Saigon Co.op làm ăn ra sao dưới thời ông Diệp Dũng?
Thông tin ông Diệp Dũng Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op bị bắt gây xôn xao dư luận mấy ngày nay. Saigon Co.op dưới thời ông Diệp Dũng đều duy trì mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ/năm và phủ sóng 100 siêu thị trên toàn quốc.
Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP.HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã mua bán thành phố. Đến năm 1998, đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM với 20 hợp tác xã thành viên. Vốn của Saigon Co.op được hình thành từ 2 nguồn là: Nhà nước hỗ trợ và vốn góp của HTX thành viên.
Saigon Co.op nằm trong top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Ban chấp hành Đảng bộ Saigon Co.op là Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn thường xuyên của Ban thường vụ và Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Tháng 8/2015, ông Diệp Dũng được Thành ủy chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op và được bầu làm Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong khoảng thời gian này, mặc dù hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn vẫn lỗ triền miên thì công ty mẹ Saigon Co.op vẫn duy trì được mức lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, năm 2015 Saigon Co.op đạt 100% kế hoạch, với doanh thu vượt mức 25.000 tỷ đồng, nộp thuế đạt 100% kế hoạch đề ra, bình quân thu nhập đầu người tăng từ 7% đến 11%.
Đến năm 2016, tổng doanh số của công ty tăng 11% so với năm 2015, đạt gần 105% so với kế hoạch. Dù số liệu không được chia sẻ tuyệt đối, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng doanh số của công ty năm 2016 khoảng 27.800 tỷ đồng.
Sang năm 2017, doanh số Saigon Co.op đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 7% so với 2016, còn lợi nhuận đạt 100% kế hoạch đề ra. Mô hình Co.opextra, Co.opfood, siêu thị Co.opmart đều có sự tăng trưởng và doanh thu ổn định.
Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM công bố doanh thu năm 2018 đạt hơn 30.000 tỷ đồng, gấp hơn 30.000 lần so với thời điểm mới thành lập năm 1989.
Năm 2019, Saigon Co.op đã đạt doanh thu 35.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2018.
Một số cơ quan báo chí nêu, theo sổ sách kế toán, đến cuối năm 2019, nguồn vốn hình thành từ lợi nhuận tích lũy (lợi nhuận không chia) của Saigon Co.op là hơn 3.180 tỷ đồng. Đầu năm 2020, Saigon Co.op quyết định tăng vốn điều lệ từ hơn 3.180 tỷ đồng lên gần 6.800 tỷ đồng (tăng hơn gấp đôi).
Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và định hướng phát triển hoạt động kinh doanh năm 2020, Saigon Co.op công bố doanh số năm 2019 đạt mức hơn 35.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm (tăng hơn 3.000 tỷ đồng), tăng 9,4% so với năm 2018.
Video đang HOT
Ông Diệp Dũng – Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op. Ảnh: TTXVN
Năm 2020, Saigon Co.op đặt kế hoạch kinh doanh tăng 10%, đạt 38.900 tỷ đồng; Phát triển mạng lưới và nâng cao hiệu quả đầu tư tại tất cả các mô hình bán lẻ. Phấn đấu phát triển hơn 200 điểm bán mới, vượt mốc 1.000 điểm bán vào cuối năm 2020 và là đơn vị bán lẻ thuần Việt có nhiều nhất các mô hình bán lẻ hiện đại nhất Việt Nam.
Số liệu của công ty mẹ Saigon Co.op cho thấy, kể từ năm 2015 đến nay, đều duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ/năm. Đến năm 2020, Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trong cả nước, nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, Saigon Co.op đã 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ.
Việc tăng vốn điều lệ và huy động vốn từ các HTX thành viên của Sài Gòn Co.op qua các năm 2014, 2015 và 2020 cũng được Thanh tra TP chỉ ra với những sai sót khó hiểu.
Cụ thể, năm 2014, Sài Gòn Co.op tăng vốn điều lệ lên 2.400 tỷ đồng. Nội dung tăng vốn điều lệ không được thể hiện tại biên bản Đại hội đồng thành viên và nhiệm kỳ 2014 – 2019. Tuy nhiên, tại nghị quyết của Đại hội đồng thành viên lại có nội dung này.
