‘Săn đầu người’ ở 4 tuần lễ thời trang hàng đầu thế giới
Bốn tuần lễ thời trang lớn đang cạnh tranh quyết liệt hơn bất cứ thời điểm nào trước đó để thu hút các nhà thiết kế trẻ xuất sắc trên khắp thế giới.
“Big four” Fashion week (FW) gồm New York FW, Milan FW, London FW và Paris FW từng được biết đến như là sân khấu trình diễn của những nhà mốt cao cấp, với thiết kế theo quan điểm thẩm mĩ Tây phương, từ các nhà thiết kế gốc Âu.
Tuy nhiên, giờ đây tín đồ thời trang quốc tế lại chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt thiết kế đa phong cách, mang dấu ấn nhiều nền văn hóa Á, Phi, cùng những gương mặt trẻ đến từ vùng đất còn khá xa lạ với thời trang như Nam Phi, Ấn Độ, Trung Đông, Philippines….
Các thiết kế mang đậm dấu ấn Trung Đông, châu Á hay châu Phi đang ngày càng phổ biến hơn tại 4 tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới. Trong ảnh là bộ sưu tập độc đáo của Bora Aksu, NTK Thổ Nhĩ Kỳ được giới thiệu tại London FW 2013.
Áp lực luôn phải đổi mới để thu hút người xem chỉ là bề nổi của làn sóng “nhập cư” ồ ạt nhà thiết kế trẻ như hiện nay.
Nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất buộc 4 “ông lớn” fashion week hàng đầu thế giới phải bước vào cuộc đua tìm kiếm nhân tài, xuất phát từ tác động sâu sắc của xu hướng toàn cầu hóa. Đặc biệt khi ngành công nghiệp thời trang ngày càng chịu ảnh hưởng bởi sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới trong khu vực châu Á, Trung Đông…
Một báo cáo năm 2014 của Bain & Company cung cấp số liệu đáng lo ngại cho ngành thời trang xa xỉ châu Âu. Có 170 triệu trong số 330 triệu khách hàng cao cấp sống ở Bắc Mỹ và Tây Âu. Điều này có nghĩa là khách hàng phương Tây chỉ chiếm khoảng 51,5%.
Thêm vào đó, tỷ lệ này đang sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia dự đoán tỷ lệ này sẽ còn chưa đến 50% chỉ trong vài năm tới.
Ngược lại, số tỷ phú, triệu phú tại châu Á, Trung Đông lại đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ, hứa hẹn cung cấp lượng khách hàng tiềm năng đáng mơ ước cho các nhà mốt cao cấp phương Tây.
Biên tập viên Shaway Yeh của tạp chí Modern Weekly đã khẳng định, thay đổi phong cách thiết kế gần gũi hơn với nhóm khách hàng đồ sộ này là việc “cần phải làm” của các thương hiệu xa xỉ châu Âu.
Nhất là nếu họ muốn theo đuổi mục tiêu chinh phục và tồn tại trong thị trường có văn hóa, gu thẩm mĩ khá khác biệt như tại Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…
“Sẽ rất khó cho khách hàng châu Á khi chỉ có một lựa chọn từ các thiết kế mang đậm dấu ấn phương Tây”, theo Shaway Yeh . Đây là 1 trong những nguyên nhân buộc các thương hiệu cao cấp chú ý hơn đến việc chiêu mộ nhà thiết kế gốc Á.
Chính vì thế, ngành công nghiệp thời trang cao cấp châu Âu, mà đi đầu là “Big Four” fashion week đã bắt đầu bước vào thế chủ động “săn” tài năng thiết kế trẻ. Thay vì chờ đợi những nhà thiết kế này tìm cách chen chân vào lãnh địa tỷ đô sang trọng và còn nhiều bảo thủ như trước kia.
“Săn đầu người”, 1 thuật ngữ tìm người tài của ngành nhân sự, đã bắt đầu trở nên phổ biến và quen thuộc với các chuyên gia hoạt động tại fashion week.
Bằng đủ mọi cách, từ gián tiếp lẫn trực tiếp, cuộc đua tìm kiếm ứng viên sáng giá đến từ nhiều nền văn hóa đặc sắc, đậm dấu ấn bản địa như Philipines, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Columbia … bắt đầu từ vài năm trước.
