Saigon Co.op xin đại hội bất thường
Saigon Co.op cho rằng việc không công nhận nghị quyết của Đại hội thành viên có thể gây ra những rủi ro cho Saigon Co.op trong các hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế.
HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vừa có văn bản gửi Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM liên quan thực hiện kết luận thanh tra.
Theo đó, Saigon Co.op cho hay, đại hội thành viên thường niên năm 2020 của Saigon Co.op đã thống nhất bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Anh Đức.
Tuy nhiên, theo thông báo của Văn phòng UBND TP.HC M chỉ đạo không công nhận nghị quyết của Đại hội thành viên Saigon Co.op. “Điều này tạo nên tình thế khó khăn pháp lý, có thể gây ra những rủi ro cho Saigon Co.op trong các hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác, nhà cung cấp…” – văn bản nêu.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cho phép triệu tập Đại hội thành viên bất thường cùng với sự tham dự và định hướng của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP để quyết định những nội dung liên quan đến quyết nghị bãi nhiệm.
Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đề xuất, trong thời gian chờ triệu tập Đại hội thành viên bất thường, ông Nguyễn Anh Đức vẫn giữ chức vụ tổng giám đốc Saigon Co.op, tiếp tục chỉ đạo điều hành các công việc nội bộ và ký các văn bản xử lý những công việc liên quan đến các cơ quan thuộc hệ thống công quyền của Nhà nước (trừ những văn bản, hồ sơ mang tính pháp lý hoạt động kinh tế của Saigon Co.op).
Trước đó, ngày 27/7, Thanh tra TP.HCM đã công bố kết luận thanh tra về các sai phạm tại Saigon Co.op, trong đó đặc biệt là sai phạm liên quan đến việc tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, đầu năm 2020, Saigon Co.op tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng theo phương án huy động vốn từ các thành viên. Có 20/26 hợp tác xã thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỷ đồng.
Tuy nhiên Thanh tra phát hiện, trong các năm 2018, 2019, một số HTX có mức lợi nhuận sau thuế dưới 6 tỷ đồng không tham gia góp vốn. Trong khi đó, phần lớn HTX có lợi nhuận sau thuế từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỷ đồng.
“Do tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được từ 26% – 39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Điều này cũng cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Đồng thời, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự” – kết luận thanh tra nêu rõ.
Video đang HOT
Ngay sau khi Thanh tra TP công bố kết luận, Thafnh ủy TP.HCM đã đình chỉ sinh hoạt cấp ủy và các vai trò Ban chấp hành, Ban thường vụ và Bí thứ Đảng ủy Saigon Co.op đối với ông Diệp Dũng bởi ký do: Ông Diệp Dũng với vai trò của mình tại Saigon Co.op đã tổ chức chỉ đạo huy động vốn trái pháp luật, tổ chức Đại hội thường niên trái pháp luật và thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã hủy 4 nội dung đăng ký thay đổi lần thứ 34 của Saigon Co.op, không thừa nhận số vốn góp 3.597 tỷ đồng của các HTX thành viên đầu năm 2020 với lý do khai báo thông tin chưa chính xác.
Lộ diện mưu toan thôn tính Saigon Co.op
Saigon Co.op đang dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với tỷ lệ 43% và cũng là nhà bán lẻ nội địa duy nhất cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế như BigC, Lotte Mart, Aeon Mall.
Vì vậy, những bất thường tại đơn vị này được Thanh tra TP.HCM phát hiện và nhận định "có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản, xâm phạm đến tài sản chung và tài sản Nhà nước..." đang gây chấn động dư luận.
Saigon Co.op là nhà bán lẻ nội địa có mạng lưới lớn nhất Việt Nam.
Hành trình mập mờ tăng vốn điều lệ
Theo công bố kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), thì sự vụ lộ rõ vào năm 2020, khi tăng vốn điều lệ bất thường, đến mức Thanh tra phải nhận định: "Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến tài sản chung và tài sản Nhà nước, ảnh hưởng tới an ninh kinh tế...".
Nhưng theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, để đi đến thời điểm "chung kết" trên, đã có một lộ trình tăng vốn nhập nhèm công - tư, chung - riêng tại Saigon Co.op từ nhiều năm trước.
Quyết định số 1344A/QĐ-UB-KT, ngày 5/3/1999 của UBND TP.HCM phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Saigon Co.op thể hiện, tổng vốn đăng ký lần đầu của Saigon Co.op là hơn 23 tỷ đồng, bao gồm: hơn 1 tỷ đồng vốn điều lệ; 198 triệu đồng vốn trợ công của Nhà nước; gần 22 tỷ đồng vốn tích lũy không chia. Ngoài ra, Saigon Co.op còn được UBND TP.HCM và cơ quan chức năng ưu đãi trong giao, thuê đất để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện mục tiêu chính trị của TP.HCM.
