Sài Gòn những ngày không thể nào quên
Đại dịch Covid-19 ập đến thành phố phương Nam như một cơn bão nghiệt ngã.
Không chỉ tàn phá cuộc sống bình yên của bao gia đình, khiến hàng chục ngàn người ngoại tỉnh hồi hương trên những chuyến xe nhọc nhằn, vất vả… nó còn khiến thành phố năng động nhất cả nước kiệt quệ. Thế nhưng cũng chính ở thời điểm đó, người Sài Gòn mới thấy họ chưa bao giờ yêu nhau đến thế, sẻ chia với nhau đến thế. Cũng chưa bao giờ, người Sài Gòn nhận được nhiều tình yêu từ mọi miền Tổ quốc đến thế.
Mùa vải ngọt ngào và vất vả
Sự kỳ lạ của cảm xúc trong tâm dịch
Tôi, và chắc rất nhiều người ở thành phố này mỗi ngày như thế. Khác với lúc bắt đầu có người không may mắn ra đi, bây giờ phải cố quên để trở lại nhịp bình thường. Để còn phải sống. Thành ra, cái-thứ-cảm-xúc mùa dịch trở nên vô cùng nguy hiểm, như một dấu lằn cứ miết đi miết lại. Một thứ rất đáng để tự mình chán ghét: cảm xúc chai lì!
Mới hay, thứ gì khi đếm bằng con số đau thương lặp đi lặp lại, hóa ra như một điệp khúc buồn trong cuộc chiến. Có chăng, là số chồng lên số. Sự đau thương quá đỗi khác thường!
Hồi đầu dịch, nói gì đến chuyện lạc quan, là ngượng miệng. Bây giờ, cạnh nỗi đau theo ánh mắt nhìn về số người ra đi, lại cố tìm một điều gì đó để khỏa lấp bớt. Đó là thực tế tâm lý của người ở trong tâm dịch, rất kỳ lạ. Không thể để mình rơi vào trạng thái u ám nhiều ngày, có thể dẫn đến trầm cảm. Cố quên đi, và tự dối mình!
Tôi nghĩ, chỉ có một cách để điều kỳ lạ ấy đừng xảy ra với cảm xúc của con người trên mặt đất này, là đừng bao giờ để xảy ra những cuộc chiến, dù là cuộc chiến đạn bom hay cuộc chiến dịch bệnh.
(trích nhật ký, thứ năm 9.9)
Trong những ngày tháng 5 ở Sài Gòn, tôi lần giở rất nhiều bài báo nói về một mùa vải đơm trái ngọt ngào ở vài tỉnh phía bắc. Những cuộc vận động để giúp hàng ngàn nhà vườn trồng vải ở Bắc Giang, Hải Dương; hàng chục chuyến bay chở vải, hàng trăm siêu thị trên cả nước đón vải. Vải vươn qua Singapore, Úc, Nhật… Các bản kế hoạch bán trái vải cũng nằm trên bàn các vị tùy viên, tham tán thương mại thuộc đại sứ quán Việt Nam ở các nước chuộng loại quả này.
Làn sóng miệt mài để giúp nông dân “giải cứu” vải khởi đi từ hồi tháng 5, xuyên qua thao thức của tôi về một giai thoại hào hùng của bậc tiền nhân Mai Thúc Loan dừng gánh giữa đường trong cơn nắng gắt mùa hạ, kêu gọi mọi người bãi bỏ lệ cống vải cho triều Đường, và ông trở về huy động nghĩa quân nổi dậy khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ phương Bắc vào năm 722.
Rồi Sài Gòn bắt đầu cử những “đoàn quân áo trắng” từ Bệnh viện Chợ Rẫy đi giúp đồng bào Bắc Giang chống dịch. Vải được mùa, hàng trăm ngàn tấn xuôi Nam ngược Bắc và muôn dặm lên đường ra quốc tế. Những thiên thần áo trắng vẫn thức trọn hàng đêm trong các bệnh viện chăm sóc bệnh nhân dịch Covid-19. Mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đã được áp dụng khá thành công, theo hành trình vơi dần quả ngọt trên các vườn vải mênh mông Bắc Giang, Hải Dương. Khi ở ngoài kia, mùa vải dần đi vào cuối vụ, cũng là lúc các ca bệnh Covid-19 rời những bệnh viện dã chiến về nhà bình yên.
