Sacombank, VietinBank, SHB, BIDV đồng loạt rao bán đất vàng thu nợ
Sacombank vừa rao bán, thanh lý khối bất động sản khủng trị giá gần 10.000 tỉ đồng của tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành. VietinBank, SHB, BIDV cũng rao bán nhiều tài sản, bất động sản để thu hồi nợ.
Sacombank rao bán khối bất động sản trị giá gần 10.000 tỉ đồng
Đáng chú ý, khối bất động sản mà Sacombank rao bán tập trung chủ yếu tại TP.Hồ Chí Minh với hơn 10 nhóm bất động sản.
Dự án Nhà ở cao tầng Khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 thuộc khu B Bình Trị Đông được Sacombank rao bán. Ảnh Sacombank
Trong đó, tài sản lớn nhất trong đợt bán lần này là dự án Nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 thuộc khu B Bình Trị Đông. Tổng giá bán đấu giá khởi điểm là 5.026 tỉ đồng. Dự án có diện tích hơn 534.000 m2
Khu công nghiệp Phong Phú với diện tích 134 ha là khoản bất động sản lớn thứ 2 rao bán của Sacombank. Trước đó, khu công nghiệp này từng được rao bán với với giá khởi điểm 7.600 tỉ đồng vào tháng 9.2018 sau đó giảm còn 6.650 tỉ tại lần rao bán thứ 2.
Khu đất tại huyện Bình Chánh cũng đang được rao bán với giá khởi điểm 931 tỉ đồng. Ảnh STB
Cũng trên địa bàn huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, Sacombank còn rao bán khu đất có diện tích 76.200m2 với giá 931 tỉ đồng.
Video đang HOT
Kế đến là quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù giải tỏa diện tích 20.803,2 m2 thuộc dự án dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí 2 tài sản tọa lạc trên trục đường Tạ Quang Bửu, cách nhau 300 m. Sacombank bán đấu giá tài sản với giá 711 tỉ đồng.
Tại Hà Nội, Sacombank bán đấu giá 8 khu đất, quyền sử dụng đất với tổng giá trị khởi điểm gần 19 tỉ đồng. Riêng tại khu vực huyện Thạch Thất, ngân hàng thanh lý 5 bất động sản với tổng giá trị gần 6 tỉ đồng. Hai bất động sản tại Hà Nội được đấu giá với mức khởi điểm cao nhất nằm tại quận Hoàng Mai có diện tích lần lượt 165,4m2 và 45m2 với giá khởi điểm là 9,8 tỉ đồng và 2,75 tỉ đồng.
VietinBank, BIDV, SHB mạnh tay xử lý tài sản đảm bảo
Không chỉ Sacombank, một số ngân hàng cũng có động thái quyết liệt xử lý nợ xấu. Riêng tháng 9, VietinBank công bố xử lý 6 tài sản thế chấp với 2 bất động sản giá trị lớn nhất theo giá bán là quyền sử dụng đất của bên ủy quyền tại thửa đất số 131, tại Vĩnh Phúc có giá khởi điểm 12 tỉ đồng. Thứ hai là căn hộ chung cư số A1705, diện tích 155,6m2, tòa A, chung cư 48 tầng Keangnam Vina có giá bán dự kiến hơn 6,2 tỉ đồng.
Một số tài sản khác được VietinBank thông báo bán, xử lý gồm nhà, đất, xe ôtô… có mức giá thanh lý dao động 50-650 triệu đồng.
SHB vừa thông báo thu hồi 15 tài sản bảo đảm để xử lý nợ, chủ yếu là bất động sản. Từ đầu năm, SHB đã có gần 60 thông báo thu giữ tài sản đảm bảo.
BIDV thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 7 đường số 1E KDC Trung Sơn, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Khu đất ở có diện tích 204 m2, nhà ở có tổng diện tích sử dụng 222 m2, diện tích xây dựng 108,8 m2. Giá khởi điểm của tài sản là 18,5 tỉ đồng.
Trước đó, ngân hàng này thông báo lựa chọn tổ chức để đấu giá bán khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Sài Gòn Phố Đông với tổng giá trị 85 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc là 31 tỉ đồng, dư nợ lãi và phí phạt 54 tỉ đồng. Giá bán khởi điểm là hơn 85 tỉ đồng.
Theo Mi Vân
Lao động
Ngân hàng trở lại cuộc đua huy động vốn dài hạn
Sau một thời kỳ im ắng, gần đây các ngân hàng lại tích cực phát hành giấy tờ có giá (GTCG) để tăng cường huy động nguồn vốn dài hạn trở lại, dù phải chấp nhận mức lãi suất phát hành cao hơn so với mặt bằng chung của lãi suất tiết kiệm.
Liệu các ngân hàng đang có những toan tính gì từ chính sách này?
Các ngân hàng lại tăng cường huy động vốn dài hạn. Ảnh minh họa.
Lại đua huy động vốn dài hạn
Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) ACB mới đây đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2019. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng, theo đó tổng mệnh giá phát hành tối đa 5.500 tỷ đồng, tương đương 5.500 trái phiếu.
