Sài Gòn kẹt xe ngày càng nghiêm trọng
Những dòng xe nghìn nghịt nhích từng chút một trong không gian ngột ngạt thường xuyên diễn ra không chỉ ở trung tâm, mà còn ở tất cả các cửa ngõ vào TP HCM, nhất là dịp cuối năm.
Ôtô, xe máy từ đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và 7) vào trung tâm TP HCM, gần trưa 21/12, phải nhích từng chút một dù không phải giờ cao điểm. Ở cửa ngõ phía Nam này, lượng xe lớn từ hai hướng Nguyễn Hữu Thọ và đường 15 dồn về cùng lúc, trong khi cầu chỉ có hai làn nên dù không có sự cố giao thông nào các xe vẫn phải xếp hàng chen nhau qua cầu.
Hàng ngày phải qua đây vài lần, chị Thủy (chủ shop quần áo ở quận 7) nói việc này là “nỗi kinh hoàng”, kẹt xe nghiêm trọng nhất là đoạn dưới chân cầu Kênh Tẻ.
“Các loại xe cứ loạn cả lên, mạnh người nào người nấy chen để qua cho được. CSGT chỉ có mặt điều tiết trong giờ cao điểm, những lúc khác thì người dân chỉ biết chịu trận”, chị nói và cho biết từng chứng kiến nhiều người phải dắt xe vào nhà dân nghỉ mệt, chờ vãn mới đi tiếp do không khí quá ngột ngạt.
Còn anh Hà Văn Thành (ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh) – Giám đốc công ty vận tải – cho nguyên nhân kẹt xe tại đây là có nhiều khu dân cư, chung cư mọc lên san sát ở Nhà Bè, quận 7. Việc này khiến lượng người và phương tiện tăng lên cả chục lần so với trước, trong khi cầu Kênh Tẻ chỉ có 2 làn mỗi hướng nên kẹt xe diễn ra như cơm bữa.
Kẹt xe tại TP HCM ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: L.G
Tại các tuyến đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ - cửa ngõ phía Tây thành phố – tình trạng ùn tắc còn trầm trọng hơn, bất kể vào giờ thấp điểm hay cao điểm. Là đường huyết mạch vào trung tâm nên lượng xe từ Hóc Môn, quận 12… cùng những nhánh đường nhỏ đổ dồn về khu vực mũi tàu Trường Chinh (quận Tân Bình) rồi rẽ vào đường Cộng Hòa với mật độ dày đặc.
Trong khi đó, tại cầu vượt Hoàng Hoa Thám, các xe từ nhiều ngả đường dồn về khiến nút giao thông này luôn rối loạn. Cầu vượt mặt đường nhỏ nên giờ cao điểm các loại xe phải di chuyển chậm, kéo dài đến tận nút giao thông Út Tịch – Cộng Hòa cách đó 2 km.
Khoảng 500 m tiếp theo là cầu vượt Lăng Cha Cả cũng không thông thoáng hơn do dòng xe từ đường Trường Sơn, Cộng Hòa đổ về quá đông. Xe máy từ hướng đường Hòa Văn Thụ đổ ra cắt ngang qua lối xuống của các xe từ trên cầu vượt thép.
Cửa ngõ Xa lộ Hà Nội mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt xe container vào cảng Cát Lái, chỉ cần vụ va chạm nhỏ, hoặc đèn tín hiệu giao thông trục trặc là các xe phải xếp hàng dài 4-5 km, nhích từng chút một. Tương tự là tình trạng ở Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến Bến xe Miền Đông), Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), ngã tư Thủ Đức, Nguyễn Tất Thành (quận 4), cầu Nguyễn Văn Cừ…
Không chỉ các cửa ngõ, kẹt xe ở trung tâm Sài Gòn cũng ngày càng tăng, nhất là thời điểm cuối năm. Hình ảnh các dòng xe nghìn nghịt chen lấn luôn xảy ra ở đường Lê Quý Đôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Học, Trương Định, Cách Mạng Tháng Tám… Tình trạng này được đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu ra tại kỳ họp HĐND TP HCM mới đây và cho nguyên nhân từ việc cấp phép xây cao ốc ở trung tâm tràn lan.