Lần tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng vào năm 2015 cũng được Hội đồng quản trị Sài Gòn Co.op thống nhất nhưng nội dung này lại không được trình và thông qua tại Đại hội đồng thành viên.
Đầu năm 2020, Saigon Co.op tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng theo phương án huy động vốn từ các thành viên. Có 20 hợp tác xã thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỷ đồng.
Kiểm tra kết quả hoạt động kinh doanh của một số HTX, Thanh tra TP thấy có dấu hiệu bất thường khi nhiều HTX có lợi nhuận sau thuế cao nhưng lại không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn các HTX có lợi nhuận từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thậm chí lỗ lại tham gia góp vốn hàng trăm tỷ đồng.
Nếu không làm rõ nguồn vốn tăng lên thì Sài Gòn Co.op sẽ bị chi phối bởi các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Sài Gòn Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay.
Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) – Công an TP.HCM cũng đã tiếp nhận hồ sơ có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Saigon Co.op nhằm làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cá nhân liên quan để xử lý theo quy định.
Như đã đưa tin, trưa 16/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Diệp Dũng (sinh năm 1968, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op) vì liên quan đến việc tăng vốn điều lệ ở Saigon Co.op.
Theo đó, ông Diệp Dũng bị bắt, khởi tố về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Cùng ngày, Công an TPHCM đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Dũng. Quá trình khám xét, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã thu giữ một số tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Cuối tháng 7/2020, Thành ủy TP.HCM đã triển khai quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Diệp Dũng, đồng thời đình chỉ các vai trò Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Đảng ủy của ông Dũng tại Đảng bộ Saigon Co.op.
Tháng 8/2020, ông Diệp Dũng đã gửi đơn đến Thường trực Thành ủy TP.HCM xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Theo đơn xin từ nhiệm, ông Dũng cho rằng mặc dù 5 năm qua (2015 – 2020) kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả thực hiện vai trò công cụ điều tiết an sinh xã hội, bình ổn giá của TP đạt tương đối tốt.
Tuy nhiên ông Dũng thấy rằng mình chưa hoàn thành trách nhiệm của một người đứng đầu Saigon Co.op được tổ chức giao phó, đặc biệt là đối với việc tăng vốn điều lệ, dẫn đến hàng loạt vấn đề không hay xảy ra vừa qua; chưa hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đoàn kết và lãnh đạo tập thể Ban Chấp hành Đảng ủy Saigon Co.op.
Những ai 'góp siêu tốc' 3.597 tỷ đồng vào Saigon Co.op?
Hàng loạt hợp tác xã thành viên góp vốn vào Saigon Co.op đồng loạt xin rút lại gần như toàn bộ phần vốn vừa góp...
HTX thương mại Thị Nghè vốn điều lệ 2,53 tỷ đồng, lỗ hơn 163 triệu đồng nhưng góp hơn 244 tỷ đồng.
Như Thanh Niên đã thông tin, Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) hình thành có phần hỗ trợ từ ngân sách (vốn công trợ) trong hình thành tài sản của đơn vị. Sau 31 năm thành lập đã trở thành nhà bán lẻ hàng đầu VN, vào Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Saigon Co.op luôn dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với tỷ lệ khoảng 43%, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ 2. Trên phạm vi cả nước, hệ thống siêu thị, đại siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm, bách hóa hiện đại... nằm ở nhiều vị trí đắc địa và giá trị thương mại cao.
Theo số liệu công bố của Saigon Co.op, có hơn 1 triệu lượt khách hàng đến hệ thống của Saigon Co.op tham quan và mua sắm mỗi ngày; lợi nhuận cao, đạt từ 26 - 39% trên vốn góp; doanh thu năm 2019 đạt hơn 35.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800 - 1.500 tỷ đồng/năm. Đặc biệt hơn, tổng tài sản của Saigon Co.op theo sổ sách kế toán ghi nhận năm 2019 lên đến hơn 16.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, Saigon Co.op được ví là "gà đẻ trứng vàng" của tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể...
Ào ạt huy động vốn ngoài để thâu tóm "gà đẻ trứng vàng"?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, quá trình hoạt động của Saigon Co.op từ 1999 đến tháng 1/2020 có 9 lần tăng vốn điều lệ: Từ hơn 1 tỷ đồng năm 1999 tăng lên 3.200 tỷ đồng (lần thứ 8) vào năm 2015 và tăng vọt lên hơn 6.797 tỷ đồng (lần thứ 9) vào tháng 1.2020.
