Sân bay tốt nhất thế giới sau một năm đại dịch
Du khách tới sân bay Changi dần tăng lại từ tháng 6/2020 nhưng tính đến cuối năm số khách vẫn giảm tới 82,8%.
Năm 2019, sân bay Changi này gặt hái rất nhiều thành công khi đón số khách kỷ lục 68,3 triệu lượt. Đầu năm 2020, Changi nhận vị trí sân bay tốt nhất thế giới lần thứ 8 liên tiếp. Đó cũng là thời điểm nhiều quốc gia đóng biên giới, không đón du khách để giảm tốc độ lây lan của nCoV và Singapore cũng không loại trừ. Tháng 3, khi Covid-19 bắt đầu bùng lên khắp nơi, Changi đã gần như không bóng người. Vào tháng 4 – 5, thời gian Singapore đóng cửa nghiêm ngặt nhất, sân bay Changi chỉ đón lưu lượng hành khách bằng 0,5% cùng kỳ 2019. Hiện tại, đảo quốc sư tử vẫn chưa đón du khách ngắn hạn chỉ trừ người tới từ Australia, Đài Loan, Việt Nam, New Zealand…
Ngay trước Tết Nguyên đán, vào một ngày trong tuần, Katie Warren, phóng viên Insider tại Singaporecho biết cô đã tới Changi để xem sân bay tốt nhất thế giới sau một năm đại dịch giờ ra sao.
Katie vào nhà ga T3, quang cảnh tại đây rất yên tĩnh và trống vắng. Thay vì những âm thanh kéo vali túi xách vang lên như mọi khi, Katie chỉ nghe thấy nhạc nền nhẹ nhàng và tiếng nước thác chảy. Khi tới Rain Vortex – thác nhân tạo trong nhà cao nhất thế giới nằm ở khu Jewel, nơi vốn đông nghẹt người chụp hình và tham quan, giờ chỉ còn một vài khách. Theo đại diện khu Jewel, khu phức hợp này đón được nhiều khách hơn vào ngày cuối tuần.
Nhà hàng đón được khách hơn cửa hiệu nhưng không nhiều
Tại Jewel, ngoài thác Rain Vortex còn có thung lũng xanh Shiseido bao quanh với những lối đi nhỏ cho khách dạo bộ. Tầng 5 của khu vực là công viên Canopy gồm các lối đi bộ bên vườn, đường trượt cho trẻ em và cả cầu lưới đi bộ cho du khách trải nghiệm mạo hiểm bước qua tấm lưới lớn ở độ cao 24m. Khi dạo quanh Jewel, Katie bắt gặp một nhóm khách nhỏ chụp hình ở cầu kính Canopy, cặp khách đi bộ trên cầu lưới, và số người còn lại đều là nhân viên chăm sóc sân bay.
Trình diễn nhạc nước ở Rain Vortex trước đại dịch là một điểm nhấn thu hút khách đến sân bay Changi.
Bên cạnh các khu vui chơi vắng khách, khu vực nhà hàng, cửa hiệu cũng không người. Một nhân viên bán hàng ở Changi cho biết, trước đại dịch các cửa hàng tại đây đặc biệt đông khách vào cuối tuần và buổi tối nhưng hiện nay, chỉ vài hàng may mắn có khách tới hỏi. Nhân viên ở khu này chủ yếu trông hàng và dùng điện thoại cho qua thời gian. Cửa hàng đông khách nhất dịp Katie tới là Apple dù số lượng khách cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, bước tới tầng ngầm với khu ẩm thực Katie mới nhận thấy đây là nơi “sôi động” nhất cả khu phức hợp Jewel vì hầu hết hàng quán vẫn mở và nhiều khách tới gọi đồ, mua về.
Katie tại thác Rain Vortex.
Kỳ nghỉ đông vừa qua, Changi nỗ lực để tự đổi mới với vai trò là một điểm đến cho du khách nội địa khi ra mắt dịch vụ cắm trại “sang chảnh” tại chỗ và tổ chức một hội chợ nhỏ. Quản lý khu phức hợp Jewel ở sân bay Changi cho hay, những chương trình này thu hút du khách đến sân bay tháng 11 – 12, nhiều hơn 40% so với các tháng trước.