Video đang HOT
Người Sài Gòn mệt mỏi, ngán ngẫm mỗi khi ra đường vì kẹt xe ngày càng nặng. Ảnh: Thành Nguyễn
Chuyên gia lĩnh vực quy hoạch – KTS Ngô Viết Nam Sơn – cho rằng, các chung cư cao tầng, khu dân cư ở ngoại thành không phải là nguyên nhân gây kẹt xe tại các cửa ngõ Sài Gòn. “Hạ tầng, đường xá ở trung tâm nhỏ, quá tải hết rồi nên nếu xây thêm cao ốc trong trung tâm càng làm cho kẹt xe hơn nên bắt buộc phải phát triển các cao ốc chung cư ở các quận huyện Thủ Đức, Nhà Bè, quận 7…”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, lỗi ở đây là do việc quy hoạch, cấp phép xây dựng vì khi cho phép phát triển các khu dân cư mới thì phải bảo đảm các yếu tố như điện, đường, trường, trạm… rồi các yếu tố hạ tầng xã hội khác để đưa doanh nghiệp ra vùng ven bằng các chính sách giảm thuế.
“Khi đó, người dân đi làm tại chỗ, trường học, bệnh viện cũng có thì chẳng ai có nhu cầu vào trung tâm nữa. Vì nơi họ ở thiếu các điều kiện này nên người ta mới phải vào trung tâm, gây kẹt xe ở các cửa ngõ”, ông Sơn nói.
Một nguyên nhân khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho là các tuyến đường vành đai tại TP HCM chưa hoàn thành nên người dân từ phía này qua phía khác phải đi xuyên qua trung tâm thành phố. Nếu có đường vành đai thì chắc chắn lượng xe ra vào trung tâm sẽ giảm rất nhiều và kẹt xe cũng giảm.
Ông dẫn chứng, xe container ra vào cảng đi chung Xa lộ Hà Nội với các loại xe khác mà không có đường vành đai để riêng thì chắc chắn gây kẹt xe. Rồi người dân từ hướng quận 7 mà muốn đi sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ có một hướng là đi qua quận 4, quận 1 rồi quận 3 chứ không có sự lựa chọn khác. “Vì vậy, thành phố cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện các tuyến đường vành đai theo quy hoạch”, ông Sơn nói.
Các tuyến đường ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất nay kẹt cả ngoài khung giờ cao điểm. Ảnh: H.N
Theo Ban an toàn giao thông TP HCM, lượng xe gia tăng quá nhanh trong khi diện tích mặt đường không tăng, hạ tầng không đáp ứng kịp là nguyên nhân tất yếu đẩy giao thông thành phố rơi vào tình trạng “đông đặc”.
“Mỗi ngày thành phố có hơn 1.000 xe máy và 180 ôtô đăng ký mới khiến áp lực ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM ngày càng cao”, đại diện Ban an toàn giao thông nói và cho biết một nguyên nhân khác nữa là do tình trạng đậu ôtô dưới lòng đường, mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là vào dịp cuối năm cũng góp phần đẩy nạn ùn tắc lên đỉnh điểm.
Về việc này, TS Phạm Sanh – Giảng viên Đại học Giao thông vận tải – cho rằng, với lượng xe và người tăng như hiện nay, thành phố cần tập trung làm tốt các giải pháp ngắn hạn trước khi chờ các giải pháp dài hạn như metro, xe buýt nhanh hoàn thành. “Cần phải khảo sát lưu lượng xe đi lại trên các trục đường chính, từ đó mới có hướng xử lý các điểm giao cắt như mở rộng các điểm rẽ phải, hoặc phân luồng bớt lượng xe qua các đường nhánh để giảm áp lực ở tuyến đường chính”, ông Sanh nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhìn nhận “kẹt xe gây bức xúc nhất” đối với người dân thành phố bởi ngày nào họ cũng phải ra đường để đi làm, đi học. Ông yêu cầu các sở, ngành phải nỗ lực hết sức để kéo giảm tình trạng này.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Đà Nẵng căng thẳng với kẹt xe
Trước vấn nạn kẹt xe ngày càng gia tăng, chính quyền Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình; triển khai bãi đỗ xe ngầm và thu phí đậu đỗ xe dưới lòng đường.
