Sân bay Tân Sơn Nhất có thể đóng cửa vì một con kênh
Có nhiệm vụ tiêu thoát 50% lượng nước trong sân bay nhưng kênh A41 đang tắc nghẽn, trong khi nhiều nhà cửa và công trình xung quanh Tân Sơn Nhất cũng bao vây lối thoát khác.
Kênh A41 thoát 50% nước cho sân bay nhưng nhiều đoạn bị lấn chiếm chỉ còn 0,8 m. Ảnh: Duy Trần
Kênh A41 thuộc phường 4 ( quận Tân Bình, TP HCM) sáng 16/9 đầy xà bần, rác sinh hoạt và cả tấm nệm, ghế salon, thùng mút… vương vãi nhiều chỗ, nhất là ở cửa các cống.
Dài 2 km, kênh xuất phát từ đoạn cống hộp gần 400 m trong sân bay trước khi thoát ra con kênh hở bên ngoài gần góc đường Phan Thúc Duyệt. Dòng nước từ đây chảy ngoằn ngèo trong khu dân cư về hướng đường Cộng Hòa trước khi chảy qua cống ngầm ra kênh Nhiêu Lộc. Có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước ở sân bay Tân Sơn Nhất ra ngoài, song A41 đang bị nhà dân lấn chiếm, nhiều đoạn thu hẹp chỉ còn 0,8 m.
“Trước kia kênh rất rộng, hai bên bờ thông thoáng nhưng sau đó nhiều hộ xả rác, lấn chiếm xây dựng khiến lòng kênh bị bồi đắp, không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước trong khu vực”, ông Tam (70 tuổi) – sống cách kênh A41 chừng 200 m, cho biết.
Tân Sơn Nhất còn 2 hệ thống thoát nước khác là kênh Hy Vọng (giúp thoát nước khu vực hành chính, khu sân golf hướng đường Phạm Văn Bạch ra kênh Tham Lương); còn lại là mương Nhật Bản (từ sân bay đến đường Nguyễn Kiệm) đảm trách việc thoát nước khu vực nhà ga quốc tế và khu vực sửa chữa máy bay.
Theo một lãnh đạo Tân Sơn Nhất, tình trạng ngập nghiêm trọng đang xảy ra trong sân bay mỗi khi có mưa lớn như hiện nay nguyên nhân chính là do kênh A41 không đảm bảo được việc thoát nước. Dòng chảy bên ngoài nhỏ, bị rác làm tắc nghẽn khiến nước ùn ứ không thoát ra kịp.
“Toàn bộ khu vực bãi đỗ máy bay (gần đường Phan Thúc Duyệt), nhà ga hàng hóa, kho hàng phụ thuộc vào kênh A41. Nếu không kịp thoát nước, khu vực này sẽ tái diễn ngập như những trận mưa trước. Phía sân bay đã kiến nghị UBND TP HCM cùng quận Tân Bình có biện pháp nạo vét, cải tạo kênh này để gấp rút cứu ngập cho Tân Sơn Nhất”, ông này nói.
Cống thoát nước của kênh A41 trong sân bay, đoạn này sẽ đi ngầm 400 m trước khi ra ngoài. Ảnh: A.X
Nói về tình trạng Tân Sơn Nhất ngập nặng mỗi khi mưa lớn, ông Nguyễn Ngọc Thiệp – Phó tổng thư ký Hội nước và môi trường TP HCM – loại trừ lý do triều cường bởi sân bay cao hơn mực nước biển 7-10 m. Không chỉ ra kênh A41 là “thủ phạm” duy nhất, song ông khẳng định nguyên nhân sân bay ngập là do hệ thống thoát nước bên trong và ngoài có vấn đề.
Video đang HOT
“Mưa với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều nhưng hệ thống tiếp nhận, tiêu thoát nước xung quanh sân bay bị bồi lắng phần đáy. Thực vật và rác nổi phần mặt, thậm chí một số đoạn bị lấn chiếm kiểu ‘thắt cổ chai’ nên dòng chảy tắc nghẽn, giảm năng lực thoát nước”, ông Thiệp phân tích.
Trước đây, quanh Tân Sơn Nhất là vùng đất nông nghiệp, thấp hơn trong sân bay nên khả năng tiêu thoát nước tốt. “Do đô thị hóa, người dân nâng cao nền, bêtông hóa bề mặt, nước mưa tập trung về kênh mương rất nhanh nên áp lực tiêu thoát rất lớn. Nước không thể thoát kịp cho khu bên ngoài thì sân bay ngập là điều tất yếu”, ông Thiệp đánh giá.
