Sắc màu trong thành Wakayama và khu vườn Momijidani Teien, Nhật Bản
Vào mùa thu, ghé thăm Wakayama, Nhật Bản bạn sẽ được chiêm ngưỡng những mảng màu sắc rực rỡ của cây lá…
Nằm trong thành phố Wakayama, Nhật Bản, thành Wakayama được xây dựng lần đầu tiên theo lệnh của lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi vào năm 1585 trên núi Torafusuyama. Đến thời đại Meiji, thành bị phá hủy một phần và trở thành công viên Wakayama mở cửa cho công chúng. Tiếp theo đó, thành Wakayama bị thiêu cháy trong chiến tranh thế giới lần 2 nhưng sau chiến tranh được phục hồi lại và có được hình dạng như ngày nay. Đến nay, đây là địa điểm thường xuyên của người dân Wakayama đến vui chơi và dạo bộ.
Tòa thành màu trắng nổi bật giữa màu vàng của lá phong khi mùa thu về, nếu leo lên tháp canh nhìn xuống, du khách có thể thấy được toàn cảnh khu thành cùng dòng chảy hiền hòa của con sông Kinokawa và cả thành phố Wakayama.
Hàng năm, ngày nghỉ định kì của thành Wakayama từ ngày 29 đến 31/12. Từ ngày 20/7 đến 31/8, sẽ tổ chức sự kiện “Wakayama-jo noryo nighter” nên thời gian tham quan tháp canh sẽ kéo dài đến 20:00. Thời gian vào tham quan muộn nhất 19:30.
Nằm ẩn mình trong thành Wakayama, Nhật Bản, khu vườn Momijidani Teien được khách biết đến bởi màu sắc rực đỏ mỗi mùa thu về.
Trước khi du khách bước vào, một cánh cổng mộc mạc sẽ xuất hiện và một không gian yên tĩnh mở ra, một khu vườn quyến rũ nhưng hùng vĩ. Với tầng tầng lớp lớp là những tán lá ngả vàng khi sang thu tựa như một thung lũng cổ tích sắc màu. Vào đây, du khách như lạc vào trong một khu rừng, nơi có những hàng cây cổ thụ rợp bóng cùng tiếng gió rì rào chiều thu.
Được xây dựng đầu thời kỳ Edo bởi Tokugawa Yorinobu Kishu, Momijidani Teien mang đậm chất một khu vườn truyền thống Nhật Bản: có đá, có cây và ở đây cũng có hồ nước nhỏ được lấy từ một con suối bắt nguồn từ chân núi cùng lối đi bằng đá xung quanh. Một cây phong đầy màu sắc được phản chiếu trên mặt hồ, tô màu cho phòng trà nhỏ Koshoan. Chỉ với 460 yên là có thể thưởng thức bánh Nhật và trà xanh tại Koshoan, du khách có thể dừng chân tại đây, dùng trà và thả mình vào khung cảnh thơ mộng của khu vườn Momijidani Teien.
Video đang HOT
Đối diện Koshoan là một cây cầu hành lang Ohashiroka nối giữa quảng trường Nishinomaru và Ninomaru. Cây cầu được thiết kế gồm cả tường và mái nhà sao cho từ bên ngoài không thể nhìn thấy được, cấu trúc giống như là hành lang trong phòng nhằm mục đích bí mật trong chiến tranh. Nằm nghiêng một góc 11 độ, sàn cầu được thiết kế đặc biệt có chức năng chống trượt, đây là một thiết kế vô cùng lạ có một không hai. Sau khi bị chiến tranh tàn phá, cây cầu đã được khôi phục lại từ năm 2003 đến 2006 và giờ mở cửa cho du khách đến tham quan.
Tham quan vườn Momijidani Teien mà vẫn còn thời gian, du khách có thể di chuyển qua phía Nam tháp canh của thành Wakayama để ngắm sở thú – nơi những chú động vật tinh nghịch chạy nhảnh, nơi đây hoàn toàn miễn phí cho du khách. Sở thú được chia thành “Dowa-en” – nơi tập trung các động vật có vú, thân thiết với trẻ con, và “Suikin-en” với những loài chim sống dọc bờ sông. Đây cũng là sở thú được người dân trong vùng yêu thích bởi những chú động vật dễ thương và phong cảnh in sâu đậm lòng người.