Nhanh nhạy và đi đầu trong trào lưu chiêu mộ nhà thiết kế giỏi từ khắp nơi trên thế giới phải kể đến Hội đồng thời trang Anh quốc. Bằng chứng có hơn 1/3 nhà thiết kế tham gia London FW không phải là người Anh. Năm 2015, IFS (International Fashion Showcase), một sự kiện được tổ chức 1 tháng trước khi Tuần lễ thời trang London chính thức diễn ra, đã kỷ niệm sinh nhật 4 năm tuổi của mình.
Ít ai biết rằng IFS là một trong những công cụ “săn đầu người” rất hiệu quả cho London FW. Đây là triển lãm quy tụ hơn 400 nhà thiết kế mới nổi và là gương mặt đại diện cho hơn 50 quốc gia trên khắp thế giới.
Video đang HOT
Một thiết kế phụ kiện tóc độc đáo của nhà thiết kế Philippines Ken Samudio đã được giới thiệu tại IFS.
Với Alessandra Pellegrino, Biên tập viên kỳ cựu của tạp chí Glamour Ý, thì IFS là một sáng kiến tuyển người rất thông minh. “Họ mời các nhà thiết kế trẻ xuất sắc của từng quốc gia đến Anh quốc, tạo điều kiện để họ tiếp xúc với London FW – 1 trong 4 tuần lễ thời trang đáng mơ ước nhất thế giới. Và tất nhiên là nếu muốn phát triển sự nghiệp ở tầm quốc tế, các nhà thiết kế tham vọng sẽ rời bỏ quê hương để đầu quân cho London FW và ngành công nghiệp thời trang Anh quốc”.
Nhìn theo góc khuất, IFS chẳng khác nào là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành công nghiệp thời trang ở các nước nhỏ. Nhưng xét về hướng tích cực, rõ ràng nhiều tài năng trẻ thật sự “đổi đời” từ đây. Anna Orsini, chuyên gia tư vấn chiến lược của Hội đồng thời trang Anh cho biết: “Mich Dulce và Lorico là những nhà thiết kế đến từ Philippines, trong khi nhà thiết kế trang phục nam Rory Parnell Mooney có gốc Ireland và Charini lập nghiệp trong ngành thời trang nội y đến từ Sri Lanka. IFS chính là cái nôi phát triển sự nghiệp cho tất cả những tài năng trẻ tiềm năng này”.Thậm chí, hiệu quả “săn đầu người” cho ngành thời trang của IFS còn được đánh giá là rất ấn tượng và nổi trội hơn các sự kiện khác tại Paris, New York hay Milan.
Julie Gilhart từng là cựu Giám đốc thời trang của Barney, và hiện là nhà tư vấn thời trang nổi tiếng thế giới, đã không tiếc lời khen trước các chiến lược “săn đầu người” của IFS.
Trao đổi với phóng viên Business Of Fashion, Julie cho rằng: “IFS phát hiện nhân tài mà không lệ thuộc vào cách thông thường, phổ biến như liên kết với các trường thiết kế. Và đó là một điểm sáng đáng học hỏi”.
Các giải thưởng dành cho những gương mặt thiết kế mới như CFDA / Vogue ở New York chỉ chú ý đến các tên tuổi đã được công nhận, ITS tại Italy và Hyères chỉ chú ý đến các tài năng trong trường học. Và vì thế vô tình bỏ sót nhiều nhà thiết kế trẻ có thực tài khác đang sống rải rác trên khắp thế giới.
Giải thưởng danh giá CFDA 2010 góp phần giúp thị trường thời trang Mỹ tìm được thêm 3 nhà thiết kế trẻ gốc Á rất tài năng. Đó là Richard Chai, Jason Wu và Alexander Wang.
Khác London FW, các tuần lễ thời trang quốc tế như New York, Milan hay Paris lại chọn nhân tài hầu hết thông qua nhiều giải thưởng thời trang hàng đầu như LVMH, IFS Country….
Năm 2015 LVMH chứng kiến sự đổ bộ của những tài năng đến từ châu Á, với 7/26 nhà thiết kế đoạt giải gốc Trung Quốc. Hai năm trước, thảm đỏ danh giá LVMH đã vinh danh các nhà thiết kế Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi.
