Sản xuất lúa theo VietGAP, nông dân hưởng lợi kép
Chuyển đổi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nông dân xã Yên Thái, huyện Yên Mô (Ninh Bình) giảm chi phí, tăng năng suất, mà còn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người sử dụng và môi trường.
Chi phí giảm, năng suất tăng
Hợp tác xã (HTX) Đông Thôn, xã Yên Thái là một trong hai đơn vị được Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình chọn làm điểm để xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP trong năm 2016. Mới thử nghiệm nhưng vào vụ thu hoạch vừa qua, bà con rất phấn khởi vì lúa được mùa.
Nông dân thu hoạch lúa đông xuân 2016 trên cánh đồng xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Ảnh: Hải Đăng
Video đang HOT
Trò chuyện khi đang lội ruộng thăm lúa, chị Vũ Thị Bích ở xóm 1 cho biết: “Thời gian đầu thấy cán bộ xã đi vận động gia đình cũng băn khoăn nhiều, nhưng vẫn mạnh dạn làm. Đến giờ thấy bông lúa to, đều, lại không bị bệnh bạc lá nên tôi an tâm”.
Chị Bích cho biết thêm, khi tham gia mô hình, các hộ được cán bộ địa phương xuống tận ruộng hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh lúa tổng hợp, sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, cấy mạ non, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng. “Cái được nhất khi làm lúa VietGAP là tỷ lệ, mật độ sâu hại thấp và giảm hơn rất nhiều so với việc cấy lúa thường. Nhờ đó, nông dân không chỉ giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm chi phí sản xuất mà còn bảo đảm được sức khỏe, có thêm thời gian làm việc khác” – chị Bích chia sẻ.
Cùng tham gia mô hình cây lúa VietGAP với hộ gia đình chị Bích, ông Phạm Văn Được ở xã Khánh Thành (Yên Khánh) cho rằng: “So với việc cấy lúa thường, sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP giảm được khá nhiều chi phí. Riêng vụ mùa năm nay, nhờ giảm lượng giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăm sóc, lúa đã giúp gia đình tôi giảm từ 30 – 40% chi phí”.
Là vụ mùa đầu tiên áp dụng mô hình sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, xã Yên Thái, huyện Yên Mô triển khai trên diện tích 10ha với hơn 300 hộ tham gia. Ông Phạm Văn Thận – Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Thôn, xã Yên Thái cho biết: “Ban đầu triển khai làm, nông dân còn khá lúng túng. Song đến nay, bà con đã quen dần với phương pháp sản xuất mới. Đáng nói, việc xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng bằng cách ghi chép nhật ký sản xuất an toàn, vệ sinh đồng ruộng sạch phần bảo vệ môi trường sinh thái”.
Nói về hiệu quả việc áp dụng phương pháp sản xuất mới, ông Thận cho hay: So sánh giữa ruộng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và ruộng cấy truyền thống thì ruộng trong mô hình đẻ nhánh tập trung và kết thúc đẻ nhánh sớm hơn so với ruộng cấy truyền thống, tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn so với ruộng cấy truyền thống là 6,5%. Mật độ sâu, tỷ lệ hại của các đối tượng sâu bệnh hại ở ruộng mô hình cũng thấp hơn. “Đặc biệt, ở ruộng trong mô hình chi phí giống, thuốc BVTV thấp hơn trong khi năng suất lại cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn ruộng cấy truyền thống khoảng gần 7 triệu đồng/ha” – ông Thận nhấn mạnh.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Ông Vũ Khắc Hiếu – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NNPTNT Ninh Bình) cho rằng: Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm gạo ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2016, Chi cục đã xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP tại 2 đơn vị là xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) và xã Yên Thái (huyện Yên Mô) với diện tích 40ha/2 vụ và bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan.
“Kết quả này sẽ là cơ sở để Chi cục tham mưu với Sở NNPTNT triển khai nhân rộng sản xuất lúa VietGAP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hình thành những vùng sản xuất được ứng dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật dựa trên cơ sở của hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, kỹ thuật IPM. Từ đó, đưa nông nghiệp Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững theo hướng tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy công cuộc phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…” – ông Hiếu cho hay.
Theo Danviet
Nhà nông Nam Trung Bộ chưa mặn mà sản xuất sạch
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến nay, toàn vùng Nam Trung Bộ chỉ có 582 mô hình trồng trọt, một mô hình chăn nuôi và 3 mô hình nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn VietGAP. Nguyên nhân các hộ dân không tham gia vì cho rằng không hiểu rõ kỹ thuật và cũng không được địa phương triển khai, hướng dẫn thực hiện mô hình này (chiếm 72% số hộ dân).
Theo kết quả khảo sát tại vùng Nam Trung Bộ, trong tổng số 246 hộ nông dân (được hỏi) thì có tới 37,1% số hộ cho biết chưa từng nghe thông tin về mô hình sản xuất sạch, an toàn VietGAP; còn trong số các hộ có biết thì có đến 58,1% số hộ dân sẽ không tham gia do họ cho rằng mô hình này chưa được triển khai thực tế tại địa phương.
Nông dân chưa mặn mà với mô hình nông sản sạch do đầu ra không đảm bảo. Ảnh: I.T
Người dân chưa mặn mà với các mô hình nông nghiệp xanh cũng vì đầu ra không được bảo đảm. 60% hộ nông dân đánh giá rằng mức giá cũng như sức tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp sạch hiện nay trên thị trường không có sự khác biệt so với các sản phẩm truyền thống.
Nói về tầm quan trọng của nền nông nghiệp xanh, các nhà khoa học nhấn mạnh nông nghiệp xanh chính là nền nông nghiệp mà nước ta đang hướng đến. Theo TS Hoàng Hồng Hiệp -Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, cần ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hoá. Đặc biệt, cần nhanh chóng triển khai dán nhãn bắt buộc đối với các sản phẩm sinh thái, xanh, sạch đi kèm với việc kiểm soát chặt chẽ các hệ tiêu chuẩn về công nghệ, quy trình sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ...
Các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện quy định, cơ chế bảo đảm chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm thương mại, kiểm soát tốt nguồn nông sản nhập khẩu hiện nay, đặc biệt là từ đường tiểu ngạch. Xây dựng các công cụ, rào cản phi thuế quan về chất lượng sản phẩm để ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng tràn vào thị trường Việt Nam.
Theo Danviet
Nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Hà Nội Sẽ có 1.800 chủng loại sản phẩm là nông sản thực phẩm an toàn tham gia vào "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt". Sáng 4.10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (NN&PTNN) Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Tuần lễ nhận...