Sadio Mane: Đôi giày rách và người hùng Liverpool
Tuổi thơ nghèo khó, chơi bóng bằng đôi giày rách, Sadio Mane bằng nghị lực trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới, và là thủ lĩnh Liverpool.
Tuổi thơ nghèo khó
“Bố mẹ chưa bao giờ làm được điều mà họ muốn, là gửi tôi đến trường. Họ muốn tôi được học hành tử tế, nhưng không có tiền”, Sadio Mane tâm sự về bản thân.
Mane trải qua tuổi thơ nghèo khó, không đủ miếng ăn
Sinh ra trong gia đình đông con ở Bambila, miền Nam Senegal, Sadio Mane sớm được gửi đến chỗ người chú. Bởi vì, trong nhà không đủ miếng ăn cho tất cả.
“Mỗi ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, tôi gắn với con đường và miếng đất cằn cỗi, cùng một số bạn bè và chơi bóng”.
Mane có đam mê bóng đá mãnh liệt, sau khi thỉnh thoảng được xem nhờ tivi của hàng xóm.
Từ đam mê đến những trận bóng kéo dài như vô tận, trên những con đường đầy đá, hoặc những mảnh đất khô cằn và bụi bặm.
“ Premier League và không gì khác. Tất cả những gì tôi biết biết là Premier League được chiếu trên tivi. Tôi bắt đầu mơ ước được chơi bóng ở đó. Những đứa trẻ khác cũng vậy”, tuổi thơ của Mane cứ như vậy trôi qua, với những trận đấu trong làng, cùng trải nghiệm qua màn hình.
Giấc mơ bóng đá
Năm 2002 là sự kiện lịch sử của bóng đá Senegal. “Bầy sư tử Teranga” tiến một mạch đến tứ kết – nơi họ thua Thổ Nhĩ Kỳ (đội sau đó giành hạng Ba).
Video đang HOT
Mane sớm thể hiện giấc mơ bóng đá
Từ thành công ở châu Á (đồng chủ nhà Nhật Bản – Hàn Quốc), đội tuyển Senegal truyền cảm hứng cho người dân trong nước. Gần như khắp nơi tổ chức các giải đấu nghiệp dư nhưng đầy nghiêm túc. Ngôi làng của Senegal cũng không ngoại lệ.
Mane chơi bóng giỏi nhất làng. Mọi người đều công nhận điều đó. Nhưng cha mẹ anh không phải tín đồ của bóng đá. Họ là những người sùng đạo, và muốn gửi con vào nhà thờ.
Gia đình tin rằng, vào nhà thờ là lựa chọn tốt nhất cho con trai mình. Mane sẽ được chăm sóc tốt hơn, có cơ hội học hành, để sau này biết chữ ra đời kiếm sống.
Một cuộc đấu tranh của cậu bé Sadio Mane. “Trái tim và khối óc của tôi chỉ có bóng đá. Tôi cố gắng thuyết phục gia đình, nhất là chú. Tôi muốn rời làng để đến một nơi nào mà bản thân có thể thuận tiện chơi bóng”.
Tất nhiên, không ai trong gia đình chấp nhận. Cha mẹ không tin vào giấc mơ của Mane. Người chú cũng bảo, “điều đó là không thể. Chỉ đơn giản là giấc mơ không có thật của một đứa trẻ”.
Mane kiên nhẫn thuyết phục gia đình. Chú của anh thay đổi đầu tiên. Rồi đến cha mẹ. Trong thời gian này, hàng xóm cũng tác động không ít. “Họ nói với gia đình, tôi giỏi nhất làng, và có những cú sút tuyệt vời”. Những người hàng xóm tin tưởng Sadio có thể làm được điều gì đó, trên con đường bóng đá.
Generation Foot là nơi Mane học bóng đá bài bản
Gia đình bán một phần đất. Người chú thì bán sạch cây trồng trong trang trại nhỏ. Toàn bộ số tiền dành được đều đưa cho Mane một mình lên ngoại ô thủ đô Dakar. Một vài người hàng xóm thân thiết cũng góp tiền tặng Sadio.
Ngay khi đặt những bước chân đầu tiên đến thủ đô Dakar, Mane đã gặp những con người tốt bụng. “Tôi xin ở nhờ một gia đình, nói về giấc mơ và số tiền ít ỏi mang theo. Họ giúp đỡ về mọi mặt, vô điều kiện, để tôi tập trung chơi bóng”.
Sadio Mane không bao giờ quên khoảnh khắc anh bước chân đến học viện Generation Foot, vệ tinh của CLB Metz (Pháp) ở Senegal và châu Phi. “Buồn cười, nhưng là cảm giác tuyệt vời”, anh nhớ lại kỷ niệm của cuộc đời mình.
Từ đôi giày rách, Mane được đến châu Âu với điểm dừng chân Metz
“Cậu bé, cậu có chắc mình đến đây để thực hiện bài kiểm tra?”, Một HLV nhìn thấy Mane, và phản ứng như thể anh đến nhầm chỗ.
“Vâng, chắc chắn rồi”.
