Sản xuất giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng cùng với cộng sự vừa hoàn thiện được quy trình sản xuất giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp với công suất 10.000 cây giống/năm.
Điều đáng nói, tỉ lệ thành công từ giai đoạn phôi đến khi cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn đạt 60,1%.
Đây là kết quả của Dự án nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống dừa sáp (Makapuno coconut) bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp” thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ và Tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhiệm vụ này được giao cho Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Anh Đào chủ trì và Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng là Chủ nhiệm Dự án.
Việc nghiên cứu thành công giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp có thể chịu được đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hứa hẹn sẽ xuất hiện vùng trồng nguyên liệu dừa sáp lớn của Việt Nam.
Theo báo cáo đánh giá của Tiến sĩ Bích Hồng, ngoài việc xây dựng được quy trình sản xuất giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp thì nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất quy trình trồng dừa sáp nuôi cấy cứu phôi trên vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn. Đơn vị chủ trì nhiệm vụ cũng đã sản xuất được 7.596 cây dừa sáp trong giai đoạn phòng thí nghiệm; 6.540 cây dừa sáp nuôi cấy cứu phôi ở vườn ươm và xây dựng được 5 ha mô hình trồng dừa sáp nuôi cấy cứu phôi trên đất nhiễm mặn, nhiễm phèn tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Mô hình 1 ha vườn dừa trưởng thành cây thích nghi tốt về sinh trưởng cũng như phát triển. Năng suất trái sáp đạt 45 – 57 trái/cây/năm chiếm tỉ lệ trái sáp/cây đạt từ 75,4 – 86,7%. Trái sáp to, khối lượng trái đạt 1.750 g/trái, dạng trái đặc, xốp chiếm tỉ lệ cao 89,8%.
5.000 cây dừa sáp trong giai đoạn phòng thí nghiệm có từ 3-4 lá trở lên, cây con phát triển tốt, chiều cao cây 15-20 cm, có bộ rễ khỏe mạnh.
Hiệu quả kinh tế dự kiến mô hình sẽ mang lợi nhuận sau 4 năm trồng cho tỉ lệ lãi ròng/chi phí đầu tư trên 1 ha đạt từ 143%-339%, tỉ lệ này tăng dần vào năm thứ 5 và năm thứ 6, cao hơn gấp 1,3 – 2,0 lần so với mô hình trồng dừa sáp truyền thống và gấp 20 lần so với mô hình trồng dừa Ta địa phương sau 6 năm trồng.
Từ mô hình 1 ha sẽ sản xuất được 900 cây giống dừa sáp NCCP (tương đương với 5 ha) vào năm thứ 4. Đến năm thứ 6 sau khi trồng thì từ mô hình 1 ha dừa sáp nuôi cấy cứu phôi sản xuất được 4.625 cây giống dừa Sáp NCCP, tương đương với 23 ha cho việc trồng mới và cải tạo các vườn dừa lão, năng suất thấp. Tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ/tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 24%.
“Việc nghiên cứu thành công giúp cho việc sử dụng hiệu quả vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn để trồng giống dừa sáp nuôi cấy cứu phôi, tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa sáp có giá trị cao trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Hàng trăm ngàn lao động được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tránh tình trạng di dân vào các thành phố lớn thông qua việc trồng và chế biến các sản phẩm dừa sáp nuôi cấy cứu phôi”, Tiến sĩ Bích Hồng chia sẻ.
Dự án nghiên cứu này đã ứng dụng công nghệ sinh học cho sản xuất giống và phát triển nông nghiệp bền vững nhằm phục vụ sản xuất và đời sống với mục đích tạo ra lượng lớn sản phẩm có chất lượng cao hơn so với nhân giống cây dừa sáp theo phương pháp truyền thống. Thành công của dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng dừa sáp thường, tăng tỷ lệ quả có sáp. Công nghệ này có ưu điểm vượt trội là rút ngắn thời gian từ khi nuôi cấy phôi đến khi ra cây ngoài vườn ươm, điều này loại bỏ được yếu tố thời vụ do thực hiện trong phòng thí nghiệm không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh, thiên tai… nên chủ động được việc tạo giống.
Bên cạnh đó, nguồn cung cấp giống hiện nay đang khan hiếm mà sản phẩm dừa sáp đang rất được thị trường ưa chuộng nên nhu cầu nguồn cây giống rất lớn. Diện tích đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn chiếm rất nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ngày càng gia tăng do hiện tượng xâm nhập mặn bởi mực nước biển ngày càng dâng cao, nên đây hứa hẹn là vùng trồng nguyên liệu dừa sáp lớn của Việt Nam.
Dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống dừa sáp (Makapuno coconut) bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp” do Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Anh Đào thực hiện đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu cấp quốc gia theo quyết định số 2045/QĐ-BKHCN ngày 23/7 năm 2020 và đã được Công nhận kết quả theo quyết định số 2564/QĐ-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký vào ngày 21/9/2020.