Cũng lúc ấy, Sài Gòn chơi vơi lấp lửng với một mùa hạ thấp thỏm lo âu. Những cành phượng nở rưng rức đỏ, nhưng đám học trò xếp hẳn sách vở, không học hè như thường niên nữa.
Để ghìm mình chờ một “cơn bão”, có thể!
Ngã sáu Gò Vấp ngày 6.9 với bóng dáng vài ba shipper đi giao hàng
Kết nối, sẻ chia chảy khắp ngõ ngách
Ngày 19.5, trên con đường xuyên qua ngôi chợ Thủ Đức với bề dày truyền thống hơn trăm năm, tôi đi về Q.Gò Vấp theo hướng đại lộ Phạm Văn Đồng. Lọt vào phố Phan Văn Trị, một trong hai trục lộ chính của quận, cái thênh thang của phố xá, hàng quán, siêu thị như gợi nhớ sự sung mãn năng động bao năm nay. Nhưng rồi, thông tin về ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên phát xuất từ Thủ Đức, thành phố với tên gọi đơn vị hành chính rất trẻ, loang ra rất nhanh.
Sự lo lắng hiển lộ từng ngày trên mỗi gương mặt người qua phố, khi vào một đêm gần cuối tháng 5, ổ dịch lớn ở một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Công thuộc P.3, Q.Gò Vấp được phát hiện. Y tế tất tả khẩn cấp dập dịch, nhà nhà tích cực phòng bị. Tính đến trưa 1.6, từ ổ dịch này đã lây lan ra mọi phía, với hơn 200 người nhiễm (F0). Ngồi ở Gò Vấp, quận đầu tiên và duy nhất áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bắt đầu từ ngày 31.5, tôi linh cảm và hình dung sẽ có một chuỗi ngày dài ngăn cách mọi nẻo. Và dự tính khởi sự viết một quyển nhật ký có một không hai trong đời mình: Sài Gòn, những ngày cách ly!
Cây phượng trước cổng Trường tiểu học Chi Lăng (Q.Gò Vấp) vắng bóng học trò đầu năm học mới (ảnh chụp ngày 25.9). ẢNH TRẦN THANH BÌNH
Video đang HOT
Để rồi, trải lòng trên những trang viết ấy, là từng ngày từng đêm Sài Gòn căng mình với đủ thứ lo toan: phòng chống dịch bệnh, nhu cầu thiết yếu ăn ở, làm ăn kinh tế, đi lại, thất nghiệp ngồi nhà… Nỗi lo triền miên với trăm ngàn thứ, tựu trung đặt vào một điểm mấu chốt: sức khỏe và tính mạng con người!
Nhưng cùng với sự tàn phá của đại dịch ập xuống cũng bắt đầu bật dậy những yêu thương như vốn dĩ bao năm qua người Sài Gòn vẫn vậy. Đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm ư? Có rất nhiều nhà hảo tâm và bè bạn, đồng hương trên cả nước đổ về giúp đỡ, hỗ trợ. Áp lực nhân sự, vật lực y tế ư? Có sự điều phối của lực lượng quân y, nhân viên y tế các bệnh viện trên toàn quốc chia sẻ. Đặc biệt, rất nhiều doanh nhân tâm huyết vào cuộc, nhập khẩu một cách nhanh nhất có thể các loại máy thở, bình ô xy, tủ lạnh âm sâu bảo quản vắc xin, những loại trang thiết bị y tế với tinh thần “chống dịch như chống giặc” – một loại giặc vô hình chưa bao giờ có.
Tất nhiên, vẫn còn quá nhiều điều bàn cãi về cách thực hiện trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng”, vô số tình cảnh oái oăm, những điều bất hợp lý, những thiếu thốn nơi này nơi khác. Nhưng chưa bao giờ trong sự xáo trộn của cảm xúc có khi lên đến cao trào ấy, người ta nghĩ về nhau bằng tình thân ái đến vậy. Nhọc nhằn, khó khăn, đối diện với rủi ro dịch bệnh đã khiến từng cộng đồng, cụm dân cư, từng con hẻm nhỏ xích gần nhau hơn. Kết nối và chia sớt, ấy là mạch nguồn chảy khắp mọi nẻo trong thành phố. Lòng nhân ái với nghĩa đồng bào đã bồi đắp, tiếp nối giá trị truyền thống trường tồn theo cùng năm tháng lịch sử của dân tộc Việt.