“Với đôi giày đó? Làm sao cậu chơi bóng được, với đôi giày không ra đôi giày ấy? Gần như không còn rách hơn được nữa. Này, bộ đồ nữa. Không ai nói với cậu, chiếc quần short này không phù hợp để chơi bóng à?”.
“Nhưng đây là toàn bộ những gì cháu có. Cháu chỉ muốn được chơi bóng, được chứng tỏ mình”.
Rất ngạc nhiên, vị HLV ấy cho phép Mane được thử sức. “Tuyệt vời! Tôi chọn cậu! Từ bây giờ, cậu là thành viên đội của tôi”, ông bị chinh phục hoàn toàn.
Người hùng Liverpool
Năm 2010, các tuyển trạch viên người Pháp sang Senegal làm việc. Rất tình cờ, họ nhìn thấy Mane. Kỹ năng cá nhân xuất sắc, nhưng tư duy chiến thuật còn chút hạn chế.
Mane là người hùng của Liverpool
Một quyết định bất ngờ được đưa ra. Mane sẽ sang châu Âu, đưa vào biên chế của Metz.
Sau nhiều tháng thực hiện các thủ tục cần thiết, năm 2011, Mane chính thức sang châu Âu. Khi ấy, anh 19 tuổi. Tháng 1/2012, Sadio chính thức được ra mắt bóng đá chuyên nghiệp.
Metz, Red Bull Salzburg, Southampton và Liverpool, sự nghiệp của Mane thăng tiến không ngừng. Anh làm việc miệt mài, với nghị lực phi thường, để cải thiện hạn chế chiến thuật vì phần lớn tuổi trẻ chơi bóng ở làng.
“Một chàng trai tuyệt vời”, Jurgen Klopp nói về Mane. “Tôi theo dõi cậu ấy từ Red Bull Salzburg, đến Southampton, nên quyết kéo về Liverpool. Ngay từ đầu, tôi cảm giác cậu ấy sẽ là cầu thủ lớn”.
Mane đã có 161 trận đấu và ghi 77 bàn cho Liverpool, cùng 34 pha kiến tạo quyết định. Ở Anfield, anh giành Champions League, Siêu Cúp châu Âu và Cúp thế giới các CLB.
Ở tuổi 28 (sinh nhật 10/4), đúng ra Mane đã có Premier League cùng Liverpool. Nhưng đại dịch Covid-19 khiến giấc mơ của anh và The Kop chưa thể thành hiện thực, khi bóng đá tạm ngưng.
Đại Phong
Sadio Mane 'ghi điểm' bằng nghĩa cử cao đẹp trong đại dịch Covid-19
Do giải Ngoại hạng Anh đang tạm nghỉ vì những lo ngại liên quan đến đại dịch virus corona (Covid-19).
Tiền đạo Sadio Mane của Liverpool đang không có cơ hội duy trì thói quen ghi bàn. Dù vậy, mới đây anh vẫn ghi điểm trong lòng người hâm mộ bằng hành động mang đầy tính nhân văn.
Theo tờ The Sun, Mane mới đây đã ủng hộ 41.000 bảng cho các hoạt động chống dịch virus corona ở Senegal là quê hương anh. Đây là khoản tiền đáng kể trong bối cảnh Senegal chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, quốc gia châu Phi này mới có 27 ca dương tính, chưa ai tử vong và đã có 2 người hoàn toàn bình phục.
Trở lại với Mane, tiền đạo 27 tuổi của Liverpool lâu nay vẫn nổi tiếng là người có lối sống giản dị. Tuy nhiên, anh lại rất hào phóng trong việc chi tiền cho những hoạt động từ thiện. Còn nhớ hồi đầu năm ngoái, cầu thủ vẫn dùng chiếc iPhone bị vỡ màn hình này đã ủng hộ 200.000 euro để xây trường học ở Senegal.
Khi mùa giải 2018/19 khép lại, thay vì tận hưởng kỳ nghỉ Hè ở những khu nghỉ dưỡng sang trọng, Mane lại bay về Senegal để kiểm tra tiến trình xây dựng trường học mà ở đó anh sắm vai trò "chủ chi". Trước đó, Mane cũng chung tay xây một bệnh viện ở quê nhà và nghĩa cử cao đẹp ấy giúp anh ghi được rất nhiều điểm trong lòng người hâm mộ.
Trong những chuyến hồi hương, Mane thường xuyên tặng áo đấu và tiền cho những em nhỏ địa phương. Với Mane, niềm vui của anh không phải đến từ việc hưởng thụ mà là được mang hạnh phúc tới cho người khác.
Theo Bongdaplus.vn
Mane lần đầu nhận giải cầu thủ châu Phi hay nhất năm Sau mùa giải thành công trong màu áo Liverpool, tiền đạo người Senegal có lần đầu nhận giải cầu thủ châu Phi hay nhất năm. Ở buổi lễ trao giải cho các đội tuyển, cầu thủ và HLV châu Phi năm 2019, Sadio Mane vượt qua Mohamed Salah và Riyad Mahrez để xuất sắc giành danh hiệu cầu thủ châu Phi hay nhất...