‘Sài Gòn tử tế’ của chàng trai Bình Phước
Chàng trai ấy nói mình không được sinh ra ở Sài Gòn nhưng nhận được nhiều giá trị từ mảnh đất đô thị phương Nam này, nên “cần kể lại câu chuyện về vùng đất tử tế giúp mình trưởng thành”.
Nguyễn Văn Luận cùng những khoảnh khắc của Sài Gòn được ghi lại – Ảnh: Q.NG.
Chàng trai quê Bình Phước ấy đã đặt tên cho dự án là Sài Gòn tử tế. Nguyễn Văn Luận chia sẻ: “Tôi được nhận rất nhiều điều tử tế khi đặt chân lên thành phố này trọ học, rồi đi làm và giờ sống tại đây.
Tôi nhớ mãi câu chuyện cô bán bánh mì lâu ngày gặp lại nhưng vẫn nhớ hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi vì đã từng nghe tôi kể. Trời ơi, sao họ đối xử với tôi tử tế thế! Và tôi muốn chia sẻ nhiều câu chuyện tử tế mình gặp với người xung quanh”.
Chúng ta hay đọc được chuyện tử tế trên mạng xã hội, tôi muốn nhiều người được thấy, “chạm” vào những điều tử tế, có địa chỉ xác thực trong chính cuộc sống hằng ngày.
NGUYỄN VĂN LUẬN
Sài Gòn đã tử tế lâu rồi!
* Sao lại là “Sài Gòn tử tế”?
- Lúc ấy tôi hợp tác cùng nhóm Humans of Saigon chuyên ghi lại những khoảnh khắc của Sài Gòn từ nhiều góc ảnh khác nhau. Trong đó phần nhiều ảnh ghi lại chân dung, câu chuyện về thân phận người, những con người rất bình dị nơi mảnh đất này. Tôi cùng họ làm tập sách ảnh chỉ mong được chia sẻ những bức ảnh đó đến với nhiều người hơn. Tôi đã đọc nhiều câu chuyện, xem nhiều bức ảnh về Sài Gòn và chọn Sài Gòn tử tế làm tên gọi cho dự án.
Video đang HOT
Cũng có người nói dùng tên Sài Gòn dễ gợi nhắc về xưa cũ. Tôi không nghĩ vậy. Sài Gòn đã là cách gọi quá thân thuộc với vùng đất này. Chưa kể chuyện tử tế nơi đây nói không quá rằng đã được minh chứng theo thời gian, trở thành điều đương nhiên, được khẳng định rồi.
Chúng tôi không kể chuyện xưa cũ mà nói về nhịp sống Sài Gòn hiện tại, dung dị và đời thường. Một cách nào đó, dự án của tôi đang hưởng lợi từ “sự tử tế” của mảnh đất Sài Gòn.
* Chặng đường mà anh cùng các bạn đã đi qua, đã kể về một Sài Gòn tử tế là gì?
- Dự án ra đời hơn một năm, hoạt động vẫn còn khiêm tốn lắm. Ngoài tập sách ảnh, một vài triển lãm ảnh đã làm, chúng tôi có tổ chức đêm nhạc, bán một vài mặt hàng lưu niệm, hoạt động gây quỹ. Số tiền có được từ những nguồn ấy chúng tôi dùng chia sẻ với bất kỳ ai thật sự cần được giúp.
Chúng tôi hoàn thành một MV, bản audio Sài Gòn vẫn thế (nhạc sĩ Hồ Tiến Đạt sáng tác), một vài giọng hát khác nhau thể hiện. Rồi quán cà phê Touch Saigon cafe ra đời, như một nét văn hóa cà phê vốn thân quen ở Sài Gòn. Quán như địa điểm để chúng ta cùng chia sẻ những câu chuyện tử tế của Sài Gòn, cũng là nơi diễn ra một vài hoạt động của dự án.
