Sân golf gần 25 tỷ đồng bị bỏ hoang giữa lòng Đà Nẵng
Được đầu tư xây dựng gần 25 tỷ đồng nhưng sân tập golf giữa lòng Đà Nẵng đang bị bỏ hoang khiến người dân bức xúc.
Công trình sân tập golf này nằm sát Công viên Thanh Niên (phường Khê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch xây dựng tháng 11/2010 với tổng mức đầu tư hơn 27 tỷ đồng.
Sân tập golf đầu tư gần 25 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng nhưng bỏ hoang đã 5 năm, cỏ mọc um tùm.
Công trình bao gồm khối nhà tập phát bóng 2 tầng được xây dựng khang trang, rộng hơn 2.200 m2 sàn cùng hệ thống trụ sắt, lưới chắn, nhà thường trực, bãi xe và sân đánh golf được trồng cỏ.
Dự án được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành là 24 tỷ đồng vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, 5 năm qua sân tập golf này lại bị bỏ hoang khiến người dân địa phương rất bức xúc.
Theo tìm hiểu PV, từ năm 2012 đến 2014, công trình được chuyển từ Ban Quản lý sân tập golf sang cho một đơn vị khác quản lý.
Đến tháng 11/2016, sân tập golf được phê duyệt chuyển đổi công năng làm Trung tâm Văn hóa thành phố nhưng công trình tiếp tục “treo”.
Video đang HOT
Nhiều hạng mục của tòa nhà 2 tầng thuộc dự án hư hỏng, mục nát.
Theo ghi nhận, hiện khu vực sân tập golf có diện tích hơn 10ha hoang tàn, cỏ dại mọc um tùm.
Tại khu nhà 2 tầng có 60 chỗ phục vụ tập phát bóng, do không được quản lý, sửa chữa nên xuống cấp và ô nhiễm trầm trọng.
Nhiều khung, bộ cửa được lắp đặt bằng kính bị bể, nằm la liệt trên nền xi măng. Hàng chục bộ cửa gỗ của các nhà vệ sinh hư hỏng, mục nát. Hệ thống PCCC, máy bơm các loại rỉ sét, phủ bạt.
Đặc biệt nhiều mảng tường, hệ thống cầu thang phía trước khu nhà này nứt toác khiến người dân nghi ngờ về chất lượng công trình.
Hệ thống cầu thang nứt toác, xuống cấp trầm trọng.
Anh Hồng Thanh (trú quận Cẩm Lệ) cho biết, ngày nào anh cũng đi làm qua khu sân tập golf này và rất “chướng” mắt vì cảnh nhếch nhác, hoang tàn.
“Đầu tư hơn 20 tỷ đồng, dù tiền của doanh nghiệp hay Nhà nước nhưng bỏ hoang thế này thì rất lãng phí, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Đề nghị chính quyền cần sớm có phương án xử lý dứt điểm”, anh Thanh nói.
Theo một số hộ dân sống quanh dự án này, sân tập golf bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm làm phát sinh ruồi muỗi, ô nhiễm môi trường. Người dân đề nghị chính quyền quận và thành phố nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý đối với dự án này.
Hoàn thành từ năm 2014 nhưng không sử dụng, hệ thống nhà vệ sinh xuống cấp, hư hỏng.
Lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao TP. Đà Nẵng cho biết, công trình hoàn thành từ năm 2014 nhưng không được sử dụng nên xuống cấp nghiêm trọng.
“Hiện công trình này đã được UBND thành phố phê duyệt và giao cho một công ty đầu tư để làm sân tập golf đúng mục đích ban đầu. Dự kiến vào tháng 6/2019 này sân golf sẽ được khai trương và đi vào hoạt động”, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao nói.
Châu Thư
Theo VTCnews
Bộ Xây dựng lên tiếng về quy hoạch Đà Lạt
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời câu hỏi của PLO về kiến nghị của gần 80 kiến trúc sư gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng liên quan đến quy hoạch khu trung tâm Hoà Bình - TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng tỉnh Lâm Đồng cần lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các chuyên gia trước khi triển khai quy hoạch trên...
Trước kiến nghị của gần 80 kiến trúc sư, Bộ Xây dựng cho biết, hiện Vụ quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) đang làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng để yêu cầu báo cáo và có thông tin đầy đủ liên quan đến hồ sơ đồ án và quá trình lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt. "Sau khi có đầy đủ tài liệu và thông tin, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến chính thức" - văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc chỉnh trang, xây dựng lại Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt cho khang trang, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân là cần thiết. "Nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn các giá trị văn hóa, di sản gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Đà Lạt, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng riêng của Thành phố" - Bộ Xây dựng nêu quan điểm.
Theo Bộ Xây dựng, Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12-2-2019 theo thẩm quyền quy định của pháp luật hiện hành về Quy hoạch đô thị (Luật Quy hoạch đô thị 2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7-4-2010 của Chính phủ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành).
Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản Hòa Bình. Ảnh: BÍNH AN
Theo đó, Quy hoạch phải đảm bảo các yêu cầu về công khai, minh bạch, kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng; cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm...
"Đồng thời, quá trình lập đồ án quy hoạch, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt" - văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, để đáp ứng được mong muốn của người dân và các chuyên gia thì trước mắt UBND tỉnh Lâm Đồng cần tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, di sản văn hóa cũng như đại diện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí để giải trình, tiếp thu các ý kiến nhằm rà soát, đánh giá tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa khi triển khai thực hiện Quy hoạch này; đồng thời, đảm bảo mục tiêu xây dựng và phát triển Đà Lạt văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, giữ gìn các giá trị văn hóa, di sản gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Đà Lạt, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng riêng của Thành phố.
Trước đó vào ngày 15-4, Hội kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN) cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng để đóng góp ý kiến chuyên môn về quy hoạch khu trung tâm Hoà Bình - TP Đà Lạt. Hội KTSVN đề nghị Lâm Đồng khi làm quy hoạch cần chú trọng cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, không làm mất đi giá trị kiến trúc, cảnh quan đặc thù của Đà Lạt... Đáng chú ý Hội KTSVN cho ý kiến về một số nội dung của Quy hoạch trên không phù hợp, làm ảnh hưởng đến giá trị kiến trúc, văn hoá của khu vực này. Cụ thể, đối với khu vực Đồi Dinh nên bảo tồn kiến trúc cũ theo hướng xanh hoá, không nên xây khách sạn quy mô lớn tại đây; Đối với khu rạp Hoà Bình, cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản này trong công trình mới. Công trình mới nên có quy mô vừa phải, tỷ lệ phù hợp với cảnh quan và chú trọng mới liên kết với chợ Đà Lạt...; Về tầm nhìn cảnh quan cần lưu ý tính chất chuyển tiếp hài hoà giữa các công trình mới và cũ....
TRỌNG PHÚ
Theo plo.vn
Chưa có tiền trả cổ tức năm 2016, Sudico đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông Tổng số tiền cổ tức Sudico sẽ phải chi trả cho cổ đông năm 2016 và 2017 lên tới 215 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2018, số dư tiền và tương đương của Sudico chỉ là hơn 40 tỷ đồng. CTCP Đầu tư Phát triển Đo thị và KCN Sông Đà - Sudico (Mã CK: SJS) vừa thông qua nghị...