Dừa sáp hay dừa đặc ruột có tên gọi Makapuno. Dừa sáp được xem là đặc sản của tỉnh Trà Vinh, với phương pháp ươm từ quả truyền thống thì cây dừa Sáp chỉ cho 25% quả sáp/buồng, tức là buồng dừa có 10 quả chỉ có 2,5 quả là dừa sáp, 7,5 quả còn lại là quả dừa bình thường (không sáp). Với phương pháp nuôi cấy phôi thì cây dừa sáp cho 70% – 100% quả sáp/buồng. Giá quả dừa Sáp từ 150.000 – 250.000 đồng/quả, cao gấp 10 – 20 lần so với quả dừa Ta, Dâu.
Ngoài ra, trong cơm dừa sáp có chứa một hàm lượng Galactomanan cao hơn 2-8 lần so với dừa thường. Năm 2010 Ts. Maria Judith Rodriguez đã nghiên cứu chiết xuất được galactomanan từ dừa sáp, ứng dụng sản xuất sản phẩm với tên gọi là “Mak gum”. Đây là sản phẩm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp chế biến thực phẩm (màng bao thực phẩm), dược phẩm (màng bao thuốc, gạc bao vết thương, thành phần trong các gel agarose, polyacrylamide) và mỹ phẩm.
Nửa triệu con cá mập có thể bị tàn sát chỉ để sản xuất vắc-xin COVID-19 cho con người
Trong khi cả thế giới dõi theo việc phát triển vắc-xin COVID-19, thì có một thông tin 'hậu trường' được đưa ra: Khoảng nửa triệu con cá mập có thể bị tàn sát để tạo ra loại vắc-xin này. Tức là, để có các phương pháp phòng và điều trị bệnh cho con người, thì động vật phải chịu đựng thế sao?
Khoảng nửa triệu con cá mập có thể bị tàn sát trong nỗ lực sản xuất vắc-xin COVID-19 - các chuyên gia về đời sống hoang dã vừa cho biết.
Loài động vật này bị giết để lấy squalene, một loại dầu tự nhiên từ gan cá mập. Loại dầu này được dùng làm thuốc, bao gồm cả làm vắc-xin cúm hiện thời. Squalene được dùng như một tá dược, để tăng tính hiệu quả của vắc-xin, bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
Và sau vắc-xin cúm thì đến vắc-xin COVID-19. Squalene lại được dùng trong một số loại vắc-xin COVID-19 tiềm năng.
Cá mập bị giết để lấy squalen từ dầu gan cá.
Mà nếu một trong các "ứng cử viên" vắc-xin đó được duyệt để sử dụng trên toàn thế giới, thì khoảng 250.000 con cá mập sẽ phải bị giết để làm ra đủ một liều vắc-xin cho mỗi người, theo tổ chức bảo vệ môi trường Shark Allies ở California (Mỹ).
Tuy nhiên, mỗi người không chỉ cần tiêm một liều vắc-xin COVID-19, mà phải tiêm 2 liều. Tức là, số cá mập bị giết sẽ lên đến 500.000 con.
Stefanie Brendl, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Shark Allies, nói: "Lấy thứ gì đó từ động vật hoang dã không bao giờ là cách tốt để phát triển bền vững. Làm sao chúng ta biết là đại dịch sẽ kéo dài đến bao giờ, sẽ biến đổi thế nào. Vậy nếu chúng ta tiếp tục giết cá mập, thì sẽ cần rất nhiều cá mập, từ năm này qua năm khác".
Đẻ có đủ vắc-xin cho con người thì rất nhiều cá mập sẽ thiệt mạng.
Trong một bài đăng trên Facebook, bà Brendle cũng khẳng định, bà không cố "vùi dập" việc nghiên cứu vắc-xin, nhưng phản đối việc dùng squalene từ cá mập, bởi người ta hoàn toàn có thể "có những lựa chọn tốt hơn".
Shark Allies cho biết, squalene được làm từ dầu gan cá mập được dùng phổ biến nhất chỉ vì nó "rẻ, dễ kiếm", chứ còn không thiếu các nguồn khác không phải từ động vật. Họ đang kêu gọi mọi người cùng lên tiếng, yêu cầu ngừng giết cá mập để lấy squalene, mà sử dụng những nguồn như dầu ô-liu hay men...
Bà Brendle.
Theo ước tính của các nhà hoạt động vì môi trường, khoảng 3 triệu con cá mập bị tàn sát mỗi năm để lấy squalene, bởi chất này được dùng trong cả mỹ phẩm và dầu máy nữa.
Người Tây Tạng làm phô mai từ sữa bò thiêng Việc sản xuất thủ công phô mai yak giúp người dân ở Tây Tạng (Trung Quốc) thoát nghèo. Loại phô mai này được làm từ sữa bò yak, loài động vật thiêng của họ.