Để di chuyển đến đây, du khách có thể đi xe điện, xe bus hoặc ô tô đến thành Wakayama. Nếu đi xe điện thì dùng Nankai Electric Railway, dừng ở ga “Wakayamashi”. Nếu đi bus thì dùng Wakayama bus, dừng tại trạm “Koenmae”. Nếu đi ô tô thì dùng Hanwa expressway, rẽ ra ở “WakayamaIC”, đi vào quốc lộ 24, qua Sannesaka-dori khoảng 15 phút. Có nhiều bãi giữ xe sẽ mất phí ở thành Wakayama. Gần nhất là bãi đỗ xe ở Wakayama koen, hoạt động 24 giờ nhưng vào mùa du lịch thì rất đông.
Nhật Lâm
Theo vnmedia.vn
Đà Lạt xôn xao mùa Dã Quỳ
Khi những cơn mưa Đà Lạt yếu ớt và thưa dần, là lúc Dã quỳ bung nở vàng rực thành phố. Mọi nẻo đường đến Đà Lạt, bạt ngàn Dã quỳ đua nở, đẹp đến nao lòng. Có người bảo, Dã quỳ là hoa báo nắng, là biểu tượng của tình yêu bất diệt.
Truyền thuyết kể rằng: "Xưa kia, trên cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt ngày nay), có hai bộ tộc kình địch, cấm trai gái yêu và lấy nhau, ai vi phạm sẽ bị xử trảm. Năm ấy, chàng Lang (con trai Tù trưởng Lạch) khôi ngô, tài giỏi, yêu say đắm nàng Biang (con gái Tù trưởng Chil) xinh đẹp, hiền thục và nguyện thề mãi mãi bên nhau. Khi bại lộ, cả hai chấp nhận cái chết, để phản đối hủ tục và giữ trọn lời thề.
Đêm ấy, Yàng (trời) báo mộng cho hai Tù trưởng, vì hằn thù đã giết chết đôi trai tài, gái sắc nhất vùng, hãy xóa bỏ lời nguyền. Hôm sau, hai Tù trưởng triệu tập dân làng "cắt máu ăn thề", kết tình huynh đệ, làm lễ mai táng đôi trẻ trên núi Bà (núi Lang Biang ngày nay) và cho trai gái hai bộ tộc tự do kết hôn.
Mùa khô năm sau, bên hai ngôi mộ ấy, mọc lên một loài cây hoang dại, nở hoa vàng rực núi rừng. Người đời xót thương, đặt tên loài hoa ấy là Dã quỳ. Đã có kẻ nhẫn tâm (vì ghen, không yêu được Biang) chặt bỏ hết Dã quỳ, quăng đi thật xa. Nhưng kỳ lạ thay, Dã quỳ vẫn sống mãnh liệt, lan tỏa khắp núi rừng Tây Nguyên".
Truyền thuyết ấy, thực hư thế nào chưa rõ, nhưng với tôi, Dã quỳ luôn "hút hồn" mỗi độ mùa hoa nở. Mấy ngày nay, tôi dậy thật sớm đi săn ảnh Dã quỳ. Khắp phố phường từ nội ô đến ngoại ô, bên những ngôi biệt thự cổ trầm mặc, những triền đồi, cho đến Ga Đà Lạt, Hồ Tuyền Lâm, Sân bay Cam Ly, hay những con dốc, nẻo đường, bạn sẽ bắt gặp bạt ngàn Dã quỹ lung linh trong nắng.
Dã quỳ là loài hoa mọc dại khắp Tây Nguyên và một số tỉnh thành phía Bắc. Tuy nhiên, người ta thường nhắc đến "mùa Dã quỳ Đà Lạt" nhiều hơn cả. Có lẽ bởi nơi đây, Dã quỳ gắn liền với những điểm du lịch nổi tiếng, truyền thuyết về một tình yêu đôi lứa và hiện hữu ngay cả trong thành phố. Và cũng có lẽ bởi chỉ ở đây mới có thể cảm nhận được một màu vàng trải dài khắp các con đường...
Tôi thường được "Mỹ nhân phù trợ" khi đi săn ảnh. Sáng nay, đang lúi húi chụp ảnh trong Khu nghỉ dưỡng Đường sắt, chiếc taxi chở những cô gái váy đầm xúng xính, đỗ ngay sau lưng. Những cô gái ùa xuống, thi nhau tạo dáng, chụp ảnh với Dã quỳ. Không bỏ lỡ, tôi say sưa "sáng tác" và tự đặt cho những bức ảnh đó cái tên "Nữ sinh trên phố Dã quỳ". Hỏi chuyện mới biết, các cô gái là sinh viên từ TP. Hồ Chí Minh lên Đà Lạt du lịch bởi vì quá say đắm Dã quỳ như tôi...