Khi vào cuộc, Thanh tra TP. HCM kết luận việc tăng vốn điều lệ lần thứ 9 tại Saigon Co.op không đúng quy định pháp luật, "có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung".
Thanh tra TP. HCM cũng cho rằng nếu để Saigon Co.op bị thâu tóm, thì "gà đẻ trứng vàng" này "sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động".
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, liên quan việc tăng vốn điều lệ đột biến lần thứ 9 ở Saigon Co.op, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP. HCM đang tiếp tục làm rõ những dấu hiệu sai phạm. Nguồn tin của PV Thanh Niên cũng cho biết toàn bộ số tiền 3.597 tỷ đồng nằm trong 1 tài khoản chuyên dùng của Saigon Co.op mở ở ngân hàng.
Sau khi ông Diệp Dũng bị Thành ủy TP. HCM kỷ luật và rời khỏi chức Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op (việc tăng vốn điều lệ lên 6.797 tỷ đồng diễn ra trong thời gian ông Diệp Dũng làm Chủ tịch HĐQT), dàn lãnh đạo Saigon Co.op không dám "đụng" vào số tiền này vì "còn chờ kết quả điều tra làm rõ của công an"...
Đáng lưu ý, dù xác định việc tăng vốn có nhiều dấu hiệu bất thường, nhưng trong quá trình thanh tra theo luật định, Thanh tra TP. HCM chưa thể làm rõ những dấu hiệu bất thường này vì các HTX thành viên đã "không cung cấp cho đoàn thanh tra các hồ sơ liên quan đến việc góp vốn". Vì vậy, sau khi kết luận thanh tra được đưa ra, dư luận đặt nghi vấn phải chăng có thế lực ngầm đứng sau dòng tiền hàng ngàn tỷ đồng góp vốn vào Saigon Co.op?
Theo tìm hiểu của PV, thời điểm tháng 1/2020 tăng vốn điều lệ (được cơ quan thanh tra đánh giá là bất thường), trong 26 HTX thành viên của Saigon Co.op có 6 HTX thành viên không góp vốn, gồm: thương mại dịch vụ Tân Bình, thương mại P.14 (Q.3), thương mại dịch vụ Bàu Cát, thương mại Q.3, thương mại dịch vụ Gia Định và thương mại LP 6 - 7.
Trong 20 HTX thành viên góp 3.597 tỷ đồng bằng tiền mặt vào Saigon Co.op, HTX nông nghiệp Xuân Lộc góp ít nhất với 50 triệu đồng; có 11 HTX vốn điều lệ nhỏ (tính đến thời điểm cuối năm 2019, tổng vốn chỉ hơn 46 tỷ đồng), thậm chí có HTX kinh doanh thua lỗ, nhưng đã góp hàng trăm tỷ đồng mỗi đơn vị.
Cụ thể, HTX thương mại dịch vụ P.6 (Q.4) vốn điều lệ 3,21 tỷ đồng, góp hơn 202 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ - sản xuất Long Xương vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng, góp hơn 241 tỷ đồng; HTX thương mại P.8 (Q.3) vốn điều lệ 3,213 tỷ đồng, góp hơn 242 tỷ đồng; HTX thương mại Bình Hòa vốn điều lệ 3,101 tỷ đồng, góp hơn 242 tỷ đồng; HTX thương mại Thị Nghè vốn điều lệ 2,53 tỷ đồng, lỗ hơn 163 triệu đồng nhưng góp hơn 244 tỷ đồng; HTX thương mại Đô Thành vốn điều lệ 9,117 tỷ đồng, lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp hơn 247 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ Bến Nghé vốn điều lệ 2,055 tỷ đồng, góp hơn 281 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ Phú Thịnh vốn điều lệ 1,96 tỷ đồng, góp hơn 282 tỷ đồng; HTX tiêu dùng P.14 (Q.8) vốn điều lệ 4,012 tỷ đồng, góp hơn 283 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ Q.11 vốn điều lệ 12,3 tỷ đồng, đã góp hơn 306 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ Linh Tây vốn điều lệ 3,105 tỷ đồng, lỗ gần 49 triệu đồng và góp đến hơn 952 tỷ đồng.
