Sai lầm của phương Tây khi để người nhiễm nCoV cách ly tại nhà
Ngoài xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, các nước châu Á còn cách ly tập trung các ca nhiễm triệu chứng nhẹ. Nhưng phương Tây không làm như vậy.
Một trung tâm rộng lớn ở Singapore chuyên tổ chức triển lãm hàng không vũ trụ được cải tạo thành nơi chứa hàng nghìn giường dành cho người nhiễm nCoV không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Hàn Quốc trưng dụng các ký túc xá, trong đó có nhà ở cho công nhân của một số công ty công nghệ, cho mục đích này.
Kể từ ngày 4/3, khi luật bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc được thắt chặt, người dương tính với nCoV ở nước này không thể từ chối cách ly tập trung.
Tại Việt Nam và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, những nơi đã gần như kiềm chế được Covid-19, bệnh viện có thể tiếp nhận cả những ca nhiễm nhẹ và nặng, nhưng nhà chức trách còn đi xa hơn một bước. Họ đưa cả những người tiếp xúc gần với người nhiễm vào các cơ sở cách ly tập trung, bởi người mắc Covid-19 có thể truyền virus cho người khác ngay cả trước khi có triệu chứng.
Trung tâm triển lãm ở Vũ Hán được biến thành bệnh viện dã chiến chăm sóc bệnh nhân triệu chứng nhẹ hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.
Cách tiếp cận này khác rất nhiều so với phần lớn phương Tây, nơi những người cần chăm sóc y tế được đưa vào bệnh viện, trong khi các trường hợp nhẹ, chiếm phần lớn số ca nhiễm, chủ yếu được yêu cầu tự cách ly tại nhà. Nhiều chuyên gia y tế công cộng ở châu Âu và Mỹ nhận định họ cần thay đổi điều đó, trong khi những người khác lại cho rằng việc cách ly tập trung là hạn chế quá mức quyền tự do cá nhân và ép người nhiễm nCoV phải tách khỏi người thân.
Tại Italy, nơi ghi nhận hơn 219.000 ca nhiễm, giới chức y tế nhận ra hộ gia đình là nơi lây nhiễm chính. Andrea Checchi, thị trưởng San Donato Milanese ở Milan, cho biết ông chú ý đến xu hướng này khi nhìn vào danh sách nhiễm nCoV trong thị trấn. “Những cái họ và số điện thoại giống nhau cứ lặp đi lặp lại”, ông kể. “Nhiều người bị lây trong các hộ gia đình”.
Video đang HOT
Viện Y tế Quốc gia Italy phát hiện hơn 1/5 số người dương tính với nCoV kể từ ngày 1/4 có thể đã nhiễm từ các thành viên gia đình, theo dữ liệu cập nhật tuần trước. Tỷ lệ này chỉ sau số ca lây nhiễm trong viện dưỡng lão, chiếm khoảng một nửa số trường hợp được xác nhận.
Ở các thành phố như Milan, người nhiễm nCoV được chọn cách ly trong các khách sạn chuyên dụng. Nhưng khuyến khích họ cách ly với gia đình không phải là ưu tiên của chính phủ và hầu hết người nhiễm chọn ở nhà. Đó là sai lầm cần được khắc phục, Roberto Burioni, nhà virus học tại bệnh viện San Raffaele ở Milan cảnh báo. “Đây là điều rất cần thiết”, ông nói.
Các chuyên gia đánh giá rất khó để các thành viên gia đình tránh hoàn toàn tiếp xúc với nhau khi ở nhà. Ngay cả những ca nhẹ cũng cần được chăm sóc về thể chất và tinh thần và các gia đình thường có xu hướng chủ quan sau vài ngày tự cách ly, Annelies Wilder-Smith, giáo sư về bệnh truyền nhiễm mới tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London cho biết.
Một số người nghi ngờ họ nhiễm nCoV nhưng không đi xét nghiệm và khi các triệu chứng giảm, họ kết luận rằng có lẽ họ chưa bao giờ mắc bệnh, trong khi có thể họ đã thực sự nhiễm nCoV và lây virus cho người khác.
