Sân bay Tân Sơn Nhất không bị nhiễu sóng do tín hiệu bên ngoài
Một lãnh đạo Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, điều tra ban đầu cho thấy không có tín hiệu bên ngoài làm nhiễu sóng hệ thống điều hành không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 16/6.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin truyền thông) cho biết, qua khảo sát đo đạc, kiểm soát tần số, cơ quan này xác định không có tín hiệu bên ngoài chèn vào đài điều hành không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 16/6. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn sóng gây nhiễu. Cục Tần số và Cục Hàng không vẫn phối hợp truy tìm.
Theo Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh, đánh giá của Cục Tần số vô tuyến điện rằng nguồn gây nhiễu không phải do bên ngoài tác động chỉ là một giả thuyết, chưa phải là kết luận chính thức của hai cơ quan.
Nhiễu sóng tín hiệu không lưu được rất nguy hiểm tới an toàn hàng không. Ảnh minh họa: Xuân Hoa
Ông Thanh cũng cho rằng, xác minh nguồn sóng gây nhiễu khá phức tạp vì nhiễu sóng xảy ra trong thời gian ngắn, đơn vị chức năng chưa kịp đo đạc nên có khi phải mất hàng tháng mới làm rõ được nguồn sóng từ đâu.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, trước đây, tại một số sân bay địa phương đã xảy ra tình trạng can nhiễu vô tuyến, phần lớn do các thiết bị vô tuyến điện từ các đài phát thanh, truyền hình trong khu vực lân cận gây ra.
Trước đó, từ 7h47 đến 8h05 sáng 16/6, Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất đã xảy ra hiện tượng can nhiễu trên tần số điều hành bay. Đánh giá ban đầu của Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay là do một nguồn sóng bên ngoài khác chèn vào.
Sau khi xảy ra sự cố, Đài kiểm soát không lưu đã kịp thời thiết lập hệ thống dự phòng song không đảm bảo năng lực điều hành như bình thường. Sự cố khiến 6 máy bay phải chờ trên vùng bay Tân Sơn Nhất, một chuyến phải chuyển hướng hạ cánh đến sân bay dự bị.
Video đang HOT
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, sự cố nhiễu sóng tín hiệu không lưu sáng 16/6 tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn bay, do vậy cơ quan này đang khẩn trương phối hợp với các bên liên quan tìm nguyên nhân.
Đoàn Loan
Theo VNE
Trung Quốc gây nhiễu sóng UAV Mỹ trinh sát ở biển Đông
Trung Quốc đã cố làm nhiễu sóng để ngăn máy bay trinh sát không người lái Global Hawk của Mỹ bay quan sát các đảo nhân tạo Bắc Kinh đang xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ do thám hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa - Ảnh minh hoạ: Reuters
Trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 22.5 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã gây nhiễu sóng khiến những người điều khiển máy bay do thám không người lái (UAV) Global Hawk ở mặt đất không thể điều khiển được, ít nhất một lần khi máy bay bay gần Đá Chữ Thập, nơi Bắc Kinh đang xây dựng trái phép đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự.
Tuy nhiên, chi tiết về vụ phá sóng này vẫn được giữ bí mật và ông Chris Sims, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, từ chối bình luận về vấn đề này.
Bà Rebekah Clark, nữ phát ngôn viên Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF), cũng từ chối bình luận về chuyến bay của Global Hawk gần quần đảo Trường Sa vì lý do an ninh, nhưng cho biết những chiếc Global Hawk được bố trí tại căn cứ Không quân Anderson trên đảo Guam của Mỹ.
"Từ Guam, Global Hawk hỗ trợ hoạt động do thám, thu thập thông tin tình báo ở Thái Bình Dương", bà Clark cho hay.
Chiếc Global Hawk có thể bay suốt 28 giờ liền, được điều khiển từ xa hoặc bay theo đường bay được lập trình sẵn, có khả năng quan sát 40.000 dặm vuông (gần 104.000 km vuông) trong vòng một ngày.