Theo quy định, vốn điều lệ được hình thành từ vốn góp của các hợp tác xã (HTX) thành viên. Còn tài sản không chia (cơ sở vật chất và vốn tích lũy được trích từ lợi nhuận sau thuế để tạo nguồn vốn tích lũy thuộc sở hữu chung, không chia) không được sử dụng để tăng vốn điều lệ.
Năm 2014, tại Nghị quyết của Đại hội Thành viên (nhiệm kỳ 2014 - 2019), Saigon Co.op đã tăng vốn điều lệ lên 2.400 tỷ đồng. Trong con số trên, chỉ có hơn 17 tỷ đồng vốn góp của HTX thành viên là đúng quy định; còn lại hơn 2.300 tỷ đồng góp tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn tích lũy thuộc sở hữu chung không chia của Saigon Co.op.
Tương tự, năm 2015, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Saigon Co.op tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng, nhưng trong đó có hơn 3.180 tỷ đồng là vốn tích lũy không chia; 198 triệu đồng vốn trợ công; chỉ có hơn 19 tỷ đồng là vốn góp của HTX thành viên.
Ở 2 lần tăng vốn điều lệ chủ yếu lấy từ vốn tích lũy không chia, Thanh tra TP.HCM cho rằng không đúng quy định tại Điều 4, Luật Hợp tác xã (quy định về vốn điều lệ). Nhưng nguy hơn, với "chiêu" đưa tài sản không chia vào tăng vốn điều lệ, thì số vốn của chung không chia nghiễm nhiên thành vốn điều lệ của Saigon Co.op. Theo Luật Hợp tác xã, khi đã là vốn điều lệ, thì lại không còn là tài sản chung không chia. Lúc đó, nhà đầu tư nào thâu tóm được Saigon Co.op, thì đương nhiên, tài sản chung đó trở thành "của riêng".
Ván bài "lật ngửa"
Năm 2020, Saigon Co.op quyết định tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng và động thái này có thể xem là cú "lật bài" phút chót, nếu thành công thì "của chung" sẽ thành "của ông".
Điều này được Thanh tra TP.HCM phân tích khá rõ. Cụ thể, để tăng vốn điều lệ, Saigon Co.op đã huy động gần 3.600 tỷ đồng là nguồn vốn góp của các HTX thành viên.
Nhưng qua kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX năm 2018, 2019, Thanh tra phát hiện thực tế... tréo ngoe: nhiều HTX đạt lợi nhuận (sau thuế) cao như HTX Thương mại quận 3 (đạt hơn 5,4 tỷ đồng), HTX Thương mại dịch vụ Tân Bình (đạt hơn 5,6 tỷ đồng) lại không tham gia góp vốn.
Trong khi đó, phần lớn HTX thua lỗ, hoặc chỉ lãi từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp vốn với số tiền hàng trăm tỷ đồng, như HTX Thương mại dịch vụ Linh Tây (lỗ gần 49 triệu đồng, nhưng góp vốn hơn 952 triệu đồng), HTX Thương mại Thị Nghè (lỗ hơn 163 triệu đồng, nhưng góp vốn tới hơn 244 triệu đồng), HTX Thương mại Cầu Kinh (lỗ trên 105 triệu đồng, nhưng lại góp tới 2,9 tỷ đồng); HTX Thương mại Bàn Cò (lỗ hơn 1,8 triệu đồng, nhưng lại góp hơn 6 tỷ đồng)...
Qua làm việc với 23/26 HTX thành viên (3 HTX không đến làm việc), có 20 HTX thành viên tham gia góp vốn cho thấy có việc huy động vốn từ thành viên bên ngoài, có trường hợp ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các cá nhân ngoài HTX.
Để củng cố tiếp nhận định của mình, Thanh tra TP.HCM đã tiến hành phân tích tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư: "Phân tích tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của các HTX thành viên cho thấy, tỷ suất lợi nhuận đạt được từ 26 - 39% trên vốn góp, nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở".
"Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP.HCM với tên gọi Liên hiệp HTX Mua bán Thành phố. Đến năm 1998, đơn vị này đổi tên thành Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM với 20 HTX thành viên. Năm 2019, doanh thu của Saigon Co.op đạt mức hơn 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm trước."
Đó là chưa kể hàng loạt bất thường liên quan việc huy động vốn lần này.