Kỳ hạn trái phiếu là 2 - 3 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp của ACB. Lượng trái phiếu trên sẽ được ACB phát hành trong 5 đợt theo phương thức đại lý phát hành. Trước đó trong tháng 4, HĐQT ACB cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 trong năm tài chính 2019 với tổng mệnh giá phát hành 2.500 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Vietinbank hôm 22/5 cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2019. Lãi suất trái phiếu sẽ do VietinBank quyết định phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động của ngân hàng. Đối tượng mua trái phiếu gồm các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Không chỉ đẩy mạnh phát hành trái phiếu, các ngân hàng còn tích cực phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) dài hạn trong thời gian gần đây. Hồi đầu tháng này, ngân hàng TMCP Việt Á thông báo phát hành CCTG ghi danh với mức lãi suất cao kỷ lục. Theo đó, khách hàng cá nhân mua CCTG tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng sẽ được lãi suất hằng tháng 8,38%/năm, trong khi lĩnh lãi cuối kỳ lên tới 9,1%/năm.
Sacombank cũng đang phát hành CCTG trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Theo đó, khách hàng mua CCTG dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) sẽ được nhận mức lãi suất 8,6%/năm.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng tham gia cuộc chơi khi phát hành CCTG với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng có mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm. Trước đó, các ngân hàng BIDV, SHB, MSB... cũng đã phát hành CCTG dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để huy động vốn trung dài hạn từ thị trường, với mức lãi suất cao nhất có thể lên tới 8,9%/năm.
Vì đâu?
Với tăng trưởng huy động vốn đang chậm hơn so với tín dụng, việc tích cực huy động vốn dài hạn được xem là giải pháp để đảm bảo đủ nguồn vốn phát triển kinh doanh. Như tại ACB, tăng trưởng cho vay khách hàng trong 3 tháng đầu năm nay lên đến 3%, trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 1,9%. Chẳng những vậy, giá trị trái phiếu do ngân hàng mẹ và các công ty con ACB phát hành tính đến cuối tháng 3 còn hơn 7.961 tỷ đồng, giảm gần 330 tỷ so với cuối 2018.
Theo lãnh đạo ACB cho biết số vốn huy động được từ đợt phát hành lần này cũng nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng phục vụ nhu cầu cấp tín dụng trung dài hạn. Đây cũng là thách thức chung của nhiều ngân hàng hiện nay, khi nguồn vốn huy động trung dài hạn không đủ để cho vay với kỳ hạn tương ứng, trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm từ 45% về 40% từ đầu năm nay và sắp tớ khả năng sẽ giảm về còn 30% theo dự thảo thông tư mới của NHNN, khiến chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn ngày càng mở rộng.
Ngoài ra, với những giấy tờ có giá có kỳ hạn phát hành trên 5 năm sẽ được tính vào vốn tự có cấp 2 của các ngân hàng, từ đó giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) khi mà thông tư 41 có hiệu lực vào đầu năm 2020 sẽ quy định cách tính hệ số CAR mới chặt chẽ hơn và tiếp cận theo chuẩn Basel II.
Như tại Vietinbank, với tình trạng vốn điều lệ đã không tăng được trong suốt 5 năm qua, khiến hệ số CAR ngày càng suy giảm và rớt về gần ngưỡng quy định tối thiểu 9%, khiến ngân hàng bị hạn chế đẩy mạnh phát triển dư nợ và đầu tư. Theo lãnh đạo của ngân hàng này, trong trường hợp không tăng thêm được vốn tự có, ngân hàng buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp với thực trạng. Trước đó trong quý 4/2018, Vietinbank đã buộc phải điều chỉnh giảm dư nợ để đáp ứng hệ số CAR theo quy định.
Thời gian qua, ngân hàng này cũng liên tiếp phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để giúp tăng vốn tự có. Cụ thể, báo cáo tài chính quý 1/2019 cho thấy nợ phải trả của VietinBank có 32.165 tỉ đồng đến từ trái phiếu. Trong đó, lượng trái phiếu vô danh do VietinBank phát hành kỳ hạn từ 12 tháng đến 5 năm có tổng mệnh giá 166 tỉ đồng; trái phiếu hữu danh loại kỳ hạn từ 12 tháng đến 5 năm có mệnh giá 5.650 tỉ đồng và loại kỳ hạn trên 5 năm lên đến 26.515 tỉ đồng.
Cuối cùng, với áp lực lạm phát đang gia tăng thời gian qua sau hàng loạt động thái điều chỉnh giá xăng và giá điện, mặt bẳng lãi suất trong tương lai có thể duy trì xu hướng đi lên. Do đó việc gia tăng huy động vốn trung dài hạn ngay lúc này có thể là một chiến lược phù hợp, theo đó khi lãi suất có xu hướng đi lên nhưng với các ngân hàng đã huy động được một lượng lớn vốn kỳ hạn dài theo mặt bằng lãi suất hiện nay sẽ được lợi rất lớn.
Ngoài ra, tuy lãi suất CCTG được các ngân hàng đưa ra luôn hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm thông thường từ 1-2%, nhưng với việc lãi suất cho vay tài trợ dự án đối với khách hàng doanh nghiệp hoặc cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân lên tới 11-13%/ năm, thì các ngân hàng vẫn có lợi nên cũng sẵn sàng huy động vốn qua kênh CCTG từ thị trường với mức lãi suất cao hơn mặt bằng chung.
Theo thegioitiepthi.vn
Lợi nhuận từ dịch vụ ngân hàng: Những xáo trộn đáng chú ý Năm 2018, các ngân hàng thương mại tiếp tục "bội thu" từ hoạt động dịch vụ. Thống kê 14 ngân hàng niêm yết có tổng tài sản trên 100.000 tỷ (gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank, MB, Sacombank, ACB, HDBank, SHB, Eximbank, VIB, LienVietPostBank và TPBank) cho thấy, tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lên đến 24.600 tỷ đồng, tăng 21%...