Wilder-Smith cùng một nhóm chuyên gia so sánh hai kiểu cách ly và đăng kết quả trên tạp chí y khoa Lancet. Họ ước tính trong một thành phố có 4 triệu người, cách ly tại gia sẽ giúp giảm 190.000 ca nhiễm, tức 20%. Trong khi đó, khi áp dụng cách ly tập trung, con số đó sẽ là gần 550.000, tức 57%.
Tuy nhiên, bà nói rằng việc cách ly tập trung trong những cơ sở như trung tâm hội nghị hoặc doanh trại quân đội có thể bị coi là gây khó chịu với phần lớn người châu Âu và Mỹ. “Chuyện này nghe có vẻ đáng sợ với phương Tây”, bà nói.
Một nữ bác sĩ nhiễm nCoV cách ly ở nhà cùng với chồng con tại Italy hồi tháng trước. Ảnh: NYTimes.
Thành phố Vũ Hán, nơi dịch khởi phát ở Trung Quốc, đã sớm nhận ra không nên cách ly ở nhà. Giới chức Vũ Hán phát hiện các thành viên trong gia đình lây cho nhau và họ bắt đầu chiến dịch cách ly nghiêm ngặt vào tháng hai. Các trường hợp nghi nhiễm hoặc có triệu chứng nhẹ và cả những người từng tiếp xúc gần với người nhiễm đều được đưa vào bệnh viện dã chiến hoặc trung tâm cách ly.
Ở Hàn Quốc, khi ca nhiễm tăng vọt vào cuối tháng hai, nhiều trường hợp nhẹ ban đầu được cách ly tại nhà vì nước này không đủ giường bệnh cho tất cả mọi người. Nhưng giới chức sau đó nhanh chóng chuyển sang cách ly tập trung tại ký túc xá của công ty cho những người không có triệu chứng nghiêm trọng. Các cơ sở này có giường, Wi-Fi và một số nơi có TV.
Không bệnh nhân Hàn Quốc nào từ chối cách ly tập trung kể từ khi Hàn Quốc siết chặt quy định, người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù nếu vi phạm. Hầu hết cơ sở điều trị dã chiến giờ đã đóng cửa, khoảng 85% bệnh nhân trên toàn quốc đã xuất viện và Hàn Quốc không còn phải đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh.
Harvey Fineberg, chủ tịch ủy ban thường trực về các bệnh truyền nhiễm mới tại Học viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia tại thủ đô Washington, cho biết Mỹ có thể bắt đầu triển khai cách ly tập trung trên tinh thần tự nguyện, sử dụng khách sạn hoặc các cơ sở công cộng tiện nghi và bố trí y tá chăm sóc.
Cách ly tập trung còn có ưu điểm khác. Các bác sĩ nhận thấy nhiều người nhiễm nCoV không có triệu chứng nghiêm trọng có thể đột nhiên bị khó thở. Nếu cách ly tập trung, họ được theo dõi nếu dấu hiệu xấu đi và được nhanh chóng đưa đến bệnh viện, theo Todd Pollack, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Harvard và tham gia vào một chương trình y tế tại Việt Nam.
Việt Nam đã làm phẳng đường cong của dịch, khi chỉ ghi nhận 288 ca nhiễm nCoV, 25 ngày không phát hiện ca lây trong cộng đồng, một phần nhờ biện pháp cách ly. Nguyen Nhan Hoa, 29 tuổi, sở hữu một cửa hàng bán đồ gia dụng, đi cách ly tại một trung tâm huấn luyện quân sự ở Hà Nội vào tháng trước sau khi một phụ nữ bán hành cho anh nhiễm nCoV. Cả hai đều đeo khẩu trang và anh đã không nhận tiền trả lại từ người phụ nữ nhưng vẫn được cách ly để đề phòng.
