảng Nam vào TPHCM đã 14 năm, anh Đoàn Thanh Trà khao khát sở hữu ngôi nhà...