Sai lầm của người mẹ đập nát điện thoại khi phát hiện con xem nội dung xấu
Không thể bình tĩnh trước việc con xem phim nhạy cảm trong điện thoại, bà mẹ đã có phản ứng tiêu cực.
Sốc nặng khi phát hiện con xem nội dung xấu
Công nghệ phát triển, mạng xã hội có sức lan tỏa rộng rãi, trẻ em rất dễ tiếp cận những hình ảnh, video có nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Trong bối cảnh đó, gia đình, nhà trường, cộng đồng có trách nhiệm giáo dục và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Dẫu vậy, không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách chặn con cái tiếp xúc với những nội dung nhạy cảm và ngay cả khi chuyện đó xảy ra, không phải ai cũng biết cách phản ứng đúng đắn.
Bà mẹ sốc khi phát hiện con xem phim nhạy cảm. Ảnh: T.S.
Khi con trai cả bước vào lớp 8, chị Nguyễn T.S. (35 tuổi, Vĩnh Phúc) mua cho con một chiếc điện thoại thông minh.
Chị từng lo ngại chuyện con mải xem phim, chơi game dẫn đến bỏ bê học hành nhưng vì con thường xuyên phải nhận thông báo từ thầy cô, nhà trường qua Facebook, Zalo nên vẫn để con dùng điện thoại.
Một lần lấy điện thoại của con để lướt Facebook, chị thấy hiện ra nhiều video có nội dung nhạy cảm. Chị tò mò vào mục tìm kiếm của Google thì sốc nặng khi thấy hàng loạt lượt tìm kiếm và cả những câu hỏi về chuyện phòng the.
“Tôi điếng người. Đứa con trai mới 13 tuổi của tôi sao có thể xem mấy thước phim này? Trong giây phút mất kiểm soát, tôi đập nát chiếc điện thoại của con, quát tháo ầm ĩ, quên luôn việc lúc đó trong nhà còn có các thành viên khác.
Thằng bé xấu hổ, lặng lẽ vào phòng khóa chặt cửa. Bữa tối hôm ấy, con nhất định không ra ăn cơm. Chồng tôi phải khuyên nhủ rất nhiều, mẹ con tôi mới có thể mở lòng với nhau”, chị S. kể.
Cơn nóng giận qua đi, chị nhận ra phản ứng và cách giải quyết của mình là sai lầm. Lẽ ra, chị nên bình tĩnh hơn để hỏi han, lắng nghe con rồi khuyên nhủ con làm những điều đúng đắn.
Và hơn thế, trước khi để con sử dụng điện thoại thông minh, chị nên lường trước ảnh hưởng tiêu cực có thể có, từ đó dùng các biện pháp chặn con tiếp xúc với những nội dung không phù hợp.
Video đang HOT
Cha mẹ cần ứng xử khéo léo
Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ em có xu hướng tò mò về giới tính. Việc giáo dục giới tính cho con là điều các bậc cha mẹ nên làm trong suốt hành trình con lớn khôn.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân cho hay, nếu một ngày phát hiện con cái tò mò, xem những nội dung nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi, phụ huynh nên có cách ứng xử khéo léo.
Nóng giận quát mắng, chì chiết,… là những phản ứng tiêu cực, dễ làm leo thang hành vi của con bởi theo tâm lý chung, “trái cấm bao giờ cũng ngọt”.
Khi bị bố mẹ quát mắng, trẻ có thể tạm ngưng hành vi nhưng trong lòng không phục, không thỏa mãn nhu cầu, càng không hiểu tại sao bị cấm. Chưa kể, trách móc, quát nạt, phê phán sẽ làm tổn thương tâm lý con trẻ.
Đó không phải là cách giáo dục phù hợp, đặc biệt đối với việc giáo dục giới tính cho trẻ đang ở tuổi mới lớn.
“Cha mẹ nên ngồi lại, ôn tồn hỏi: Lý do con xem phim nhạy cảm là gì? Ai chỉ cho con? Tần suất xem? Xem từ khi nào? Con cảm thấy ra sao?,… Khi nhẹ nhàng và khéo léo hỏi chuyện, phụ huynh có thể hiểu con hơn và tìm ra cách xử lý phù hợp.
Phụ huynh cần định hướng giáo dục cho con tốt hơn. Bên cạnh đó, cần cập nhật kiến thức, phương pháp giáo dục con cái thông qua đọc sách báo, tài liệu hoặc sự hướng dẫn của chuyên gia”, thạc sĩ Lê Minh Huân chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, phụ huynh cần cởi mở chia sẻ với con về “bài học giới tính”, để con hiểu được việc xem quá nhiều phim nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi và sức khỏe sinh sản của con sau này.
“Cha mẹ cần giáo dục giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt, giáo dục cần diễn ra thường xuyên, tuần tự và có đối chiếu với tâm lý lứa tuổi của trẻ.
Cha mẹ có thể tìm gặp các nhà chuyên môn hoặc tham gia các lớp học về giáo dục giới tính để cập nhật và nâng cao kỹ năng, kiến thức giáo dục con cái.
Đặc biệt, phụ huynh phải làm gương và luôn đồng hành cùng trẻ để việc giáo dục giới tính mang lại kết quả tốt nhất”, thạc sĩ Minh Huân nói.
Mâm cơm giản dị của cậu học sinh lớp 4 bất ngờ nhận "bão like" từ dân mạng
Đi học về sớm, bé Thành Duy (SN 2015) nhanh nhẹn vo gạo, nấu cơm, lặt rau, rửa thịt nấu bữa trưa, để mẹ và chị gái về đến nhà sẽ có ngay mâm cơm nóng hổi.