Hoa ở chung phòng với 7 người khác, được cung cấp xà phòng, kem đánh răng và dầu gội đầu. Nhân viên y tế đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày và các chiến sĩ phát cơm ba lần một ngày. Loa phóng thanh phát nhạc mỗi tối, gồm ca khúc Ghen Cô Vy khuyến khích rửa tay và các bài hát cách mạng.
Các cơ sở cách ly có thể không quá thoải mái với nhà vệ sinh và nhà tắm chung. Nhưng Le Thu Hoai, nhà phân tích tài chính 32 tuổi sống ở London 16 năm, cho biết cô vui vẻ chấp nhận cách ly khi cô và con trai 2,5 tuổi bay về Việt Nam để tránh dịch khi tình hình tại Anh diễn biến phức tạp. Hoai cho biết ngay cả khi chính phủ không bắt buộc, cô cũng sẽ đi cách ly, có thể tại một khách sạn hoặc nhà cho thuê ngắn hạn thay vì về nhà bố mẹ ở Hà Nội.
Quãng thời gian cách ly hai tuần không thoải mái vì Hoai đang mang thai, nhưng cô tự nhủ không nên quá để ý đến vấn đề này giữa lúc tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Cô và và con ban đầu được cách ly tại một thư viện và ở chung phòng với một người khác. Khi con trai cô bị ho, họ được chuyển đến một doanh trại có nhiều y tá và bác sĩ hơn.
Wilder-Smith, sống ở Singapore 18 năm, cho biết người phương Tây có thể dần chấp nhận cách ly tập trung. Họ từng khó chấp nhận phong tỏa và đeo khẩu trang nhưng giờ các biện pháp này đã được sử dụng rộng rãi.
“Điều không được chấp nhận hôm nay có thể được chấp nhận ngày mai, nếu mọi người hiểu tại sao cần làm vậy”, bà nói.
Nga trở lại tốp 5 về chi cho quốc phòng
Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do bị áp đặt các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ và Phương Tây, nhưng về cơ bản, Nga đã đứng vững và không ngừng đầu tư để nâng cao năng lực quốc phòng.
Theo số liệu vừa công bố của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga đã quay trở lại tốp 5 cường quốc chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng. Theo đó, năm 2019, Nga dành khoảng 3,9% GDP (65,1 tỷ USD, tăng 4,5%) cho ngân sách quốc phòng, mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu tại một hội nghị ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong tốp 5 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất, Mỹ vẫn đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp đến là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Ả-rập Xê-út. Lần đầu tiên trong lịch sử có hai quốc gia châu Á lọt vào tốp 3. Tổng ngân sách quốc phòng của 5 quốc gia này chiếm tới 62% chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2019. Trong đó, Mỹ đã chi 732 tỷ USD (tăng 5,3%), chiếm 38% tổng chi của toàn thế giới; Trung Quốc dành cho quốc phòng số tiền 261 tỷ USD (tăng 5,1%); còn Ấn Độ tăng 6,8% chi phí cho quốc phòng với tổng mức chi 71,1 tỷ USD.
Bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, các cường quốc châu Á khác như Nhật Bản (47,6 tỷ USD), Hàn Quốc (43,9 tỷ USD) cũng mạnh tay chi cho quốc phòng.
Trên bình diện toàn cầu, năm 2019, tổng chi tiêu quân sự của các nước trên thế giới đạt mức 1.917 tỷ USD, chiếm 2,2% GDP toàn cầu, tăng 7,2% so với năm 2018. Nếu chia theo đầu người thì con số này tương đương với 249 USD/người.
Kim Jong-un vắng mặt 20 ngày là vì lý do này? Sự vắng mặt của ông Kim Jong-un, ngoài các đồn đoán về vấn đề y tế, có thể là nỗ lực thu hút sự chú ý của thế giới đối với Triều Tiên, bà Ilya Dyachkov, phó giáo sư Khoa Đông phương học tại Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) cho biết. Ông Kiim Jong-un xuất hiện hôm 1/5....