Trong khi đó, nhà thiết kế Mannisto gốc Columbia giành giải thưởng IFS Country 2015. Ngoài ra, sự kiện này cũng đã vinh danh hàng loạt nhà thiết kế không đến từ phương Tây, như Yegwa Ukpo người Nigeria, Laduma từ Nam Phi, Ken Samudio từ Philippines, Alexandru Nimurad và Vika Tonu đến từ Romania hay Rok Hwang, một đại diện thiết kế trẻ từ Hàn Quốc.Thông thường sau mỗi lần trao giải, làng thời trang lại chứng kiến “cuộc xâm lấn” ồ ạt của các nhà thiết kế mới này trên sàn diễn fashion week danh giá. Chẳng hạn như Paris FW đã rộng cửa chào đón nhà thiết kế trẻ Rahul Mishra đến từ Ấn Độ, người đã giành chiến thắng từ giải thưởng Woolmark 2014.
Đổi lại, các nhà thiết kế này đã mang đến làn gió mới đầy sáng tạo, đặc sắc cho 4 ông lớn fashion week. Chưa kể các lợi ích kinh tế đi kèm.
Hiệu quả chọn lọc tài năng từ các cuộc tuyển chọn dạng này, cũng như cách thức từ IFS đã được khẳng định bằng nhiều hợp đồng xuyên biên giới rất giá trị. Orsini khẳng định: “Các nhà thiết kế gốc Colombia và Philippines thu hút nhiều đơn đặt hàng lớn từ những cửa hàng quan trọng ở châu Á và Mỹ trong năm nay, chỉ sau một mùa trình diễn tại London FW”.Chính vì thế, Business Of Fashion không ngại khẳng định, trong thời gian tới giới mộ điệu sẽ còn được chứng kiến làn sóng thiết kế đa dạng, đậm bản sắc riêng từ những nhà thiết kế mới nổi, đến từ nhiều quốc gia xa lạ trên sàn diễn “Big Four” fashion week.
Các thiết kế gần gũi với văn hóa, thẩm mĩ Á Đông, do người châu Á thực hiện, sẽ dễ thuyết phục lượng khách hàng đông đảo ở khu vực này. Đây cũng là bí quyết giúp các fashion week quốc tế đạt được hàng loạt thương vụ có giá trị.
Jane Reeve, Giám đốc điều hành Camera Nazionale della Moda Italiana, đơn vị tổ chức Tuần lễ thời trang Milan, thừa nhận công ty bà đã bước vào cuộc đua chiêu mộ nhân tài rộng rãi từ vài năm trước.
“Dù trách nhiệm là hỗ trợ và nuôi dưỡng tài năng thiết kế của Ý, nhưng xu hướng toàn cầu hóa buộc chúng tôi phải thay đổi. Đã có nhiều hơn các phong cách thiết kế được giới thiệu trên đường băng Milan FW, chẳng hạn như thiết kế mang phong cách Hàn Quốc”, Jane phát biểu.
Theo sau đó, chương trình Pitti Immagine Guest Nation tổ chức lần đầu tại Italy vào năm 2011 cũng đang thực hiện sứ mệnh “săn đầu người” cho Milan FW, tương tự những gì IFS đã làm cho London FW.
Không chỉ mang lại thêm nguồn ngoại tệ cho 4 ông lớn fashion week, cuộc đua chiêu mộ nhân tài này còn giúp mở ra cánh cửa rộng cho những nhà thiết kế trẻ vốn không có điều kiện tiếp xúc nhiều với làng mốt quốc tế, từ các quốc gia mà nền công nghiệp thời trang chưa phát triển như Brazil, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine ….
Mi Quỳnh
Tổng hợp
10 sự thật ít biết về các tuần lễ thời trang quốc tế
Ngoài những bộ sưu tập lộng lẫy, khách mời danh giá, street style đẳng cấp..., các tuần lễ thời trang thế giới còn hút tín đồ năm châu bởi nhiều bí mật hậu trường độc đáo.
1. Chỉ có 4 tuần lễ thời trang lớn
Trang từ điển trực tuyến Wikipedia thống kê có đến hơn 40 tuần lễ thời trang diễn ra trên khắp thế giới mỗi năm, bao gồm cả những tuần lễ quy mô nhỏ ít được biết đến tại Croatia, Pakistan và Iran. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thời trang quốc tế chỉ công nhận 4 Fashion Week uy tín nhất gọi là "Big Four". Bốn "ông lớn" này bao gồm tuần lễ thời trang New York, London, Milan và Paris.