Hồi tuần rồi, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương, cho biết Global Hawk được triển khai ở châu Á là một phần trong chiến lược tăng cường lực lượng của Mỹ ở Biển Đông.
Ông Shear, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho hay Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc sẽ hoàn tất xây dựng một đường băng ở Đá Chữ Thập vào năm 2017 hoặc 2018. Đường băng này có thể phục vụ tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc.
Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) của Mỹ hồi đầu tháng 5.2015 đã tuần tra gần quần đảo Trường Sa để đảm bảo tự do hàng hải trên biển Đông. Hải quân Mỹ đưa ra một thông cáo báo chí, khẳng định trong quá trình tuần tra, USS Fort Worth đã cho một trực thăng không người lái Fire Scout và một trực thăng có người lái cất cánh từ tàu này.
Tuy nhiên, ông Sims sau đó đính chính, thông cáo của Mỹ có chi tiết không đúng và khẳng định không triển khai máy bay Fire Scout và không lý giải vì sao có sai sót này.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, qua ghi nhận máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ ngày 20.5 - Ảnh chụp màn hình video của CNN
Các tạp chí quân sự của Trung Quốc trước đó từng công bố việc quân đội Trung Quốc có thể ngăn chặn máy bay không người lái (UAV) của Mỹ bằng cách làm nhiễu sóng vệ tinh.
Ông Rick Fisher, chuyên gia quân sự Mỹ chuyên nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, nhận định Trung Quốc có thể cố gây áp lực để Mỹ phải ngừng những chuyến bay tuần tra ở châu Á bằng cách tấn công các UAV trước.
"Trong trường hợp không ngăn chặn được những UAV như Global Hawk, Trung Quốc có thể bắn hạ các UAV của Mỹ", theo ông Fisher. Bắc Kinh cũng có thể bắt được Global Hawk bằng cách phá sóng khiến cho nó rơi xuống vùng nước nông ở Biển Đông, ông Fisher cho hay.
Hồi năm ngoái, Mỹ từng thách thức Trung Quốc về vấn đề đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông khi Trung Quốc mới bắt đầu xây dựng cơ cở quân sự tại các đảo nhân tạo, nhưng Bắc Kinh không phản ứng mạnh mẽ bằng năm nay, ông Fisher nói.
Mới đây, ngày 20.5, Hải quân Trung Quốc đã 8 lần cảnh báo, xua đuổi máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ khi bay tuần tra gần ba đảo nhân tạo Bắc Kinh đang xây trái phép tại quần đảo Trường Sa. Lầu Năm Góc ngày 21.5 tuyên bố tiếp tục tuần tra trên không phận và hải phận quốc tế ở Biển Đông.
"Có khả năng vào mùa thu năm nay, quân đội Trung Quốc có thể bắt đầu triển khai vũ khí đến các đảo nhân tạo, trước tiên là radar quân sự cùng các tên lửa phòng không và tên lửa diệt hạm, sau đó là các máy bay chiến đấu J-11B; và Trung Quốc sẽ sử dụng chúng để xua đuổi lực lượng Mỹ khỏi khu vực", ông Fisher cho hay.
"Việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc rõ ràng là nỗ lực nhằm đạt vị trí thống lĩnh về mặt quân sự trong khu vực. Đáp lại những hành động của Trung Quốc, Mỹ nên hợp tác với đồng minh Philippines, cung câp thêm chiến đấu cơ và tên lửa đạn đạo tầm ngắn để tấn công các đảo nhân tạo nếu Trung Quốc tấn công tài sản của Philippines", ông Fisher nói.
Ông Fisher cũng cho rằng, chỉ khi lực lượng Mỹ và Philippines phối hợp và có đủ năng lực tiêu diệt những căn cứ quân sự mới của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo thì mới có cơ hội khiến Bắc Kinh cân nhắc lại hành động bành trướng quân sự của nước này ở Biển Đông.
Phúc Duy
Theo Thanhnien