Đồng quan điểm, GS TSKH Lê Huy Bá cho rằng, vùng sân bay là đất phù sa cổ, nền cao, có độ dốc nên ngày xưa không có chuyện ngập trước. Đến trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có diện tích gấp 4-5 lần hiện nay, nước mưa dễ dàng tiêu thoát trên diện rộng và không gây ngập.
“Tuyến đường xung quanh được nâng lên nhưng hệ thống thoát nước của các đường này không kết nối với sân bay, khiến nhiều lối tiêu thoát nước của Tân Sơn Nhất bị chặn phá, gây tình trạng ngập bên trong”, ông Bá nhận định.
Sân bay Tân Sơn Nhất trong trận mưa ngày 11/9. Ảnh: Duy Trần
Ngoài ra, GS Bá còn đưa ra giả thuyết Tân Sơn Nhất ngập do diện tích teo lại, cùng với việc sân golf đang ảnh hưởng đến diện tích thoát nước của sân bay. Trong đó, hàng loạt công trình phục vụ cho sân golf như nhà hàng, khách sạn và hệ thống thoát nước chỉ phục vụ cho việc tiêu thoát nước khu sân golf.
“Diện tích đất tự nhiên tiêu thoát nước mưa của sân bay một lần nữa lại bị thu hẹp. Hơn thế, hệ thống thoát nước của sân bay cũ bị lấn chiếm và bồi lắp đã khiến nhiều khu vực bên trong ngập nặng”, ông Bá nói.
Thời gian gần đây, nhiều trận mưa lớn đã nhấn chìm bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất đến 30 cm, hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác, nghiêm trọng nhất có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện.
Về giải pháp tiêu thoát nước cho Tân Sơn Nhất, TP HCM đã có nhiều phương án. Trong đó có việc chi 360 tỷ đồng cải tạo kênh A41 nhưng dự kiến đến năm 2019 mới hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Người dân tại khu vực này cho biết sẽ sẵn sàng di dời nếu nhận được mức bồi thường hợp lý. Kênh Hy Vọng cũng sẽ được cải tạo trong giai đoạn 2017-2019.
Riêng mương Nhật Bản (đoạn từ tường rào sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Kiệm) được Trung tâm chống ngập cải tạo, dự kiến đến tháng 9 sẽ hoàn thành.
Duy Trần – Ngọc Hậu
Theo VNE
Sân bay Tân Sơn Nhất có thể đóng cửa vì ngập
Nhiều trận mưa lớn đã nhấn chìm bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất đến 30 cm, hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác, nghiêm trọng nhất có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện.
TP HCM đang vào cao điểm mùa mưa khiến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đối diện tình trạng ngập thường xuyên.
Để bơm cưỡng bức nước ra ngoài, chặn nước tràn vào trạm điện mỗi khi trời mưa lớn, khu vực Đài chỉ huy cũ được bố trí 2 máy bơm công suất 1.000 m3 mỗi giờ; gần trạm điện, nhiều bao cát cũng được trang bị... Nhiệm vụ "giải cứu" Tân Sơn Nhất được giao cho hàng chục nhân viên túc trực thường xuyên.
Máy bơm công suất 1.000 m3 tại khu vực thường xảy ra ngập ở Tân Sơn Nhất. Ảnh: A.X
Liên tục trong 2 năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất không thoát khỏi tình trạng bị nước nhấn chìm bãi đỗ máy bay sau những trận mưa có lưu lượng lớn, ảnh hưởng đến việc khai thác và đặc biệt là an toàn bay. Sự việc bắt đầu từ trận mưa ngày 15-16/8/2015, mở ra nỗi lo của sân bay mỗi khi Sài Gòn có mưa.
Tiếp đó, cơn mưa chiều 9/10/2015 khiến sân bay ngập 20 cm. Nước mưa không thoát kịp đã tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn Đài chỉ huy tại khu vực Đài chỉ huy cũ. Nhân viên sân bay phải bắc ván, dùng bao cát, bạt nylon để ngăn không cho nước tràn vào trạm điện Đài chỉ huy. Nước ngập sâu nhất ở thời điểm 16h nhưng may mắn là sau đó mưa nhỏ lại, nước rút từ từ đến 20h thì hết.
Trận mưa với lưu lượng 168 mm ập xuống Tân Sơn Nhất trong 2 giờ ngày 26/8 cũng khiến các bãi đỗ 10-14, 51-56 và 24-25 ngập sâu hơn 30 cm. Đường lăn M1 tại khu vực này phải dừng hoạt động khoảng một giờ chờ nước rút. Cơn mưa cũng khiến gần 70 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng. Trong đó có 2 chuyến bị hủy, 14 chuyến phải hạ cánh xuống các sân bay lân cận như Liên Khương, Cam Ranh... 4 chuyến bay quốc tế không hạ cánh được phải đáp xuống sân bay của Campuchia, Thái Lan.