Trong năm 2020, lượng khách đi lại ở Changi giảm tới 82,8%. Đại diện sân bay Changi cho hay, mọi thứ tăng trở lại với tốc độ rất “từ từ” vào tháng 6/2020. Thời gian tới, sân bay vẫn tiếp tục thu hút du khách nội địa với các hoạt động mới, khuyến mãi đặc biệt hàng tháng của các nhà hàng, cửa hiệu.
Blogger du lịch Việt Nam làm gì trong năm đại dịch?
Chuyển hướng sang ẩm thực, hay ra mắt dự án ảnh đẹp Việt Nam... các blogger vẫn lạc quan hoạt động trong năm du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.
TRẦN VIỆT PHƯƠNG (Travip)
Năm 2020, blogger Travip đã có 118 hành trình bay, tương đương quãng đường bay gần 100.000 km, xấp xỉ 2,7 vòng trái đất, và thời gian trên không khoảng 215 giờ.
Travip là chủ nhân kênh YouTube mang tên Yêu Máy Bay, chia sẻ phần lớn nội dung về hàng không như trải nghiệm các chuyến bay, hãng bay, sân bay, dịch vụ hàng không...
Con số trên là điểm nhấn trong một năm gần như không bay quốc tế của blogger Trần Việt Phương, biệt danh Travip. Năm 2020 cũng là dấu mốc khi anh check-in khởi hành tại tất cả sân bay dân dụng ở Việt Nam.
Trần Việt Phương là một trong những blogger du lịch đời đầu, chọn trải nghiệm hàng không làm hướng đi chính cho sự nghiệp blogger của mình. Cũng vì thế, những ấn tượng du lịch của anh thường xoay quanh những chuyến bay. Chủ nhân kênh Yêu Máy Bay tranh thủ trải nghiệm các đường bay mới và các dịch vụ hàng không mới trong nước trong 2020.
Khi các đường bay nội địa hoạt động trở lại, blogger Travip "trở lại bầu trời", mặc dù gặp những trải nghiệm không thoải mái như trước. Hành trình mệt mỏi nhất trong năm của anh kéo dài 1 giờ 30 phút từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đi sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Mọi hành khách phải đeo khẩu trang, găng tay, đội mũ có kính chắn giọt bắn, mặc áo khoác kín mít, không khí căng thẳng từ cửa check-in đến cabin vì hầu như chẳng ai nói gì với nhau.
Chuyến du lịch nước ngoài duy nhất trong năm qua của anh là cùng mẹ đón Tết ở Maldives. Hành trình từ Maldives về Việt Nam được nam blogger cho là gặp may. "Khi quá cảnh tại sân bay Changi (Singapore) trong thời điểm Covid-19 ở nước này đang căng thẳng, mình thở phào vì đã mang sẵn khẩu trang, thứ khó mua được tại sân bay. Trước đây mình rất ít dùng khẩu trang khi du lịch", Travip kể lại.
Travip cho biết mình là người làm nội dung du lịch, nên phải liên tục cập nhật video trải nghiệm mới. Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kênh YouTube của anh bị sụt giảm, chỉ số chỉ bằng hai năm trước khi ra mắt. Đợi hết giãn cách xã hội, nam blogger hào hứng bay đi khắp nơi trong nước, để lấp đầy kho tư liệu đang cạn dần.
"Trước đây mình thích và thường đi nước ngoài, vì Covid-19 nên mới có cơ hội khám phá Việt Nam nhiều hơn. Không loanh quanh trong nước, mình chẳng biết đến ở sông Mekong có du thuyền, hay bị sốc khi lần đầu khám phá rừng tràm Trà Sư vì bên ngoài còn đẹp hơn trên phim ảnh", nam blogger bộc bạch. Bên cạnh đó, anh cũng giới thiệu thêm nhiều phương tiện di chuyển mà du khách trong nước có thể trải nghiệm, như trực thăng ngắm cảnh, cáp treo, kayak, ván buồm...
Những dự định phải gác lại trong năm 2020 cũng là kế hoạch tương lai khi mở đường bay quốc tế của blogger này. Anh sẽ đi nước ngoài nhiều hơn, trở lại những nơi từng đặt chân mà chưa chia sẻ, trải nghiệm thêm các hãng hàng không mới và dịch vụ bay ở nước ngoài...