Tấm thiệp sẻ chia mà dự án “Sài Gòn tử tế” của Luận thực hiện để giúp người bán vé số trong mùa dịch COVID-19 – Ảnh: Q.NG.
Từ thiện là sẻ chia
* Tức đích đến cuối cùng sẽ là những hoạt động từ thiện?
- Trong dự định ban đầu, dự án này không chuyên tâm làm từ thiện. Với người Sài Gòn, việc làm từ thiện gần như trở thành điều hiển nhiên hằng ngày, đặc biệt là những lúc gặp chuyện khó khăn. Tuy vậy, tôi không thích cách nghĩ làm từ thiện là đem cho ai thứ gì đó mà nên là chia sẻ lại điều mình có, đã được nhận với ai đó đang thiếu và cần.
Mỗi ngày chúng ta đều nhận được từ những người xung quanh cả điều hay lẫn chưa hay mà mỗi người tùy nhận thức, quan niệm sống để chọn lựa, chắt lọc các giá trị cho riêng mình.
Thực tế có rất nhiều người, nhiều nhóm vẫn âm thầm làm rất nhiều việc hay, tử tế ở đâu đó giữa thành phố này mà chắc chắn chúng ta không thể biết hết được. Điều dự án mong muốn là được san sẻ, kể về những câu chuyện đẹp, chuyện tử tế ấy của Sài Gòn và làm sao để chúng lan tỏa đến nhiều người hơn.
* Còn tấm thiệp chia sẻ dành cho những người bán vé số ở Sài Gòn giữa cơn dịch COVID-19 mới đây thế nào rồi?
- Tôi gọi đó là tấm thiệp sẻ chia. Được thiết kế cách điệu dựa trên hình ảnh tờ vé số, tấm thiệp có hình của một người bán vé số khuyết tật dù vất vả mưu sinh nhưng lại cười rất tươi. Tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó cho những người bán vé số ở Sài Gòn, có thể không được nhiều vì sức mình có hạn thôi nhưng phải làm nên tôi bắt tay làm ngay.
Mỗi tấm thiệp có giá 100.000 đồng, có thể gửi tặng nhau như món quà lưu niệm. Khi mua bạn đã ủng hộ số tiền tương ứng và dự án chuyển toàn bộ thành quà đến người bán vé số.
Chúng tôi xin phép gửi một phần nước uống từ chính quán cà phê của mình, nhưng có nhiều người mua thiệp mà không chịu nhận nước.
Chúng tôi kỳ vọng gửi đi 500 tấm thiệp sẻ chia nhưng cuối cùng con số này là 579. Những phần quà đầu tiên đã được trao tận tay những người khó khăn, và chúng tôi đang tìm để trao số quà còn lại.
QUỐC LINH thực hiện
'Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi...'
Đường phố Sài Gòn những ngày này bớt đi tiếng còi xe lúc tan tầm, cũng chẳng còn cảnh nhiều người chen nhau để mua một món ăn vội...
Sài Gòn một chiều bình yên - Ảnh: Hoài Thương
Ai cũng bảo, năm nay Sài Gòn có dịp nghỉ tết dài ngày mà với một đứa phương xa như tôi, chưa có dịp sống ở Sài Gòn những ngày tết đến thì nay mới biết, hóa ra, Sài Gòn bình yên là như thế này đây. Một cảm giác vừa lạ, vừa thương Sài Gòn thiệt nhiều.
Nhớ ngày mới vào Sài Gòn, một đứa sinh viên năm nhất lơ ngơ nơi xứ người đã được nhận không biết bao nhiêu lời dặn dò, nào là phải cẩn thận cảnh giác móc túi, nào là không được nói chuyện với người lạ kẻo bị lừa, nào là khi lên buýt phải ôm ba lô, túi xách cho thật chặt,... Khi được gieo quá nhiều sự nguy hiểm như thế, như một lẽ tự nhiên, tôi mang trong mình cảm giác sợ Sài Gòn. Nhưng nay đã qua năm thứ tư sống nơi đây, tôi thấy Sài Gòn có nhiều cái để thương, để yêu, để trân trọng lắm chứ.