Cây vẫn xanh, phố xá lô nhô nhìn từ ban công tầng 6 tòa nhà Báo Thanh Niên
Xin mạn phép trích một đoạn ngắn trong nhật ký ghi lại của tôi, như là chứng nhân trong những ngày này:
…Nhưng bên trong “vùng xanh” ấy, tôi nghĩ có lẽ mọi người đều gặp một điểm chung, đó là cảm giác được an ủi động viên, rằng mình còn hạnh phúc hơn bao người vật lộn từng giờ trong “vùng đỏ”. Hằng ngày hằng đêm, những hình ảnh đau thương mất mát của nhiều gia đình, nhiều xóm ngõ, chung cư nơi khác phải đối chọi với đủ thứ ngặt nghèo, khổ ải cứ dội đến. Nhưng đọc và xem để biết, để rồi suy nghĩ của số nhân khẩu quần cư trong “vùng xanh” tựu trung rất giống nhau, đó là cảm giác bất lực khi nhìn thấy hình ảnh nhiều ca bệnh nguy kịch ở các trung tâm hồi sức và những người kém may mắn ra đi về cõi vĩnh hằng.
Vì thế, nên chỉ biết nhắc nhau giữ thật tốt cho mình, là để gián tiếp gánh vác bớt đi một chút nỗi gian lao mà thành phố đang phải gồng mình chống chọi. Cách suy nghĩ ấy, chính là phương thuốc hữu hiệu nhất lúc này, nói không ngoa ngôn một chút nào. (trích nhật ký, chủ nhật 15.8)
Hai nữ nhân viên y tế Q.Gò Vấp chuẩn bị vào cuộc xét nghiệm F0 đầu mùa dịch, ngày 5.6
Đường hồi hương lắm nỗi
Khi Sài Gòn bùng phát dịch, thành phố vắng lặng do giãn cách nhiều ngày, nhưng đồng bào đang cư ngụ tại hàng chục ngàn khu nhà trọ để kiếm bát cơm manh áo mưu sinh bắt đầu ùn ùn tìm đường về quê.
Những chuyến bay, những đoàn xe khách hay những chuyến tàu xình xịch rời ga để hồi hương theo sự sắp xếp bài bản của các tỉnh, thành miền Trung có lẽ là con số nhỏ hơn rất nhiều so với hàng đoàn xe máy rồng rắn khắp nẻo đường để ngược cao nguyên, để rồi đổ xuống các quốc lộ dọc ngang đất nước, hoặc xuôi về miệt châu thổ Cửu Long. Ấy là những cuộc “di cư” thấm đẫm nỗi buồn. Đêm ngày, mưa nắng, đèo dốc, buồn tủi, đói khát… để đi ngược lại hướng thiên di ngày nào quả đã chứng minh một sức chịu đựng kinh hồn.
Hồi hương, tiếng vọng lại trong hàng ngàn bài báo cứ “đập” vào thinh không, “đập” vào những quán xá, cửa hàng, công trình vắng lặng của Sài Gòn. Sự nổi trôi kiếp nạn trên những con đường thiên lý ấy, khi hình dung tôi đã có đôi lúc rùng mình. Không có gì thiết yếu là không thể chất lên chiếc xe máy cùng với vợ con bế bồng, lê la vệ đường, sương gió ngút ngàn rụng xuống, thổi qua ước vọng về với vườn rau ao cá quê nhà.
Ngã tư Phú Nhuận nhìn từ hướng đường Phan Đình Phùng, sáng 25.8
Về đến nơi, là có hy vọng !
Những ngày ấy, trong nhật ký, tôi viết đôi dòng giãi chút nỗi tâm tình của đồng bào: “Đằng sau những chuyến hồi hương ngược trở về quê của hàng chục ngàn người như thế, mang theo bao nhiêu câu chuyện trên đường. Mỗi người đều có một tâm trạng, mỗi hoàn cảnh. Nhưng nỗi lo canh cánh trong lòng, trước cả chuyện sẽ ăn ở ra sao, làm gì trong mùa dịch để sống, là mối lo liệu mình có mang theo mầm mống dịch bệnh hay không. Điều này, như tâm sự của một anh bạn lớn tuổi có bệnh nền “trên đường thiên lý” nhắn gửi cho tôi, rằng nếu có mang theo con vi rút Covid, thì dù chưa biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng “đó sẽ là điều làm tôi áy náy nhất”!
