Sài Gòn cà phê kho…
Quán cà phê nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, thông ra con đường lớn hai chiều nhộn nhịp xe cộ. Quán lạ ở chỗ, nó cũ kỹ bạc thếch theo thời gian, giữa Sài Gòn sầm uất trở mình hối hả từng ngày.
Bao năm rồi vẫn vậy, má luôn giữ thói quen, sớm cuối tuần, cả nhà họp mặt ở cái quán “ cà phê kho” này. Trừ những hôm trái gió trở trời má bệnh, hay mấy đứa con có việc riêng tư mà chẳng đến được. Đứa nào lỗi hẹn, quên giờ tới trễ, má phạt.
Má phạt cũng ngộ. Mấy đứa phải đóng vào quỹ chung của gia đình mỗi lần vi phạm là trăm ngàn đồng chứ chẳng ít. Lần sau gấp đôi lần trước. Tiền quỹ lại chi trả cho lần họp mặt tuần sau. Má nhớ kỹ từng đứa vi phạm. Nên có bận gia đình anh Ba phải ký sổ nợ của má hơn triệu đồng vì bốn lần đến trễ. Má cười sảng khoái, nhìn thằng con lúng túng trả góp dần tiền quỹ.
Quán nhỏ chắt chiu từng vị trí, bận đông đúc thì người ngồi san sát, nhưng chẳng hề gì, lệ thường người Sài Gòn cũng vốn giản đơn như thể cà phê là để chiêm nghiệm chớ chẳng phải để hơn thua cái chỗ ngồi.
Má thích quán này, vì hiếm hoi lắm, giữa Sài Gòn mới có một cái quán giữ được cái nếp của bao thập kỷ trôi qua, từ đời ông cha để lại là pha cà phê bằng vợt. Một chiếc ấm nhỏ đầy nước đun sôi mở nắp, chồng lên bên trên là một cái ấm đầy nước và cái vợt đựng đầy cà phê, rồi mới đậy nắp lại. Cứ thế nguồn nước nóng bốc hơi thẳng lên cái ấm trên cùng, đun sôi cà phê trong vợt. Người ta gọi nó là “cà phê kho”. Lửa riu riu để cà phê đủ độ sóng sánh, sền sệt, kèo kẹo đậm đà mùi vị thơm nồng chát đắng.
Rất nhiều hàng quán cà phê Tây, Tàu, Hàn, Nhật mọc lên um sùm, ấy vậy mà cái quán nhỏ vẫn đông khách từ bao năm qua. Ảnh: CTV
Má nói chuyện xưa, đám con nói chuyện nay. Cả nhà ngồi nghe, rồi lại à ồ, hay đại thể cùng cười khục khặc. Chuyện má đi chợ, người ta nháo nhào tăng giá, mắm muối đường tiêu, thịt thà tôm cá, giờ cầm tiền đồng nào, hết ngay đồng đó bây à! Vậy nên, tiết kiệm chút ít, để dành phòng thân nghen bây. Cái gì cần thì mua, cái gì chưa cần thì từ từ hẵng hay. Tiền kiếm cực lắm à!
Tiền kiếm cực lắm! Nên bận mấy đứa con đưa tiền tháng cho ba má, má cứ dùng dằng trả bớt lại. Ba má già rồi, ăn xài đâu có bao nhiêu, bây đưa chi nhiều. Chừng đám con quyết liệt dấm dúi vào túi má, má mới chịu để im. Má chỉ để im cho tới cuối tuần, ra cà phê má lại thưởng đứa cháu nào học được điểm mười, đứa nào cô ghi lời khen… Bận đám con nhắc khéo, má làm vậy tụi nó hư. Má lại cười nhẹ tênh, vui mà bây, tụi nhỏ nó thấy được thưởng nó ham mà lo học. Chớ hồi xưa má học giỏi, đâu có ai thưởng.
Video đang HOT
Hay mấy bữa, má buồn buồn chuyện hết chuối rồi tới dưa hấu, thêm vải thiều đều phải nhờ đến sự chia sẻ của mọi người để qua cơn ép giá của thương lái. Té ra bận má kêu mấy anh chị ghé nhà, dấm dúi cho cả bịch to trái cây là nguyên cớ này.
Mà bây thấy hông, mình sống nơi này, quanh năm suốt tháng than mưa, than nắng, than ngập, than chật, chớ những miệt đồng khô hạn nắng cháy họ bán lưng cho trời bán mặt cho đất, dám đâu kêu ca tiếng nào. Bởi mới thấy, đôi khi từ trong những ấm êm con người ta vẫn cứ chưa thể nào vừa ý. Thử một lần so phận mình với mấy người làm nông, bây sẽ thấy, hiện tại đời mình đã là hạnh phúc.
