Sản phẩm không đảm bảo an toàn: Chủ cơ sở được chọn cách thu hồi
Đó là một trong hai hình thức thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn theo Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14.9.2018 của Bộ Y tế.
Có thể tự nguyện thu hồi
Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14.9.2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết hình thức, trình tự, trách nhiệm thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
Thực phẩm bẩn sẽ bị thu hồi và tiêu hủy (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 23/2018/TT-BYT là tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, cơ quan có thẩm quyền về ATTP và tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến ATTP tại Việt Nam.
Cụ thể, Thông tư số 23/2018/TT-BYT quy định 2 hình thức thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Video đang HOT
Trong đó, hình thức thu hồi đầu tiên là thu hồi tự nguyện. Đây là việc thu hồi sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là chủ sản phẩm) tự nguyện thực hiện.
Hình thức thứ hai là thu hồi bắt buộc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn là cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố hoặc cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2.2.2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP (cơ quan có thẩm quyền về ATTP), hoặc là cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP theo quy định của pháp luật.
4 hình thức xử lý
Thông tư số 23/2018/TT-BYT cũng quy định có 4 hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi. Hình thức đầu tiên là khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn. Hình thức xử lý này chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm vi phạm về lỗi sản phẩm, lỗi ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố nhưng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Hình thức xử lý thứ 2 là cho chuyển mục đích sử dụng. Hình thức này chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm vi phạm về chất lượng có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác.
Hình thức xử lý thứ 3 là buộc tái xuất. Hình thức này áp dụng đối với trường hợp sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và chủ sản phẩm đề nghị phương thức tái xuất.
Hình thức xử lý thứ 4, nặng nhất, là buộc tiêu hủy. Hình thức này áp dụng đối với trường hợp sản phẩm không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể khắc phục lỗi hoặc chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất theo quy định trên.
Thông tư số 23/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1.11.2018.
Theo Danviet
Dùng động vật chết do bệnh chế thực phẩm bị phạt tới 100 triệu đồng
Ngày 7.9, tin từ Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Dùng động vật chết do bệnh để chế biến thực phẩm sẽ bị phạt nặng (ảnh minh họa).
Nghị định này quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm gồm: 1- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; 2- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; 3- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; 4- Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Theo Nghị định mức phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép;
- Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;...
Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân.
Nghị định này gồm 4 chương, 39 điều.
Theo Danviet
Hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm của Hà Nội hoạt động thế nào? UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2018 - 2020. Người dân Hà Nội tiêu thụ thực phẩm sạch được đảm bảo bởi chính quyền thành phố. Ảnh: T.L Theo đó, hệ thống được xây dựng liên ngành gồm Y tế, Công Thương, Nông...