Một quán ăn trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), giờ vắng tiếng những người bạn
Cái sự áy náy ấy như đang trở thành lời xin lỗi trước với cộng đồng. Hầu hết những lưu dân khi trở về đều mong mọi người hết sức thông cảm. Tôi có thể hình dung ra chuyện giữa một vùng quê yên bình, bỗng dưng có thông tin xuất hiện một (hoặc vài) ca dương tính. Những người khác, dù rằng đã cách ly theo quy định, dù rằng phải xét nghiệm đi xét nghiệm lại và có giấy chứng nhận, song nỗi lo sợ mơ hồ của cộng đồng quê nhà cũng sẽ khiến chuyến về quê của những người rời đi từ vùng dịch thiếu đi sự bảo bọc, ấm áp tình thân như những chuyến về quê trong hoàn cảnh bình thường!”. (trích nhật ký, thứ sáu 30.7)
May mắn thay, những lo âu ban đầu của nhiều địa phương về quá tải các khu cách ly, những văn bản ngăn chặn tạm thời, những nhọc nhằn vất vả trên vạn dặm đường của đồng bào, rồi cũng qua đi. Để rồi giảm bớt gánh nặng âu lo cáng đáng cho thành phố phương Nam này, cũng là bớt đi những dòng tin buồn, nếu họ còn ở lại!
Quán Đất Phương Nam trên đường Huỳnh Tịnh Của (Q.3), vốn là nơi tụ hội văn nghệ sĩ Sài Gòn, cửa đóng then cài
Mong ước một ngày
Lúc tôi ngồi viết những dòng sau cùng của bài viết này, 4 giờ 15 ngày 23.9, từ hai ngôi chùa tọa lạc sau hè và bên hông nhà ở xứ làng hoa hiền lành Gò Vấp đang vọng lại tiếng kinh tụng nguyện cầu. Con số người ra đi khoảng 7 ngày trở về trước, vẫn chập chờn lên xuống như một biểu đồ hình sin đau xót.
Một tuần qua, cái hình sin ấy với lằn đường màu đen đã đi xuống, dần dần. Và song song với nó, là con số thống kê về độ phủ vắc xin tăng lên. Những liều thuốc quý giá chỉ một giọt vào cánh tay người, khiến tôi liên tưởng miên man về giọt nước cam lồ cứu rỗi. Nhưng ấy không phải là phần hồn của đồng bào trên một cơ thể sống đau thương, mà là sinh mạng bao người đã dần được cứu vớt, từ giọt vắc xin ấy.
Khu du lịch Bình Quới 3 (Q.Bình Thạnh) vốn thơ mộng, những ngày Sài Gòn giãn cách dành cho tiếng vỗ sóng sông Sài Gòn
Chợt nhớ đến những bài viết cộng tác với Báo Thanh Niên hồi năm ngoái của một nữ giảng viên đại học ở Mỹ, PGS-TS Phạm Bích Ngọc. Giữa một New York đau thương ngút ngàn với bao cảnh người phải ra đi, khi chưa có vắc xin, trong các tấm hình mà cô ấy gửi về thoáng thấy góc này góc kia là dãy dài xe đông lạnh. Và hình ảnh vắng lặng của tổ hợp Đại học Brooklyn, nơi cô ấy công tác, chẳng khác gì các sân trường đại học tại Sài Gòn như bây giờ.
Nỗ lực cho ra những liều thuốc ngăn chặn con vi rút quái ác của các nhà khoa học, đã làm cho tình hình thế giới khác đi, và cái lọ nước trong veo nhỏ nhắn ấy mấy tháng qua đã hiện diện trên đất nước này. Đó là điều rất khác.
Và đó cũng là sự vô cùng may mắn. Nếu không…
Tôi không dám hình dung thêm những gì sau chữ “nếu” ấy. Nhưng chỉ muốn nói một điều, dịch bệnh đến Việt Nam muộn hơn, khi đã có vắc xin, phải chăng đó cũng là may mắn?
Chuông đồng hồ điểm 6 giờ sáng, bắt đầu một ngày mới. Bất chợt, đọc được tít một bài viết in trên trang nhất tờ báo của mình: TP.HCM xanh hóa nhiều vùng.