Chuyện đám con mỏi mệt giữa mớ bòng bong việc làm, quan hệ, tranh đua, thăng tiến, hay hụt hẫng chuyện lương thưởng cũng thường đem ra mà nói giữa buổi cà phê với má. Mình cứ nghĩ đơn giản, cái gì của mình thì là của mình, không cần giành giựt, cuối cùng vẫn là của mình. Cái gì không phải của mình, có mưu toan cưỡng cầu, cuối cùng vẫn là của người ta. Ông trời ổng công bằng lắm! Buồn chi cho mệt. Chuyện ngoài đường, bỏ lại trước cánh cửa khi về nhà với gia đình nghen bây.
Chuyện của má cũ kỹ, chuyện của bây là hôm nay, nhưng chuyện tụi nhỏ là ngày mai. Nghĩ về tụi nhỏ là bây có động lực mà sống à! Như má hồi xưa thôi. Tảo tần đầu tắt mặt tối, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ con cái thiếu thốn chẳng đủ đầy bằng bạn bằng bè, thì lại nhẫn nhịn mà bươn chải thôi. Cuộc đời không chông chênh va vấp, lấy gì để con người ta biết sống vững vàng thẳng ngay.
Thời này người ta càng hiện đại, càng thụ hưởng nhiều vật chất tinh tươm lại càng sống dễ xa nhau. Ngay cả chính trong tình thân máu mủ. Vậy nên, má mới cà phê cuối tuần cùng tụi bây. Mỗi thế hệ dù là khoảng cách tuổi đời, khoảng cách tri thức xa nhau, nhưng thương nhau mà sống, vì nhau mà vun bồi, hiểu nhau mà thông cảm, thì đâu khó để gần.
Như cái chuyện anh rể thứ hai, đạo Công giáo, lấy vợ nhà gốc Phật. Bận cưới hỏi hai bên gia đình cò kè với nhau từng cái lễ, cái phép. Nhưng má vẫn cười nhẹ tênh. Quan trọng bây ăn đời ở kiếp, chứ thời này rồi, ai o ép chuyện râu rìa chi cho mệt. Đạo ai nấy giữ, tâm ai nấy tịnh. Chuyện cưới xin cứ giản tiện mà làm, chỉ cần tươm tất là được.
Bận anh rể cũng há hốc mồm khi sáng đầu tuần đã bị chị Hai lôi dậy thật sớm đi cà phê với má. Mồm vẫn còn chữ a chữ u, trong đầu còn nhiều câu hỏi. Sao cái nếp nhà vợ lạ vậy ta. Nhưng rồi năm lần bảy đỗi, riết đâm ra ghiền những sớm cuối tuần cà phê với má. Lắm lúc, nhiều chuyện anh không thèm kể vợ nghe, để dành cuối tuần ra cà phê kể luôn cả nhà cho vui. Rồi hề hà cười cùng má.
Chị Hai cũng lấy làm lạ, cái ông chồng cục mịch, nào giờ ít khi đãi bôi chuyện thiên hạ, nay gặp má cứ ào ào tựa thể thân gần bấy lâu. Bữa chị còn nghe má thì thầm chỉ cách giấu tiền vợ. Trời thần, má nay chơi kỳ. Chỉ gì thì chỉ, chỉ cái mửng này là không ưng nghen má. Chị Hai kêu rân trời. Má cứ cười nhẹ tênh: “Nè con, mình làm vợ, quản gì cũng chừa một đôi chút riêng tư cho chồng. Nhiều cảnh vợ chồng cắn đắng nhau về chuyện tiền nong lắm nghen. Tiền phát gạo đong, chồng nào chả chán. Rồi nó giấu chút tiền riêng, phòng hờ những khoản cá nhân khó nói thì bây la làng. Làm vậy càng thêm mất tin tưởng lẫn nhau…”.
Cả nhà lại nhao nhao rần rần hỉ hả theo lời má nói.
Ờ thì vui mà. Chớ Sài Gòn này nhiều người kỳ lắm nghen. Tỉ như chuyện dân Sài Gòn rất ghiền cà phê. Sớm trưa chiều tối gì cũng có thể uống cà phê. Quán khác người ta là chẳng cho trà, cứ như lời ông chủ bao đời truyền lại cháu con, cà phê uống chung với trà nó mất vị ngay cuống họng liền. Uống trà ra quán trà. Uống cà phê thì vào đây. Rõ ràng, rành mạch, nên đừng ai ron ren hỏi trà. Bữa vui thì nhận được câu trả lời không có. Bận buồn là một cái nguýt dài tận ra đường cái lớn, uống cà phê thì lấy ghế, uống trà thì về.
Cà phê kho vẫn sền sệt, kèo kẹo theo năm tháng mà bình yên níu chân dân Sài Gòn…
Mà đừng nói ông chủ quán này lạ chi cho xa xôi, đám bây cũng lạ lắm. Thời buổi này, đám trẻ nào chịu khó ngồi nghe chuyện xưa xa cũ mòn cũ rích của mấy ông bà già khú đế. Dẫu mỗi đứa con giờ đã ra riêng, nhưng hàng tuần vẫn có mặt đầy đủ. Đâu cứ phải kê cái bàn, nhích cái ghế, ngồi chung đã là bạn đâu nè.
