Sản phụ mắc Covid-19: “Bác sĩ ráng cứu em, để em được thấy mặt con”
Sau 10 ngày nằm viện, được bác sĩ đưa mình trở về từ “cõi chết” nhưng sản phụ mắc Covid-19 cho biết, chị chỉ biết bác sĩ qua những câu động viên ân cần, qua giọng nói, mà không hề biết mặt bác sĩ.
Ký ức ám ảnh của sản phụ mắc Covid-19
Được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cứu sống trước cửa tử, chị N.T.Y.P (32 tuổi, ngụ ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã chia sẻ với Dân trí câu chuyện của mình.
Chị P. được xác định mắc Covid-19 ở tháng cuối thai kỳ, khi cùng chồng từ Vĩnh Long về nhà mẹ ruột ở Phong Điền (Cần Thơ).
Hiện bệnh nhân P đã bình phục tốt và đang được tiếp tục cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Cần Thơ.
“Thấy dịch bùng phát trong lúc đang mang bầu đã thấy sợ lắm rồi, tôi không ngờ chính mình lại mắc Covid-19. Lúc nhận kết quả tôi hoang mang tột độ! Hàng loạt câu hỏi nhảy múa trong đầu và tôi không tài nào lý giải được vì sao mình lại mắc bệnh. Tôi khóc hết nước mắt vì thương đứa con bé bỏng vẫn còn nằm trong bụng”, chị P. vẫn nguyên cảm giác sợ hãi khi biết mình trở thành bệnh nhân Covid-19.
Ngày 10/7, chị P được Trạm Y tế xã chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Tại đây chị được các y, bác sĩ quan tâm đặc biệt bởi chưa đầy một tháng nữa sản phụ sẽ chuyển sinh.
“Sau 4 ngày ở bệnh viện Lao và Bệnh phổi, thấy con cả ngày rất ít cử động, tôi đã báo cho bác sĩ và được chuyển viện đến Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ. Bác sĩ chẩn đoán bị suy thai, phải phẫu thuật ngay”, chị P. kể lại.
Cuộc vượt cạn diễn ra sớm hơn dự kiến gần một tháng, em bé được giữ lại chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ. Còn chị P., ngày 11/7 được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để điều trị tích cực do có dấu hiệu diễn biến suy hô hấp nặng.
Video đang HOT
18h ngày 12/7, tình trạng diễn biến xấu tăng dần, chị P. nói ngắt quãng, thở nhanh. Trước tình trạng nguy cấp và phức tạp của bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã nhanh chóng tổ chức hội chẩn trực tuyến cùng các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm giải pháp.
Sau khi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, Ban Giám đốc Bệnh viện đã thống nhất quyết định: hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi, lọc máu liên tục hấp phụ, kháng viêm và kháng sinh…
“Trước khi được gây mê để đặt nội khí quản, chị P. đã gắng gượng thều thào với tôi “bác sĩ ráng cứu em giùm, để em được thấy mặt con!…”, BS CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ nhớ lại.
“Các bác sĩ động viên tôi, cố lên để còn về với con”!
Bác sĩ Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: “Thách thức lớn nhất đối với ê kíp trực bắt đầu từ lúc thực hiện thông khí nằm sấp. Bởi ê- kíp toàn nam trong khi bệnh nhân lại là nữ vừa phẫu thuật bắt con xong. Ê kíp gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng thức trắng đêm vừa theo dõi từng chỉ số vừa thay phiên chăm sóc vết thương sau phẫu thuật vừa lau sản dịch cho sản phụ”.
Bác sĩ Trần Quốc Luận- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, Ban giám đốc, ê-kíp BS điều trị nhiều lần phải tổ chức hội chẩn liên viện để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân P.
Cũng theo bác sĩ Luận, mọi cử động, hoạt động chăm sóc cho bệnh nhân đều phải thật cẩn thận, tránh chạm đến các dây truyền, thiết bị kết nối với máy thở. Trong vòng 24h sau khi thực hiện thông khí nằm sấp, ê kíp bác sĩ cũng dự phòng cả việc nếu bệnh nhân tiếp tục không đáp ứng thì phải chuyển sang chạy ECMO (phương pháp sử dụng một hệ tuần hoàn ngoài cơ thể).
“Rất may, trong 16 giờ tiếp theo, bệnh nhân cải thiện dần. Bệnh nhân đáp ứng với phương pháp thông khí nằm sấp, các chỉ số sinh tồn tiến triển tốt”, bác sĩ Luận nhớ lại.
Bác sĩ Trần Hà Quốc Đạt – người trực tiếp phụ trách theo dõi bệnh nhân P. chia sẻ: “Đây là một trường hợp phức tạp vì bệnh nhân mới sinh mổ xong, lại tổn thương phổi nghiêm trọng. Chúng tôi phải tích cực điều trị theo phác đồ, kết hợp vật lí trị liệu. Rất khó khăn nhưng mọi người đều thể hiện trách nhiệm cao, cố gắng hết mình vì bệnh nhân”.
Việc hội chẩn liên viện vẫn được duy trì trong suốt quá trình điều trị cho chị P. Khi sức khỏe dần tốt lên, các tổn thương phổi dần hồi phục, chị P. được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy lưu lượng cao. Sau hơn 8 ngày điều trị tích cực, các chỉ số sức khỏe của chị P. đã quay lại ngưỡng bình thường thì ê- kíp điều trị mới thở phào nhẹ nhõm.
