Sàn Upcom tháng 12/2019: Đón thêm 400 triệu cổ phiếu mới, nhiều mã chứng khoán đã “tạo sóng”
Có hơn 400 triệu cổ phiếu mới gia nhập sàn Upcom tháng 12 vừa qua.
Những năm trước đây nhắc đến sàn giao dịch Upcom nhà đầu tư nghĩ ngay đến một sàn giao dịch “thứ cấp” với những doanh nghiệp cả năm mới được vài lần nhắc tên. Nhà đầu tư cũng hầu như rất ít quan tâm đến diễn biến trên sàn này.
Thế nhưng mấy năm trở lại đây, khi hàng loạt “ông lớn” chọn sàn Upcom làm điểm khởi đầu, hàng loạt những “cú huých” lớn, những cổ phiếu khuấy đảo, làm các nhà đầu tư dần để mắt và quan tâm nhiều hơn tới những mà đang giao dịch trên sàn này.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2019 vừa qua đã có 13 doanh nghiệp mới lên sàn với hơn 400 triệu cổ phiếu mới. Trong đó “tân binh” đáng chú ý nhất trong tháng 12 vừa qua là Masan MeatLife (MML) với hơn 324 triệu cổ phiếu.
Masan MeatLife là một trong những “đứa con” của dòng họ Masan – đơn vị có nhiều mã cổ phiếu anh chị em đang giao dịch trên các sàn và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Masan MeatLife chào sàn với giá tham chiếu 80.000 đồng/cổ phiếu nhưng nhanh chóng hạ nhiệt và hiện giao dịch quanh mức 66.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa thị trường của doanh nghiệp rơi vào khoảng 21.400 tỷ đồng.
Masan MeatLife đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư sau thương vụ sáp nhập giữa Masan với Vingroup.
Video đang HOT
Diễn biến giá cổ phiếu MML từ khi lên sàn.
Trong tháng 12 sàn Upcom cũng chứng kiến 2 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch là Idico (chuyển sàn) và SDI để hoán đổi cổ phiếu với Vingroup. Tính chung, đến hết năm 2019 sàn Upcom có 872 doanh nghiệp với tổng hơn 41,8 tỷ cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Hoạt động giao dịch trên Upcom cũng khá sôi động, nhưng tập trung ở số ít cổ phiếu. Tính chung, trong tháng 12 có gần 302 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với tổng giá trị giao dịch khoảng 5.300 tỷ đồng.
Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất
Cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn trở thành cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng 12 vừa qua trên Upcom với hơn 42,2 triệu đơn vị, hơn gấp đôi so vớii cổ phiếu xếp thứ 2 là KLB của Kiên Long Bank (21,1 triệu cổ phiếu được giao dịch).
Một nghịch lý, dù được giao dịch nhiều nhất, nhưng giá cổ phiếu BSR trên thị trường lại giảm mạnh trong tháng 12 vừa qua, từ 9.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng xuống còn 8.200 đồng/cổ phiếu chốt năm 2019, tương ứng mức giảm gần 13%.
Những cái tên nằm trong TOP 5 mã cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên Upcom còn có C4G của Cienco4, GVR của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam và CC1 của Tổng công ty Xây dựng Số 1. Trong đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã được chấp thuận niêm yết trên HoSE, những ngày ở lại sàn Upcom sẽ không còn nhiều.
Diễn biến giá cổ phiếu GVR trong 1 tháng gần đây.
Cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua/bán nhiều nhất
Không phải BSR, mà cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy nông nghiệp và Máy công trình là cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài mua/bán nhiều nhất với số cổ phiếu mua vào hơn 3 triệu và bán ra gần 2,6 triệu.
Mai Nguyễn
Theo Nhịp sống kinh tế
Masan thông báo sẽ thành lập một "công ty con mới"
Ngày 13/12 mới đây, Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (MCK: MSN) đã công bố thông tin về việc thành lập một "công ty con mới", tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những thông tin liên quan như tên công ty, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề hoạt động... của công ty con mới thì lại chẳng được Masan công bố chi tiết.
Thông tin về việc xây dựng công ty con của Masan ra đời ít lâu sau "cái bắt tay" đầy bất ngờ với Tập đoàn Vingroup. Theo đó, hai hãng quyết định cho sáp nhập VinCommerce (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp) vào Masan Consumer Holding (tiêu dùng), hướng tới mục tiêu trở thành "Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam."
Như vậy, tới đây, Masan sẽ tiếp quản 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart tại 50 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Không loại trừ khả năng, việc xây dựng công ty con là một động thái của Masan trong việc đón các thành viên mới vào hệ sinh thái của mình.
Masan Cosumer là thành viên của tập đoàn Masan, được thành lập vào năm 2013, nắm giữ ngành hàng chủ lực FMCG của Masan với doanh thu năm 2018 là 17.008 tỉ đồng, chiếm hơn 44,5% tổng doanh thu tập đoàn.
Mới đây, Masan cũng đã đưa công ty thành viên trong mảng thịt là CTCP Masan MEATLife lên UPCoM với mã chứng khoán MML. Việc nhận sáp nhập các công ty con của Vingroup hứa hẹn sẽ tạo nên những cơ hội lớn cho Masan MEATLife, khi mà mỗi cửa hàng Vinmart sẽ trở thành điểm bán thịt của thương hiệu này.
Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy niềm tin từ phía nhà đầu tư vẫn đang khá lung lay trước thương vụ. MML chào sàn vào ngày 10/12 ở mức giá 80.000 đồng/cp, đến nay thị giá chỉ còn 65.800 đồng/cp.
Nhìn chung, "bắt tay" cùng Vingroup, Masan đang có những cơ hội rất tốt trong việc tối đa hóa lợi nhuận, tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh từ khâu sản xuất đến phân phối trực tiếp cho người tiêu dùng. Dù vậy, để trở thành "Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam", hãng cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt đối thủ, từ các nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng, cho đến bán lẻ truyền thống và cả thương mại điện tử./.
Theo viettimes.vn
Cổ phiếu của Masan MeatLife lên sàn với giá 80.000 đồng/cp có phù hợp? Cổ phiếu MML của Masan MeatLife - công ty thành viên của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) sẽ chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM vào tháng 12 với giá tham chiều là 80.000 đồng/cp. Ngày 3/12, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc chính thức đưa cổ phiếu của CTCP Masan MeatLife vào giao dịch trên...