Bận má nói câu này, anh rể hổng ưng. Má nói vậy chớ, con thấy xích cái ghế chung một bàn, chẳng những đã là bạn, mà còn bạn rất thân nha má. Thân như là gia đình vậy đó. Má cười sảng khoái nhìn thằng rể bắt đầu biết giỡn chơi với má. “Vậy để kỷ niệm từ rể thành ruột, mình seo-phi một tấm chung con úp phây-bút nha má”. Vừa nghe anh rể nói, má cười bí hiểm, móc đâu ra cái điện thoại, quẹt quẹt mở màn hình: “Giờ bấm một cái là biết bây nói nhăng nói cuội gì rồi”.
Trời thần, ai tập tành cho má vậy. Ba bây chứ ai! Con cái giờ tứ phương, thì ông bà già cũng nên nâng trình mình lên một chút. Coi như mình làm bạn thân hen, kết bạn với má nghen. “Thôi rồi, mình ẩn phây-bút bây ơi”- tiếng chị Hai lại rần rần. Đám con được nước cười ầm cái quán nhỏ. Má cũng cười.
Cà phê kho vẫn sền sệt, kèo kẹo theo năm tháng mà bình yên níu chân dân Sài Gòn. Những sáng cuối tuần, mấy đứa con phố thị với nhiều nỗi nhọc nhằn bỗng thấy đời mình bình yên nhàn hạ theo từng câu chuyện xưa xa của má…
Cà phê vợt được pha từ siêu đất tí hon tại Sài Gòn
Thưởng thức cà phê vợt tại nhà chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Siêu đất tí hon ra đời từ ý tưởng mang hương vị cà phê vợt đến gần với nhiều người hơn bởi sự nhỏ gọn và độ tiện dụng của nó.
Quán cà phê Ba Lù vốn nổi tiếng với món cà phê vợt hay còn gọi là "cà phê kho" làm mê mẩn bao thực khách ở Sài Gòn. Mới đây chủ quán cà phê này đã cho ra đời bộ siêu đất và vợt pha cà phê tí hon, không chỉ tạo sự thú vị cũng như sự tiện lợi bởi thực khách có thể mua luôn bộ siêu đất này về và tự pha cà phê tại nhà hay bày biện như đồ trang trí.
Siêu đất tí hon tại đây có giá 120.000 đồng/bộ BẢO BẢO
Chú Cao Trung Nghĩa (tên thường gọi là chú Thành), chủ quán cà phê Ba Lù chia sẻ: "Các siêu đất tí hon được tôi đặt trực tiếp từ các lò làm gốm tại Bình Dương. Thời gian đầu, việc đặt làm các siêu đất này khá khó khăn bởi thiếu bản mẫu và cũng vì trước đây chưa ai làm thế này bao giờ nên các lò gốm có phần e dè".
Dù tuổi đã cao nhưng chú Thành vẫn làm say mê với nghề rang, xay cà phê thủ công này. BẢO BẢO
Hiện tại, quán cà phê vợt Ba Lù bán một bộ siêu đất tí hon có kèm với một chiếc vợt với kích cỡ tương tự. Ngoài ra, để khách thưởng thức được ly cà phê vợt chuẩn vị tại nhà quán cũng có bán thêm cà phê được rang xay tại chỗ.
Vị cà phê ở đây khá nhẹ và có mùi thơm đặc trưng khiến nhiều bạn trẻ thích thú. NGUYỄN MINH TÂM
Theo chú Thành để theo được với cái nghề rang, xay cà phê thủ công này trước hết đòi hỏi người làm phải có một niềm yêu thích và sự kiên nhẫn cao bởi việc rang, xay cà phê mất nhiều công sức, sự tỉ mỉ trong từng khâu. Hiện nay tại quán, chú Thành và vợ của mình sẵn sàng nhận dạy miễn phí công việc này. "Chỉ mong sao có người chịu học, chịu được vất vả và có đam mê để gìn giữ cái nghề này", chú Thành tâm sự.
Cà phê vợt được pha từ siêu đất tí hon ở đây có giá 20.000 đồng/ly NGUYỄN MINH TÂM
Các món ăn này quen thuộc đến nỗi người Sài Gòn quên mất chúng đến từ Campuchia Xuất xứ từ Campuchia nhưng các món ăn này đã gắn với người dân Sài Gòn từ rất lâu rồi, thậm chí có món nổi tiếng đến độ bất cứ ai khi có dịp đến Sài Gòn cũng đều phải một lần thưởng thức! Hủ tiếu Nam Vang Vốn là món ăn quen thuộc, làm say lòng bao thực khách khi đến đất...