NGÔ TRẦN HẢI AN (Quỷ Cốc Tử)
Năm 2020, blogger Ngô Trần Hải An, được biết đến với tên Quỷ Cốc Tử, nghĩ rằng sẽ phải "tự nhốt" mình ở nhà. Thị thực Mỹ đã xin xong, các chuyến đi Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác mà anh đã lên kế hoạch đến tháng 8/2020, đều phải hủy. Quỷ Cốc Tử nhận định công việc của mình bị tác động khá nặng nề do Covid-19, việc trì hoãn những dự định năm nay có thể sẽ ảnh hưởng đến tương lai xa, nhất là định hướng phát triển sự nghiệp blogger du lịch.
"Không thể ở nhà mãi, tôi tiếp tục hành trình khám phá đến những nơi có thể đi, kết hợp cùng công việc và các dự án mới mà tôi tâm huyết", Quỷ Cốc Tử chia sẻ.
Thế nhưng, sau hai đợt Covid-19 bùng phát, Quỷ Cốc Tử trở nên bận rộn khi nhận được cơ hội đồng hành trong một số chương trình kích cầu du lịch nội địa, tham gia nhiều chuyến đi từ Bắc vào Nam. Anh đã đặt chân đến hơn 90 điểm tham quan, danh lam thắng cảnh thuộc 24 tỉnh thành trong nước. Anh cũng kịp trở về từ Singapore và Nhật Bản trước khi các đường bay quốc tế dừng hoạt động.
Không phải đến năm nay Quỷ Cốc Tử mới dành thời gian khám phá Việt Nam. Anh từng là phượt thủ nổi tiếng với những hành trình khám phá nhiều điểm đến mới lạ trong nước. Lần này, anh đầu tư những chuyến đi một cách chuyên nghiệp và mới lạ hơn, để phù hợp với định hướng công việc.
Tháng 9/2020, cựu phóng viên ảnh Ngô Trần Hải An chính thức công bố trở thành một blogger du lịch. Ngay sau đó, anh ra mắt dự án ảnh "Ngắm Việt Nam trên những tầng trời", giới thiệu những góc nhìn mới lạ từ trên cao ở các điểm đến trong nước vốn đã quen thuộc với du khách như lăng tẩm Huế, vịnh Lan Hạ... Dù gặp không ít khó khăn như phải đợi chờ xin giấy phép dùng thiết bị bay, tự chi trả kinh phí để đi nhiều nơi hơn, anh vẫn quyết tâm dày công đầu tư sản phẩm cá nhân này. Đây là một điểm nhấn năm 2020 trong sự nghiệp của nam blogger.
Kể về chuyến đi ấn tượng nhất năm, Quỷ Cốc Tử khoe hành trình 5 ngày 4 đêm ở Côn Đảo hồi tháng 6/2020. Không chỉ hạnh phúc khi du lịch cùng vợ và con gái 3 tuổi, chuyến này anh còn thực hiện được 3 mục tiêu lớn là chinh phục 3 điểm đánh dấu lãnh hải, trải nghiệm thả rùa về biển, khám phá cột san hô trắng nguyên khối khổng lồ dưới đáy biển. Cũng trong năm qua, Quỷ Cốc Tử tự hào vì đã chinh phục thành công hệ thống 11 điểm điểm định vị đường cơ sở, xác định lãnh hải Việt Nam. Nam blogger không quên nhắc đến hành trình vào rốn lũ miền Trung để ủng hộ bà con bị thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần hồi tháng 10, 11.
Năm 2021, Quỷ Cốc Tử cho biết anh sẽ tiếp tục phát triển dự án ảnh của mình, và làm việc với các đơn vị xúc tiến du lịch góp phần quảng bá điểm đến, trải nghiệm trong nước trước khi du lịch quốc tế mở cửa.
NGUYỄN HOÀNG BẢO
Blogger Nguyễn Hoàng Bảo, từng "chân đi không mỏi" ở 92 quốc gia và vùng lãnh thổ, nay trở thành blogger ẩm thực sau thời gian nghỉ ở nhà vì giãn cách xã hội.