Đúng là đôi khi Sài Gòn có xô bồ thiệt đấy, có phức tạp thiệt đấy nhưng nếu ta nhìn ở mặt tích cực thì mảnh đất này bao chứa biết bao điều đáng yêu, thân thương mà khi ta chịu mở rộng lòng mình để cảm nhận, thì bỗng nhiên, Sài Gòn từ mảnh đất lạ bỗng hóa thân thương thật nhiều.
Nhịp sống Sài Gòn vào một sáng chủ nhật - Ảnh: Thùy Trinh
Những ngày cuối tuần, tôi thường thong dong trên những cung đường của Sài Gòn để ngắm nhìn những sự chuyển xoay của cuộc sống. Sài Gòn không vội lắm đâu nếu bạn trao đi một nụ cười cho người lạ nào đó để rồi nhận lại thoáng chút bối rối và sau đó là nụ cười đáp trả từ đối phương.
Tôi nhớ có lần, trong một sáng vội vã cho kịp giờ hẹn, tôi bỗng nhiên khựng lại và nghe tim mình khẽ rung lên khi một cậu bé bán vé số không hề quen biết trước đó, chìa ra đưa cho tôi một con hạc bằng giấy và bảo "Em tặng chị nè". Tôi mỉm cười cảm ơn em và nhận lấy con hạc trong niềm hân hoan để bắt đầu ngày mới của mình. Trên tay em còn nhiều con hạc khác, tôi hỏi "em tự gấp để dành tặng mọi người à?". Em không trả lời tôi, chỉ gật đầu rồi mỉm cười bỏ chạy... Tôi nhìn theo bóng em, lòng chợt nghĩ, cảm ơn em vì vẫn giữ một trái tim thiện lương và ấm áp, cho dù số phận có đẩy đưa em vào những hoàn cảnh như thế nào.
Rồi trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 như thế này, mọi người hạn chế ra ngoài đường theo chỉ đạo cách ly của Chính phủ, nhiều hàng quán đóng cửa, doanh nghiệp hoạt động trì trệ, những người bán vé số cũng thất nghiệp từ khi bước sang tháng 4... Không riêng một ai, tất cả mọi người đang phải trải qua những ngày tháng thật sự khó khăn này.
Nhưng khó khăn nào rồi cũng sẽ qua khi tình người vẫn còn đó, vẫn hiện hữu thật rõ nét trong những ngày này. Những quán cơm miễn phí được mở ra cho người bán vé số, những điểm phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí,... khắp nơi. Thế đấy, cách những người Sài Gòn cùng đi qua khó khăn là vậy đó. Mỗi người một sự sẻ chia, tự dưng thấy Sài Gòn ôi sao ấm áp quá, tự dưng thấy cuộc đời này, sao mà đẹp thật nhiều!
Rồi mùa dịch cũng sẽ qua thôi, rồi Sài Gòn cũng sẽ trở về với sự nhộn nhịp như vốn có. Những ngày này, chọn cho mình một nhịp sống chậm lại, tĩnh lặng trong những biến động của diễn biến dịch bệnh. Rồi chúng ta sẽ bình an, rồi Sài Gòn sẽ lại hát khúc ca "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi...". Ừ thì, Sài Gòn mà, đẹp trong cả cảnh lẫn tình!
Huỳnh Thảo
Suất cơm 0 đồng cho người nghèo ngày cách ly Sài Gòn nắng đổ lửa. Các tình nguyện viên mang những phần cơm miễn phí trao tận tay mảnh đời khó khăn. Những suất cơm miễn phí ngày cách ly đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn thông qua các bạn tình nguyện viên - Video: MINH HÒA Họ là những người bán vé số, xe ôm, lao động nghèo bị đình...