Đối với HTX thương mại Thị Nghè đã góp hơn 244 tỷ đồng, đơn vị này huy động vốn theo hợp đồng hợp tác vốn đầu tư số tiền 242,1 tỷ đồng. Trong đó, từ Công ty TNHH MTV Anh Tú Thy 240 tỷ đồng, từ bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh 2 tỷ đồng, từ ông Văng Vĩnh Nguyên 100 triệu đồng.
Đối với HTX thương mại dịch vụ Phú Thịnh (góp hơn 282 tỷ đồng), theo báo cáo của UBND Q.Phú Nhuận (TP. HCM) về thực hiện chức năng quản lý đối với hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn, thì phần HTX này huy động vốn từ nguồn lực bên ngoài 280,6 tỷ đồng; trong đó, từ hợp đồng hợp tác góp vốn với Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới 280 tỷ đồng; từ cá nhân hợp tác với HTX 600 triệu đồng...
Đồng loạt xin rút vốn khi bị phanh phui
Cũng theo tìm hiểu của PV, tại nhiều HTX tăng đột biến góp vốn vào Saigon Co.op, thành viên HĐQT đã bị điều chỉnh bởi có thêm tên những cá nhân mới góp vốn vào. Và chiếu theo điều lệ của Saigon Co.op, những "nhân tố" này sẽ chiếm lấy quyền chi phối, phân chia lợi nhuận của "gà đẻ trứng vàng" Saigon Co.op. Đây chính là mấu chốt của vấn đề "có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung" như Thanh tra TP. HCM kết luận.
Ngày 10/7 vừa qua, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP. HCM) có văn bản thông báo về việc Saigon Co.op đăng ký tăng vốn điều lệ, đã vi phạm vào các hành vi bị cấm theo quy định của luật HTX năm 2012: "Các hành vi bị cấm: ... Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung đăng ký HTX, liên hiệp HTX".
Cụ thể, đại hội thành viên bất thường của Saigon Co.op thống nhất phương án huy động vốn từ các HTX thành viên để tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết số 12/NQ-ĐHTV ngày 30/1/2020, trong khi việc góp vốn tăng thêm của các HTX thành viên đã được hoàn tất từ ngày 20/1/2020 (trước 10 ngày so với ngày đại hội thành viên Saigon Co.op thông qua phương án huy động vốn). Đáng chú ý, tất cả 3.597 tỷ đồng mà 20 HTX thành viên góp vào Saigon Co.op, tài khoản mở chuyển đều từ 1 ngân hàng, tài khoản nhận của Saigon Co.op cũng mở tại chính ngân hàng này. Việc chuyển tiền góp vốn cùng lúc diễn ra chỉ trong vài ngày.
Sau khi phi vụ tăng vốn điều lệ bất thường bị phanh phui và có thông báo vi phạm từ Sở KH-ĐT TP. HCM, nhiều HTX thành viên góp vốn đồng loạt có đơn gửi đại hội thành viên, HĐQT Saigon Co.op xin rút một phần vốn góp.
Trong đó, HTX tiêu dùng P.14 (Q.8) xin rút 280 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ Linh Tây xin rút 950 tỷ đồng; HTX thương mại Thị Nghè xin rút 242,6 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ Bến Nghé xin rút 280 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ - sản xuất Long Xương xin rút 240 tỷ đồng; HTX thương mại Bình Hòa xin rút 240 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ P.6 (Q.4) xin rút 200 tỷ đồng; HTX thương mại Đô Thành xin rút 240 tỷ đồng...
Điều lạ, nhiều đơn xin rút hàng trăm tỷ đồng vốn góp, đều có chung lý do: "Hiện nay, do nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của HTX, HTX chúng tôi có nhu cầu, kế hoạch rút một phần số vốn đã góp vào Saigon Co.op...". Các "đơn xin rút" này cũng đều đề nghị Saigon Co.op "thực hiện trong thời gian sớm nhất". Tuy nhiên, đến ngày 27/10, chưa có một HTX thành viên nào được rút vốn.
Hợp tác thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương Đến nay có 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại ở các tỉnh, thành Đông-Tây Nam Bộ, vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)...