Tình trạng kẹt xe đã xảy ra lâu nay tại nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng trong giờ cao điểm.
Đường một chiều Phan Chu Trinh (quận Hải Châu), 16h45 ngày 8/12, các phường tiện di chuyển khó khăn khi bắt đầu vào giờ cao điểm.
Các nguyên nhân dẫn đến kẹt xe ở Đà Nẵng được chỉ ra là: Dân số tăng; nhiều tòa nhà cao tầng, công sở ở khu vực trung tâm; nhiều đèn đỏ do nhiều đoạn giao cắt; quá ít chỗ đậu đỗ ôtô...
Ôtô đậu đỗ kéo dài bên lề đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến kẹt xe.
"Trên các tuyến phố nhỏ xe đậu đỗ tràn ngập", Chủ tịch thành phố Huynh Đức Thơ phát biểu tại phiên họp HĐND TP mới đây và cho biết Đà Nẵng đã trình Chính phủ phương án thu phí đậu đỗ ôtô dưới lòng lề đường. Các xe càng đậu đỗ gần khu vực trung tâm thì phí càng cao.
Trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, thành phố đã phân thành 3 làn đường mỗi chiều, tuy nhiên làn đường phía trong của xe thô sơ và xe máy tại nhiều đoạn lại được kẻ vạch cho phép đậu đỗ ôtô. Giải pháp tình thế này khiến xe máy và xe thô sơ dồn hết sang làn đường thứ 2, gây ách tắc.
Chủ tịch Đà Nẵng thừa nhận thành phố đang đối mặt thách thức rất lớn về hạ tầng giao thông.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh bị kẹt nặng nhất đoạn từ cầu Rồng về nút giao đường Phan Chu Trinh.
Thành phố đã lắp đặt camera công cộng, bố trí lực lượng CSGT túc trực tại các ngã tư trong giờ cao điểm để đảm bảo trật tự giao thông.
Theo chính quyền Đà Nẵng, tình trạng kẹt xe như hiện nay có phần nguyên nhân do làm nút giao thông ở cầu sông quay sông Hàn chặn đi một dòng xe, khiến tăng lưu lượng xe ở cầu Rồng.
"Bình thường, không làm nút giao thông này, cũng bắt đầu căng thẳng rồi", Chủ tịch Đà Nẵng nói.
Vừa qua Đà Nẵng đã áp dụng đậu xe ôtô theo ngày chẵn, lẽ để giảm tình trạng kẹt xe. Theo đó, số nhà chẵn sẽ cấm đỗ xe vào ngày chẵn, số nhà lẻ cấm đỗ xe ngày lẻ.
Thành phố cũng đã bàn đến lộ trình cắt giảm xe máy cá nhân, tuy nhiên theo Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ "nếu không có phương tiện công cộng thay thế thì lộ trình này rất khó thực hiện".
"Dù đã có những kịch bản dự báo hay bài học nhãn tiền của Sài Gòn, Hà Nội, nhưng Đà Nẵng đã kẹt xe. Vấn nạn kẹt xe thực sự là nguy cơ và thử thách với Đà Nẵng, khi dân số tăng lên 2 triệu hay 2,5 triệu người", ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Nguyễn Đông
Theo VNE
TPHCM lại kẹt xe kinh hoàng sáng đầu tuần Triều cường dâng cao vào sáng nay (17/10) đã khiến nhiều tuyến đường ở TPHCM bị ngập nặng, trong đó đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) bị ngập lênh láng khiến giao thông tắc nghẽn kinh hoàng ngay giờ cao điểm. Ghi nhận của PV Dân trí tại đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) , triều cường dâng cao vào khoảng 5h30 sáng...