Theo bác sĩ Đạt, để kích thích tinh thần cho bệnh nhân, bệnh viện đã kết nối với Bệnh viện Phụ Sản TP Cần Thơ để sản phụ thường xuyên được nhìn thấy đứa con bé nhỏ của mình qua màn hình điện thoại. Cũng chính nhờ đó mà bệnh nhân phấn chấn, vui vẻ hơn, sức khỏe cũng nhanh chóng tiến triển tốt.
Chị P. cho biết, suốt những ngày ở trong phòng điều trị tích cực, chị không thể nhìn rõ mặt những người đang ngày đêm dốc lòng cứu mình (bởi họ thường xuyên đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ- PV) thậm chí bảng tên các bác sĩ có lúc cũng nằm bên trong bộ đồ bảo hộ. Nhưng chị đã quen mọi người qua giọng nói, qua những hỏi han bệnh tình, qua những lời động viên.
Nhớ lại những lúc nguy kịch nhất, chị P. kể: “Lúc đó tôi khó thở, đầu óc quay cuồng, mê man, tay chân không nhấc lên nổi. Tôi sợ lắm, sợ không được gặp đứa con đỏ hỏn của mình. Không có người thân bên cạnh nhưng tôi luôn được các bác sĩ chăm sóc, động viên.
Các bác sĩ đã chăm sóc vết mổ, theo dõi sản dịch và tập vật lý trị liệu cho tôi, ân cần, kiên nhẫn mà không chút nào nề hà. Những khi thấy tôi quá mệt mỏi thì mọi người lại động viên rằng phải cố để sớm về với con, thế là tôi lại phấn chấn trở lại. Ân tình này của mọi người suốt đời này tôi không quên”.
Dịch COVID-19 ở ĐBSCL: Ghi nhận nhiều ca ngoài cộng đồng
Ngày 30-7, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ, số ca mắc mới tại TP này tiếp tục tăng, số ca ghi nhận là 141 ca mắc mới, TP đã thành lập đến 7 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.
Khu vực phong tỏa cách ly y tế ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ ghi nhận nhiều ca F0 mới ở cộng đồng - Ảnh: T.LŨY
Tổng số ca mắc đến nay của thành phố Cần Thơ là 1.302 ca. Đáng chú ý, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng khá cao, chiếm đến 59% số ca ghi nhận mới.
Trước tình hình dịch có dấu hiệu lây lan nhanh ngoài cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ tăng cường các tổ tuần tra, chốt gác và xử lý nghiêm việc người dân ra ngoài khi không thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Trong ngày, Sở Y tế Cần Thơ ban hành kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID lần 4 trên địa bàn. Tổng số vắc xin mà Cần Thơ nhận đợt này là 84.290 liều, sẽ được tổ chức tiêm đồng loạt ngày 2-8, huy động cả hệ thống y tế nhà nước và tư nhân vào đợt tiêm chủng lần này với 17 điểm tại 9 quận, huyện với 62 bàn tiêm.
Các đối tượng ưu tiên tiêm đợt này là nhân viên y tế, tình nguyện viên phòng chống dịch COVID-19, các nhân viên phòng khám và nhà thuốc, giáo viên, nhân viên vận tải hàng thiết yếu, bán hàng siêu thị, công nhân...
Tại Vĩnh Long , trong ngày ghi nhận thêm 6 ca nhiễm liên quan chợ thành phố Vĩnh Long. Như vậy, trong ngày tỉnh này ghi nhận thêm 48 trường hợp nhiễm COVID-19.
Cụ thể: 39 trường hợp là F1 liên quan chuỗi lây nhiễm Công ty Tỷ Xuân được cách ly trước đó, 2 trường hợp từ TP.HCM về địa phương xét nghiệm sàng lọc. 6 trường hợp là F1 liên quan chợ rau Vĩnh Long được cách ly trước đó, 1 trường hợp là công nhân đến khám và sàng lọc tại bệnh viện. Tính đến nay tỉnh Vĩnh Long ghi nhận tổng cộng 778 ca nhiễm cộng đồng, 9 trường hợp mắc COVID-19 tử vong.
Tại Bến Tre , thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, trong ngày có thêm 13 ca mắc mới, nâng tổng số trong toàn tỉnh là 729 ca mắc, trong đó 9 trường hợp tử vong. Có 106 bệnh nhân điều trị thành công và xuất viện.
Còn Tiền Giang , tính đến nay có 2.500 ca mắc COVID-19. Trong đó đã chữa khỏi 353 trường hợp, 44 trường hợp tử vong.
Bạc Liêu từng bước đón người dân từ vùng dịch trở về
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 30-7, ông Phạm Văn Thiều - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết tỉnh đang từng bước tiến hành công tác rước người dân từ các vùng dịch về.
Ông Thiều yêu cầu ngành y tế cần chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch; hướng dẫn thành lập trung tâm hỗ trợ cấp tỉnh và cấp huyện để đáp ứng kịp thời các yêu cầu của người dân; xây dựng phương án năng lực điều trị, cách ly của tỉnh và các địa phương, không để bị động trước các tình huống.
Trước đó, tỉnh Bạc Liêu đã đón 42 công dân là người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 tại TP.HCM trở về tỉnh, được đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Trong số này đã có 2 trường hợp nhiễm COVID-19.
ĐBSCL: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dân thực hiện chỉ thị 16 khá nghiêm túc Ngày 21-7, các tỉnh khu vực ĐBSCL tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao, dù trong các khu vực giãn cách chỉ thị 16, người dân các địa phương chấp hành khá nghiêm túc yêu cầu không tụ tập, hạn chế ra đường. Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ tiếp nhận điều trị trên 90 bệnh nhân COVID-19...