"Big Four" Fashion Week luôn diễn ra theo trình tự nhất định: New York rồi tới London, Milan và cuối cùng là Paris.
2. Các bộ sưu tập thường được giới thiệu rất sớm
Luôn có 2 mùa thời trang chính trong năm. Tháng 2 là thời điểm trình diễn các bộ sưu tập thu/đông. Tháng 9 là thời điểm của những bộ sưu tập xuân/hè.
Tuy nhiên, ít người biết rằng hầu hết bộ sưu tập đã được giới thiệu cho người mua và biên tập viên trước khi chính thức xuất hiện trong các tuần lễ thời trang. Mục đích chính là để khách hàng tiện chọn lựa. Ngoài ra cũng giúp các tạp chí có thêm thời gian chuẩn bị bài bình luận, giới thiệu lẫn dàn trang cần thiết.
3. Thời gian trình diễn ngắn ngủi
Mỗi lần trình diễn bộ sưu tập thường chỉ diễn ra trong vòng từ 15 - 20 phút. Nhưng để chuẩn bị, người mẫu phải mất đến 2 - 3 giờ trước đó. Ngoài ra, có gần 35 nghệ sĩ trang điểm và nhà tạo mẫu túc trực phía sau hậu trường để giúp người mẫu luôn quyến rũ nhất có thể.
4. Hiếm có khách mời được mang kính râm
Ngoài 2 nhân vật quyền lực nhất nhì làng thời trang là Anna Wintour và Karl Lagerfeld, bạn sẽ khó bắt gặp ai khác có quyền mang kính râm trên các hàng ghế đầu của các Fashion Week. Bởi đơn giản chỉ có một ít nhân vật quan trọng được "đặc cách" trong trường hợp này.
Không phải ai cũng có "đặc quyền" diện kính râm khi ngồi hàng ghế đầu tại các Fashion Week như Anna Wintour.
5. Không thể mua vé tham dự tuần lễ thời trang
Fashion week không dành cho người "ngoại đạo". Vì vậy nếu không làm việc trong ngành thời trang, bạn khó có cơ hội tham dự các buổi trình diễn. Hầu hết vé mời chỉ dành cho các biên tập viên, blogger, nhà thiết kế, chuyên gia trang điểm, stylist và khách hàng lớn.
6. Có hàng trăm sự kiện trong 1 tuần lễ thời trang
Ngoài các buổi trình diễn, tuần lễ thời trang còn quy tụ hàng chục đến cả trăm sự kiện bên lề như event từ thiện, dạ tiệc hoặc các buổi trưng bày phụ kiện. Đặc biệt, có đến 250 sự kiện lớn nhỏ được tổ chức rải rác khắp New York mỗi khi tuần lễ thời trang quốc tế diễn ra tại thành phố này.Bên cạnh đó, chỉ có các nhà thiết kế tên tuổi mới được trình diễn bộ sưu tập trong tuần lễ thời trang chính thống. Hầu hết các hãng nhỏ hơn sẽ giới thiệu thiết kế của mình trước hoặc sau Fashion Week. Điều này lý giải vì sao Fashion Week thường được ví như giải Oscar của ngành công nghiệp thời trang.
7. Không có thiết kế haute couture tại New York Fashion Week
Các tên tuổi lớn trong ngành thời trang cao cấp như Chanel, Valentino, Louis Vuitton, Gucci... hầu như không xuất hiện ở Tuần lễ thời trang New York. Họ chỉ trình bày bộ sưu tập haute coutoure mới nhất của mình tại các Fashion Week tổ chức ở Milan, London và Paris. Trong khi đó, New York Fashion Week lại là nơi dành cho các nhãn hàng ready- to-wear có giá phải chăng hơn, như Tibi, BCBG, Jason Wu, Marc Jacobs, Rebecca Minkoff...
Cũng như các thiết kế haute couture, các Tuần lễ thời trang Milan, London và Paris quy tụ nhiều người mẫu cao cấp hơn so với New York Fashion Week.