Cụ thể, HĐQT Saigon Co.op chưa xây dựng phương án huy động vốn trình Đại hội Thành viên thông qua, nhưng việc huy động vốn đã thực hiện trước khi diễn ra Đại hội Thành viên bất thường lần 1, ngày 30/1/2020.
Các HTX thành viên không cung cấp các hồ sơ liên quan việc góp vốn, việc huy động vốn theo yêu cầu thanh tra, không chấp hành đúng nội dung Quyết định thanh tra và thẩm quyền thanh tra của UBND TP.HCM tại Khoản 2, Điều 61, Luật Hợp tác xã.
Đáng chú ý, có 13 HTX thành viên ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Bính (ngụ tại Hà Nội) làm việc với Đoàn Thanh tra, nhưng người này cũng không cung cấp được các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn để làm rõ nguồn vốn góp.
Ngoài ra, để quá trình thanh tra được chính xác, chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, ngày 24/7/2020, Thanh tra TP.HCM có Văn bản số 166/TTTP-P5 đề nghị Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm đình chỉ việc tiến hành Đại hội Thành viên cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, Saigon Co.op không chấp hành, vẫn tiến hành Đại hội, biểu quyết các vấn đề liên quan làm ảnh hưởng đến hoạt động và nội dung Kết luận thanh tra về công tác nhân sự, phương án huy động vốn, tăng vốn điều lệ, việc rút vốn của các HTX thành viên...
Vì vậy, Thanh tra TP.HCM cho rằng: "Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Đồng thời, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung, việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự".
Hàng loạt sai phạm khác
Bên cạnh những dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản đề cập ở trên, Thanh tra TP.HCM còn chỉ ra nhiều sai phạm tại Saigon Co.op.
Cụ thể, từ năm 1999 đến nay, Saigon Co.op được UBND TP.HCM giao cùng Sở Tài chính - Vật giá TP.HCM (nay là Sở Tài chính TP.HCM) xây dựng Quy chế Quản lý nguồn vốn, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Mặt khác, các tài sản Saigon Co.op tiếp nhận từ Liên hiệp HTX Mua bán Thành phố chuyển sang và nguồn tài trợ khác, Saigon Co.op phải có nghĩa vụ sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển và xây dựng quy chế để quản lý chặt chẽ tài sản không chia, nhưng Saigon Co.op chưa mở sổ theo dõi khi tiếp nhận tài sản không chia là không thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra, trong năm 2015, sau khi trích lập Quỹ Dự phòng tài chính, Saigon Co.op đã kết chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng sang quỹ đầu tư phát triển là thực hiện không đúng Thông tư số 83/2015/TT-BTC, ngày 28/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính áp dụng đối với HTX, liên hiệp HTX.
Với loạt sai phạm trên, ngoài đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo, yêu cầu Saigon Co.op không thay đổi nhân sự HĐQT, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các phòng, ban đến khi có kết luận xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của người có thẩm quyền; phối hợp Sở Tài chính TP.HCM khẩn trương xây dựng quy chế để quản lý, mở sổ theo dõi chặt chẽ tài sản không chia tích lũy qua các năm được tiếp nhận từ Liên hiệp HTX Mua bán Thành phố, nguồn tài trợ khác và Saigon Co.op có nghĩa vụ sử dụng hiệu quả, bảo toàn, phát triển;
Cùng với đó, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo, yêu cầu Saigon Co.op rà soát kiểm tra, làm rõ nguồn vốn góp của các HTX thành viên, đề xuất phương án xử lý số vốn điều lệ tăng từ vốn, tài sản không chia; số tiền huy động năm 2020 tăng vốn điều lệ không đúng quy định; phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề xuất phương án xử lý số tiền tăng vốn điều lệ từ nguồn tích lũy không chia qua các năm...
Thành ủy TP.HCM đã đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, các vai trò trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Đảng ủy tại Đảng bộ Saigon Co.op đối với ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Saigon Co.op.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM xác định, ông Diệp Dũng đã tổ chức chỉ đạo huy động tăng vốn trái pháp luật; tổ chức Đại hội thường niên trái pháp luật; thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.
Ông Diệp Dũng được điều động làm lãnh đạo Saigon Co.op từ tháng 9/2015.
Còn nhiều điều kiện kinh doanh "trói chân" doanh nghiệp Qua 2 đợt cải cách thủ tục, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trước đây (năm 2016 và năm 2018), nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) liên quan tới ĐKKD đã được hủy bỏ, đơn giản hóa. Hoạt động kinh doanh khí do 2 cơ quan cùng đưa ra yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, điều kiện đảm...