Tác giả cuốn sách du ký "Độc hành" đảm đương vài công việc một lúc, đều liên quan đến du lịch, gồm quản lý doanh nghiệp du lịch, giảng viên đại học ngành du lịch và viết lách. Tuy nhiên trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020, khối lượng công việc của anh giảm tới 50%. Thay vì tiếc nuối các kế hoạch bị hoãn do dịch bệnh, nam blogger đã tìm được niềm vui mới trong căn bếp.
Hồi tưởng về những chuyến đi nước ngoài, anh bèn nấu vài món khoái khẩu từng thưởng thức ở nước ngoài. Nhưng anh chỉ thực hiện được ít lần, vì tìm nguyên liệu rất khó vào thời điểm mọi nơi đóng cửa vì dịch. Chôn chân ở TP HCM, blogger gốc Vĩnh Long bỗng thèm những món ăn quê nhà mà bà nội và mẹ hay làm, rồi tự hỏi sao mình không thử sức với bữa ăn đậm chất quê hương. Sau ít lần "đổ bể", anh không chỉ nấu đúng công thức mà còn trình bày đẹp như đầu bếp "thứ thiệt". Đến nay, gần như tuần nào, thậm chí mỗi ngày, Hoàng Bảo đều trình làng những đặc sản dân dã mới như bún gỏi dà, bì cuốn, cơm tấm, bún cá Kiên Giang, bún riêu chả cá...
Hết giãn cách xã hội, blogger Nguyễn Hoàng Bảo dành phần lớn thời gian khám phá Cà Mau, do nhận được lời mời hợp tác phát triển du lịch địa phương. Tại đây, anh có dịp đi, ăn, và hòa vào nét sinh hoạt vùng quê sông nước, nhờ đó thêm phần tự tin và tự hào để giới thiệu nét đẹp nơi đây cho bạn bè gần xa. Bên cạnh đó, anh cũng dành thời gian "sống chậm" ở một số địa phương miền núi như Đà Lạt, Di Linh, Đăk Nông... "Nếu không đi được New Zealand, có lẽ tôi sẽ bỏ phố về rừng ở Di Linh thay thế", anh Bảo bộc bạch dòng tâm sự trên mạng xã hội.
Blogger này cho rằng ẩm thực là cầu nối văn hoá giữa các vùng miền, do đó, anh định hướng tìm hiểu thêm về ẩm thực Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè địa phương và trên thế giới, đặc biệt là các món miền Tây vốn quen thuộc với anh. Được thưởng thức 30 món từ cua Cà Mau, học nấu hơn 20 đặc sản miền Tây là "thành tích" của nam blogger trong năm 2020.
Khi đường bay quốc tế mở cửa trở lại, anh sẽ thực hiện hành trình 1.000 ngày đi các quốc gia còn lại trên thế giới.
Dấu chân người Việt trên con đường tơ lụa
NHỊ ĐẶNG
Dư dả thời gian vì phải dừng các chuyến đi nước ngoài, blogger Nhị Đặng thường thực hiện những chuyến "đi tới đâu hay tới đó" để vực dậy tinh thần du hí trong một năm hầu như ngưng trệ của mình.
Nhị Đặng là một nhân vật nữ nổi bật trong các blogger du lịch Việt.
Có thể nhiều người cho rằng, một blogger "nổi" như Nhị Đặng hẳn phải đi khắp dọc ngang đất nước. Nhưng thực ra blogger 33 tuổi này chưa từng đặt chân đến nhiều điểm đến quen thuộc ở Việt Nam như Côn Đảo hay đảo ngọc Phú Quốc - nơi cô mới lần đầu ghé thăm vào năm 2020.
Trong đó, cô nhớ nhất chuyến đi Cao Bằng cùng nhóm bạn. Đó là chuyến phượt đường dài trên chiếc ôtô cổ (sản xuất năm 1967), rong ruổi từ Hà Nội đến tỉnh vùng cao Đông Bắc, cắm trại đêm giữa thiên nhiên. Chính vì không theo kế hoạch, nhóm của Nhị Đặng vô tình đi qua làng đá Khuổi Ky. Nhân ngày rằm tháng Tám, họ cùng người dân địa phương tổ chức đêm phá cỗ cho các em nhỏ, dù không có một chiếc bánh trung thu nào. Cô bỗng nhận ra, kết quả thu được từ mỗi chuyến đi không hẳn phải sản xuất ra một đoạn phim, bộ ảnh đầu tư chất lượng chỉn chu như bản thân thường làm, mà quan trọng hơn là những giá trị tinh thần cô hiếm khi để tâm tới, đơn giản như những nụ cười trao đi và nhận lại.