8. Chi phí cho khách mời không hề rẻ
Hình ảnh những khách mời danh giá, nổi tiếng như Anna Wintour, Rihanna, Kim Kardashian, Olivia Palermo, Anna Dello Russo... xuất hiện trên hàng ghế đầu tại các tuần lễ thời trang đã rất quen thuộc trong mắt tín đồ quốc tế. Nhưng chi phí đắt đỏ mà các nhà thiết kế phải bỏ ra để mời họ tham dự thì không phải ai cũng biết. Theo Who What Wear, mức phí cho một khách mời ở hàng ghế đầu chênh lệch rất lớn. Thông thường từ 0 đồng cho đến trên 100.000 USD, tùy độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng, chức vụ và công việc của từng người. Các ngôi sao hạng A của Hollywood có thể được trả từ 80.000 đến 100.000 USD, blogger đình đám nhận được khoảng 10.000 USD... cho mỗi lần xem trình diễn bộ sưu tập mới.
Trong khi đó, biên tập viên thời trang của những tạp chí danh tiếng nhưVogue, Elle..., thậm chí có vai vế quan trọng như Anna Wintour lại không lấy phí tham dự vì đó là công việc chính của họ.
Rihanna không chỉ nổi tiếng như một fashion icon đình đám thế giới, mà còn là khách mời đắt show tại các tuần lễ thời trang quốc tế.
9. Chênh lệch gây sốc về mức thu nhập của người mẫu
Cosmopolitan cho biết, mức thù lao phải trả cho một người mẫu dao động cực lớn, có thể từ 0 đồng cho đến hơn 20.000 USD. Thậm chí, những siêu mẫu hàng đầu như Karlie Kloss, Gisele Bundchen... kiếm được hàng ngàn đô chỉ trong vài phút catwalk cho nhiều nhãn hàng lớn như Dior hay Chanel. Mức thù lao còn "khủng" hơn nữa nếu trình diễn cho các thương hiệu mà họ đang là người mẫu độc quyền. Tuy nhiên, đó là trường hợp của siêu mẫu và người mẫu hạng A.
Ngược lại, có không ít chân dài chưa nổi tiếng chấp nhận trình diễn không công hoặc nhận quần áo mẫu thay tiền mặt từ nhà thiết kế. Đây là tình huống thường xảy ra với các chương trình nhỏ hơn, đặc biệt tại New York Fashion Week và các tuần lễ thời trang thứ cấp như Los Angeles, Miami... Vì vậy, trung bình một người mẫu bình thường chỉ kiếm được khoảng trên dưới 1.000 USD trong một tuần lễ thời trang. Thu nhập ít ỏi này không đủ để họ trang trải cho chi phí ăn uống, đi lại khắp thành phố trong suốt thời gian diễn ra Fashion Week. Trắng tay và ngập trong nợ nần là điều dễ xảy ra với không ít mẫu trẻ sau mỗi tuần thời trang. Tình trạng này còn thê thảm hơn với mẫu nam vì họ khó kiếm hợp đồng và cơ hội catwalk so với người mẫu nữ.
Với những người mẫu ít tiếng tăm, được sải bước trên sàn diễn lộng lẫy của các tuần lễ thời trang danh giá đã là một mơ ước "đổi đời" khó với tới, dù chỉ được nhận mức thù lao "bèo bọt".
10. Các bộ sưu tập không chỉ trình diễn trên sàn catwalk
Trái với suy nghĩ của nhiều người, các bộ sưu tập không nhất thiết được giới thiệu trên đường băng. Tương tự, không phải nhà thiết kế nào cũng thích xuất hiện cùng người mẫu sau mỗi đợt trình diễn bộ sưu tập. Theo biên tập viên Desiree Rabuse của trang tin StyleFox, trong nhiều chương trình, các người mẫu chỉ đứng xung quanh bệ, trò chuyện và chụp ảnh mà không có màn sải bước trên sàn catwalk như thường lệ.
Mi Quỳnh
Tổng hợp
Những ngôi sao thực sự tại các tuần lễ thời trang Bạn có thể dễ dàng bắt gặp gương mặt của những tên tuổi này trên hàng ghế đầu của các show thời trang danh tiếng. Bên cạnh những ngôi sao nổi tiếng của giới showbiz là các diễn viên hạng A và các ca sĩ đang khuynh đảo các bảng xếp hạng, thường được các nhà thiết kế mời tới để đánh bóng...