Nhiều hành khách phản ánh, việc mưa ngập tại Tân Sơn Nhất khiến họ trễ bay 2-3 giờ. Đặc biệt, có khách đi chuyến 17h50 nhưng đến 22h chưa được bay. Tại khu vực nhà chờ tại sân bay, mỗi khi có mưa lớn đều đông nghịt người cho trễ chuyến kéo dài.
Hay mới đây, hôm 11/9, mưa lớn lại khiến bãi đỗ máy bay nằm gần đường Phan Thúc Duyệt biến thành sông.
Khu vực bãi đổ máy bay tại Tân Sơn Nhất bị ngập ngày 26/8. Ảnh: Khánh Bằng
Theo lãnh đạo Tân Sơn Nhất, tình trạng ngập ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả khai thác bởi đây là sân bay lớn nhất nước, trung bình mỗi ngày có khoảng 630 chuyến (dịp hè đến 750 chuyến). Việc trễ chuyến kéo dài dây chuyền, ảnh hưởng đến hàng nghìn hành khách. Khi đó, máy bay sẽ bay lòng vòng trên trời chờ hạ cánh hoặc phải đáp xuống sân bay khác.
Ngoài ảnh hưởng đến hành khách, sân bay bị ngập còn tác động đến hạ tầng kỹ thuật như đường băng, các phương tiện phục vụ, hỗ trợ trong sân bay... có thể khiến nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, trận ngập chiều 9/10/2015 được đánh giá nguy hiểm nhất khi nước mưa tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn Đài chỉ huy tại khu vực Đài chỉ huy cũ.
"Tình huống nghiêm trọng nhất có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế", lãnh đạo Tân Sơn Nhất đánh giá.
Trước việc an toàn bay bị đe dọa, sân bay Tân Sơn Nhất đã "cầu cứu" UBND TP HCM, chỉ ra nguyên nhân gây ngập là do mương thoát nước A41 từ đường Phan Thúc Duyện và đường Cộng Hòa (phường 13, quận Tân Bình) có nhiều chỗ bị lấn chiếm. Bên cạnh đó, người dân xả rác, chất thải xuống mương gây ách tắc dòng chảy. Nhiều vị trí lòng mương bị lấn một nửa so với thiết kế ban đầu. Trong khi đây là những nhánh mương bảo đảm thoát nước cho 50% lượng nước tại khu vực sân đỗ tàu bay của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cũng cho tình trạng ngập tại Tân Sơn Nhất nghiêm trọng có thể phải dừng hoạt động của sân bay, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh nói với báo Thanh Niên: "Đã là công trình sân bay liên quan đến hoạt động an toàn thì phải đảm bảo không ngập úng. Tuy nhiên, các sân bay nằm độc lập có hệ thống thoát nước riêng như sân bay Cam Ranh (Nha Trang) không bị ảnh hưởng, còn các sân bay nằm trong lòng thành phố, phụ thuộc vào hệ thống thoát nước của thành phố thì phải chịu trận chung. Cái khó là ngoài sân bay cũng ngập thì nước trong sân bay thoát đi đâu".
Hệ thống cống thoát nước ra kênh A41, tại khu vực này nước thường không thoát ra kịp gây ngập bãi đổ. Ảnh: A.X
Mới đây, TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn cấp tìm giải pháp chống ngập cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trước mắt, phải nạo vét, duy tu thường xuyên để đảm bảo thoát nước qua rạch A41 trong mùa mưa. Các hành vi lấn chiếm, xâm hại trái phép hệ thống thoát nước phải có biện pháp xử lý, tránh ảnh hưởng đến dòng chảy của rạch.
UBND quận Tân Bình cũng đề xuất UBND TP HCM đầu tư Dự án cải tạo mương Nhật Bản (phường 2) với số vốn 360 tỷ đồng để giải quyết ngập cho sân bay. Đây là mương hở, rộng 3-4 m, từ sân bay Tân Sơn Nhất qua nút giao Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Trường Sơn - Hồng Hà hướng ra công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) với chiều dài 745 m.
Dự kiến ngày 17/9 UBND TP HCM và các đơn vị liên quan sẽ họp triển khai khẩn cấp các biện pháp chống ngập cho Tân Sơn Nhất.
Duy Trần - Ngọc Hậu
Theo VNE
Vừa về đến nhà lao vào dập cháy: 'Sém mất bộ tóc rồi!' Khuôn mặt đen thui vì bị khói hun, ông T. (chủ nhà) sờ sờ mái tóc, kể may mắn vì vừa về đến nhà thì phát hiện cháy nên ông kịp thời dập lửa. Thời điểm đó nhà ông không có ai ở nhà. Nhà ông T. trên đường Lê Văn Sỹ (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) vừa bị cháy. Ông cho...