Tôi lại thầm mong ước, ngày mai cuộc sống sẽ bắt đầu chuyển động, như thế…
Tiểu thương chợ tự phát ở TP HCM vội vã dọn hàng
Nhiều người buôn bán tại chợ tự phát ở quận Bình Tân và TP Thủ Đức thu dọn hàng hoá khi lực lượng chức năng ra quân giải tán để phòng Covid-19.
Trước tình hình Covid-19 vẫn phức tạp, tối 19/6, UBND TP HCM có chỉ thị cấm các chợ tự phát ven đường, nhất là ở gần những khu công nghiệp tập trung đông công nhân được xem tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch.
Sáng nay, tại chợ tự phát trên đường Hồ Văn Tư, Đoàn Công Hớn (TP Thủ Đức), lực lượng công an, trật tự đô thị, dân phòng của phường Trường Thọ ra quân xử lý các tiểu thương buôn bán ở đây. Chợ này ở bên hông chợ Thủ Đức, tồn tại nhiều năm nay và luôn đông đúc mỗi ngày.
Thấy lực lượng chức năng đến, bà Bùi Thị Hoa vội vã dùng bạt che các rổ rau lại. "Dù vậy đội trật tự đô thị vẫn yêu cầu tôi phải dọn hàng đi luôn chứ không được để bên đường nếu không sẽ lập biên bản. Chỉ thị đưa ra thì mình chấp hành thôi, cả khu chợ này ai cũng vậy", bà nói.
Những người buôn bán nhỏ vỉa hè vội vã thu dọn hàng hoá khi lực lượng chức năng kiểm tra.
Xe ba gác chở sầu riêng cùng dù bạt, can nhựa... được quấn băng keo để di chuyển đi nơi khác. "Tình hình dịch bệnh căng thẳng vậy nên tôi tạm nghỉ, ở nhà một thời gian vậy", người bán rong cho biết.
Tại cửa hàng tạp hoá của ông Dương Anh Dũng, các mặt hàng được thu dọn hết vào trong nhà, không bày bán vỉa hè. Ông cũng căng dây ngang cửa để giữ khoảng cách với khách.
Cửa hàng gốm sứ, đồ gia dụng của bà Hoà trong khu vực chợ tự phát nên được yêu cầu đóng cửa. "Nếu phải ngưng buôn bán ít nhất 2 tuần nữa thì tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên cũng nặng nề lắm", bà nói.
Những tấm bảng không tụ tập được nhiều tiểu thương treo lên trước cửa hàng.
Bên trong chợ truyền thống Thủ Đức vẫn buôn bán bình thường. Các chợ này sẽ giao Sở Công thương hướng dẫn các quận huyện áp dụng các biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn.
Lực lượng chức năng túc trực trước chợ tạm cầu Mỹ Thuận trên đường An Dương Vương - khu vực giáp ranh phường 10 (quận 6), phường 16 (quận 8) và phường An Lạc (quận Bình Tân).
Cách đó khoảng vài trăm mét, đường An Dương Vương, phía phường An Lạc (quận Bình Tân), một số tiểu thương vẫn bày bán tại chợ tự phát.
Phường An Lạc hiện có ba khu phố, với khoảng 60.000 người, bị phong tỏa 14 ngày, từ 0h ngày 20/6 để phòng chống Covid-19.
Khu chợ tự phát gần Công ty Pouyuen (Khu công nghiệp Tân Tạ, quận Bình Tân) khá thông thoáng sáng nay, trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp hồi đầu tháng.
Từ ngày 20/6, một loạt biện pháp mới được TP HCM thực hiện nhằm kiểm soát Covid-19 trước tình hình ghi nhận 1.527 ca nhiễm, xuất hiện nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây. Cụ thể, các hoạt động vận tải hành khách gồm taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe buýt, xe khách liên tỉnh dừng hoạt động; cấm tuyệt đối chợ tự phát; không tập trung hơn 3 người nơi công cộng; dừng tất cả các cuộc hội họp chưa thật cần thiết...
Hai mẹ con mắc COVID-19 ở TP.HCM bán xôi ở chợ Thủ Đức và Hóc Môn Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn tối 10-6 thông tin về 2 ca mắc COVID-19 là 2 mẹ con bà N.T.M. và chị N.T.N.H. Bà M. bán xôi ở chợ Thủ Đức, còn chị H. bán ở ngã tư giao đường Lý Thường Kiệt và Song Hành (huyện Hóc Môn). Ngành y tế TP.HCM thực hiện biện pháp phòng chống dịch trong...