Mới đây, trên Facebook cá nhân, chị Bùi Thị Mận (SN 1985) - một tiểu thương tại Hải Dương - chia sẻ hình ảnh mâm cơm đủ thịt, rau và cho biết đây là mâm cơm do con trai chị - bé Nguyễn Thành Duy (SN 2015) - tự tay nấu nhờ sự hướng dẫn của chị qua điện thoại.
Chị viết: "Bữa cơm đầu tay của cháu lớp 4 đây các bác ơi. 10h30 tan học là cháu về cắm cơm, rồi đi bộ ra chợ lấy thịt về luộc, gọi video cho mẹ để mẹ dạy cách làm".
Bài đăng của chị Mận bất ngờ nhận được hơn 160.000 lượt yêu thích, hơn 10.000 lượt bình luận và hàng trăm lượt chia sẻ của dân mạng. Nhiều người dành lời khen cho con trai chị Mận vì còn nhỏ tuổi nhưng đã biết nấu mâm cơm chỉn chu.
Bé Thành Duy được mẹ hướng dẫn nấu cơm qua điện thoại (Ảnh: Chụp màn hình).
Tài khoản Nguyễn Nhữ để lại bình luận: "Đối với người làm mẹ, đây có thể là bữa cơm ngon nhất và đối với người con, đây cũng là bữa cơm ý nghĩa nhất". Tài khoản Nga Lê viết: "Dù cơm ngon hay không vẫn thưởng cháu điểm 10. Cháu ngoan và dễ thương quá".
Không ít người còn dành lời khen cho chị Mận vì đã nuôi dạy con rất tốt, giúp con có các kỹ năng sống cần thiết từ khi còn rất nhỏ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Mận cho biết bé Thành Duy đang là học sinh lớp 4 trường Tiểu học Tân Trường 2 (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Bé còn một người chị đã lấy chồng và một người chị đang học lớp 7.
Hằng ngày, chị Mận đi bán ở chợ từ sáng sớm, đến gần 12h mới về nhà, nên mỗi sáng, chị em của Duy tự đi chợ mua đồ ăn sáng cho nhau rồi đến trường.
"Từ khi chị cả của bé Duy lấy chồng, cháu cũng bắt đầu tập nấu cơm bằng nồi cơm điện để đỡ đần cho mẹ. Hằng ngày, bé đi học về sớm nên vo gạo, nấu cơm. Đến khi đi bán về, tôi mới bắt đầu làm đồ ăn. Lần này, do nấu những món đơn giản nên bé có thể tự thực hiện luôn", chị Mận cho hay.
Chị nói thêm, lần đầu nấu bữa trưa, bé Duy bình tĩnh gọi điện để mẹ hướng dẫn. Chị cũng từ tốn dạy con cách rửa thịt, canh nước luộc thịt, luộc rau cũng như thêm mắm muối vào khi luộc để thức ăn có thêm hương vị.
Sau khi nấu cơm, luộc thịt và rau xong, bé Duy đợi mẹ về thái ra từng miếng nhỏ, rồi dọn cơm và cùng nhau ăn trưa.
Chị Mận và bé Thành Duy (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chị Mận cho biết thường ngày, bé cũng biết nấu mì, rán trứng, rán xúc xích để ăn. Khi nấu nướng, chị cố tình nhờ bé Duy giúp những món đơn giản để con trau dồi thêm kỹ năng.
Theo chị Mận, do mẹ đi làm suốt ngày, nên các con cũng cần biết nấu nướng để khi đói có thể tự làm đồ ăn. Tuy nhiên, hiện bé Duy chỉ biết làm những món luộc đơn giản, còn xào, kho hay nấu canh thì bé vẫn chưa thể thực hiện được.
"Thỉnh thoảng, cháu cắm cơm quên bật nút. Khi tôi nấu đồ ăn xong xuôi, chuẩn bị ăn cơm mới phát hiện, thế là ba mẹ con phải ngồi chờ cơm chín", chị Mận nói vui.
Chị Mận cũng cho biết ngoài nấu nướng, bé Duy còn thường xuyên chủ động giúp mẹ việc nhà, bưng bê hàng hóa. Bé cũng sống rất tình cảm, những dịp lễ như Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bé không quên chúc mừng và tặng hoa cho mẹ.
"Có hôm, con hái hoa giấy giấu sau lưng để làm mẹ bất ngờ, khiến tôi vô cùng xúc động", chị Mận nhớ lại.
Bé Duy thường xuyên phụ giúp mẹ việc nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chị Mận cũng cho biết bản thân rất bất ngờ vì mâm cơm đầu tiên con trai chị nấu nhận được sự quan tâm rất lớn từ dân mạng. Ban đầu, chị chỉ định chụp ảnh, đăng tải lên mạng xã hội nhằm lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời của con.
"Tôi bận bán hàng nên cũng không thể phản hồi tất cả bình luận của mọi người. Song, được mọi người quan tâm, chia sẻ tôi rất vui, con trai cũng rất thích thú. Quan trọng hơn, nhìn thấy con trai khôn lớn, trưởng thành hơn mỗi ngày tôi lại càng thêm hạnh phúc", chị Mận tâm sự.
Mẹ bỉm ném mạnh bình sữa xuống sàn, ngồi khóc trong tủi thân, ấm ức, chỉ có những người mẹ từng trải qua mới thấu Trong giây phút này, người phụ nữ cảm thấy cực kỳ mệt mõi. Những chị em đã, đang và sắp làm mẹ hẳn đã quen với cụm từ "trầm cảm sau sinh", nhưng nếu chưa gặp phải thì sẽ không biết nó thực sự đáng sợ tới mức nào. Căn bệnh này như một sự thay đổi khủng khiếp về mặt tính cách,...