Từ Thái Phiên về Trại Mát, bên những hàng Dã quỳ, tôi bắt gặp nhiều cô dâu chú rể chụp ảnh cưới, phó nháy, "dân phượt" từ khắp mọi miền Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ... mê mải sáng tác. Bên những thảm Dã quỳ vàng rực con đường, nhiều du khách dừng lại bên đường, dùng điện thoại "tự sướng" để ghi lại khoảnh khắc bình yên. Thế mới biết, Dã quỳ Đà Lạt mê hoặc lòng người ghê gớm thật.
Hôm nay, như chiều lòng người, Đà Lạt nắng thật đẹp. Tôi sực nhớ mấy vần thơ của Lê Nguyên, viết về Dã quỳ:"Tự vỡ tim mình rắc phấn hương/ Loài hoa hoang dại mọc bên đường/ Trong vườn cổ tích thêm huyền thoại/ Gởi nắng xuân về lóng lánh sương". Như biển nắng vàng tươi rói, Dã quỳ sưởi ấm, điểm tô cho nhan sắc Đà Lạt, báo hiệu những tháng mưa dầm dề chấm dứt.
Với dân nhiếp ảnh, trời xanh - mây trắng - nắng vàng, phố phường, cảnh vật rực rỡ, Dã quỳ vàng óng lung linh... không vác máy đi chụp mới lạ.
Như một lời hẹn, cứ đầu tháng 11 dương lịch, du khách, những người yêu ảnh từ thập phương đổ về thưởng lãm, chụp ảnh hay đơn giản chỉ để ngắm nhìn và đắm chìm trong màu vàng của Dã quỳ - một sắc vàng hoang dại, khó phai.
Những bông hoa Dã quỳ nhỏ, có hình dáng gần giống hoa hướng dương, mọc thành bụi, mỗi cây khoảng chục bông. Mỗi mùa hoa đến, những cánh Dã quỳ nở đồng loạt, tạo nên những thảm vàng rực một góc trời và phải đến hai tháng sau mới phai tàn.
Có ai đã từng nói, sắc vàng Dã quỳ như hạt nắng vàng lung linh, sưởi ấm cao nguyên Đà Lạt quanh năm lạnh giá để rồi níu giữ chân người đến... Tôi thường thích ngắm nhìn và chụp ảnh Dã quỳ khi sáng sớm hay chiều tà. Bởi mỗi sáng mai, những hạt sương còn đọng trên cánh hoa mong manh, rung rinh trước gió, đến chiều tà, những tia nắng lại "xuyên khe", nhảy múa trên bông Dã quỳ. Một cảnh sắc thật đẹp, bình yên, huyền ảo đến quyến rũ người nhìn.
Nếu có dịp đến Đà Lạt mùa Dã quỳ, hãy lựa cho mình một chiếc xe máy để có thể len lỏi vào khắp chốn, hòa mình cùng Dã quỳ khoe sắc. Và đừng quên "google map" năm cung đường trải vàng Dã quỳ đẹp nhất là: Đà Lạt-Cầu Đất-Đơn Dương; Đà Lạt-Núi Voi-Đức Trọng; Đà Lạt- Suối Vàng-Lạc Dương; Đà Lạt-Thác Voi-Lâm Hà; Đà Lạt-Đạ Sar-Long Lanh.
Sáng sớm, từ 5-7h và buổi chiều, từ 16-17h là thời điểm lý tưởng để có những bức hình đẹp với Dã quỳ. Đà Lạt lạnh, nhớ mặc đủ ấm, nếu đi xa, hãy trở về thành phố trước khi trời tối, bởi sương mù sẽ khiến bạn di chuyển vất vả hơn.
Đà Lạt lạnh, nhưng lòng người ấm áp và lãng mạn. Vì yêu Dã quỳ mà từ logo Lễ hội Hoa, Nhà ga sân bay Liên Khương, Nhà hát quảng trường Lâm Viên đều hiện hữu những hình hoa Dã quỳ đang khoe sắc.
Có người đã đề xuất, nên tổ chức "Lễ hội hoa Dã quỳ Đà Lạt", tương tự "Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản". Cùng với muôn loài hoa khác, hoa Dã quỳ đã góp phần làm nên thương hiệu "Đà Lạt - Thành phố Lễ hội Hoa Việt Nam".
Theo baoquocte.vn
Hồ Tà Đùng hút giới trẻ check-in ở Tây Nguyên Được mệnh danh là "vịnh Hạ Long của Tây Nguyên", hồ Tà Đùng mang vẻ đẹp hùng vĩ với nhiều điểm "sống ảo" chất lừ hút giới trẻ ghé thăm. Ảnh: Emhupnhung, tranvo.meomeo. Tà Đùng là khu bảo tồn có diện tích 22.103 ha, thuộc xã Đắc P'lao và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong tỉnh Đắc Nông, cách thị xã Gia Nghĩa...