Trước đây, nữ blogger từng có chút "định kiến" với một số địa phương trong nước, vì không mấy thoải mái với cảnh đông đúc. Nhưng khi gặp những nơi vắng vẻ, Nhị Đặng lại thấy hơi chạnh lòng vì tình trạng của ngành du lịch mùa dịch. Năm 2021, cô sẽ khám phá nhiều nơi ở Việt Nam hơn để giới thiệu lên mạng xã hội, góp phần ủng hộ du lịch trong nước, trước khi tái khởi hành những chuyến đi nước ngoài.
LÝ THÀNH CƠ
Lý Thành Cơ đã bỏ lỡ một chuyến Singapore, hai chuyến Hàn Quốc, dời lịch đến New Zealand và Mông Cổ trong năm 2020. Vào 8/3, trong chuyến công tác Hà Nội, blogger này đã có trải nghiệm không thể quên khi bất ngờ bị cách ly tại khách sạn nơi từng có du khách Anh nhiễm Covid-19 lưu trú.
Sau những chuyến đi ngoài nước khá bụi bặm, blogger trẻ tuổi dành "năm Covid" du lịch theo phong cách nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Điểm nghỉ chân của anh là hơn 25 khách sạn, khu nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên, nơi cho anh không gian để tập các bài yoga thư thái. Năm 2020, Cơ thấy đặc biệt vì đi thêm được nhiều nơi ở Việt Nam anh chưa từng ghé bao giờ như Buôn Mê Thuột, Ninh Vân... và cũng ghé lại một số điểm đến yêu thích.
Đầu tháng 11, chàng trai Sài Gòn đi 30 nước trong ba năm xuất bản cuốn sách mang tựa "Trăng mật với bản thân". Đây là cuốn sách du ký thứ ba trong sự nghiệp blogger du lịch của anh, chia sẻ kinh nghiệm một mình đến gần 25 quốc gia. Dù sách xuất bản trễ hơn dự kiến nửa năm, Lý Thành Cơ vẫn vui mừng vì đứa con tinh thần còn có thể ra đời được trong năm Covid.
"Mình không được há hốc mồm trước những chuyến đi đến những nơi xa xôi trên trái đất để thoả mãn đôi chân như năm 2019. Thay vì oán trách, mình xin gửi lời cảm ơn năm 2020 vì đã dạy mình bài học giữ gìn các mối quan hệ, chăm sóc bản thân nhiều hơn", blogger 9x bộc bạch. Năm mới, anh tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm những chuyến đi trong nước, tản văn về những chuyến đi trong quá khứ trên blog cá nhân.
Năm qua, cộng đồng du lịch cũng không quên sự kiện ngày trở về của blogger Trần Đặng Đăng Khoa sau chuyến hơn 1.000 ngày vòng quanh thế giới bằng xe máy. Về nước, anh lại lang thang trên khắp các cung đường, đặc biệt còn tổ chức bán đấu giá đồ kỷ niệm để gây quỹ ủng hộ bão lũ miền Trung hồi tháng 10/2020. Cùng thời gian, blogger Chan La Cà cũng băng vào rốn lũ để tham gia cứu trợ người dân.
Nhìn chung, các blogger chọn cách du lịch trong nước theo phong cách đa dạng hơn, như chuyên trải nghiệm khách sạn, resort cao cấp, hoặc "bỏ phố về quê", và tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong một năm đầy biến động.
Nơi hàng nghìn con gà chạy rông nhưng không ai ăn Nơi nào trên đảo Kauai cũng có gà hoang xuất hiện, từ những bãi biển, tới sân bay, trạm xăng hay cả bãi đỗ xe, sân golf, công viên... Đảo Kauai là nhà của hàng nghìn con gà hoang (còn gọi là moa ). Chúng lang thang khắp nơi, thích ứng nhanh với đời sống đa dạng ở thiên đường Hawaii này từ...