Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô chính thức bị “áp điều kiện”
Với việc Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư vào sáng nay, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đã chính thức được bổ sung vào danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cùng với kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô.
Sáng nay (22/11), với đa số đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 83,16%, Quốc hội đã thông qua dự án “độc đáo” – Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Có 36 đại biểu không tán thành (chiếm 7,3%) và 10 đại biểu không biểu quyết thông qua dự luật này.
Theo đó, ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô vẫn được giữ lại trong danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trong khi đó, ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô lại được bổ sung vào danh mục này.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư (Ảnh: Quochoi.vn)
Báo cáo giải trình việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp cho hay, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao, vì vậy, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời cũng hạn chế tác động có hại từ các cơ sở cung cấp dịch vụ này tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Qua kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số đại biểu tán thành với việc giữ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề này (290/439 chiếm 66,05%).
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng cho rằng, việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề sản xuất kinh doanh có điều kiện là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014. Đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.
Qua kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số đại biểu tán thành với việc bổ sung ngành, nghề này (348/439 chiếm 79,3%).
Video đang HOT
Trước đó, thảo luận tại hội trường ngày 19/11, nhiều vị đại biểu cũng bày tỏ sự tán thành việc “đặt điều kiện” cho ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô nhưng cần xem lại việc đưa hoạt động nhập khẩu ô tô và danh mục.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, nhập khẩu ô tô là một hoạt động thương mại thuần túy như các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh này đòi hỏi phải được bình đẳng, nhất là khi đang có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, vị đại biểu đánh giá, nếu hạn chế, đưa hoạt động nhập khẩu vào ngành nghề có điều kiện thì không phù hợp.
Ngoài ra, trong luật cũng giữ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô; kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Quá trình thảo luận, một số vị đại biểu đề nghị bổ sung một số ngành, nghề mới như: xăm hình vĩnh viễn; thám tử tư; rà phá bom, mìn, vật liệu nổ; kinh doanh chất phụ gia công nghiệp và chất phụ gia thực phẩm; kinh doanh thực phẩm chức năng, vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Có ý kiến khác đề nghị bổ sung kinh doanh vàng trên tài khoản vào ngành, nghề cấm kinh doanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là những đề xuất mới mà cơ quan soạn thảo chưa có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động, do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội bổ sung trong thời gian tới.
Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, trừ các ngành, nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017 và giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh các ngành, nghề này.
Bích Diệp
Theo Dantri
Ủy ban Kinh tế tán thành đưa ngành ô tô vào kinh doanh có điều kiện
Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra ngày 8/11, Ủy ban Kinh tế đã thống nhất tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Cụ thể, theo Ủy ban Kinh tế hiện có hai ý kiến và quan điểm về đề xuất đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, trong đó khẳng định: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014. Chính phủ đưa ra các định hướng cụ thể, "nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế" và "bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư".
Xếp vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện, sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải tuân thủ nhiều quy định, quy chuẩn khác nhau
Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư 2014, Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Việc thay đổi chính sách đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô sau khi Luật đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
Do vậy, việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng nêu trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng
Ý kiến thứ hai là đề nghị làm rõ việc bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không?
Bởi hiện việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các phương tiện giao thông như mô tô, xe máy, đầu máy, toa xe tàu hỏa, tàu điện, cáp treo đều không quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm định kỳ. Đối với ô tô khi đưa vào sử dụng cũng phải thực hiện việc đăng kiểm định kỳ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng; đồng thời có quy định chặt chẽ về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.
Nếu coi nhập khẩu ô tô là ngành, nghề cần hạn chế kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thì tại sao không hạn chế việc nhập khẩu xe máy và các phương tiện giao thông khác. Do đó, đề nghị cân nhắc việc bổ sung nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, cuối cùng Ủy ban kinh tế cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Trước đó, trong tối 8/11, trả lời câu hỏi của các phóng viên về đề xuất đưa ngành ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng: Ô tô hiện là sản phẩm kỹ thuật cao, có tác động lớn đến môi trường, đến con người và xã hội. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ so với các nước, do đó quan điểm của Bộ KH&ĐT đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào nhóm kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, xã hội và đất nước, bảo hộ sản sản xuất ô tô, ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác ô tô cũ, ô tô kém chất lượng.
Trả lời câu hỏi của PV báo Dân Trí về việc tại sao qua 14 năm duy trì bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước, ngành sản xuất ô tô Việt Nam mãi bé, chưa thể trở thành ngành công nghiệp lớn mạnh, trong khi đó, cùng thừa hưởng những chính sách, ưu đãi hơn 20 năm qua Thái Lan đã tạo ra được ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh tầm cỡ Châu Á. Và việc tiếp tục đưa ra việc bảo hộ ngành này, tương lai gần Việt Nam có ngành công nghiệp ô tô hay không?, Thứ trưởng Đông cho rằng: Nếu so sánh Việt Nam với Thái Lan, chúng ta cần xem xét từ nhiều điều kiện, trong đó đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người và các chính sách cụ thể.
"Việt Nam đã có nhiều chính sách nhưng quan điểm của chúng tôi cho rằng có thể chính sách của Việt Nam chưa phù hợp. Chúng tôi không khẳng định bao giờ Việt Nam có ngành công nghiệp ô tô, nhưng nếu không đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện thì 5 -10 năm tới chúng ta sẽ mất ngành sản xuất ô tô trong nước, hoàn toàn phụ thuộc vào ô tô nhập khẩu", Thứ trưởng Đông khẳng định.
Trước đó, trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cách đây hơn 1 tuần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Kiểm tra phản ánh gian lận khi nhập xe sang biếu tặng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo chí phản ánh về hiện tượng gian lận trong nhập khẩu xe ô tô biếu tặng. Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra những dấu hiệu trong việc nhập xe sang về biếu tặng. Trước đó, trong tháng 8, báo chí có phản...